TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.8)

 
 
  Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống  

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

2. Sống tự chế, tiết độ

– Thống hối nội tâm thúc đẩy linh hồn hành động phụng sự Thiên Chúa.

Hiệu quả việc thống hối nội tâm là thúc đẩy linh hồn hành động phụng sự Thiên Chúa. A! Con đừng vội nghĩ rằng việc phục vụ tha nhân hay phụng sự Thiên Chúa lại không liên quan gì đến việc giúp các linh hồn sống tự chế và tiết độ. “Thống hối nội tâm là chuyển hướng triệt để toàn bộ đời sống, hết lòng quay lại, trở về với Thiên Chúa, đoạn tuyệt với tội lỗi, từ bỏ sự dữ, ghê tởm những hành động xấu xa đã làm. Đồng thời thống hối nội tâm cũng bao hàm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống, với hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng. Cuộc hoán cải trong lòng này đi đôi với sự đau buồn có sức cứu độ mà các thánh giáo phụ gọi là animi cruciatus (tâm trí đau đớn) và compunctio cordis (tâm hồn hối hận).

Thống hối nội tâm của người Ki-tô hữu có thể diễn tả bằng nhiều cách… các ngài còn kể đến những phương thế để xin Chúa thứ tha tội lỗi: Cố gắng giao hòa với anh em, nước mắt thống hối, lo lắng đến phần rỗi tha nhân, khẩn cầu các thánh và thực hành bác ái “vì tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (GLHTCG 1431;1434).

Để đối lại với cuộc sống đam mê thụ hưởng, với “nhàn cư vi bất thiện”, ở không là đầu mối mọi sự dữ; nhờ việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ xác hồn tha nhân, linh hồn dần cảm nhận được những hạnh phúc thật ngọt ngào có từ đời sống hòa tan mình vào chân lý. Thấy được bên cạnh những thú vui và khoái lạc hư ảo thế tục, vẫn còn có một cuộc sống thật trong sáng và cao thượng mang lại hạnh phúc lớn lao, thật xứng đáng tận hiến để sống nó. Đồng thời để dành lại thời gian đã tốn phí cho cuộc sống đam mê thụ hưởng, phục vụ cách vô nghĩa cho thân xác sẽ sớm trở về với cát bụi. Nhờ tiếp xúc và sống đời sống quảng đại và cao thượng, linh hồn dần dần cảm nghiệm được những giá trị tinh thần cao quí của đức tin. Thưởng nếm phần nào ánh vinh quang hạnh phúc vĩnh hằng ngay từ cõi đời tạm bợ. Tất cả sẽ cho linh hồn một sức lực mới, một lẽ sống mới, sống trong sự thật và chân lý trong cùng một bối cảnh nhân gian đã từng dìm mình vào sự chết đời đời.

Hiệu quả của lòng thống hối nội tâm là đưa linh hồn đến tái sinh trong ơn thánh, sống một nếp sống mới, nếp sống đẹp lòng Thiên Chúa. Do đó dẫn linh hồn đến chỗ nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa, theo ý muốn của Ngài cách hoàn toàn tự nguyện. Vì yêu thương chúng ta, những hồn nhỏ lấm bụi trần, Thánh Thần Thiên Chúa đã cho thánh sử Lu-ca cái nhìn thần học về các linh hồn bé mọn. Ngài viết về người phụ nữ sám hối, không dừng lại ở việc chị khóc cho tội lỗi mình để tỏ lòng ăn năn. Chị còn dốc cả tâm hồn hạ xuống vực thẳm khiêm nhu, bằng cách lấy nước mắt mà rửa chân cho Chúa Giê-su, lấy tóc mình lau chân Người. Thể hiện tình yêu mến thiết tha đầy khiêm hạ của chị, bằng những nụ hôn lên chân Người. Chị đã hạ mình trực tiếp phục vụ Chúa Giê-su, Thiên Chúa của chị và cũng là tha nhân chị đặc biệt tôn kính.

Chúng ta cũng biết ông Gia-kêu thủ lĩnh nhóm “quân thu thuế”, đứng đầu trong những người bòn rút của tha nhân, cộng tác với quân ngoại bang gián tiếp phản dân tộc. Thánh sử kể lại, ông này lùn thấp thân xác như tâm hồn ông trong sự công chính. Vì sao ông mong được thấy Đấng Thiên Sai? Vì ông tò mò hay ông ngưỡng mộ uy danh Người, hay vì tâm phục các việc Người làm và nghe rót lòng lời Đấng Messia giảng dạy?

Ông không hề mơ tưởng được Chúa Giê-su viếng thăm nhà ông, điều đó với ông xa vời hơn ảo tưởng. Nhưng thực tế cho thấy, ông cố gắng nâng mình lên cao cho đôi mắt xác thịt của ông được trông thấy Người. Thì cả gia đình ông và đôi mắt tâm linh ông cũng được mở ra để chứng kiến Người đi vào cuộc đời họ. Ông Gia-kêu âm thầm được lòng thống hối nội tâm đốt cháy tâm can, bởi ông thật lòng thống hối trước lời giảng dạy của Chúa, ông biết Chúa muốn gì. Tri ân và đáp trả sự quảng đại của Chúa Giê-su hạ cố đến nhà ông, ông nói ngay khi vừa gặp Người “Thưa Ngài, đây phân nửa gia tài của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,1-10). Lòng thống hối nội tâm dẫn Gia-kêu đến phụng sự Thiên Chúa và tha nhân.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *