Những Nẻo Đường Tâm Linh: Linh Đạo Thánh Ignatius of Loyola (Dòng Tên)

Phêrô Lê Văn Hải, OP.

 

Theo sử sách ghi lại, từ thế kỷ XIV, thần học kinh viện bước vào thời kỳ ngưng trệ. Các nhà thần học chỉ lập lại những giáo thuyết của những người thuộc thế kỷ trước, quá mải miết và uổng phí thời giờ vào những cuộc tranh luận về hình thức, danh từ. Trường phái Tôma quá thiên về lý trí, trong khi trường phái Scot chủ trương ý chí là đỉnh điểm cho việc suy luận. Dĩ nhiên, những mâu thuẫn trên không tránh được những ảnh hưởng trong đời sống đức tin, có thể nói, do sự khô khan của khoa thần học bấy giờ, làm cho đời sống đạo sa sút rất nhiều.[1]Từ đó dấy lên những cuộc cải cách tôn giáo hầu có thể đáp ứng những khát mong duy trì niềm tin. Nói cách khác, trước tình trạng của Giáo hội sa sút như vậy, việc mong ước có một cuộc canh tân là điều tất yếu. Quả thật, những mâu thuẫn trên đã mở đầu cho những cuộc cải cách lớn về tôn giáo, trong đó phải kể đến việc đoạn giao của Luther với Giáo hội.

Trước biến động của dòng lịch sử, đâu đó vẫn tiềm ẩn những con người được coi là xuất chúng, vì nhờ họ mà lịch sử mở ra trang mới. Đúng lúc này, có sự đóng góp không nhỏ của những dạng tu mới, tu hội giáo sĩ. Nếu phải kể đến giai đoạn này, thì Dòng Tên do Thánh I-Nhã sáng lập đã đóng góp phần lợi khí rất lớn cho công cuộc canh tân Giáo hội. Chúng ta cùng trở lại với những trang sử kể về cuộc đời, linh đạo và dấu ấn của thánh I-Nhã.

I. TIỂU SỬ[2]

I-Nhã sinh tại Loyola (tỉnh Guipuzcoa) năm 149. Khi còn là thanh niên, anh đã lao mình vào việc tìm công danh bằng võ nghiệp. Năm 1521, anh tham gia trận chiến bảo vệ Pamplona chống quân Pháp và bị thương. Trong thời gian dưỡng bệnh, I-Nhã nhận được ơn hoán cải nhân đọc hạnh các thánh và từ đó cuộc đời anh chuyển qua một chiều hướng mới. Thay vì lập chức quyền danh lợi, I-Nhã quyết tâm dùng sức lực để tham dự cuộc chiến thiêng liêng dưới sự chỉ huy của Vua Kitô. Trên đường hành hương sang thánh địa, I-Nhã dừng chân tại đền Đức Mẹ cạnh đan viện Biển Đức tại Monserrat (gần Barcelona), để xưng tội chung và ôn lại cuộc đời. Kế đó, I-Nhã rút lui vào một nơi cô tịch ở Manresa (gần Barcelona) : lúc đầu I-Nhã dự tính ở lại vài ngày để tĩnh tâm, nhưng không ngờ thời gian kéo dài tới non một năm (cuối tháng 3 năm 1522 đến cuối tháng 2 năm 1523). Tại đây, I-Nhã nhận được nhiều ơn soi sáng đặc biệt, và ngài bắt đầu soạn cuốn sách Linh thao, ghi lại những cảm nghiệm của mình.

Tiếp tục chương trình đi thánh địa, I-Nhã lên đường đi qua Italia để đáp tàu về Venezia. Anh tính ở lại Venezia để truyền đạo cho người Hồi giáo, nhưng vì tình hình không thuận lợi, I-Nhã trở về Âu châu. Khi lên 33 tuổi, I-Nhã ghi danh đại học và suốt 11 năm trường (1524-1535), anh theo các lớp tại các trường nổi tiếng thời đó như : Barcelona, Alcala, Salamanca và sau cùng là Paris. Tại Paris, I-Nhã tụ họp 6 đồng bạn (Pedro Fabro, Francisco Javier, Diego Lainez, Alonso Salmeron, Simon Rodriguez, Nicolas Bobadilla) và ngày 15 tháng Tám, năm 1534, tại nguyện đường kính thánh Denis trên đồi Monmartre, họ tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh, hành hương thánh địa, và hiến trót cuộc đời để dấn thân phục vụ ơn cứu rỗi người đồng loại. Khi ấy, I-Nhã chưa có ý định lập dòng. Đầu năm 1537, sau khi ra trường, nhóm 10 người lên đường đi Venezia để sang thánh địa. Vì giao thông bất lợi, họ trở về Rôma và I-Nhã thụ phong linh mục vào dịp này. Trên đường tới giáo đô, I-Nhã nhận được một ơn soi sáng đặc biệt ở La Storta, với một cái nhìn rõ rệt hơn về tương lai của bản thân và của nhóm. Họ quyết định trở thành một dòng tu, và khấn vâng lời I-Nhã khi đó được chọn làm “bề trên”.

Dòng Chúa Giêsu được Đức Giáo Hoàng Phaolô III châu phê ngày 27/9/1540. Thánh I-Nhã trải qua 16 năm cuối đời tại Rôma, một mặt để củng cố dòng mới, với việc soạn thảo luật pháp, thiết lập cơ sở và cử các phái đoàn truyền giáo sang Ấn độ, Congo, Ethiopia, Brasil ; đồng thời Người cũng không bỏ qua các công tác mục vụ (giảng cấm phòng, huấn giáo) và bác ái xã hội. Năm 1541, cha I-Nhã được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng, và người đã dành trọn quãng đời còn lại để hết tâm mở mang Dòng và đào tạo anh em. Ngài ly trần ngày 31 tháng 7 năm 1556, lúc đó Dòng đã có 101 nhà với hơn 1200 tu sĩ. Cha được phong thánh năm 1622 cùng lúc với Phanxicô Xavier, một trong những đồng chí tiên khởi.

II. CÁC TÁC PHẨM

1. Những bài Linh Thao

Đúng ra thánh I-Nhã đã không viết một tác phẩm về thần học tu đức nào để phổ biến. Tập Linh Thao ban đầu chỉ là những ghi chú để giúp vị linh hướng hay người được hướng dẫn có một số những bài suy niệm đạo đức hầu lựa chọn ơn gọi cách thích hợp. Đây không phải là một quyển sách để đọc, nhưng là một lược đồ chỉ dẫn hành trình tâm linh. Theo như chính tác giả đã kể lại trong “tự thuật”, những nét sơ thảo đã được viết trong thời gian tại Manresa (1522-1523), nhưng còn được bổ túc thêm cho tới bản văn cuối cùng được Đức Thánh Cha Phaolô III phê chuẩn ngày 31/7/1548.

Tập Linh Thao bao gồm những bài suy niệm tuy vắn tắt và được soạn thảo dưới hình thức các lược đồ, nhưng đã tạo một ảnh hưởng rất lớn trong linh đạo Kitô giáo tới ngày nay. Bố cục của sách Linh Thao gồm bốn giai đoạn (tương đương với bốn tuần).[3]

a. Tuần mở đầu, nói về ý nghĩa và nền tảng của đời sống Kitô giáo. Thực tế là trình bày mục đích sau hết của đời người. Sau khi đặt nền tảng, sách dạy về cách xét mình riêng từng vấn đề và xét mình tổng quát, xưng tội, rước lễ và 5 bài suy niệm về sự tội và về hoả ngục.

b. Tuần thứ hai, suy niệm về Nước Chúa Kitô, về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế cho tới 30 tuổi. Ở đây có những bài suy niệm thời danh về hai cờ hiệu (hai mặt trận).

c. Tuần thứ ba, gồm các bài suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

d. Tuần thứ bốn, dành để suy niệm về các mầu nhiệm đời sống vinh quang của Chúa Cứu Thế. Trong tuần lễ này có bài suy ngắm thời danh về “chiêm niệm để đạt được tình yêu”.

Bên cạnh đó, phần phụ trương còn có những lời giáo huấn về ba cách thức cầu nguyện và năm quy tắc về đời sống cầu nguyện. Hai quy tắc để biện phân điều tốt điều xấu, một để phân phát cách thích hợp các của bố thí, một giúp tránh bối rối, nghi nan và sau cùng là 18 quy luật thời danh về “đồng cảm với Giáo Hội”.

Ngoài cuốn Linh Thao, thánh I-Nhã còn để lại những tác phẩm khác có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống linh đạo và tông đồ của Dòng :[4]

2. Thư tín

Bao gồm khoảng 7000 bản, được xuất bản thành 12 pho trong bộ sử Monumenta historica S.I. (1903-1911).

3. Hiến pháp dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên)

Có lẽ thánh I-Nhã đã có những ý tưởng chính từ khi xin Toà Thánh châu phê Dòng mới, nhưng người chính thức bắt tay soạn thảo từ năm 1547. Bản thảo đầu tiên hoàn thành năm 1550, được hoàn chỉnh với bản thảo thứ hai vào năm 1552 để cho Tổng hội thảo luận. Thánh nhân tiếp tục sửa đổi cho đến khi ly trần (1556), tới năm 1558 bản văn mới được Tổng hội chấp nhận.

4. Nhật ký thiêng liêng

Đây là những bản văn ghi lại các thị kiến và ơn lạ nhận được trong vòng một năm (2/2/1544 đến 27/2/1545) trong thời gian soạn hiến pháp.

5. Tự thuật

Bản văn ghi lại này được Thánh I-Nhã kể cho cha thư ký Goncalves da Camara, nhằm giải thích cách thức mà Thiên Chúa hướng dẫn trong việc lập Dòng, qua đó tác giả cho thấy sự tiến triển về đời sống tâm linh của mình (từ Pamplona năm 1521 đến Rôma năm 1538).

III. LINH ĐẠO

1. Chuyên chăm hoạt động tông đồ

Theo nhãn quan của thánh I-Nhã và các tu sĩ tiên khởi, Dòng Tên được thành lập trước hết và trên hết là để truyền bá đức tin. Phải chăng đây là lý do giải thích tại sao ước nguyện của thánh I-Nhã là được ở lại truyền bá đức tin cho người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại Đất Thánh. Thế nhưng theo sử liệu, thánh Phanxicô Xaviê mới là “Giêsu hữu” đầu tiên đi truyền bá đức tin cho dân ngoại, và đã nâng hoạt động truyền giáo không chỉ của Dòng Tên mà cả của Hội Thánh lên đến một đỉnh cao.[5] Nói như thế, không minh nhiên hiểu rằg ý hướng hoạt động tông đồ của Dòng Tên khởi đi từ đây, cho bằng có lẽ Dòng Tên đã tiệm tiến chọn con đường này như là cách thế diễn tả linh đạo của Dòng.

Thực vậy, trong ý hướng đó, thánh I-Nhã muốn nhấn mạnh đến hoạt động tông đồ như một hình thức phục vụ Chúa Kitô. Việc mau mắn quảng đại phục vụ Chúa Kitô được coi như dấu hiệu của tình yêu Người đã chiếm đoạt con tim.

Người tu sĩ Dòng Tên cần phải sẵn sàng đi tới bất cứ nơi nào trên thế giới khi mà sự phục vụ Chúa Kitô đòi hỏi, và khi có thể thực hiện cái gì tốt hơn. Mặt khác, công tác tông đồ không phải là hoạt động tư nhân nhưng là của Dòng, nghĩa là một đoàn thể của những người “thân hữu trong Chúa”. Dù sao, người tu sĩ Dòng Tên không chỉ là một chuyên gia hoạt động, tiên vàn họ còn là một nhà chiêm niệm và cố gắng thấm nhuần tinh thần đức tin vào hết mọi công việc làm. Linh đạo này được diễn tả qua vài châm ngôn : “Tìm gặp Chúa trong mọi sự” hoặc “Nhà chiêm niệm trong lúc hoạt động” (Contemplavius in actione). Hoạt động tông đồ được quan niệm như là cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại, góp phần vào việc bành trướng Nước Chúa, nhằm “tăng thêm vinh quang Chúa” (ad majorem Dei gloriam).[6]

Trong tác phẩm “Đôi nét lịch sử Dòng Tên”, khi tác giả trình bày về tiến trình khai sinh Dòng, yếu tố hoạt động tông đồ hầu như đã chi phối rất nhiều cho việc hình thành nên linh đạo của Dòng. Bởi lẽ, qua bao tranh luận, thậm chí cả ý kiến chống đối và ủng hộ đều tìm cách sao cho luật dòng không ảnh hưởng đến việc hoạt động tông đồ, vì đây là yếu tố chủ đạo làm nên tinh thần của Dòng. Chúng ta điểm lại ý nghĩa này qua một vài chứng cứ sau:

Thoạt tiên, ý hướng hoạt động tông đồ của Dòng đã được cha P. Arrupe đọc thấy nơi khuôn mặt của vị sáng lâp Dòng, cha viết:

“Những ngày tháng ở Maresa, cùng với hàng loạt những soi sáng ở Cardoner, tạo nên một bước ngoặc Copernic nơi thánh I-Nhã (cũng như việc khai sinh và đặc sủng Dòng về sau)… sự kiện mỗi khi cần xác định cụ thể anh em trong Dòng phải phục vụ tha nhân thế nào, thánh I-Nhã suốt đời nhắc đi nhắc lại “chuyện đã xảy ra cho tôi tại Manresa” là một lời khẳng định về liên hệ chặt chẽ giữa những soi sáng ngài nhận được ở đó – mang dấu ấn Ba Ngôi, như chúng ta đã thấy – với sự chuyển biến sang đời sống tông đồ qua những chủ đề trọng tâm của Linh Thao, và với bước chuyển từ việc tông đồ cá nhân ban đầu sang việc tông đồ được định chế hoá trong Dòng Tên.”[7]

Thứ đến, ý hướng hoạt động tông đồ của Dòng còn gắn liền với ý nghĩa “Dâng mình” cho Đức Thánh Cha, tức là tự đặt mình dưới quyền điều động của Đức Thánh Cha trong việc chọn lựa công việc tông đồ, để ngài cử đi đâu làm gì tuỳ ý, vì ngài là đại diện của Đức Kitô ở trần gian. Thánh I-Nhã gọi đây là “Nguồn gốc và nền tảng chính yếu” của Dòng Tên. Chân phước Phêrô Favre coi biến cố này “gần như là việc thành lập Dòng Tên”. Qua vị đại diện của Đức Kitô ở trần gian, thánh I-Nhã và các bạn sẽ:

Thấy rõ ý Chúa hơn;
tìm được nguồn phong phú tông đồ;
đáp lại những đòi hỏi của Hội Thánh phổ quát;
bỏ mình hoàn toàn để phục vụ Đức Kitô và giúp đỡ các linh hồn.
[8]

Chưa hết, lúc đầu, tinh thần sống tu trì của các anh em Dòng Tên trên danh nghĩa mới chỉ là một hội đoàn (tiếng Ý Compagnia), nên ngoài hai lời khấn thanh bần và khiết tịnh, nếu mỗi người lại thêm lời khấn thứ ba là tuân phục, thì hội đoàn này sẽ biến thành một dòng tu. Bởi lẽ, đây là vấn đề tranh cãi rất nhiều, mỗi bạn trong nhóm đã khấn khiết tịnh và thanh bần, nếu khấn tuân phục, mỗi người sẽ thành tu sĩ, và nhóm sẽ trở thành dòng tu. Hiện tại Hội Thánh không sẵn sàng công nhận một dòng tu mới ra đời, nên rất có thể nếu chúng ta khấn tuân phục, Đức Giáo Hoàng sẽ ghép chúng ta vào một dòng tu đã có sẵn. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ lỡ dịp và không thể làm việc tông đồ được, thế mà đây chính là mục đích duy nhất của chúng ta.

– Nếu trong nhóm có lời khấn tuân phục một người được đặt làm bề trên, sẽ có ít người muốn gia nhập để làm việc trong đồng lúa của Chúa. Hiện tại, mùa gặt rất lớn mà thợ gặt lại ít. Lời khấn tuân phục ràng buộc người tông đồ nhiều khiến những người muốn làm việc tông đồ thì không muốn đến với chúng ta nữa. Như thế cũng là thiệt hại cho chính mục tiêu tông đồ của nhóm.[9]

– Sau nhiều ngày bàn định, cân nhắc những lý do quan trọng nhất… cuối cùng tất cả 10 thành viên trong nhóm đã nhất trí kết luận : khấn tuân phục một người trong nhóm thì nên hơn và cần hơn. Ba lý do được nêu ra: có thể thực hiện tốt đẹp hơn và chính xác hơn ước nguyện đầu tiên của mỗi người và của cả nhóm là chu toàn ý Chúa trong mọi hành động. Nhóm được duy trì và bảo đảm hơn. Những vấn đề trong đời sống hàng ngày của mỗi người, cả về tinh thần cũng như công việc, được lo liệu đến nơi đến chốn hơn.[10]

Như vậy, những lý do chính khiến các ngài đi đến quyết định khấn tuân phục là : công tác tông đồ, liên lạc cá nhân giữa bề trên và từng anh em trong Dòng.[11]

Hơn nữa, việc chuyên chăm hoạt động tông đồ còn là đề tài học hỏi được ghi thành luật trong hiến pháp của Dòng : “Mục đích của Dòng và của việc học hành là để giúp đỡ tha nhân hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa cũng như cứu rỗi linh hồn mình, và phương tiện am hợp nhất để làm điều đó là ngành thần học, nên phải đặc biệt chăm lo đến ngành này trong các đại học của Dòng. Phải dùng nhiều giáo viên giỏi để giảng dạy chu đáo những gì liên hệ đến học thuyết kinh viện hay Kinh Thánh….”[12]

Sau cùng, ý hướng chủ đích hoạt động tông đồ còn được soạn thành lời nguyện trong sách lễ như là nét riêng của Dòng : “Thiên Chúa đã quy tụ thánh I-nhã và các bạn trong Dòng nhỏ bé này, được vinh dự mang tên Chúa Giêsu, để phục vụ Hội Thánh dưới cờ của Đức Kitô là Vua, và để thi hành sứ mạng khắp cùng mặt đất, theo lệnh vị Đại diện Đức Kitô, xin Người chúc lành cho tất cả anh em và toàn thể Dòng Tên.”[13]

Thật vậy, với lời khấn đặc biệt mỗi tu sĩ Dòng Tên sẽ là một chiến sĩ bên cạnh Đức Kitô. Và như vậy, họ cũng là một chiến sĩ bên cạnh người đại diện của Đức Kitô trên trần gian trong cuộc chiến giữa Đức Kitô và lực lượng ác thần. Theo tinh thần đó, mỗi tu sĩ Dòng Tên sẽ là một người hoàn toàn thuộc quyền Đức thánh Cha, phục vụ bất cứ Đức thánh Cha nào và tuân thủ bất cứ cách nào, bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào mà ngài cho là tốt nhất. Thêm vào đó, họ có thể là nhà giảng thuyết, triết gia, thần học gia, là giáo sư đại học, thầy giáo trung học, nhà ngôn ngữ học, toán học, hoá học, sinh học, là nhà văn, là nông dân, là nhà ngoại giao, là nghệ sĩ … thậm chí là những sĩ quan trong quân đội.[14]

Tuy nhiên, bên cạnh hình ảnh cổ truyền về linh đạo Dòng Tên (chi phối hầu hết các dòng hoạt động tông đồ được lập trong hai thế kỷ XIX-XX), những cuộc nghiên cứu lịch sử gần đây đã khám phá một khía cạnh khác của linh đạo thánh I-Nhã và của Dòng Tên vào lúc ban đầu, đó là chiều kích chiêm niệm trong hoạt động.

2. Chiêm niệm trong hoạt động

a. Hai điểm xuất hành

Thánh I-Nhã không chỉ là con người dấn thân chiến đấu để phục vụ Nước Chúa, nhưng người còn là một nhà chiêm niệm. Tại Manresa, người đã dành ra mỗi ngày bảy tiếng đồng hồ để cầu nguyện, và điều này vẫn còn tiếp tục trong thời gian sống tại Rôma. Hai bộ mặt của vị lập dòng cũng đã phát sinh ra hai khuynh hướng trong thế hệ các môn đệ tiên khởi. Một khuynh hướng cho rằng cuộc huấn luyện linh thao làm tăng cường lòng yêu mến Chúa Giêsu để trở nên chiến sĩ tông đồ. Một khuynh hướng khác cho rằng linh thao nhằm chuẩn bị linh hồn ngoan ngoãn cho Thánh Linh dẫn dắt tới sự kết hiệp thân mật với Chúa.

Vì khuynh hướng thứ nhất thắng thế, một vài người thuộc khuynh hướng thứ hai chuyển sang dòng Chartreux. Tuy vậy, vài phần tử vẫn bảo vệ lập trường của mình, chẳng hạn như : Baltasar Alvares (cha giải tội của thánh Têrêsa Avila), thánh Alfonso Rodriguez, Luis de la Puente (1554-1624) bên Tây ban nha, và sau này các cha Louis Lallemant (1587-1635), Jean Joseph Surin (1600-1665), Jean Pierre de Caussade bên Pháp (1675-1751). Trong số những bề trên tổng quyền tìm cách dung hoà hai khuynh hướng phải kể đến cha Claudio Acquaviva (lãnh đạo dòng từ năm 1581 đến 1615).[15]

b. Huấn luyện bản thân

Việc huấn luyện lý tưởng một Giêsu hữu theo thánh I-Nhã là có khả năng đáp ứng hữu hiệu những nhu cầu của Hội thánh. Cho nên, Dòng luôn phải nhận định để thấy phải làm việc nào hầu tôn vinh Thiên Chúa trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Ngay cả khi được trao sứ mạng, cá nhân hay cộng đoàn Dòng Tên cũng phải nhận định để biết phải làm thế nào nhờ đó Thiên Chúa được tôn vinh hơn.

Để có được những con người thánh thiện và khôn ngoan như thế, đòi hỏi sự cố gắng kiếm tìm chân lý và hiểu thấu nền tảng của những giáo thuyết. Nói theo ngôn ngữ của thánh I-Nhã, các linh mục Dòng Tên phải là những người có đức hạnh vững chắc và giáo thuyết vững chắc. Do đó, cần có thời gian huấn luyện lâu dài. Chẳng hạn :[16]

Kỳ tập: huấn luyện đời sống thiêng liêng và tinh thần Dòng bằng Linh Thao và các thực nghiệm khác như hành hương, phục vụ bệnh nhân… trong 2 năm.

Học viện: giúp người tông đồ tương lai có kiến thức cơ bản về đức tin và văn hoá cần thiết cho công việc của mình. Càng học hỏi sâu rộng, càng có khả năng giúp cho tha nhân hơn.

Sau khi học và thụ phong linh mục, còn phải làm năm nhà tập thứ ba, thường gọi là Năm Ba, trường huấn luyện tâm hồn, để hâm nóng và củng cố đời sống thiêng liêng trước khi dứt khoát dấn thân vào môi trường tông đồ.

Có người nói, mọi Giêsu hữu đều được đúc từ cùng một khuôn. Về cơ bản, Dòng có những đòi hỏi nhất định nơi mọi anh em. Tuy nhiên, mọi năng khiếu đều có thể được tôn trọng và được phát huy. Trong lịch sử Dòng, sự đa dạng này đã làm phong phú hoá tinh thần của mỗi Giêsu hữu : thánh Phanxixô Xavier đi truyền giáo, thánh Phêrô Kanijs đi giảng, dạy học và viết sách, thánh Phêrô Claver phục vụ người da đen, thánh Rôcô Gonzalez giúp người da đỏ xây dựng cuộc sống, cha Teilhard de Chardin làm nhà khoa học… có thể nói, không lãnh vực nào bị loại trừ, nhưng tất cả đều là “để tôn vinh Thiên Chúa”.

c. Nên con người mới[17]

Như lịch sử cho thấy, cho đến thời thánh I-Nhã, các nhà tu đức trong Hội Thánh phân biệt rạch ròi chiêm niệm với hoạt động. Một số người theo đường lối vừa chiêm niệm vừa hoạt động, coi như hai phần của đời sống. Thánh I-Nhã đưa ra hình ảnh thứ ba: chiêm niệm trong hoạt động. Hai yếu tố không tách rời nhau, nhưng như hai trang của cùng một tờ giấy.

Nhìn bên ngoài, chúng ta thấy các Giêsu hữu là những con người hoạt động tông đồ. Đó là ơn gọi của thánh I-Nhã và của Dòng Tên. Trọng tâm của Dòng không nằm ở trong Dòng, nhưng ở ngoài Dòng, ở mục đích tông đồ Dòng nhắm tới.

Tôn chỉ thánh I-Nhã đề ra cho Dòng là “Để tôn vinh Thiên Chúa hơn”, nên không bao giờ một cá nhân hay cả Dòng Tên được ngừng lại với những điều đã làm được. Điều nay khiến cho các Giêsu hữu dễ rơi vào khuynh hướng duy hoạt động : chạy theo công việc mà bỏ bê đời sống thiêng liêng và huynh đệ. Thực ra, một Giêsu hữu chỉ chính thức nhận công tác tông đồ sau khi đã được rèn luyện trong chiêm niệm. Dưới đây là một vài đề nghị để tuân giữ hầu dung hoà giữa chiêm niệm và hoạt động khởi đi từ thánh I-Nhã:

– Hằng ngày, phải suy ngắm, dâng lễ, xét mình.

– Hằng năm, phải bày tỏ lương tâm với bề trên để được hướng dẫn cụ thể.

Thật vậy, nhờ sống chiêm niệm mà người Giêsu hữu đạt tới lý tưởng của thánh I-Nhã là thấy Chúa trong mọi sự và thấy mọi sự trong Chúa. Nhận ra và thi hành thánh ý Chúa trong mọi sự : đó là gặp gỡ giữa chiêm niệm và hoạt động, là để Thiên Chúa đi vào lòng mình, nhờ đó mình làm việc của Chúa và trong chương trình cứu độ của Chúa.

IV. HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM[18]

1. Trên thế giới

Hiện nay, Dòng Tên có trên 20.000 anh em, hoạt động tại 112 quốc gia trên thế giới. Các việc tông đồ của Dòng Tên bao gồm nhiều lãnh vực như nghiên cứu thần học, giáo dục từ bậc tiểu đến bậc đại học, xuất bản sách báo, truyền thông đại chúng, mục vụ họ đạo, truyền giáo, hướng dẫn linh thao, nghiên cứu khoa học và các nền văn hoá, đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, phục vụ những người bị bỏ rơi, đặc biệt những người di dân và tị nạn. Tuy nhiên, với sự phục vụ đa dạng và đầy triển vọng của Dòng như thế, gần đây đại hội 34 (năm 1995) quyết định chú trọng vào bốn điểm:[19]

a. Phục vụ đức tin

b. Thăng tiến công bình

c. Hội nhập văn hoá

d. Đối thoại với các tôn giáo khác

Hơn nữa, cũng phải kể thêm, hiện Dòng có khoảng 20 trung tâm xã hội đang làm việc và tác động trên những thực tại xã hội, kinh tế và chính trị.

Tổ chức CERAS (Trung tâm nghiên cứu và hoạt động xã hội – Centre de Recherche et d’action Social) ở Paris, do linh mục Desbuquoi thành lập với danh nghĩa hoạt động đại chúng vào năm 1903, một cách nào đó, là ông tổ của những trung tâm xã hội trên thế giới. Từ ban đầu nó đã tìm cách thích nghi và thăng tiến huấn giáo về xã hội của Giáo hội theo đường hướng thông điệp của Đức Lêô XIII về những vấn đề xã hội trong thông điệp “Rerum Novarum” (1893). Năm 1972, tổ chức “Fomento Social” được thành lập ở Madrid trong cùng một tinh thần ấy, tương tự, tổ chức “Aggiornamenti Sociali” ở Milan năm 1944. Những tiền nhân này đã gợi hứng cho nhiều trung tâm trên thế giới.

Khi đối chiếu tập bản đồ địa lý Dòng năm1980, linh mục Debeune thu được những con số dưới đây, dĩ nhiên mức độ chính xác chỉ là “gần đúng”,[20] vì bốn hoạt động không hoàn toàn tách biệt. Việc “tông đồ trực tiếp” cũng gồm cả những hoạt động khác nữa.

Vùng Huấn Luyện học viên 3.347 Giáo Dục Đại Học Tra Cứu Tông đồ trực tiếp
Ý 168 150 68 896
Tây Ban Nha 291 1238 204 911
Pháp 114 155 56 1041
Anh 248 671 181 1372
Đức 476 248 21 867
Slave 322 7 387 741
Phi Châu 96 234 238 573
Ấn Độ 1183 615 1797 739
Đông Á 251 426 152 631
Bắc Mỹ 523 1186 73 1892
Bắc Mỹ Latinh 138 631 1007
Nam Mỹ Latinh 236 564 857
Tổng số 4046 6215 3177 11527

2. Trên quê hương Việt Nam

Các tu sĩ Dòng Tên nằm trong số những nhà truyền giáo tiên phong, đem Tin mừng đến trên mảnh đất Việt. Đây là một công cuộc truyền giáo có tổ chức quy mô, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Giáo hội Việt Nam. Năm 1615, Dòng Tên đến Việt Nam, thành lập cộng đồng tin hữu đầu tiên tại Hội An (Đàng Trong). Năm 1627, thành lập cộng đồng tín hữu tại Cửa Bạng, Thanh hoá (Đàng ngoài). Sau 50 năm hoạt động truyền giáo, số tín hữu đã lên đến 100.000 ngàn người, cùng với một đội ngũ thầy giảng, là cơ sở cho giai đoạn sau này.

Một khuôn mặt nổi bật trong giai đoạn này là cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Cha có công lớn trong việc truyền giáo và hình thành chữ quốc ngữ mà hiện nay chúng ta đang sử dụng. Năm 1957, Dòng Tên trở lại Việt Nam, phục vụ cho giới học sinh, sinh viên và huấn luyện chủng sinh ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. Hiện nay, Dòng lo việc huấn luyện đức tin cho các tín hữu qua việc giảng linh thao, coi sóc các họ đạo và chăm lo cho những người nghèo khổ, bệnh tật. Ngoài ra, Dòng còn tham gia vào công cuộc truyền giáo và suy tư thần học.

V- KẾT LUẬN

Có thể thấy, sự ra đời của linh đạo I-Nhã là tiếng nói trả lời cho những khát vọng qua những biến động bên ngoài cũng như bên trong Giáo hội kể từ thế kỷ XIV. Điều này, một cách nào đó nói lên đặc sủng riêng mà Chúa Thánh Thần không ngừng ban cho Giáo hội. Thánh I-Nhã như là cánh tay nối dài để làm cho Lời đã được mặc khải ngày một lớn lên trong cộng đoàn đức tin là Giáo hội Chúa. Với một linh đạo giữa bao linh đạo khác, thánh I-Nhã đã mở ra một con đường mới, hay nói khác đi, ngài vẽ một con đường trên cùng lối đến gặp Thiên Chúa. Tuy nhiên, phải nói chắc chắn một điều rằng, những cố công đó đã được ngài kín múc từ những tương giao thiết thân với Thiên Chúa và những nỗ lực của bản thân xét như là con người với những bất toàn. Đọc lại linh đạo của ngài, hầu hết mỗi người đều nhận chân nơi ngài những hy sinh và lòng yêu mến Lời Chúa một cách mãnh liệt. Nếu không có ơn Chúa và lòng yêu mến Giáo hội, ngài khó lòng đi trọn lộ trình đức tin của mình, và ngài cũng không thể là vị “tiền nhân” mà ngày nay biết bao người tìm đến để thụ giáo. Sau cùng, không có ơn Chúa và lòng yêu mến Giáo hội, nền linh đạo của theo thời gian sẽ bị mai một. Thực tế đã chứng minh. nhờ vào linh đạo này, nhiều người đã nên thánh.

Thật vậy, sau hơn 450 năm thành lập, Dòng Tên được vinh dự cống hiến cho Giáo hội 44 vị thánh và 139 chân phước, phần lớn là các vị tử đạo.[21]

– Có những nhà truyền giáo vĩ đại như Phan-xi-cô Xa-vi-ê, từ Ấn Độ đến Nhật Bản để rồi ly trần mà lòng vẫn hướng về Trung Quốc, nơi ngài ao ước được đặt chân.

– Có những vị thánh tiến sĩ như Phêrô Canisiô hay Robertô Bellarminô, người đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và canh tân Giáo hội thời khủng hoảng.

– Có những vị thánh trẻ như Stanislaô Kostka, Luy Gonzaga hay Gioan Berchmans đã quảng đại hiến mình cho Chúa, và qua đời khi còn đang ở tuổi đôi mươi.

– Có các vị thánh tử đạo: ba vị ở Nhật, tám vị ở Bắc Mỹ, mười vị ở Anh, ba vị ở Paraguay… và 131 chân phúc tử đạo ở khắp nơi.

– Có vị thánh gần bốn mươi năm làm nô lệ cho những người nô lệ da đen như Phêrô Claver.

– Có vị thánh như tu huynh Anphongsô Rodriguez, hơn bốn mươi năm làm người gác cổng cho một học viện, nhưng lại là một nhà chiêm niệm cao siêu.

Trên đây là khuôn mặt của một số anh em đã sống theo linh đạo của thánh I-Nhã, và đã đạt tới sự hoàn thiện của đời sống Kitô hữu. Hơn thế nữa, ngày hôm nay, tràn lan khắp 115 đất nước, những “anh hùng của Đức Giêsu” dù khác nhau cách mấy, họ vẫn có nét cơ bản chung là: AD MAJOREM DEI GLORIAM.

Những đóng góp của thánh I-Nhã không gì hơn là mở ra một con đường thiêng liêng đưa con người trở về với Thiên Chúa, hiệp nhất, nên một với Thiên Chúa trong một tình yêu bền vững.

Ngày hôm nay, những cố công đó đã được Giáo hội tiếp nối, bảo lưu và phổ biến khắp năm châu bốn bể. Có thể nói, những đóng góp đó, không chỉ có các đan viện, chủng viện hay các dòng tu vẽ tiếp, mà còn ngay cả những tín hữu sống giữa đời cũng cần làm mới luôn.


[1] Bùi đức Sinh, Lịch Sử Giáo hội, quyển II, Sài gòn 1994, tr. 9.

[2] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập II, Rôma 2002, tr. 270.

[3] Đoàn Thiệu, Lược Sử Linh Đạo Kitô Giáo, Sài Gòn 1996, tr. 174.

[4] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh tập II, Roma 2002, tr. 270.

[5] Hoàng Sóc Sơn, Đôi Nét Lịch Sử Dòng Tên, tập I- thời kỳ khai sinh, Hiển Linh 2002, tr. 113.

[6] Phan Tấn Thành, sđd, tr. 271.

[7] Cung cách hành xử của chúng ta, số 22, trong Sống đặc sủng thánh I-nhã, Hiển Linh 2001

[8] Hoàng Sóc Sơn, Đôi Nét… sđd, tr. 39.

[9] Hoàng Sóc Sơn, Đôi Nét… sđd, tr. 49.

[10] Hoàng Sóc Sơn, sđd, tr. 49.

[11] Hoàng Sóc Sơn, sđd, tr. 49.

[12] Thánh I-Nhã, Nội Quy Dòng Tên, Nhà tập Thánh Tâm – Thủ đức, tr. 131.

[13] Sách Lễ Phụng Vụ Dòng Tên, Hiển Linh 2001, tr. 327.

[14] The Jesuits, the Society of Jesus and the Betrayal of the Roman Catholic Church, Malachi Martin, Simon & Schuster New york 1987 tr. 178-179

[15] Phan Tấn Thành, sđd, tr. 272.

[16] Xc Hoàng Sóc Sơn, sđd, tr. 105.

[17] Xc Hoàng Sóc Sơn, sđd, tr. 106.

[18] Một Hướng Đi (nguyên tác : Jésuites, Missi số đặc biệt, tháng 4-5/1984), tr 145.

[19] Hoàng Sóc Sơn, Bạn Đường Chúa Giêsu, 1997, tr 9.

[20] Một Hướng Đi (nguyên tác : Jésuites, Missi số đặc biệt, tháng 4-5/1984), tr 141.

[21] Hoàng Sóc Sơn, sđd, tr. 4.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *