Sáu Bậc Sống – Bậc sống thường tình (P.3)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

II. Bậc sống thường tình

1. Thỉnh thoảng còn làm việc đạo đức với ý không ngay lành

2. Phục vụ “tôi” nhiều hơn thực thi nhân đức

3. Sống ý riêng, nhiều tự ái. Vẫn phân biệt điều tốt xấu, đúng sai

4. Dễ dàng phạm tội nhẹ cả lòng. Khi gặp thử thách không ngại phạm tội trọng

5. Biết chút ít về niềm tin, còn xem nhẹ việc học biết Chúa.

*.*

4. Dễ dàng phạm tội mọn cả lòng. Khi gặp thử thách không ngại phạm tội trọng

altLinh hồn tin Chúa nhưng đang tôn thờ hai chủ, Thiên Chúa và chính họ. Bởi thế, nếu phạm tội nhẹ mà được lợi, được thỏa mãn ý riêng hay tình cảm, họ sẽ coi như không có gì đáng bận tâm. Họ tin mà không giữ, do đó lúc gặp cám dỗ nặng nề, thử thách lớn họ sẽ không ngại phạm tội trọng. Xem đó là điều đương nhiên phải xảy ra, không có gì áy náy lương tâm cho lắm. “Đi xưng tội thế là xong!” Để được lợi trước mắt vật chất hay tinh thần, hoặc tránh phải hy sinh nhiều, họ không đắn đo việc phạm luật dù ý thức rất rõ.

Nói chung đức tin của người ở bậc sống này có nhưng bấp bênh. Có chút lòng cậy trông, còn tình mến thì không. Nếu có mến Chúa, chẳng qua thứ tình cảm hời hợt mau thay đổi; thứ vốn để kiếm lãi. Bởi thế, với đức tin kẻ làm thuê khi thấy người khác làm sau giờ họ làm, cũng được nhận một đồng như họ, họ so đo, phản ứng gay gắt, chẳng hiểu gì về lòng thương xót, và lòng nhiệt thành yêu mến chủ xem chủ như cha (Mt 20,1-16).

Thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la cũng bởi đã xem thường việc sa phạm tội nhẹ, nên người rơi vào tình trạng bị giam hãm trong tội lâu dài, đánh mất nhiều ân sủng Chúa ban, “còn về tội nhẹ, tôi vẫn coi thường và chính vì sự bất cẩn đó đã là điều nguy hại cho tôi (TT).

5. Biết chút ít về niềm tin, còn xem nhẹ việc học hỏi tìm biết Chúa

Ở trong tình trạng đức tin kẻ làm thuê, nên linh hồn dành nhiều thời giờ cho cuộc sống trần thế; hay cho việc của Chúa hơn là chính Chúa, tìm hào quang vinh dự của Ngài chớ không tìm Ngài. Thuở thiếu thời để lãnh bí tích, họ hời hợt học qua giáo lý cơ bản. Đi dâng lễ nghe giảng ở gốc cây quanh nhà thờ. Đi tu cố gắng học giáo lý cho tròn bổn phận, để khỏi bị cho về, hay để được khấn. Vì thế kiến thức giáo lý họ có chẳng hơn kiến thức văn hóa tôn giáo. Học như người lương dân học trong trường dòng, rất thuộc kinh thánh mà chẳng tin gì. Giáo lý không nuôi dưỡng được đức tin, vì không có lòng khát khao chân lý nơi họ. Chẳng mấy khi họ áp dụng lời Chúa vào cuộc sống họ.

altỞ cuối bậc sống này sự hời hợt của linh hồn sẽ núp dưới lớp áo khéo léo hơn. Họ có thể ở trong môi trường được đào tạo nhiều, học nhiều giáo lý, học đỗ đạt cao, nhưng vẫn học với tâm trạng “một bổn phận phải làm” hay để tìm hư danh hoặc một mục đích trần thế nào đó.

Cuối cùng tích lũy một số vốn “kiến thức văn hóa tôn giáo”, do đó họ không biết gì hơn các văn tự chết. Đời sống tâm linh vì vậy èo uột, đói khát mà không hay biết. Lời Chúa không thể phát huy thần khí sự sống thay đổi con người họ. Sự sống siêu nhiên và ánh sáng chân lý còn ở sau bức màn nguội lạnh, mờ tối của tâm trí họ. Vì thế, được nhà dòng nuôi, chăm lo cho từ đầu cấp hai cho đến khi học hết đại học, họ cũng đã qua bao kỳ học giáo lý, nhưng sau đó dễ dàng bỏ dòng ra ngoài đời làm ăn cho thoải mái. Hạt giống chân lý gieo vào lòng họ bị não trạng thế gian làm chết ngạt. Như vậy sự “xem nhẹ việc học hỏi tìm biết Chúa” là tấm lòng không biết khát khao chân lý và sự sống vĩnh hằng.

* Tóm lại:

Đời sống đức tin ở bậc này là tin vì sợ hãi hỏa ngục, sợ hãi Thiên Chúa, Đấng có quyền phán xét, mà tin. Thế nên “Rồi gió sợ hãi nô lệ thổi. Gió này làm cho con người sợ cái bóng của chính mình: nó sợ mất đi những gì nó ưa chuộng. Nó sợ mất sự sống, sợ mất con cái, sợ mất người yêu, sợ mất địa vị, sợ mất danh vọng và của cải, sợ mất tài sản của người thân: nó sợ vì tự ái, vì tham lam, vì hà tiện. Sự lo sợ này không để nó nghỉ ngơi lúc nào hết, còn làm vẩn đục mọi niềm vui của nó. Nó không sở hữu các tài sản này trong trật tự và theo thánh ý Cha, do đấy mà sinh ra sự sợ hãi kinh hoàng này…”(ĐT – Đ 94). Qua Thánh Catarina, Chúa còn nói “Con có thấy không, những kẻ tìm cách thoát khỏi bùn nhơ của tội trọng, chỉ vì sợ hãi cách nô lệ? Nếu sau này những nỗ lực của chúng không được hứng khởi bởi lòng yêu mến các nhân đức, thì sự sợ hãi nô lệ sẽ không đủ để dẫn chúng tới đời sống vĩnh cửu” (ĐT – Đ 58).

Đức tin của kẻ làm thuê, tin để được trả công sẽ đáng được nhận gì nào? 

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *