TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.4)

 

 Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống  

 

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

1. Mộ mến việc đạo đức, làm việc đạo đức với ý ngay lành

b. Làm việc đạo đức với ý ngay lành

Ý ngay lành là thế nào?

Ý ngay lành là ý hướng tốt đẹp trong chân lý đức tin.

Làm việc đạo đức với ý ngay lành, nghĩa là làm việc đạo đức do bởi những ý hướng tốt đẹp trong chân lý thúc đẩy ta làm. Ví dụ:

– Làm vì lòng mộ mến việc đạo đức, bởi vì linh hồn hiểu nhờ việc đạo đức mà linh hồn có thể bày tỏ lòng thảo kính, thờ phượng Thiên Chúa và suy tôn Ngài.

– Làm vì yêu mến Thiên Chúa, muốn cho Ngài được vinh danh nơi mình và nơi tha nhân.

– Làm vì lợi ích phần rỗi linh hồn mình hay linh hồn tha nhân.

– Làm vì muốn tham dự vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, hay hiệp nhất vì Chúa Ki-tô trong công cuộc cứu độ với tư cách là Con Thiên Chúa.

– Làm để hiệp thông với Hội Thánh, thực hiện lệnh truyền của Chúa Giê-su hay lời khuyên Phúc Âm.

– Làm để đáp thỏa nỗi khát khao của Chúa Giêsu trên thánh giá.

Nếu lòng mộ mến việc đạo đức không dễ có ngay được, thì làm việc đạo đức với ý ngay lành trong mọi tình huống ở bậc sống này còn khó hơn gấp bội lần. Bởi nó đòi hỏi linh hồn phải có kiến thức về đức tin, có ơn thông hiểu để phân biệt tốt xấu, và tốt hơn hay xấu hơn trong ánh sáng chân lý, có ơn khôn ngoan để chọn lựa và có sức mạnh Thần Khí để thực hiện. Đồng thời cũng hiểu được thế nào là tinh thần thế tục luôn nghịch với tinh thần đức tin.

Con người tự nhiên của chúng ta vốn dĩ nặng nề những đam mê và ham hố danh lợi thú, những thứ thuộc về thế gian bóp nghẹt sự sống linh hồn. Khi linh hồn quay về với Thiên Chúa, họ bắt đầu qui hướng lòng đam mê của mình về phía Thiên Chúa, về công việc của Ngài, về những gì thuộc về cuộc sống vĩnh hằng. Họ cố gắng sống theo sự soi dẫn của ánh sáng đức tin, theo đường lối Mẹ Giáo Hội chỉ dạy. Nhưng con người cũ của họ đâu đã chết, nó còn sống mạnh mẽ lúc linh hồn còn ở trong bậc sống Khô Khan Tội Lỗi này. Tận căn gốc linh hồn con quái thú kiêu ngạo và tự ái còn đầy sinh lực, nó luôn thúc đẩy tính tự nhiên còn chưa được tôi luyện, thanh tẩy cho nên cao khiết.

Bởi đó, lòng ham thế tục: ham danh vọng, quyền lực, địa vị, lợi lộc, muốn thỏa mãn bản thân, dục tính… đầy dư sức mạnh làm mất đi ý nghĩa các việc đạo đức họ muốn làm. Ví dụ: xếp hàng đi lên hôn chân Chúa Chuộc Tội, hay xếp hàng xưng tội họ vẫn dễ dàng chen lấn, xô đẩy nhau, hoặc đi sau mà chen đứng đầu hàng cho được trước. Đi hành hương, đi chầu lượt lại cãi vã, lớn lối để dành chỗ ngồi sung sướng nhất trên xe. Làm như thế linh hồn vẫn đang phục vụ Sa-tan ngay khi mình đang làm việc đạo đức, do không được ngay lành trong ý thức. Việc đạo đức được làm để phục vụ cho nếp sống xiêu chiều thế tục. Cho nên, nếu chỉ cố gắng gìn giữ ý thức mình, để có chủ ý tốt đẹp trong chân lý khi làm các việc đạo đức thôi chưa đủ. Mới chỉ là chữa bệnh ở ngọn, gốc bệnh còn nằm sâu trong tâm linh. Do bởi:

Điều khó khăn thứ nhất cho linh hồn, là linh hồn không đủ sáng suốt để biết mình, biết việc mình sẽ làm như thế nào. Khó có  thể phân biệt đâu là tinh thần Phúc Âm, đâu là tinh thần thế tục trong mọi lúc.

Điều khó thứ hai ở đây, dầu có phân biệt được, linh hồn hãy còn quá non yếu lúc phải đối mặt với những lôi cuốn thế tục, bởi thế gian lôi kéo và cám dỗ của ma quỉ.

Điều khó thứ ba, chính bản thân linh hồn vẫn còn mang nặng mong muốn an nhàn, sung sướng cho thỏa mãn lòng tự ái, nuông chiều mơn trớn tính tự nhiên mình. Thêm vào đó họ chưa thể thấy rõ được những điều này nơi bản thân mình.

Do vậy, để linh hồn có được ý ngay lành làm các việc đạo đức trong mọi bối cảnh, chữa được những căn bệnh tâm linh mình tự gốc rễ. Linh hồn phải thực hiện các việc sau đây:

– Xin ơn Chúa Thánh Thần, hay xin chính Người ngự đến tâm hồn.

Bắt đầu lên đường tiến đức, linh hồn cần ngay đến bảy ơn Chúa Thánh Thần. Hãy chân thành khiêm tốn khẩn xin ơn Chúa và khát khao mãnh liệt có được ơn. Xem như mình là kẻ đói khát và cần đến ơn Chúa hơn bất cứ ai trên trái đất này.

– Tích cực học hỏi giáo lý, siêng năng đọc Kinh Thánh và suy tư tìm hiểu ý nghĩa đem lại sự sống chân lý. Nhất là bàn hỏi với những người có ơn Thần khí soi sáng.

“Mọi lời lẽ về Thiên Chúa, con hãy thích nghe

những châm ngôn ý nhị con đứng bỏ uổng.

Thấy người học thức uyên thâm, con năng lui tới

chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ.” (Hc 6, 35-36).

– Thường xuyên đọc sách thiêng liêng, đọc gương các thánh nhân, xem đấy là của ăn cho linh hồn.

Soi mình vào gương các thánh, linh hồn dễ nhận ra những lầm lỗi, yếu kém, những xiêu chiều thế tục của bản thân. Đồng thời thấy được các ngài đã sống như thế nào mới nên thánh mà noi theo lòng tin của họ. Sách thiêng liêng sẽ cho linh hồn những hiểu biết phong phú về đời sống đức tin, đường nhân đức. Nhờ cần cù học hỏi linh hồn sẽ nắm giữ được kho tàng sự sống.

– Cuối cùng, để có ý ngay lành và giữ được ý ngay lành khi làm các việc đạo đức, sau khi đã áp dụng những phương thế trên. Linh hồn nên thường xuyên hồi tâm xét mình. Xét xem mình có còn làm các việc đạo đức vì những lý do thế tục để phục vụ “cái tôi” mình không. Tức làm vì ham hố hư danh, vì tham lam quyền lực, quyền lợi, hay làm để thỏa mãn vui thú lòng mình. Nếu có thì dốc lòng thống hối ngay, quyết tâm chừa cãi, rồi cố gắng sống ngay lành cho đẹp lòng Chúa hơn. Linh hồn nên gẫm suy điều này: thế gian rồi sẽ qua đi nhanh chóng, nhanh hơn cả giấc mơ, nó là một giấc mơ hư ảo lắm hãi hùng.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *