Đường Về Của Mẹ (Phần 12)

 
Đường Về Của Mẹ 
 D. Các Đặc Ân Của Mẹ

*  Ơn Trung Gian

 “Người là Trung Gian của một Giáo Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp Thiên Chúa đã hứa. Nhưng người đã vào chính cõi trời để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 10,15-24b).

Không hoài nghi hay lầm lẫn gì vai trò Trung Gian của Đấng Cứu Thế Giêsu, Chúa chúng ta. Dưới gầm trời không còn danh thánh nào khác mang lại ơn cứu độ mà không qua Người. Vậy Đức Mẹ Maria làm trung gian như thế nào trong chương trình cứu độ của Đấng Trung Gian?

Khi Đấng Cứu Thế – Ngôi Hai Thiên Chúa Làm Người còn chưa nhập thể, Đức Thánh Trinh Nữ đã thi hành sứ vụ trung gian. Nói như thế có thể có người sẽ thắc mắc, cho rằng bố tự mâu thuẩn. Tại sao ơn trung gian của Đức Mẹ phát sinh từ ơn hiệp nhất với Chúa Con, Chúa Ngôi Hai còn chưa nhập thể làm sao có sự hiệp nhất mà Mẹ Maria thi hành sứ vụ trung gian?

Xin thưa, như có lần trước đây bố đã nói về việc Chúa Giêsu hoàn tất chương trình cứu độ. Chúng ta bị giới hạn bởi nhãn quan và ngôn ngữ loài người. Nên thường nhìn nhận những vấn đề có tính siêu nhiên trong bối cảnh không gian và thời gian nào đó. Mẹ Maria được Thiên Chúa chọn từ thuở đời đời làm Mẹ Thiên Chúa. Nên Ngài đã an bài mọi sự chuẩn bị cho sứ mệnh của Người. Và ơn cứu độ của Chúa Giêsu cũng vượt qua ngưỡng cửa thời gian.

Ơn cứu độ từ Người, lúc Trái Tim Người nhỏ ra những giọt máu nước cuối cùng liền tuôn chảy ngược dòng thời gian đến A-dong, đồng thời cũng xuôi dòng cho đến tận thế. Vì vậy, Chúa Ngôi Hai còn chưa nhập thể trong thời gian theo cách nhìn nhân loại nhưng trong ý định của Thiên Chúa, với chiều kích vô biên của mầu nhiệm cứu độ, Đấng Vô Nhiễm Nguyện Tội đã hiệp nhất cùng Con Mẹ. Bởi vậy khi tích cực sống theo Thánh Ý Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a đã thi hành sứ vụ trung gian.

Trở lại vấn đề, trả lời cho câu hỏi đầu tiên. Việc Đức Thánh Trinh Nữ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Thiên Chúa sai sứ thần Gab-ri-en đến truyền tin cho Mẹ là khởi đầu sứ vụ Mẹ làm trung gian giữa Thiên Chúa và Đức Ki-tô với toàn nhân loại. Chúng ta cùng chiêm ngắm lại cái phút giây nhiệm mầu lần đầu tiên Đức Trinh Nữ thi hành sứ vụ trung gian nầy. Ngày đó, trước giờ truyền tin, tâm hồn Người Trinh Nữ vẫn đơn sơ, vẫn chưa được Thần Khí mở ra để thấu hiểu sâu xa tầm quan trọng của cuộc truyền tin, và bối cảnh lịch sử ngay thời khắc ấy.

Một bên ánh sáng Thiên Chúa tỏa ngời rạng rỡ cõi thiên đàng, các thiên thần chìm ngập trong sự sáng vinh quang và hạnh phúc. Các ngài chơi vơi, bồng bềnh trong sướng vui khôn tả bởi tận hưởng tràn trề Tình yêu và sự sống Thiên Chúa. Rồi tất cả chăm chú nhìn xuống một Vì Sao đang tỏa sáng dịu dàng. Nhưng ánh sáng của Vì Sao còn được gom lại tựa một viên pha-lê phát sáng được bọc bởi một giới hạn vô hình. Đang lơ lửng bay trôi nổi trên mặt vực thẳm nhân gian đen tối. Thẳm vực hun hút cõi nhân sinh ấy bốc mùi chết chóc và đau khổ cuồn cuộn lên thành biển khói nồng nặc tanh hôi tởm lợm. Tiếng khóc than, tiếng kêu la gào thét hòa cùng tiếng rên rỉ oán than đòi nợ máu, đòi sự công bằng. Tiếng kêu cứu tình yêu quyện lẫn với những giọng cười độc ác đầy uy lực.

Tất cả vang lên thành những xung động, xô đẩy nhau, lôi kéo nhau tạo thành bão tố cuồng phong dường lốc mặt trái đất từng mảng. Tội lỗi bao gồm đủ loại phát sinh từ lòng tham lam và ghen ghét, hận thù và háo danh, ham muốn quyền lực và kiêu ngạo, đam mê nhục dục và tình yêu bất chính v.v… nhào lộn con người trong biển  đời thảm hại. Tất cả như một thứ nước bẩn thỉu đen cáy, được nấu sôi lên nhầy nhụa bao lấy loài người. Thứ nước ấy chảy ra từ trái cấm được thời gian nấu thành phận người. Ngoài Vì Sao sáng, ánh sáng lạ thường, càng nhìn càng thấy ánh sáng êm mát nơi Vì Sao rực lên lấn áp cả ánh sáng nơi bản thể thần linh thọ tạo. Các thiên thần nhìn vào vực thẳm nhân gian chỉ thấy mù tịt một màu đen chuyển động, trôi nổi và ghê rợn. Chỉ có Thiên Chúa – Đấng tỏa ra ánh sáng xuyên suốt cả bùn nhơ lẫn tội ác, mới thấy được những gì còn sót lại, còn có thể cứu vớt trong đó.

Mệnh lệnh ban ra, tổng lãnh thiên thần Ga-bi-ri-en xòe rộng đôi cánh bay xuống vực thẳm thảm họa nhân gian. Đến cùng Người Trinh Nữ, đến với Vì Sao Sáng đang họa lại ánh sáng Thiên Chúa. Lời  truyền tin đầu vừa phát ra từ miệng vị Thiên Sứ, bức màn mầu nhiệm lung lay vén lên. Cõi thiên cung nín lặng đợi chờ, vũ trụ ngừng chuyển động, vạn vật hồi hộp lắng nghe. Như thời Nô-e, chỉ có loài người vẫn vô tâm hờ hững dù đã được tiên báo tự ngàn xưa. Còn được mấy Si-mê-on khát khao chờ đợi? Người Trinh Nữ thoáng bỡ ngỡ bối rối trước mầu nhiệm về mình được ủ kín từ muôn thuở.

Nhưng rồi lời giải thích của Sứ Thần đã phá tan vỏ bọc che ánh sáng lung linh huyền diệu của Vì Sao Sáng. Linh hồn và con tim Người Trinh Nữ dần dần được mở ra. Khai sáng cho đến lúc Người nhận ra mình đang đứng giữa hai bờ vực sâu nhiệm: vực thẳm Thiên Chúa và vực thẳm nhân loại. Và Người cũng biết mình là chiếc cầu nối nhỏ như sợi chỉ mong manh cho trời cao hạ xuống cùng con người, nâng vực thẳm bất hạnh khốn khổ nhân loại lên và cứu vớt nó. Vực thẳm kinh hoàng của nhân gian bổng chốc đè nặng lên linh hồn và trái tim Người Trinh Nữ.

Sa-tan tung sự xao xuyến như ánh chớp băng ngang qua tâm trí Người. Nhưng Thần Khí Thiên Chúa đã tạo nên sự lạ lùng, chính sự đè nặng làm Người xao xuyến đó đã khiến Người đủ can đảm phó thác để xin vâng. Lương năng của Trái Tim Hiền Mẫu đã chỗi dậy, tình yêu đượm lửa hồng Thần Khí bởi đức tin sáng suốt xua tan cơn cám dỗ. Tiếng xin vâng vừa thốt ra khỏi đôi môi hồng tươi tắn, Người Trinh Nữ đã thành Mẹ, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của muôn loài. Các thiên thần tung cánh mừng vui, đồng hoan ca lời chúc tụng Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu, Thiên Chúa uy linh và thương xót vô biên. Tiếng tụng ca ắp đầy hạnh phúc và vui mừng tràn lấp hoàn toàn mọi thứ tiếng hỗn độn đau thương vang lên từ trái đất.

Vì Sao Sáng bây giờ đã hòa ánh sáng của mình vào ánh sáng Thiên Chúa. Hay nói khác đi ánh sáng Thiên Chúa đã bao phủ lấy Vì Sao Sáng (Lc 1,35). Mầu nhiệm hiệp nhất giữa tạo vật và Thiên Chúa lần đầu tiên thành hình. Ánh Sáng Thiên Chúa cùng ánh sáng Vì Sao lồng vào nhau soi rọi lên vực thẳm nhân gian và lọc dần sự đen tối, nhớp nhơ của nó. Mẹ Maria lần đầu hoàn thành sứ vụ trung gian.

Qua minh giải trên, chúng ta thấy rõ Thiên Chúa mặc nhiên xác định vai trò làm trung gian của Đức Mẹ Đồng Trinh. Và khi Đấng Cứu Thế còn chưa nhập thể, Mẹ Vô Nhiễm vẫn tiếp tục thực thi sứ vụ trung gian của Người. Đức Thánh Trinh Nữ mang Chúa trong lòng đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Người đã thành vị trung gian đem cơ hội cho Chúa Thánh Thần rửa sạch tội tổ tông cho thánh Gio-an Tẩy Giả lúc còn là bào thai trong lòng mẹ. Đồng thời trao tặng Thần Khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a cho ông (Lc 1,15-17a). Được Con Thiên Chúa và Thân Mẫu Người đến thăm, được Thánh Thần thánh hóa ban ơn cứu độ, còn ban thêm ân sủng Thần Khí, thánh nhân không vui sướng nhảy mừng sao được! (Lc 1,43-44). Lúc Chúa Giêsu chưa mở tay làm phép lạ, công khai tỏ mình thi hành sứ mệnh Con Thiên Chúa, Mẹ Maria đã đem giờ ấy đến cho Người, qua việc sắp xếp và nhờ Người làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-11).

Qua sự kiện này chúng ta thấy rõ đức tin của Mẹ Maria về Con Thiên Chúa. Ngay cả các thánh tông đồ từng chia sẻ cuộc sống rao giảng Tin Mừng với Chúa Giêsu, sống cạnh Người chứng kiến bao phép lạ Chúa làm, đức tin ngỡ là đá tảng có lúc lại tan ra thành cát bụi. Còn Mẹ Maria vị ngôn sứ ẩn danh, Chúa Giêsu không giảng dạy trực tiếp cho Mẹ, cũng chưa làm phép lạ nào để cũng cố đức tin cho Mẹ. Chứng minh với Mẹ: Người thật sự là Đấng Thiên Sai. Thế mà ngày đó mẹ chứng tỏ lòng tin tới mức ngầm bảo Người hãy làm phép lạ giúp anh em.

Cũng không ai hiểu Chúa hơn Mẹ, mặc dù Chúa Giêsu đã bảo “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Nhưng Mẹ Maria vẫn nói với gia nhân: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”. Con cho Mẹ biết giờ của Con chưa đến, nhưng Mẹ cũng biết Mẹ được chọn để đem giờ đó đến cho Con. Những điểm này tỏ cho thấy uy thế của Mẹ Maria đối với Thiên Chúa và vai trò làm trung gian của Mẹ thế nào. Và tình yêu Người Mẹ nơi Đấng Đầy Ơn dành cho nhân loại, Mẹ động lòng trắc ẩn cả khi lẽ công bằng của Thiên Chúa đòi hỏi không thể khoan dung.

Trên thánh giá Chúa Giêsu trao phó thánh Gio-an tông đồ cho Đức Mẹ và trối gởi Đức Mẹ cho thánh Gio-an “Thưa Bà, đây là con của Bà… Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26-27) Có điểm đặc biệt trong lời trao phó ấy nói lên sứ vụ trung gian của Mẹ. Chúa Giêsu đã nói lời trao phó không với tư cách một người con của Mẹ nhưng với tư cách Thiên Chúa Làm Người. Từ ngữ “Thưa Bà…” gợi nhớ đến từ “người đàn bà” Chúa nói với con rắn trong buổi chiều sa ngã nơi vườn E-đen. Người đàn bà được nói đến ngày đó, hôm nay hiện diện dưới chân thánh giá.

Chúa Giêsu trao phó thánh Gio-an cho Người không nằm trong giới hạn tình cảm riêng tư gia đình, nhưng là để thánh Gio-an và tất cả những ai có lòng kính tin Thiên Chúa, tin Đấng Cứu Thế Giêsu đều thuộc về dòng dõi của Bà. Dòng dõi từ nay sẽ đạp đầu con rắn, hiên ngang vươn lên khỏi cõi bùn nhơ như đóa hoa sen bất tử tỏa hương sắc thiên thần. Khi một linh hồn xác tín vâng theo lời trăng trối của Người, nhận Mẹ Maria làm Mẹ của mình. Khi ấy Mẹ Đồng Trinh đương nhiên thành Đấng trung gian giữa linh hồn ấy và Con Mẹ cách đặc biệt hơn.

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ Thiên Chúa âm thầm hiện diện bên các thánh Tông đồ, bên con cái Mẹ là những linh hồn Chúa đã trao cho Mẹ. Và Mẹ liên lỉ hiện diện bên Thánh Thể, bởi vì hơn ai hết Mẹ thấu hiểu sâu xa mầu nhiệm tình Thánh Thể. Máu Thịt ấy chính là của Mẹ, từ Mẹ mà ra. Lặng lẽ cận kề bên Thánh Thể tâm hồn chiêm niệm của Người Trinh Nữ năm nao, ngây ngất gẫm suy bao mầu nhiệm gắn bó với đời mình. Rồi Mẹ thờ lạy và yêu mến với trái tim đã cùng mở ra một lần với Con của Mẹ. Mở ra để ôm lấy toàn thể vũ trụ, toàn thể nhân sinh vào tình yêu Mẹ Thiên Chúa. Trong sự tôn thờ kính mến nồng nàn này, nơi trái tim Mẹ có hình ảnh, có tên gọi của từng mỗi một con người chúng ta.

Dù chúng ta, người tín hữu Ki-tô có tin nhận Mẹ, có yêu mến Mẹ hay không, Mẹ vẫn luôn trìu mến yêu dấu chúng ta. Tình yêu của Mẹ mãi dạt dào mênh mông, không có giới hạn, luôn ân cần và tế nhị. Nhất là đối với những linh hồn bé thơ, bất lực. Với đôi tay đời người nhỏ bé nhận chưa đầy nén bạc hồng ân. Dù có tin hay không Mẹ Thiên Chúa vẫn làm sứ vụ Đấng tiếp nối sứ mệnh trung gian của Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa với các linh hồn. Nhờ Mẹ và với Mẹ Maria, Người Trinh Nữ khả ái dấu yêu của Thánh Thần hiện diện ở giữa. Ân sủng Thần Khí mạnh mẽ cháy bỏng đổ trên tâm hồn các thánh Tông đồ. Vai trò trung gian của Mẹ như máng thông ơn cho các linh hồn tin kính Chúa.

Được vinh hiển thăng thiêng cả xác hồn về trời làm Nữ Vương Thiên Đàng, Mẹ kính yêu của chúng ta vẫn tiếp tục lo cho nhân loại. Nhất là đối với những người hết lòng kính tin Chúa Giêsu Kitô Con của Mẹ và cách riêng với những ai có lòng sùng kính Mẹ. Nhiều lần, rất nhiều lần Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra long trọng như ở Lộ Đức, Fa-ti-ma, Mễ Du, La vang v.v… Hay làm những dấu lạ như Mẹ khóc, khóc ra huyết lệ để cảnh báo cho nhân loại, dắt dìu kêu gọi con người quay về với Thiên Chúa. Hoặc tỏ mình hiện ra ban ơn đoàn sủng riêng cho một số linh hồn. Không phải những sự kiện kể trên Đức Mẹ chỉ thực hiện ở những thế kỷ trước mà thôi, hay ở một đất nước xa xôi nào đó.

Trên đất Việt Nam, vào thời đại của chúng ta và ở đâu đó quanh ta. Đức Mẹ ban ơn vẫn tiếp tục dang rộng tà áo dài thiên thanh che chở, tỏ tình yêu thương cho Giáo hội Việt Nam, cho đất nước Việt Nam. Qua những linh hồn ưu tú và cả những linh hồn bé mọn vô danh. Bằng những lần hiện ra với quần chúng trong thời gian dài, hoặc thầm kín riêng tư với một linh hồn. Mẹ Maria ban ơn bởi phận vụ trung gian và tình yêu từ mẫu của Người. Do cảm nghiệm sâu xa ơn làm trung gian của Mẹ Thiên Chúa, các thánh đã hân hoan hát mừng lời kinh “Lạy Nữ Vương Thiêng Đàng hãy vui mừng Ha-lê-lui-a!… Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Ha-lê-lui-a!” Hãy tràn trề tin tưởng thỏ thẻ, thầm thì khấn xin Mẹ Hằng Cứu Giúp “Lạy Thánh Nữ Vương Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ. Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bàu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời…” Lời kinh này đã từng là hạt giống làm tái sinh linh hồn bố. Bố viết tập sách này làm lời tạ ơn…

Nhờ ơn hiệp nhất được thông dự vào sứ mệnh trung gian của Đức Ki-tô Cứu Thế. Nhưng vai trò trung gian của Mẹ Thiên Chúa có những điểm khác biệt với Đấng Trung Gian. Trước hết đối với Mẹ Maria đó là một ơn Mẹ lãnh nhận từ Thiên Chúa, nhờ Chúa Cứu Thế và thông qua Chúa Cứu Thế. Vì Chúa Giêsu cứu thế chịu khổ nạn và chết trên thánh giá với tư cách là Thiên Chúa Làm Người, để công bằng đền bù tội lỗi cho nhân loại. Người hiển nhiên nên Đấng Trung Gian trước tòa Chúa, với trái tim nhân hậu bàu chữa cho các tội nhân. Nhưng giá máu của Người cũng là cớ vấp ngã, sự luận phạt cho bất cứ ai đang tâm phản bội, chai lòng xúc phạm hay cố tình hờ hững với tình yêu cứu độ của Người (Lc 2,34; Rm 9,32b). Còn với Mẹ Maria từ ái lòng đầy thương cảm với phận người.

Vai trò trung gian của Mẹ là vai trò chuyển cầu – cứu giúp của người mẹ. Ở Đức Mẹ chỉ có tình thương xót chăm lo cho con cái, chớ không hề bị lẽ công bằng, tính công thẳng chi phối tình yêu thương. Chúng ta cùng suy gẫm tấm lòng người mẹ, qua sự việc bà Rê-bê-ca đã vận dụng hết khả năng để tiến cử cho người con mình yêu dấu (St 27,1-29). Ở đây không phân tích việc làm đúng hay sai của bà Rê-bê-ca. Chỉ chiêm ngưỡng tình yêu một người mẹ lo lắng cho con. Dù bà vốn là một người mẹ thiên vị, bất toàn nhưng tình yêu thể hiện nơi sự lo lắng; toan tính của bà sao cho tổ phụ Gia-cop được đẹp lòng Cha, được sự chúc phước của cha.

Trái tim bà không đoái hoài chi đến lẽ công bằng lại trở nên khí cụ tích cực cho Tình Yêu Tự Do của Thiên Chúa. Như lời Thánh Kinh để lại “Ta yêu Gia-cóp mà ghét E-xau” (Rm 9,13) Thiên Chúa có lý do của Ngài, và Thiên Chúa đã tận dụng tình yêu người mẹ ở bà Rê-bê-ca mà thực hiện Thánh Ý Người. Đây là hình ảnh tuyệt vời mô phỏng cho chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta qua Đức Thánh Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta. Tình yêu thương ở Mẹ hải hà, khoan dung và quảng đại không bến bờ. Mẹ hằng lo lắng chuyển cầu cho chúng ta được đẹp lòng Thiên Chúa, được sự ban phước của Người. Mẹ khổ tâm phiền cực biết bao khi thấy con mình dần xa rời Thiên Chúa, ở trong tình trạng mất đi ơn nghĩa với Ngài.

Trái lại Mẹ vui mừng hạnh phúc khi thấy một linh hồn, một người con cố gắng tiến bước trên đường trọn lành. Mẹ sẽ tận tâm chăm sóc linh hồn ấy, dìu đưa họ an bình đạt tới đích thiện lành như lòng mong đợi. Mẹ làm trung gian không với tư cách Đấng Trung Gian có địa vị và công nghiệp bảo chứng cho sứ mệnh trung gian, nhưng làm trung gian bởi đó là ân ban cho tấm lòng đầy nhân ái của người mẹ. Vì Mẹ quá kính yêu Thiên Chúa và hết mực yêu thương các linh hồn Chúa Con đã trao phó cho tình thương của Mẹ. Nên Mẹ đã tận hiến đời mình cho sứ mệnh trung gian của Con. Có đặt mình vào địa vị của Mẹ, mặc lấy tâm trạng một người Mẹ từng chứng kiến cái chết thê thảm vì quá yêu linh hồn con người của Con mình trên thánh giá.

Tận kiến nhìn những khổ hình ghê sợ Con phải chịu, đưa tới cái chết dần dần trong đau đớn khủng khiếp cho Con. Con chết rồi thi thể vẫn chưa yên, lưỡi đòng hung bạo hiện thân của quyền lực sự dữ đâm thủng tim Con, xuyên thấu cả tâm lòng Mẹ. Nỗi đau vô tả mở ra cánh cửa tình yêu nhiệm mầu: yêu thương là thế đấy! Hiệp nhất cùng Con, yêu Con, Mẹ Maria yêu cả những gì Con đã yêu. Tình yêu thúc bách Mẹ làm mọi phương cách để cho chúng ta, cho nhân loại đạt được vinh quang vĩnh phúc cách hoàn mỹ nhất. Đem các linh hồn về cho Thiên Chúa là hạnh phúc đối với Đức Mẹ Ban Ơn. Vì Mẹ biết đó là cách làm cho Thiên Chúa vinh danh nhất, đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

Ơn trung gian Mẹ Maria lãnh nhận nhờ địa vị Đấng Trung Gian của Chúa Giêsu con Mẹ. Mẹ Thiên Chúa rất coi trọng ơn này. Xem đó là sứ vụ Mẹ có thể tỏ hết tình yêu mến kính thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Rất Thánh Trinh Nữ hân hoan vui sướng dốc hết tâm sức làm trọn vai trò trung gian của một người mẹ để xoa dịu, xoa dịu mãi cơn khát của Chúa Con trên thánh giá. Băng lại vết thương tim đã ngàn đời còn chưa khép lại. Và với tâm hồn đầy tràn Thần Khí, Mẹ tiên liệu mọi bề tốt đẹp cho những linh hồn hết lòng sùng kính nương ẩn nơi Thánh Tâm Mẹ.

Hạnh phúc biết bao! Nhân loại hỡi. Chúng ta có Người Mẹ như thế đấy!

Tình Yêu Hoa Cỏ 
 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *