Trí tuệ là gì?
Người ta thường nói rằng trí tuệ là nghệ thuật của việc biết rằng bạn không trí tuệ. Nhà triết học vĩ đại nổi tiếng Socrates phủ nhận mình trí tuệ từ hơn hai ngàn năm trước, và kể từ đó chúng ta đã tin vào lời nói của ông ấy.
Có một sự thật ở đó, nhưng định nghĩa đó chưa hẳn đã hữu ích lắm. Ý tôi là, tôi tôn trọng sự không chắc chắn, nghi ngờ bản thân và nhận ra những hạn chế trong tâm trí của mình, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể làm tốt hơn. Thậm chí còn có thể tiến thêm vài bước.
Quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tạo ra định nghĩa riêng tách biệt nó khỏi trí thông minh thông thường và rồi sử dụng định nghĩa đó để minh họa rằng tại sao sự khác biệt lại quan trọng và làm thế nào để chúng ta thực sự đem nó vào cuộc sống thường nhật.
Thông minh thường được liên tưởng đến việc biết một cái gì đó. Thường thì nó cũng có nghĩa là chúng ta có thể tự tin áp dụng những gì chúng ta biết trong một bối cảnh cụ thể.
Với tôi trí tuệ thì khác hẳn. Nó khác biệt bởi vì nó có nhiều chiều cạnh hơn. Trí tuệ không chỉ dừng lại ở việc biết, mà còn hiểu. Sự khác biệt giữa biết và hiểu làm cho mọi thứ trở nên thú vị. Việc biết là căn cứ theo thực tế nói chung. Bạn đã học được một loại kiến thức cụ thể và bạn biết bản chất của nó khi áp dụng cho một vấn đề riêng biệt.
Tuy nhiên sự thấu hiểu thì linh hoạt hơn nhiều. Bạn đã học được một loại kiến thức cụ thể, nhưng bạn không thấy nó là chân lý hoặc áp dụng một cách cứng nhắc vào một điều gì. Thay vào đó, bạn hiểu bản chất của kiến thức và bạn có thể thấy nó liên quan đến mọi thứ khác như thế nào, bao gồm cả những sắc thái và mâu thuẫn trong đó.
Sự khác biệt đó rất tinh tế nhưng mạnh mẽ. Trong khi trí thông minh cung cấp cho bạn lợi ích cụ thể, trí tuệ truyền cảm hứng về tính linh hoạt. Nó cung cấp một ống kính với nhiều kết cấu hơn để tương tác với thực tế, thay đổi cách bạn nghĩ rất nhiều.
Bồi dưỡng kiến thức liên quan
Mỗi khi bạn thay đổi cách nhìn nhận, dù lớn hay nhỏ, bạn đều có được kiến thức. Bạn học được một điều mới mà trước đây bạn có thể không biết, và kết quả là: tâm trí của bạn đã thay đổi chính nó để lưu ý đến bất cứ điều gì có liên quan đến kiến thức này trong tương lai. Lần tới sẽ có thêm một sự rõ ràng. Tuy nhiên, nếu thấu hiểu những kiến thức thu được, thay vì chỉ biết, sẽ có một bước khác xảy ra mỗi khi tâm trí của bạn thay đổi.
Ví dụ, nếu bạn là một học sinh và bạn đang làm một bài kiểm tra khó, giả sử rằng bạn quyết định gian lận. Rồi thật không may, bạn bị bắt trong khi gian lận. Kết quả là bạn nhận một điểm trượt trong khóa học.
Điều bạn rút ra từ trải nghiệm này sẽ bổ sung vào trí thông minh của bạn một thực tế rằng việc gian lận trong thi cử sẽ có hậu quả, và những hậu quả đó, trong khi có thể không xảy ra, có một tác động tiêu cực không tương xứng đối với cuộc sống của bạn. Đơn giản là không đáng lặp lại trong tương lai.
Bước bổ sung sẽ chuyển đổi trí thông minh trong một diễn biến cụ thể thành trí tuệ có thể áp dụng rộng rãi, đó là việc nhận ra rằng không chỉ việc gian lận thi cử không đáng xảy ra vì hậu quả chua chát, mà hầu hết mọi thứ trong cuộc sống mang rủi ro đắt giá cần phải tiếp cận một cách thận trọng, cho dù chúng là quyết định tài chính hoặc những lựa chọn cuộc sống cá nhân.
Tất nhiên, đây là một diễn biến khá đơn giản, nhưng vấn đề là tri thức có sự liên hệ và sự thông hiểu của trí tuệ nhận ra điều đó thay vì chỉ đơn thuần coi đó là một điểm thông tin biệt lập. Thay vì bài học rằng gian lận là xấu, bạn kết hợp bản chất của kiến thức học được từ kinh nghiệm đó với mạng lưới kiến thức hiện có của mình để thực sự nắm bắt nguyên lý cơ bản bên dưới.
Bằng cách này, bạn hiểu rằng việc “đi đường tắt” có thể làm tổn hại các mối quan hệ cá nhân như thế nào, sự hiểu biết mới về rủi ro có thể áp dụng vào các hoạt động kinh doanh ra sao, và hiểu rằng những gì bạn nói quan trọng hơn nhiều lý do tại sao bạn nói chúng.
Kiến thức luôn được tận dụng tốt nhất khi nó kết nối với những kiến thức khác.
Tạo một mạng lưới thông tin
Trong khoa học mạng (network science), có một hiệu ứng mới nổi hiện nay được gọi là Định luật Metcalfe.
Định luật này lần đầu tiên được sử dụng để mô tả sự phát triển của các mạng viễn thông, nhưng theo thời gian, nó đã được ứng dụng ngoài phạm vi đó. Về cơ bản nó tuyên bố rằng: Giá trị của một mạng lưới tăng lên cùng với số lượng người dùng được kết nối.
Trong bất kỳ mạng lưới nào, mỗi điểm là một nút thắt và sự kết nối giữa chúng là một liên kết. Số lượng nút thắt tự thân nó không nhất thiết phải phản ánh giá trị của một mạng, nhưng số lượng liên kết giữa các nút thắt đó thì có.
Ví dụ, mười chiếc điện thoại độc lập tự chúng không thực sự hữu ích. Điều làm chúng hữu ích là kết nối mà chúng có với những chiếc điện thoại khác. Và chúng kết nối với càng nhiều điện thoại khác thì chúng càng hữu ích vì chúng càng có nhiều quyền truy cập lẫn nhau.
âng, mối quan hệ giữa các loại kiến thức khác nhau trong tâm trí chúng ta cũng hoạt động tương tự như vậy. Chúng càng kết nối với nhau, mạng lưới thông tin mà chúng ta có trong não càng có giá trị.
Mỗi khi bạn tiếp thu kiến thức, hoặc là bạn sẽ cô lập nó trong một bối cảnh hẹp nơi nó giải quyết một vấn đề cụ thể, hoặc là bạn sẽ chia nhỏ nó ra để bạn có thể kết nối kiến thức đó với thông tin đã có mà bạn tích lũy được cho đến nay.
Trong kịch bản này, trí thông minh được tìm thấy trong một túi thông tin của chính nó. Tuy nhiên, trí tuệ thì được tích lũy trong quá trình thiết lập những liên kết mới.
Mỗi nút kiến thức trong tâm trí bạn là một mô hình tinh thần của một phương diện nào đó của thực tế, nhưng mô hình tinh thần đó vẫn chưa hoàn chỉnh cho đến khi nó được tháo gỡ và tái bối cảnh hóa dưới ánh sáng của thông tin chứa trong các mô hình tinh thần khác về kiến thức xung quanh nó.
Cách duy nhất để đạt được trí tuệ là suy nghĩ theo toàn bộ mạng lưới thông tin chứ không phải là các điểm nút riêng lẻ.
Đó là nơi sắc thái được suy xét; đó là nơi mà sự lưu tâm đến tính phức tạp xuất hiện; và đó là cách mà thông tin chuyên môn thấy được tính linh hoạt của nó.
Sức mạnh của tâm trí phụ thuộc vào giá trị của mạng lưới thông tin của mỗi người.
Tóm lại
Cuộc tìm kiếm trí tuệ là một nỗ lực từ xưa đến nay. Nó là điều mà rất nhiều người đã khuyến nghị. Tìm kiếm trí tuệ được xem là hữu ích cho việc tìm kiếm sự hài lòng nội tại cũng như cho việc thúc đẩy những thành công bên ngoài. Nó là một cách tương tác khôn ngoan hơn với thực tế.
Trong khi không phải định nghĩa của ai về trí tuệ cũng giống nhau, nhưng dường như không có gì quá cường điệu khi phân biệt nó bằng một sự thấu hiểu sâu hơn. Một thứ vượt ngoài sự hiểu biết mà chúng ta thường gắn liền với trí thông minh.
Khi chúng ta nghĩ về việc đạt được trí thông minh, chúng ta nghĩ về thông tin mới lấy cảm hứng từ sự thay đổi quan điểm, điều đã cho chúng ta biết một sự thật về một khía cạnh của thực tế.
Trí tuệ còn đi xa hơn thế. Nó rút ra bản chất cốt lõi của thông tin để có thể liên kết nguyên lý cơ bản của kiến thức đó với mạng thông tin đang tồn tại trong tâm trí.
Chính tính kết nối của mạng lưới này đã tách biệt nó khỏi trí thông minh đơn thuần.
Càng nhiều liên kết giữa các túi thông tin, mạng lưới tổng thể sẽ càng có giá trị khi giải quyết bất kỳ vấn đề nào khác. Nó thêm một khía cạnh bổ sung cho mỗi mô hình tinh thần trong tâm trí.
Chỉ biết những điều này thôi thì không đủ trang bị cho bạn đắm mình trong trí tuệ, nhưng với nhận thức và thực hành, các lối tư duy mới sẽ được tạo ra.
Cách bạn làm điều này định hình mọi thứ khác. Nó đáng để làm.
——————————————————————————-
Nguồn: https://content.triethocduongpho.net/kien-thuc-va-tri-tue-khac-nhau-ntn/
Tác giả: Zat Rana
Biên dịch: Trần Đình Quân
Hiệu đính: Hoài Thanh, Prana