Trí nguyện là dùng tâm trí để cầu nguyện.
Có nhiều bậc cầu nguyện bằng tâm trí:
a. Suy gẫm
b. Chiêm suy (suy chiêm)
c. Chiêm ngắm
d. Chiêm ngưỡng
e. Chiêm niệm
Chúng ta tìm hiểu sự khác nhau và cấp độ cầu nguyện bằng tâm trí.
Dùng lý trí để xem xét, quan sát, phân tích lời Chúa hay một chân lý đức tin, lấy đó làm đề tài hầu nâng tâm linh lên cho con tim khao khát hướng về Chúa.
Cách cầu nguyện này bước đầu giống như suy gẫm, nhưng linh hồn không chăm chú vào việc tìm ra những kiến thức đức tin. Song hướng tâm hồn chìm sâu vào một ý tưởng mà mình nghĩ ra, và để cho tâm tư của mình giục lòng khát Chúa. Ví dụ: Linh hồn nghĩ đến đoạn lời Chúa “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15,4-7)
Dùng trí hiểu để suy nghĩ và xem xét đoạn lời Chúa, chúng ta sẽ nhận ra tình thương cách riêng của người mục tử dành cho con chiên bị lạc. Hình ảnh của Thiên Chúa hằng yêu thương các tội nhân, Người yêu thương chúng ta, cố công tìm kiếm chúng ta trở về với ân sủng tình Trời. Để chúng ta được cưu mang trong niềm vui, hạnh phúc và hoan lạc vĩnh hằng trong đại gia đình thiên quốc. Tới đây linh hồn không suy nghĩ nữa, mà lại đem lòng ước ao được Chúa ban cho dồi dào sự sống thần linh, để có thể đáp thỏa tình Chúa yêu thương. Nỗi khát khao đó hòa hợp lý trí và tình cảm của con tim hướng về Chúa, cứ như thế tiếp tục đến ý tưởng khác mà nâng hồn lên cùng với những khát khao tình yêu và ân sủng Chúa.
Cách cầu nguyện này, không có chủ đích làm cho linh hồn hiểu biết nhiều về kiến thức thần linh, nhưng lại giúp linh hồn mau gặp gỡ Chúa, làm gia tăng sự mật thiết với Chúa. Nói cách khác, nó không làm gia tăng kiến thức đức tin, và tăng trưởng đức tin bao nhiêu, song lại nghiêng về làm gia tăng tình mến Chúa nhiều hơn. Nó cũng tránh được phần nào những tiêu cực tai hại ở cách cầu nguyện suy gẫm.
Tuy vậy, chiêm suy vẫn có những trở ngại riêng như bất cứ cách cầu nguyện nào. Ví dụ: có lúc linh hồn sẽ rơi vào tình trạng khô nhạt, cảm thấy nhàm chán với những điều suy nghĩ quen thuộc. Hay không thể phối hợp tình cảm với lý trí, mệt mỏi không thể nâng lòng khát khao… Những điều nầy có thể do nguyên nhân tự nhiên mà có, nhưng cũng có thể do Các Anh ngăn cản linh hồn, không muốn cho linh hồn tiến bước cầu nguyện.
Khi gặp phải trường hợp như vậy, linh hồn phải hồi tâm xét mình, xem có phải do mình xao động trong cuộc sống, làm ảnh hưởng đến việc cầu nguyện hay không. Nếu không do những nguyên nhân tự nhiên mình gây ra, như ham mê sự đời, buông thả ngũ quan, vấp vào tội trọng v.v… thì đừng ngạc nhiên hay lo lắng. Bởi nếu Chúa có cho phép Các Anh quấy phá đi nữa, cũng chỉ để làm ích hơn cho linh hồn chúng ta mà thôi. Đây là lúc linh hồn cần thể hiện sự thành tâm thiện chí khát khao Chúa. Một mặt hạ mình trước Chúa, liên lỉ cầu xin Chúa giúp sức chiến đấu với ba thù; nài van Mẹ và các thánh cầu bầu cho linh hồn, xin thương xót linh hồn bất lực của mình. Một mặt chấn chỉnh cuộc sống, kiên trì giữ giờ cầu nguyện, và trung thành với thời gian cầu nguyện. Dù nó có ra sao cũng mặc, cứ xem như ngón đòn tấn công của Các Anh chẳng có ý nghĩa gì. Không bao lâu, ơn Chúa lại đổ xuống đỡ nâng linh hồn giúp các con tiến bước, những ủi an và sốt mến sẽ quay trở lại.
TYHC