Sáu Bậc Sống – Bậc sống đạo đức (P.2)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

III. Bậc sống đạo đức

1.   Làm việc đạo đức với ý ngay lành.

2.   Tập tành sống nhân đức.

3.   Còn ý riêng, nhưng vẫn biết sống cho tha nhân.

4.   Dễ phạm tội nhẹ, còn khả năng phạm tội trọng.

5.   Kém hiểu biết về đạo lý Chúa Ki-tô, thích học hỏi nhưng không chịu khó đào sâu. 

*.*

2. Tập tành sống nhân đức

altCác nhân đức đối thần nơi linh hồn dần phát triển. Bên cạnh sự sợ hãi mất phần phúc thiên đàng, sợ sa hỏa ngục, sợ đau khổ, sợ gian nan, sợ sỉ nhục…linh hồn cũng dần dần thật tâm yêu mến Chúa Ki-tô chịu đóng đinh.

Như đã nói trên, nhờ linh hồn thành tâm thiện chí cố gắng tiến lên trong nhân đức, nên đã bước vào được ngưỡng cửa tình yêu và ân sủng. Thiên Chúa quan tâm đến linh hồn nhiều hơn, thu hút linh hồn ngày càng mạnh hơn, và ban cho linh hồn những cuộc thanh tẩy, để các nhân đức nơi họ đâm rễ sâu, có thể sinh hoa trái dồi dào. Nhưng nếu không được hướng dẫn, linh hồn thường từ chối hay không tận dụng được các cuộc thanh tẩy này. Nỗi sợ hãi sẽ lấn chiếm tình mến, làm suy yếu đức tin. Như lòng tin của người tôi tớ, được ở trong nhà chủ, biết chủ, mến chủ, cậy dựa chủ. Song tất cả nằm trong giới hạn “tôi tớ”.

Sự sợ hãi này đi song đôi với tình mến trong hành trình tâm linh của linh hồn. Nó được thể hiện rõ rệt qua cuộc sống. Bắt đầu từ những sợ hãi tự nhiên: Học sợ thi không đậu, sợ những khó khăn sẽ đến, sợ bệnh tật, sợ bề trên, sợ không làm tròn trách nhiệm, sợ không được khấn, sợ mất người thân, sợ đi xứ khổ, sợ con hư hỏng v.v…Sợ như các thánh tông đồ, lúc đang đi với Chúa trên biển. Chúa vẫn bình thản ngủ mặc sóng gió dậy trời. Các ông khiếp đảm “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi…” Kết quả được thẩm định niềm tin “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4, 35-41). Thánh Phê-rô mạnh dạn xin Thầy, xin đi đến với Thầy trên mặt biển, để rồi sợ sóng biển cho chìm xuống.

Kết quả xác định mức đức tin của ông “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Còn có nỗi sợ hãi lớn hơn, sợ như ngôn sứ Giô-na, sợ đến trốn Chúa (Gn 1, 1-16).

Sự sợ hãi tâm linh là sự sợ hãi các vấn đề trong nội tâm của linh hồn. Linh hồn trực diện đối mặt những thách đố tâm linh và nhân đức. Nảy sinh nhiều sự sợ hãi: Sợ lầm đường lạc lối, sợ không thắng nổi cám dỗ, thấy lòng khô khan quá sợ bị Chúa bỏ rơi, trót sa ngã phạm tội sợ đánh mất hết ơn Chúa ban, sợ không tiến được nữa trong nhân đức, sợ thành công rồi kiêu ngạo nên do dự tiến đức, sợ Sa-tan quấy phá làm ngã lòng, sợ cả chia trí lo ra không biết từ đâu cừ ào ào kéo đến mãi, sợ đến bất an ngột ngạt đức tin v.v…

Tình mến ở bậc này giống như tình mến của Thánh Phê-rô tông đồ khi chưa được Thánh Thần củng cố. Phê-rô từng cảm kích, hạnh phúc ở bên Chúa trong vinh quang của Người “Bỏ Thầy con biết theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Nhưng khi nguy cơ đến, Phê-rô đã mất hết can đảm. Ông không còn sức chịu đựng đau khổ vì Người, nguyên sự đe dọa đầu tiên của một cô gái, “một sự sợ hãi rất nô lệ, đã thắng lòng trung thành của ông: ông đã chối bỏ Người mà thề không quen biết Người bao giờ” (Mt 26, 74) (ĐT – Đ 60).

Ở đầu bậc sống này và trải dài đến hết bậc sống, linh hồn phải đương đầu với nhiều nguy cơ bị cám dỗ dặng nề. Vì Sa tan sắp xếp chương trình cám dỗ tinh vi hơn. “Vào thời kỳ này, chắc chắn linh hồn phải chịu rất nhiều thử thách, nhất là khi ma quỷ thấy rằng linh hồn đã có những đặc điểm và thói quen (thực hành nhân đức) đến mức có triển vọng tiến rất xa, nên tất cả lực lượng hỏa ngục sẽ tập trung lại để kéo linh hồn lùi bước” (LĐNT – Những Cư Sở Thứ Hai). Có một cám dỗ mà đa số các linh hồn bị vấp, họ làm việc đạo đức phụng sự Thiên Chúa để được ơn an ủi sốt mến. Thưởng nếm sự ngọt ngào của ân sủng, linh hồn đâm ra say sưa sự ngọt ngào ấy. Vô tình tìm kiếm, khao khát mãi ơn an ủi sốt mến, hóa ra chủ ý làm việc đạo đức để được sự thỏa thích cho mình. Con cần cẩn trọng với nó.

Ở bậc sống này, các nhân đức luân lý, linh hồn nhiệt thành thực thi, nhưng càng cố gắng càng thấy mình sai phạm nhiều. Xét mình lại luôn thấy lộ ra nơi bản thân nhiều khuyết điểm, bất toàn. Linh hồn cần hiểu rõ con đường Chúa đưa linh hồn đi ở bậc này là “chỉ có bậc thánh mới thấy được cái ngu của mình”. Chính nhờ thấy được mình, biết mình rõ linh hồn mới xây dựng được nhân đức trên nền móng tâm linh vững chắc. Không biết mình, mình vẫn vốn chỉ có vậy, tệ hại hơn do không biết mình lại sống ảo tưởng về mình.

Nếu chủ quan, thiếu tỉnh thức và thiếu lòng khiêm hạ, linh hồn dễ rơi vào tự mãn lúc thấy mình thành công trên đường nhân đức. Sau một thời gian cố gắng luyện tập, linh hồn đạt được một số nhân đức nào đó, sẽ nghĩ đó là công lao của mình tạo nên. Linh hồn chưa đủ cảm nghiệm “tất cả là hồng ân”, và nhân đức chỉ như món đồ trang sức Chúa đeo cho linh hồn. Chúa có thể rút lại ơn ấy bất cứ lúc nào. Sự tốt lành và là công trạng của linh hồn chỉ có ở điểm hết lòng khao khát tiến đức và sự cố gắng vươn lên. Còn thành quả kia là kết quả của ân sủng khởi sự nơi linh hồn, từ ý nghĩ đầu tiên hướng về các nhân đức, cho tới lúc đạt được nó. Linh hồn mới tiến đức nên biết “thành công là đứng bên bờ vực thẳm sa ngã”. “Ngày nào ta thấy mình đứng vững, ngày đó ta đã ngã rồi”. Cho nên linh hồn phải hạ mình sâu thẳm trước Chúa, xem mình cần đến ơn cứu độ hơn ai hết và trọn lòng cậy trông. Nơi bản thân mình chẳng có gì đáng tin tưởng.

Nếu không cánh tay nhân từ của Thiên Chúa sẽ buông lơi khỏi linh hồn, cho phép Sa-tan vào cuộc sàng sảy linh hồn, tung tiếp những thành công khác nữa cho linh hồn gặt hái, để nuôi lớn lên con quái thú kiêu ngạo nơi linh hồn. cho đến lúc linh hồn sa ngã, mới biết mình là hư vô đã muộn màng. Vì yêu thương Thiên Chúa sẽ bỏ mặc linh hồn sa ngã. Cho linh hồn hết đặt niềm tin vào bản thân, vào tạo vật. Chỉ một lòng tin và trông cậy Chúa thôi. Qua đó Thiên Chúa cũng biết rõ linh hồn nào thật lòng muốn tiến đức để làm đẹp ý Ngài, linh hồn nào đi tìm mình trên đường nhân đức.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *