NGUỒN GỐC VIỆT NAM của CÁC HỌC THUYẾT Á ĐÔNG – P.1

LỜI MỞ – HỌC THUYẾT VIỆT NAM
Trên Thạp và Trống Đồng

        Trên Thạp và Trống Đồng

1. Dẫn Nhập.

2. Di chỉ Đông Sơn.

3. Lợi điểm của việc Ký thác vô Đồ đồng.

4. Những khám phá từ Thạp và Trống.

5. Hơn 3000 năm trước.

1. Dẫn Nhập.

Cho tới hiện nay, mỗi khi nói tới các Học thuyết phương Đông, như Học thuyết về Âm Dương Tám Quẻ, về Đất Trời Năm Hành, về Đạo và Đức… mọi người đều lặp lại sách vở của Trung Hoa mà bình thản chấp nhận đó là của Trung Hoa, có nguồn gốc từ Trung Hoa.

Cũng vậy, những phát minh thời xưa, như kỹ thuật dùng trâu kéo cày, kỹ thuật đồ đồng, đồ gốm… cũng đều được xác quyết là của Trung Hoa, theo như sách vở Trung Hoa ghi chép.

Tuy nhiên, từ một thế kỷ qua, những khám phá khảo cổ ở vùng Đông Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam, đã làm thế giới kinh ngạc và xác nhận những Đồ đồng Đông Sơn, đặc biệt Thạp và Trống Đồng thời tuyệt kỹ, đích xác là những tác phẩm vô giá của Việt Nam, thời cách đây hơn 3000 năm.

*     *

2. Di chỉ Đông Sơn.

Di vật đã chứng tỏ di chỉ Đông Sơn có một lịch sử bản địa : từ những đồ đồng thô sơ tới những phát minh kỹ thuật luyện kim và khắc đúc của thời tuyệt kỹ.

Thời tuyệt kỹ của Đông Sơn được kể từ năm 1000 tới năm 700 ttl, ± 100 năm.

Thạp và trống Đông Sơn không chỉ đặc biệt ở hợp chất, ở tiếng vang, mà còn độc đáo ở hình dạng và ở cách trang trí.

Tuyệt diệu hơn nữa, qua các hoa văn, qua trang trí và hình dạng độc đáo của Thạp và Trống Đông Sơn, đặc biệt của Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ, Tổ Tiên ta không những đã ký thác và lưu truyền những đặc điểm của nền văn minh, văn hóa, mà còn mã hóa toàn bộ những ý niệm và học thuyết của Dân Việt đương thời.

*     *

3. Lợi điểm của việc Ký thác vô Đồ đồng.

Những ý niệm và học thuyết được Tổ tiên ta ký thác lên Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ, có những lợi điểm mà chữ viết và sách vở không thể có.

Khác với chữ viết và sách vở, hình dạng và hoa văn khắc trên đồ đồng không biến đổi với thời gian.

Cũng khác với chữ viết và sách vở, ngày nay ta có thể biết nơi phát xuất của đồ đồng, dựa vào hợp kim, hình dạng, trang trí, và kỹ thuật đúc.

Những hình ảnh được khắc trên đồ đồng, gốc của chữ viết, có nhiều chi tiết súc tích và nhiều ý nghĩa chính xác hơn là chữ viết.

Những hoa văn ký thác trên đồ đồng không lộ liễu như chữ viết và sách vở. Nhờ vậy, giặc Trung Hoa đã không thể nhận biết, nên cũng không thể lạm nhận hay hủy hoại, như chúng đã làm đối với chữ viết và sách vở.

*     *

4. Những khám phá từ Thạp và Trống.

Ở đây chúng ta chỉ chú trọng tới Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ.

Các hình đúc trên Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ, đều là chữ. Đây là những hình đã được đơn giản hóa thành chữ viết, loại chữ tượng hình.

Tuy nhiên, do hình dạng và trang trí đặc biệt, Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ không chỉ ghi lại nét chữ, mà còn ghi cả đồ biểu, nội dung và tên gọi của những Chữ đặc biệt.

Vị trí khác nhau trên Thạp và Trống cũng đã được Tổ Tiên ta dùng để ký thác hàm ý của các Chữ.

Ngoài ra, trang trí chung quanh các chữ cũng tương xứng, để tăng thêm ý nghĩa của Chữ.

Tuyệt diệu hơn cả là Tổ Tiên ta đã sáng chế Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ thành một bộ. Cả hai liên kết sóng đôi, như Tiên và Rồng, như Âm và Dương, như Đạo và Đức… Thạp hàm chứa tất cả những Chữ, những ý niệm, những đặc tính thuộc phần Tiên, phần Âm, phần Đạo. Trống lại hàm chứa tất cả những gì mang đặc tính của biểu tượng Rồng, của Dương, của Đức.

Sự liên hợp chặt chẽ nầy, không chỉ giữa Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ, mà còn giữa các ý niệm, và giữa các học thuyết, đã nói lên đặc tính thống hợp toàn bộ của Văn hóa Việt. [Đây cũng là dấu chỉ tính cách chính xác của việc giải mã Thạp và Trống đồng].

*     *

5. Hơn 3000 năm trước.

Như vậy, từ hơn 3000 năm trước, Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ đã được tác tạo để cất giữ và lưu truyền những bảo chứng của Học thuyết Việt cổ đại, hoàn thiện trước cả sự thành hình của Tộc Hoa. [Tộc Hoa do các nhóm du mục sơ khai tụ tập và chính thức thành hình vào năm 1046 ttl, khi thành lập Nhà Chu].

Những Học thuyết nầy có nhiều điểm trung thực, tinh tế, và thuận lý hơn những biện giải của các thời sau.

Ngày nay, sau 2000 năm gia sản Việt Lạc bị Trung Hoa tàn phá và soán đoạt, Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ đã trở thành những chứng cứ xác quyết sự phát triển vượt bực của Tổ Tiên Việt Nam cách đây hơn 3000 năm, và vạch rõ những gian lận và bất lương của giới thống trị Trung Hoa.

Sau đây là một số chứng cứ. Cầu mong những chứng cứ nầy sẽ mở đường cho nhiều khám phá mới, tuyệt diệu hơn, để đền đáp công ơn vô giá của Tổ Tiên đã khổ tâm, khổ trí, khổ công, trao truyền lại cho chúng ta.

Nguyễn Thanh Đức 2013