NHÂN ĐỨC BỀN CHÍ THEO THÁNH TÔMA AQUINÔ

NHÂN ĐỨC BỀN CHÍ

(4 Tiết)

TỔNG LUẬN THẦN HỌC của Thomas Aquino

Quyển II, Phần 2, Tập 5: Nhân đức xã hội và đức can đảm. Câu 109-140

Giờ đây chúng ta nghiên cứu về Nhân đức bền chí và các tật xấu đối lập (Q.138).

1. Đức bền chí là một nhân đức?

2. Nó là phần của nhân đức sức mạnh không?

3. Nó có tương quan nào với nhân đức bền bỉ?

4. Nó cần đến sự trợ giúp của ơn Thiên Chúa không?

—————————————————————————–

Tiết 1

ĐỨC BỀN CHÍ LÀ MỘT NHÂN ĐỨC?

VẤN NẠN: Xem ra không phải như vậy.

1. Theo Triết gia (Eth. 7,7), sự tiết dục quan trọng hơn sự bền chí. Mà sự tiết dục không phải là một nhân đức như Triết gia xác định (Eth. 4,9). Vậy sự bền chí cũng không phải là nhân đức.

2. Nhân đức là cái gì làm cho người ta sống cách ngay thẳng như thánh Augustinô minh chứng (De Lib. Arb. 2,19). Mà chính thánh nhân cũng nói người ta không thể gọi người nào là bền chí, bao lâu họ sống và trừ phi họ bền vững đến chết.

3. Việc bền vững trong công việc nhân đức là điều phải có đối với mọi nhân đức như Triết gia xác định (Eth. 2,4); mà điều đó lệ thuộc vào chức phận của sự bền chí, bởi vì Cicéron định nghĩa sự bền chí (Rhet. 2,54): “Tồn tại bền vững và bền bỉ vì một lý do được cứu xét kỹ lưỡng”. Vậy sự bền chí không phải là một nhân đức đặc biệt, nhưng là một điều kiện cho mọi nhân đức.

TRÁI LẠI: Andronicô khẳng định (De Affect.): “Nhân đức bền chí là tập quán liên hệ với các sự vật mà người ta phải bám dính vào đó hoặc không bám dính vào đó, và những sự vật trung lập.” Mà một tập quán sắp đặt chúng ta để hoàn thành tốt một cái gì hoặc để bỏ qua cái đó, là một nhân đức. Vậy sự bền chí là một nhân đức.

TRẢ LỜI: Theo Triết gia (Eth. 2,3), nhân đức liên hệ với điều khó khăn là điều tốt. Do đó, khi xuất hiện một yếu tính đặc biệt về thiện tính hoặc về sự khó khăn, thì có một nhân đức đặc biệt. Mà công việc của nhân đức có thể bao hàm thiện tính và sự khó khăn vì hai lý do. Một đàng, vì loại của chính hành động nắm lấy yếu tính của đối tượng riêng của nó. Đàng khác, vì thời gian kéo dài, bởi vì chính việc một mực giữ lâu dài một công việc khó khăn đem lại một sự khó khăn đặc biệt. Do đó, việc bám dính vào một sự tốt cho tới khi sự tốt này được hoàn thành lệ thuộc vào một sự khó khăn đặc biệt. Người ta biết rằng nhân đức tiết độ và nhân đức sức mạnh là những nhân đức đặc biệt, bởi vì nhân đức thứ nhất thống trị các sự vui thú của xúc giác, điều đó tại sự là điều khó khăn, và nhân đức thứ hai thống trị các sự sợ hãi và các sự táo bạo liên hệ với các sự nguy hiểm gây ra chết chóc, điều đó cũng khó khăn tại sự. Và cũng vậy, nhân đức bền chí là một nhân đức đặc biệt có chức phận trong công việc nhân đức này hoặc công việc nhân đức kia, là chịu đựng lâu dài nếu cần.

GIẢI ĐÁP:

1. Triết gia ở đây hiểu nhân đức bền chí theo ý nghĩa là người ta bền vững trong các hành động mà việc tồn tại tốt lành lâu dài là điều rất khó khăn. Mà việc chịu đựng lâu dài các biến cố may mắn không phải là điều khó khăn, nhưng là việc chịu đựng các sự xấu. Mà các sự xấu như các sự nguy hiểm gây ra chết chóc, nói một cách tổng quát, không phải là phải chịu đựng lâu dài bởi vì thường nhất, chúng nó qua đi mau. Như vậy không phải về vấn đề chúng nó mà người ta ca ngợi nhiều nhất nhân đức bền chí. Trong các sự xấu khác, các sự xấu chính đó là những sự xấu đối lập với các sự vui thú của xúc giác, bởi vì những sự xấu như thế được nhắm về các nhu yếu của đời sống, thí dụ, sự thiếu lương thực hay thiếu các nguồn lợi khác, những điều này đôi khi đòi hỏi người ta phải chịu đựng lâu dài, không phải là sự khó khăn đối với kẻ chịu đựng lâu dài về điều không làm cho họ buồn rầu nhiều, hoặc về những sự tốt đối lập mà họ không vui thú mấy: người ta thấy điều đó ở nơi con người có điều độ mà ở nơi họ, các đam mê này có ảnh hưởng mãnh liệt. Nhưng điều đó cực kỳ khó khăn đối với con người mà các đam mê này có ảnh hưởng mãnh liệt, bởi vì họ không có nhân đức hoàn hảo có thể biến đổi các đam mê này. Do đó, nếu người ta hiểu nhân đức bền chí theo thể cách này, nó không phải là nhân đức hoàn hảo, nhưng là một hữu thể không hoàn thành ở giống nhân đức.

Còn nếu chúng ta hiểu nhân đức bền chí theo ý nghĩa này là một cá nhân khăng khăng lâu dài theo đuổi một sự tốt khó khăn, điều đó cũng thích hợp cho kẻ chiếm hữu một nhân đức đã hoàn thành. Và nếu việc tồn tại tốt lành ít khó khăn hơn đối với họ, họ vẫn bền vững trong sự tốt hoàn hảo hơn. Như vậy, một sự bền chí như thế có thể là một nhân đức bởi vì sự hoàn hảo của nhân đức được chỉ định tùy theo yếu tính của thiện tính hơn là tùy theo yếu tính của sự khó khăn.

2. Đôi khi người ta cho cũng một cái tên cho nhân đức và cho hành động của nó. Chính như vậy mà đối với thánh Augustinô (Tr. in Joan, 79,14), đức tin đó là điều tin như không trông thấy. Tuy nhiên có thế xảy ra là một người nào có tập quán nhân đức mà không thi hành nhân đức này trong hành động; như vậy, một người nghèo khó có thể có tập quán của nhân đức đại lượng (đại độ) mà nó không sử dụng trong hành động. Còn đôi khi một người nào có một tập quán bắt đầu đưa ra hành động, nhưng không hoàn thành hành động này, thí dụ, nếu một người đốc công bắt đầu xây cất và không hoàn thành tòa nhà. Vậy, người ta phải kết luận rằng cái tên bền chí đôi khi được sử dụng biểu thị tập quán mà trong đó người ta lựa chọn tồn tại bền vững và đôi khi biểu thị hành động mà do đó người ta tồn tại bền vững. Và đôi khi kẻ chiếm hữu tập quán bền chí lựa chọn việc bền vững và bắt đầu thi hành bằng cách bền vững trong một thời gian; tuy nhiên, họ không hoàn thành hành động này bởi vì họ không bền vững đến cùng. Mà mục đích có hai thứ: mục đích của công việc, và mục đích của đời sống nhân loại. Một cách nguyên thường, điều riêng của nhân đức bền chí là người ta bền vững đến cùng công việc nhân đức; như vậy, một nguyên nhân bền vững đến cùng cuộc chiến đấu, và người đại độ bền vững đến công việc mình hoàn thành. Có những nhân đức mà các hành động của chúng phải tồn tại cả một đời sống, như đức tin, đức cậy và đức mến, bởi vì chúng nó liên hệ với cùng đích của cả đời sống nhân loại. Do đó mà, đối với các nhân đức chính hành động của nhân đức bền chí không hoàn thành trước khi đời sống chấm dứt. Chính theo ý nghĩa này mà thánh Augustinô nói tới nhân đức bền chí để biểu thị một hành động hoàn tất.

3. Một cái gì có thể thích hợp với nhân đức theo hai thể cách. Trước hết, vì ý hướng một cách đích xác liên hệ với mục đích. Như vậy, việc tồn tại bền vững trong sự tốt đến cùng lệ thuộc vào nhân đức bền chí, và nhân đức bền chí nhắm nó là mục đích loại thuộc. Hơn nữa, điều đó thích hợp với nhân đức do sự so sánh tập quán với chủ thể của nó. Và như vậy, việc tồn tại bền vững không thay đổi là đặc tính của mọi nhân đức, trong điều mà nhân đức là một phẩm chất khó mất đi như mọi tập quán.

Tiết 2

NHÂN ĐỨC BỀN CHÍ

LÀ PHẦN CỦA NHÂN ĐỨC SỨC MẠNH?

VẤN NẠN: Xem ra không phải như vậy.

1. Theo Triết gia (Eth. 7,7), nhân đức bền chí liên hệ với các sự buồn rầu lệ thuộc vào xúc giác. Mà điều đó quy về nhân đức tiết độ. Vậy nhân đức bền chí là phần của nhân đức tiết độ hơn là của nhân đức sức mạnh.

2. Mọi phần của một luân đức liên hệ với một số đam mê được nhân đức này thống trị. Mà nhân đức bền chí không bao hàm sự điều hòa được đem lại cho các đam mê, bởi vì các đam mê này càng mãnh liệt, kẻ bền vững theo trí năng càng đáng ca ngợi. Vậy xem ra nhân đức bền chí không phải là phần của luân đức nào, nhưng là phần của nhân đức trí thuật, là nhân đức kiện toàn trí năng.

3. Thánh Augustinô (De Persev. ch. 6,45) nói: không ai có thể mất nhân đức bền chí. Mà con người có thể mất các nhân đức khác. Vậy nhân đức bền chí vượt qua mọi nhân đức. Mà nhân đức chính thì mạnh hơn một phần của mình. Vậy nhân đức bền chí không phải là phần của nhân đức nào, nó một cách đúng hơn, là một nhân đức chính.

TRÁI LẠI: Cicéron (Rhet 2,54) coi nhân đức bền chí là một phần của nhân đức sức mạnh.

TRẢ LỜI: Như chúng ta đã nói ở trước (Q.123, a.11; I-II, Q.61, a.3 và 4), nhân đức chính là nhân đức mà một cách chủ yếu người ta chỉ về cho nó một cái gì thuộc về lời ca ngợi nhân đức, trong tư cách nó thực hiện điều này đối với chất thể riêng của mình; mà trong chất thể riêng này mà trong đó việc cứu xét rất khó khăn và rất tốt đẹp. Và do đó, chúng ta đã nói (Q.123, a.11), nhân đức sức mạnh là nhân đức chính bởi vì nó giữ gìn sự vững vàng trong các lãnh vực mà việc tồn tại tốt lành là điều rất khó khăn, là những sự nguy hiểm gây ra chết chóc. Do đó, mọi nhân đức mà công đức cốt tại nâng đỡ một cách chắc chắn cái gì khó khăn thì một cách tất yếu phải nối kết với nhân đức sức mạnh như nhân đức phụ thuộc với nhân đức chính. Việc nâng đỡ sự khó khăn phát xuất từ thời gian lâu dài của công việc tốt lành, đó là điều tạo nên công đức của nhân đức bền chí; và đó không phải là cũng khó khăn bằng việc đương đầu với các sự nguy hiểm gây ra chết chóc. Do đó, nhân đức bền chí nối kết với nhân đức sức mạnh như nhân đức phụ thuộc với nhân đức chính.

GIẢI ĐÁP:

1. Sự phụ thuộc thêm vào của một nhân đức phụ thuộc cho nhân đức chính, không những hệ tại chất thể, mà còn hệ tại thể cách, bởi vì trong mọi sự vật, mô thể vượt qua chất thể. Như vậy, mặc dầu nhân đức bền bỉ xem ra về phương diện chất thể, đồng quy về nhân đức tiết độ hơn về nhân đức sức mạnh. Tuy nhiên, đối với thể cách, nó đồng quy nhiều hơn về nhân đức sức mạnh, trong tư cách nó đảm bảo sự vững vàng chống các, sự khó khăn phát xuất từ thời gian kéo dài.

2. Nhân đức bền chí mà Triết gia đề cập đến không điều hòa các đam mê, nhưng chỉ cốt tại một sự vững vàng nào đó của trí năng và của ý chí. Mà nhân đức bền chí trong tư cách người ta trông thấy ở đó một nhân đức, thống trị một số đam mê: sự sợ hãi mỏi mệt và sự thất bại do kỳ gian lâu dài. Vậy nhân đức này ở trong nộ dục như nhân đức sức mạnh.

3. Thánh Augustinô ở đây nói tới nhân đức bền chí, không phải trong tư cách nó biểu thị một tập quán nhân đức, nhưng trong tư cách nó biểu thị hành động của nhân đức được tiếp tục đến cùng theo lời ghi chép: “Những kẻ nào kiên nhẫn đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu” (Mt 24,13). Do đó, việc mất đi nhân đức bền chí trái ngược với yếu tính của nó, bởi vì trong trường hợp này nó hẳn không tồn tại đến cùng.

Tiết 3

NHÂN ĐỨC BỀN CHÍ

TƯƠNG QUAN VỚI NHÂN ĐỨC BỀN BỈ THẾ NÀO?

VẤN NẠN: Xem ra không có tương quan nào cả.

1. Nhân đức bền bỉ quy về nhân đức nhẫn nại như người ta thấy ở trước (Q.136, a.5). Mà nhân đức nhẫn nại phân biệt với nhân đức bền chí. Vậy nhân đức bền bỉ không quy về nhân đức bền chí.

2. Nhân đức liên hệ với sự tốt khó khăn. Mà xem ra không có sự khó khăn trong việc tồn tại bền bỉ đối với trong các công việc nhỏ mọn như trong các công việc lớn lao lệ thuộc vào nhân đức đại lượng. Vậy nhân đức bền bỉ quy về nhân đức đại độ hơn là về nhân đức bền chí.

3. Nếu nhân đức bên bỉ quy về nhân đức bền chí, xem ra nó không khác biệt gì với nhân đức này, bởi vì cả hai chúng nó bao hàm một sự bất động nào đó. Tuy nhiên, chúng nó không phân biệt với nhau, bởi vì Macrobe (Un Somn. Scipion, 1,8) phân biệt nhân đức bền bỉ với nhân đức vững vàng, tức là nhân đức bền chí. Vậy nhân đức bền bỉ không quy về nhân đức bền chí.

TRÁI LẠI: Người ta nói kẻ nào bền bỉ bởi vì nó đứng vững với một cái gì: sự bền bỉ dịch bởi từ ngữ Lạ tinh constantia, và từ ngữ này được cấu thành bởi hai tiếng cum (với) và stare (đứng). Mà tồn tại bám dính như vậy quy về nhân đức bền chí y như đã được Andronicô (a.1) định nghĩa. Vậy nhân đức bền bỉ lệ thuộc vào nhân đức bền chí.

TRẢ LỜI: Nhất định nhân đức bền chí và nhân đức bền bỉ nối kết với nhau do mục đích của chúng nó, và mục đích của cả hai chúng nó là tồn tại vững vàng trong một sự tốt nào; nhưng chúng nó phân biệt nhau tùy theo các nguyên nhân làm cho sự tồn tại vững vàng này trở nên khó khăn. Bởi vì nhân đức bền chí có vai trò riêng là làm cho người ta tồn tại vững vàng trong sự tốt chống sự khó khăn phát xuất từ thời gian lâu dài của hành động; trong khi nhân đức bền bỉ làm cho người ta tồn tại vững vàng trong sự tốt chống sự khó khăn phát xuất từ các sự ngăn trở bên ngoài.

GIẢI ĐÁP:

1. Các sự ngăn trở bên ngoài này là những sự ngăn trở gây nên sự buồn rầu, và sự buồn rầu lệ thuộc vào nhân đức nhẫn nại như chúng ta đã nói ở trước (Q.136, a.1). Do đó, tùy theo mục đích, nhân đức bền bỉ nối kết với nhân đức bền chí, và tùy theo các sự khó khăn chúng nó gặp phải, nó nối kết với nhân đức nhẫn nại. Mà chính mục đích là cái quan trọng nhất, và do đó nhân đức bền bỉ quy về nhân đức bền chí nhiều hơn là quy về nhân đức nhẫn nại.

2. Việc tồn tại vững vàng trong các công việc to tát thì khó khăn hơn, nhưng trong các công việc nhỏ mọn và các công việc “trung bình có sự khó khăn, không phải vì sự to lớn của hành động được nhân đức đại độ nhắm, nhưng ít ra vì thời gian lâu dài của nó được nhân đức bền chí nhắm. Và do đó, nhân đức bền bỉ có thể quy về cả hai nhân đức này.

3. Sự thật là nhân đức bền bỉ quy về nhân đức bền chí vì điều chúng nó có chung với nhau; nhưng chúng nó không đồng nhất với nhau do các sự dị biệt chúng ta mới nói tới.

Tiết 4

NHÂN ĐỨC BỀN CHÍ

CẦN ĐẾN SỰ TRỢ GIÚP CỦA ƠN THIÊN CHÚA KHÔNG?

VẤN NẠN: Xem ra không cần như vậy.

1. Người ta nói nhân đức bền chí là một nhân đức mà theo Cicéron (Rhet. 2,53), nhân đức hành động theo thể cách bản thể. Khuynh hướng về nhân đức tự nó đã đủ để tạo nên nhân đức bền chí; vậy nhân đức bền chí không cần đến sự trợ giúp phát xuất từ ơn Thiên Chúa.

2. Ân huệ về ân sủng của Chúa Kitô lớn hơn sự thiệt hại đã do ông Adong gây nên như lời ghi chép (Rm 5,15). Nhưng trước khi phạm tội, con người đã được sáng tạo với tất cả cái gì cần thiết để họ tồn tại bền vững như thánh Augustinô xác định (De Persev. 1,45). Vậy con người được cải tạo do ân sủng Chúa Kitô còn có thể tồn tại bền vững hơn mà không nhờ đến sự trợ giúp của một ân sủng mới.

3. Các công việc của tội lỗi đôi khi khó khăn hơn các công việc của nhân đức. Do đó, sách Khôn ngoan (5,7) nói về những kẻ vô đạo: “Chúng ta đã đi những con đường khó khăn. Mà một số người tồn tại vững bền trong các công việc tội lỗi mà không cần đến sự trợ giúp của người khác. Vậy, ngay trong các công việc của nhân đức, người ta có thể tồn tại bền vững mà không cần đến sự trợ giúp của ân sủng.

TRÁI LẠI: Thánh Augustinô đã viết (De Persev. 1,45): Chúng ta xác định rằng nhân đức bền chí là ân huệ của Thiên Chúa, nó làm cho người ta tồn tại vững vàng trong Chúa Kitô cho đến cùng.

TR LỜI: Do những điều chúng ta đã trình bày ở trước (a.1, sol.2; a.2, sol.3), người ta trông thấy nhân đức bền chí hiểu theo hai ý nghĩa. Trước tiên, trong tư cách nó biểu thị tập quán của nhân đức bền chí; trong trường hợp này, đó là một nhân đức. Và do đó nó cần đến ân huệ của ơn công chính hóa, như các nhân đức phú nhập khác. Mà người ta còn có thể hiểu nó trong tư cách nó là hành động của nhân đức bền chí, và hành động này tồn tại cho tới khi con người chết. Và theo ý nghĩa này, nó không những cần đến ơn công chính hóa, mà còn cần đến ơn trợ giúp; nhưng không do đó Thiên Chúa gìn giữ con người trong sự tốt đến cùng đời sống, như chúng ta đã đề cập đến điều đó khi thảo luận về ân sủng (I-II, Q.109, a.10). Quả thế, tự do ý chí tại sự hay thay đổi, và khuyết điểm này không được cất mất đi mặc dầu được tái tạo do ân sủng, vẫn không có khả năng tự quyết định mình trong sự tốt một cách không thể thay đổi dầu mà nó có quyền thực hiện sự lựa chọn này; quả thế, năng xảy ra là sự lựa chọn ở trong quyền hạn của chúng ta, nhưng sự thi hành thì không.

GIẢI ĐÁP:

1. Nhân đức bền chí đối với cái gì lệ thuộc vào chính mình, có khuynh hướng tồn tại bền vững; mà bởi vì người ta sử dụng tập quán lúc nào người ta muốn, không do đó mà một cách tất yếu khi người ta có tập quán nhân đức, thì sử dụng nó một cách không thiếu sót cho đến chết.

2. Theo thánh Augustinô (De Corrept. et Gratia ch. 12,44), đều đã được ban cho người đàn ông thứ nhất, đó không phải là việc tồn tại bền đỗ, đó là có thể tồn tại bền đỗ do tự do ý chí của mình, bởi vì không có sự hư hỏng nào trong bản tính nhân loại làm cho sự bền chí trở nên khó khăn. Nhưng giờ đây, với những người được tiền định đều được ban cho họ ân sủng của Chúa Kitô, đó không chỉ là có thể tồn tại bền đỗ, nhưng là bền đỗ thực sự… Như vậy, người đàn ông đầu tiên đã không bị sự ngăm đe nào, đã sử dụng tự do ý chí mình để bất tuân Thiên Chúa, mặc dầu Thiên Chúa đã ngăn cấm. Và họ đã không gìn giữ mình trong một sự diễm phúc như thế, đang khi họ có thể dễ dàng không phạm tội. Trong khi các người tiền định mà thế gian tấn công sự vững vàng của họ, vẫn tồn tại vững vàng trong đức tin”.

3. Con người do tự mình, có thể sa ngã phạm tội, nhưng không thể chỗi dậy khỏi tội mà không có sự trợ giúp của ân sủng. Và do đó, bởi sự việc họ đã sa ngã phạm tội, họ làm hết sức mình để tồn tại vững bền trong tội, trừ phi có ơn Thiên Chúa cứu vãn họ. Vậy để cho được điều đó, họ cần đến sự trợ giúp của ơn Thiên Chúa.

——————————————————–

Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch

Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *