Dẫn nhập
Trong sự phát triển của thần học, triết học đóng vai trò rất quan trọng. Đối với nhiều người, triết học được xem là ‘người bạn tâm giao ý hợp’ của thần học.[1] Vào thời Trung Cổ, khi thần học phát triển mạnh, người ta xem triết học như là tôi tớ hoặc nữ tỳ của thần học vậy. Mối tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa thần học và triết học luôn được tái lượng định và đánh giá trong lịch sử nhân loại. Một nhãn quan khá quân bình về tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa thần học và triết học tìm được nơi tư tưởng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1920 – 2005). Câu đầu tiên trong thông điệp Fides et Ratio (Đức Tin và Lý Trí, 1998), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng “đức tin và lý trí như đôi cánh nâng tâm hồn con người chiêm ngưỡng chân lý.” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng quả quyết rằng “thần học cần và luôn cần sự đóng góp của triết học. Là việc suy luận của lý trí trong ánh sáng đức tin, thần học giả định và đòi hỏi trong tất cả quá trình nghiên cứu một lý trí được định dạng, tôi luyện với những ý niệm và luận cứ.”[2]
Thần học khởi đi từ nội dung đức tin Kitô Giáo (Kinh Thánh, Truyền Thống, và Giáo Huấn của Giáo Hội) với sự hỗ trợ đắc lực của triết học. Mỗi bước tiến của thần học in đậm dấu ấn của những đóng góp triết học. Chẳng hạn, người ta thấy dấu ấn triết học của Plato (424 – 348 BCE) trong các tác phẩm thần học của thánh Augustine (354 – 430) hay dấu ấn triết học của Aristotle (384 – 322 BCE) trong các tác phẩm thần học của thánh Thomas Aquinas (1225–1274). Triết học cung cấp ngữ cảnh, phương pháp nghiên cứu, ý tưởng, và từ vựng cho thần học nhằm giúp thần học trả lời những câu hỏi về Thiên Chúa, về thế giới thụ tạo, về con người, và các tương quan trong đó.
Với sự xuất hiện của Kỷ Nguyên Ánh Sáng bắt đầu vào cuối thế kỷ XVII và sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học, đặc biệt, các ngành khoa học xã hội, thần học đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Theo đó, các thần học gia không chỉ dựa vào triết học mà còn tìm đến các ngành khoa học xã hội để kín múc ‘dữ liệu’ cho việc nghiên cứu. Một số người cho rằng nếu thần học không chung nhịp với các ngành khoa học xã hội khác, thần học sẽ trở nên lạc lõng giữa xã hội loài người.[3]
Trong bài viết này, trước hết, chúng ta sẽ điểm qua tương quan giữa thần học và triết học. Tiếp đến, chúng ta sẽ chỉ ra sự cần thiết cho một nhãn quan thần học mới. Sau đó, chúng ta sẽ bàn về tương quan giữa thần học và các ngành khoa học xã hội. Đồng thời, chúng ta cũng nêu lên một số vấn đề nan giải khi thần học sử dụng ‘dữ liệu’ của các ngành khoa học xã hội trong quá trình suy tư của mình.
1. Tương quan giữa thần học và triết học
Triết học thường được hiểu như là việc con người sử dụng lý trí để tiếp cận và nghiên cứu các thực tại khách quan. Theo nhãn quan Hy Lạp, hoạt động cao nhất của lý trí con người là chiêm ngưỡng Chân Lý, chiêm ngưỡng Cái Đẹp, chiêm ngưỡng Sự Lành, chiêm ngưỡng Sự Thiện. Plato xem thế giới thụ tạo, thế giới mà chúng ta đang sống chỉ là thế giới tối tăm hay thế giới ảo ảnh mà thôi. Với lý trí của mình, con người có thể tìm về thế giới của các thực tại tối cao, thế giới linh tượng, ở đó, họ sẽ nhận ra căn tính đích thực của mình. Ưu tiên của cuộc sống con người là sự cố gắng để được hòa nhập vào thế giới linh tượng, chứ không phải bám víu vào thế giới vật chất, thế giới khả giác, thế giới trương độ.
Đối với những người Do Thái Giáo, thì Thực Tại Tối Cao, chính là Thiên Chúa duy nhất, Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài và Dân Do Thái được gọi là Dân Riêng của Người. Trong nhãn quan Do Thái Giáo, không ai có thể hiểu thấu hay mô tả Thiên Chúa cách trọn vẹn. Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa, họa chăng chỉ có thể thấy được lưng của Người (Xh 33:18-23). Với những ai thuộc nền văn hóa Lão – Khổng, ưu tiên của việc suy tư triết học hướng đến ba thực tại căn bản: Trời, Đất, và Người. Hạnh phúc đích thực mà con người có được là khi ba thực tại này hòa hợp với nhau. Tuy nhiên, ý niệm Trời trong Lão Giáo và Khổng Giáo là ý niệm khá mông lung. Trời, Đạo, hay Thượng Đế trong Lão Giáo và Khổng Giáo không đậm tính ngã vị như Do Thái Giáo hay Kitô Giáo. Những tranh luận về ‘Lão Giáo và Khổng Giáo có phải là các tôn giáo đúng nghĩa hay chỉ đơn thuần là các triết lý?’ vẫn còn tiếp diễn.
Kinh Thánh Kitô Giáo, đặc biệt, Kinh Thánh Tân Ước, trình bày Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương, Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc, và Đấng Thánh Hóa. Thiên Chúa không bao giờ vắng bóng trong thế giới thụ tạo. Vị Thiên Chúa sáng tạo không gian, thời gian, cùng muôn vật muôn loài trong đó, cũng là Vị Thiên Chúa xuống thế làm người, Đức Giêsu Kitô. Vị Thiên Chúa siêu việt cũng chính là Emmanuel chịu cảnh giới hạn của không gian, thời gian cùng những bấp bênh của thế sự. Vị Thiên Chúa vô hình cũng chính là vị Thiên Chúa hữu hình, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15; 1 Pr 2,22).
Thiên Chúa, theo mặc khải Kinh Thánh Kitô Giáo, siêu vượt các luận cứ triết học (cho dù đó là triết học có nền tảng vững chắc nhất, triết học Hy Lạp), cũng như các kinh nghiệm tôn giáo (cho dù đó là kinh nghiệm tôn giáo sâu xa của Dân Riêng Thiên Chúa, Dân Do Thái). Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nói rằng “trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,22-23). Thánh Phaolô muốn cho thính giả của mình nhận thức rằng họ không thể tiếp cận và gặp gỡ Thiên Chúa cách đích thực bao lâu họ chưa thể vượt qua được tư tưởng triết lý chật hẹp và tư tưởng tôn giáo thiển kiến của mình. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống con người là đặt niềm tin và lòng tín thác vào Đức Giêsu Kitô cũng như Giáo Huấn của Người. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng thánh Phaolô hoàn toàn phủ nhận vai trò của triết học, vai trò của lý trí trong việc khai triển niềm tin Kitô Giáo. Hơn ai hết, thánh Phaolô chính là người thành thạo trong việc sử dụng các khái niệm triết lý và văn hóa Hy Lạp trong các thư của mình gửi các cộng đoàn kitô hữu sơ khởi (1 Cr 7,31; 2 Cr 4,18; Cl 2,17; Gl 4,26; 1 Tm 6,20; Pl 4,11-13; 1 Tx 4,1-12).
Ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, các Giáo Phụ đã học hỏi, suy tư, và khai triển nội dung đức tin Kitô Giáo vì lợi ích của các kitô hữu. Phương tiện hữu hiệu nhất để các Giáo Phụ sử dụng trong việc đào sâu nội dung đức tin Kitô Giáo chính là gia sản tri thức của dân ngoại (Hy Lạp). Chẳng hạn, Philo (20 BCE – 50 CE) cố gắng nối kết những tư tưởng triết học Hy Lạp với sứ điệp Kinh Thánh. Ông nói rằng “triết học là sự tìm kiếm khôn ngoan, và khôn ngoan là khoa học của những gì thuộc thế giới thần linh cũng như nhân loại và những căn nguyên của chúng.”[4] Đặc biệt, sự hình thành giáo lý Chúa Ba Ngôi của Kitô Giáo từ Công Đồng đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội, Công Đồng Nicea (325) đến Công Đồng thứ hai, Công Đồng Constantinople (381) có thể được xem là việc áp dụng sáng tạo triết lý Hy Lạp vào thần học Kitô Giáo. Những ý niệm và hạn từ Hy Lạp, chẳng hạn, lời (λόγος), bản tính (οὐσία), ngôi vị (ὑπόστασις), etc., đã được sử dụng và mang sắc thái cũng như ý nghĩa mới mẻ trong thần học Kitô Giáo.
Trong những thập niên cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V, thánh Augustine tiếp tục xem lý chứng triết học như là công cụ cần thiết để đào sâu và triển khai nội dung đức tin Kitô Giáo. Tương quan giữa triết học và thần học đạt tới đỉnh điểm với những tác phẩm kiệt xuất của thánh Thomas Aquinas. Thánh nhân cho rằng với ánh sáng của lý trí tự nhiên và qua thế giới thụ tạo, con người có thể nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, cũng như tương quan giữa Thiên Chúa và thế giới thụ tạo. Đối với thánh nhân, không có bất cứ rào cản nào giữa lý trí và đức tin trong việc tiếp cận Thiên Chúa, vũ trụ, con người, cùng những quan hệ giữa các thực tại này. Sự kết hợp giữa triết học và thần học, lý trí và đức tin cho phép con người tiến gần Thiên Chúa hơn, đồng thời, cũng cho họ hiểu biết về phẩm giá của mình hơn trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Những thành tựu của Triết Học Kinh Viện ảnh hưởng mạnh đến thần học Kitô Giáo qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, thời vàng son của Triết Học Kinh Viện, được xem như là công cụ hữu hiệu trong suy tư thần học, có xu hướng giảm dần theo dòng thế kỷ. Với những khám phá của Nicolaus Copernicus(1473 – 1543) và Galileo Galilei (1564 – 1642), nhân loại có được tầm nhìn mới mẻ hơn về vũ trụ, đặc biệt, về thái dương hệ chúng ta. Theo đó, trong thái dương hệ chúng ta, mặt trời là trung tâm, chứ không phải là trái đất như quan điểm của Aristotle và Claudius Ptolemy (90 – 168). Thêm vào đó, giả thuyết tiến hóa của Charles Robert Darwin (1809 – 1882) đã mở ra một hướng mới trong việc khám phá nguồn gốc các loài thực vật và động vật trên trái đất này. Hơn thế nữa, với sự xuất hiện của Kỷ Nguyên Ánh Sáng, người ta cho rằng đã đến lúc tri thức con người chi phối vũ trụ nhân sinh, rằng ánh sáng lý trí sẽ chiếu soi vào bóng đêm của nhân loại, và rằng quan niệm của con người về vũ trụ trong quá khứ ẩn chứa quá nhiều bất cập, sai lầm.[5] Một số người còn chủ trương rằng siêu hình học và thần học nếu không vô ích thì cũng ít quan trọng trong cuộc sống con người.
Kỷ Nguyên Ánh Sáng cũng mở đường cho chủ nghĩa thế tục trong đó Friedrich Nietzsche (1844 – 1900), Karl Marx (1818 – 1883), và Sigmund Freud (1856 – 1939) là những nhân vật điển hình. Theo họ, siêu hình học với những ý tưởng trừu tượng như các tôn giáo chủ trương không có chỗ đứng trong việc tiếp cận các thực tại trong thế giới nhân sinh. Các tôn giáo với hệ thống thần học của chúng chẳng có giá trị gì hơn là làm cho con người tha hóa, bằng lòng với số phận của mình, và như thế ngăn cản sự phát triển của xã hội loài người. Để cải biến tình thế đáng thương này, con người cần biết tự cứu mình dựa vào khả năng tiềm tàng của lý trí và cùng nhau hành động sáng tạo trong thế giới vật chất, có như thế, xã hội loài người sẽ chóng phồn thịnh, phẩm giá và tự do của con người ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, Marx đã biến tư tưởng duy tâm biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 – 1831) và duy vật siêu hình của Ludwig Andreas von Feuerbach (1804 – 1872) thành tư tưởng duy vật biện chứng của mình và xem đó như là tư tưởng có tính chung cuộc cho toàn thể nhân loại.
Marx xem khoa học thực nghiệm như là triết lý vậy. Ông cho rằng vật chất quyết định ý thức và rằng sự thay đổi về mặt thực hành sẽ dẫn tới sự thay đổi về ý tưởng.[6] Lộ trình phát triển của xã hội loài người từ cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản, xã hội chủ nghĩa, và chủ nghĩa cộng sản là lộ trình không thể đảo ngược được.[7] Theo Marx, đấu tranh giai cấp là nguồn động lực cho sự phát triển của nhân loại. Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Marx làm nảy sinh nhiều tranh luận giữa các triết gia, thần học gia, cũng như các nhà khoa học qua nhiều thập kỷ.
Chúng ta biết rằng Immanuel Kant (1724 – 1804) và Hegel đã xây dựng hệ thống triết học có ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận các thực tại siêu nghiệm, trong khi Feurbach và Marx đã phủ nhận hệ thống này. Đối với Feurbach và Marx, hệ thống triết học của Kant và Hegel không có khả năng đào sâu và mô tả thế giới thực, thế giới mà con người ý thức được cùng những tương quan trong đó. Theo họ, ngôn ngữ siêu hình như quan điểm của Kant và Hegel nên nhường chỗ cho ngôn ngữ khoa học, đặc biệt, ngôn ngữ nhân loại học. Vì lợi ích vật chất, lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế, Marx xem nhẹ tất cả các ‘sản phẩm trừu tượng’, ngay cả ý thức con người. Theo Marx ý thức là sản phẩm của vật chất kết tụ trong tâm trí con người nhờ hoạt động thực tiễn.[8] Ông cũng cho rằng lương tâm con người chẳng qua cũng là sản phẩm của vật chất mà thôi.[9]
Đối với Marx, không gì có thể siêu vượt thế giới vật chất này. Sao lãng các thực tại trần thế cũng như dẫn xuất của các thực tại này để đắm chìm trong thế giới siêu hình, thế giới trừu tượng sẽ dẫn tới hậu quả là làm cho con người mâu thuẫn với chính mình cũng như với những thực tại khác trong xã hội. Mâu thuẫn này biến con người thành những hữu thể xa lạ ngay trong chính thế giới mình sống. Theo Marx, con người không thể ở trong thế giới thuộc không gian và thời gian trong khi lại mơ màng về thế giới phi không gian, phi thời thời gian, và phi thực tế. Marx chủ trương rằng con người cần tập trung làm việc và xây dựng thiên đàng cho chính mình ngay trên trần gian này. Trớ trêu thay, đối với một số người, tư tưởng của Marx được xem như luồng gió mát có khả năng làm dịu bầu khí oi bức của xã hội loài người lại bị chết yểu, đặc biệt, chiều kích thực hành của tư tưởng này đã bị cáo chung khi chưa bước vào ngưỡng cửa thế kỷ XXI.
2. Lời mời gọi cho một nhãn quan thần học mới
Kỷ Nguyên Ánh Sáng, chủ nghĩa duy lý, và chủ nghĩa duy vật vừa hứa hẹn hừng đông phồn thịnh cho nhân loại, vừa gây nên xáo trộn trong tâm thức những người hay hoài niệm về quá khứ, đồng thời, chúng cũng góp phần lớn trong việc giải thiêng tôn giáo. Người ta tưởng rằng một thế giới phát triển vượt bậc về mọi mặt sẽ đến rất sớm nhờ vào năng lực tri thức của con người. Với cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ XVIII và XIX, nhiều người hi vọng rằng sự nghèo đói và những bất cập trong các cộng đồng nhân loại sẽ dần được giải quyết. Tuy nhiên, thực tế lại không sáng sủa như mong đợi. Mối tương quan giữa chủ và thợ, giữa tầng lớp tri thức và giới bình dân, giữa tầng lớp cầm quyền và giới bị trị luôn trong tình trạng căng thẳng. Sang thế kỷ XX, tình thế xem ra còn bi đát hơn vì các cuộc xung đột quốc gia, sắc tộc, nghèo đói, và sự tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc trên thế giới.
Sự mất định hướng của xã hội loài người, sự gia tăng nghèo đói, sự xuống cấp của nhân phẩm, cũng như chiến tranh khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới đã đặt ra những thách đố cho các thần học gia trong việc suy tư thần học cũng như tái định hướng việc suy tư thần học của mình. Đâu là chỗ đứng của thần học giữa lòng thế giới? Bằng cách nào thần học có thể góp phần mình trong việc cải thiện môi trường xã hội loài người? Phải chăng nội dung đức tin Kitô Giáo cung cấp đầy đủ ánh sáng cho việc giải quyết các hình thức bất hòa hợp trên thế giới? Đây được xem là thời buổi chín muồi để các thần học gia đi vào cuộc đối thoại với các nhà xã hội học, tâm lý học, thống kê học cũng như những người chuyên môn trong nhiều ngành khoa học khác nhằm góp phần cải thiện tình thế trong xã hội loài người.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của Marx trong bức tranh lớn của chủ nghĩa nhân bản vô thần với nhiều màu sắc khởi đi từ Kỷ Nguyên Ánh Sáng có ảnh hướng lớn đến suy tư thần học nơi một số thần học gia. Đặc biệt, từ hậu bán thế kỷ XX, chúng ảnh hưởng mạnh đến Thần Học Giải Phóng, hình thức thần học đặt trọng tâm vào chiều kích xã hội của nhân loại. Với một số người, hình thức thần học này mang thuộc tính ‘Marxist’. Một mặt, cần phải nhìn nhận rằng có những tương đồng nhất định về việc nhận diện, phân tích xã hội, phương pháp luận và cách thức làm cho xã hội tốt hơn giữa lý thuyết của Marx và Thần Học Giải Phóng. Mặt khác, chúng ta nhận thấy rằng kết luận Thần Học Giải Phóng được gợi hứng từ chủ nghĩa Marx trên mọi phương diện là một kết luận hàm hồ. Mục đích chính của Thần Học Giải Phóng là sao cho suy tư thần học có ảnh hưởng thực sự tới cuộc sống con người đang chịu cảnh bất công và bất hòa hợp trong xã hội.[10]
Đối với những người ủng hộ Thần Học Giải Phóng, bổn phận của các thần học gia là đào sâu chiều kích xã hội của Tin Mừng để đem ánh sáng Tin Mừng vào bóng đêm khổ đau của các cộng đồng nhân loại trên khắp địa cầu, đặc biệt, các cộng đồng tại Châu Mỹ La Tinh. Thần học phải đối thoại với các ngành khoa học xã hội khác cũng như đưa ra những phân tích, tổng hợp, và phê bình cần thiết nhằm góp phần mình làm cho xã hội ngày càng tốt hơn. Theo họ, thần học truyền thống không ý thức đủ về kinh nghiệm tôn giáo của con người và đặc biệt ít quan tâm đến chiều kích xã hội của con người mà chỉ quan tâm đến ‘thế giới mai hậu’. Các kitô hữu quá chú trọng đến các thực tại siêu hình cho việc cứu độ xa xôi mà lãng quên sự bất công, bạo lực, khổ đau, và muôn vàn bất cập khác trong chính xã hội mà họ đang sống.
Theo các thần học gia chủ trương và ủng hộ Thần Học Giải Phóng, Thiên Chúa tạo dựng con người tương đồng về phẩm giá, nhưng con người đã gây nên bất công, đi ngược lại chương trình của Thiên Chúa. Sứ mệnh của thần học là vạch trần những bất công này và đề nghị những phương thức mới mẻ làm cho xã hội ngày càng công bằng, ngày càng tốt đẹp, và con người ngày càng sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình. Các thần học gia không chỉ đem những ý tưởng liên quan đến đức tin và mặc khải, mà còn phải xem xét các thực tại cụ thể trong xã hội loài người và lượng định sự liên đới của những thực tại này trong tương quan với đức tin và mặc khải. Các thần học gia điển hình của Thần Học Giải Phóng, chẳng hạn, Gustavo Gutiérrez, Clodovis Boff, và Leonardo Boff, xem chiều kích thực hành như là điểm qui chiếu trong suy tư thần học. Đối với họ, nếu thần học biết kết hợp với các ngành khoa học xã hội khác trong cách tiếp cận thực tại, thì chắc chắn rằng thần học sẽ đem lại nhiều hoa trái tốt đẹp cho nhân loại như các ngành khoa học khác vậy.
Clodovis Boff thiết lập phương pháp thần học của mình dựa trên trung gian phân tích xã hội.Theo Boff phương pháp này phản ánh đúng tương quan giữa thần học và các ngành khoa học xã hội.[11] Với phương pháp này, Boff phê bình duy nghiệm như là vắng bóng trung gian phân tích xã hội; duy thuần túy như là loại trừ trung gian phân tích xã hội; duy thần học như là chiếm chỗ trung gian phân tích xã hội; sự pha tạp ngữ nghĩa (giữa thần học và xã hội học) diễn tả không đúng về trung gian phân tích xã hội; và quan điểm nước đôi (giữa thần học và xã hội học) không phản ánh đầy đủ trung gian phân tích xã hội.[12] Boff cho rằng thần học cổ điển định hướng suy tư về truyền thống với các ý tưởng trừu tượng trong khi bỏ qua việc nhận diện, phân tích, đánh giá, và trả lời cho những vấn nạn liên quan đến những con người, hiện tượng, và các vấn đề cụ thể trong xã hội.
Chúng ta có thể nhận định rằng ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp của Công Đồng Vatican II (1962-1965), đặc biệt, các hiến chế Lumen Gentium và Gaudium et Spes, theo một nghĩa nào đó, Thần Học Giải Phóng kín múc cảm hứng từ những thần học gia danh tiếng, chẳng hạn, Pierre Teillard de Chardin (1881 – 1955) và Karl Rahner (1904 – 1984). Chính các thần học gia này là những người tiên phong trong việc dung hợp giữa môi trường Thiên Chúa và môi trường con người, giữa ân sủng và tự do, giữa siêu nhiên và tự nhiên trong suy tư thần học của mình. Theo Karl Rahner, trong thế giới thụ tạo, không gì thuần túy là thế tục hay thánh thiêng.[13] Đặc biệt, ý tưởng của Rahner về kitô hữu ẩn danh (anonymous Christian: Những người chưa bao giờ nghe biết hay tiếp cận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô cũng như chưa trở thành kitô hữu, tuy nhiên, đời sống họ ngay chính, vẫn có thể được lãnh nhận ơn cứu độ) có ảnh hưởng tới suy tư của nhiều thần học gia Kitô Giáo liên quan đến những người thuộc các tôn giáo khác và những người vô thần. Một cách gián tiếp, ý tưởng kitô hữu ẩn danh cũng ảnh hưởng đến việc nhận định rằng không môi trường nào mà không có sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Theo Teillard de Chardin, đối với con người, trong khi tiến hóa về mặt sinh học dường như đạt tới đỉnh điểm thì tiến hóa về xã hội, về tri thức, đặc biệt về tình yêu vẫn luôn tiếp tục. Hơn thế nữa, Teillard de Chardin còn cho rằng thế giới thụ tạo sẽ đạt đến điểm hội tụ khi tất cả được liên kết trong Tình Yêu Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần của Người.[14] Đây chính là thời cánh chung, thời mà trật tự tự nhiên được biến đổi tận căn và được hòa nhập vào trật tự siêu nhiên, trật tự của chính môi trường Thiên Chúa.
Thần học với nhãn quan vũ trụ học như Teillard de Chardin hay với nhãn quan nhân loại học như Karl Rahner mở ra đường hướng mới, vừa cho phép người tín hữu đào sâu nội dung đức tin Kitô Giáo, vừa cho phép họ mở rộng tâm trí để đón nhận ánh sáng từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống nhân loại cũng như toàn thể thế giới thụ tạo. Khi người ta chấp nhận sự thật rằng Thiên Chúa luôn hành động trong thế giới thụ tạo để dẫn đưa muôn vật muôn loài về hiệp nhất trong Người, thì người ta cũng chấp nhận rằng không môi trường nào trong thế giới thụ tạo lại vắng bóng Thiên Chúa. Hơn thế nữa, nơi mà người ta cho là vắng bóng Thiên Chúa lại là nơi mà Thiên Chúa hiện diện và hành động cách mạnh mẽ nhất, cụ thể, trong Biến Cố Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô.
3. Tương quan giữa thần học và các ngành khoa học xã hội
Ý niệm con người là con vật xã hội được chuẩn nhận cách rộng rãi từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, ý niệm này ít được quan tâm, khám phá và khai triển cách thích đáng bởi các thần học gia cho đến khi thần học đương đầu với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học tự nhiên cũng như các ngành khoa học xã hội. Tại hừng đông của Kỷ Nguyên Ánh Sáng, một số thần học gia tìm cách bảo vệ vị trí và vai trò thượng tôn của thần học khi tiếp cận căn tính của các thực tại. Maurice Blondel (1861-1949) lập luận rằng chính thần học, chứ không phải các ngành khoa học khác hay triết học, giải thích mọi thứ và khám phá mọi thực tại.[15]Phản ứng chung của các thần học gia này khá tiêu cực đối với việc tích hợp trong thần học các ‘dữ liệu’ xã hội học. Tuy nhiên, dần dần, họ nhận thức rằng nếu thần học chỉ lấynguồn nghiên cứu truyền thống với những ý tưởng và hạn từ trừu tượng để tránh xa thế giới kinh tế, chính trị, tâm lý, etc., không chóng thì chầy, thần học sẽ mất đi vai trò trung gian của mình như là công cụ giúp con người tìm kiếm sự thật, tìm kiếm giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.
Thực tế cho thấy rằng tính chuyên môn hóa trong các lĩnh vực của xã hội loài người ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi những hình thức thần học phù hợp để tiếp cận, suy tư, và trả lời cho những lĩnh vực tương ứng. Một mặt, các hình thức thần học có những điểm chung xét về nền tảng và nguyên lý. Mặt khác, mỗi hình thức thần học có thế giới riêng của nó phân biệt với các hình thức thần học khác. Chúng ta có thể chứng kiến hiện tượng ‘trăm hoa đua nở’ của các hình thức thần học từ những thập niên cuối của thế kỷ XX cho tới hôm nay, chẳng hạn, Thần Học Địa Phương, Thần Học Hội Nhập Văn Hóa, Thần Học Bối Cảnh, Thần Học Nữ Giới, Thần Học Da Đen (thần học Châu Phi), Thần Học Chính Trị, Thần Học Sinh Thái, etc.. Ưu tiên của các hình thức thần học này là hạ khởi (from below) hơn là thượng xuất (from above) như thần học cổ điển hay tân chính thống.[16] Đặc điểm chung của các hình thức thần học này là sự dung hợp giữa nội dung đức tin Kitô Giáo và kinh nghiệm của cuộc sống con người với những hoàn cảnh cụ thể trong suy tư của các thần học gia.
David Tracy liệt kê các hình thức thần học vào ba nhóm chính, đó là Thần Học Nền Tảng, Thần Học Hệ Thống và Thần Học Thực Hành.[17] John Coleman thì cho rằng Thần Học Thực Hành và Thần Học Đạo Đức gần gũi với các ngành khoa học xã hội.[18] Nhãn quan chung củacác hình thức thần học hạ khởi đi từ lập luận rằng Kitô Giáo là tôn giáo nhập thể, do đó, thần học cũng phải nhập thể vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Thần học cần tìm hiểu và cung cấp những giải pháp thỏa đáng liên quan đến sự vật, hiện tượng, con người cùng những thách đố nảy sinh từ các thực tại này.
Thần học cất lên tiếng nói của mình trong thế giới văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế, bởi vì đức tin Kitô Giáo đến từ việc Thiên Chúa mặc khải, bén rễ và lớn lên trong thế giới loài người, mà cụ thể là trong các môi trường này. Đức tin giúp con người vừa hướng về Thiên Chúa, vừa hướng về thế giới thụ tạo, thế giới của kinh nghiệm nhân sinh. Thần học cất lên tiếng nói của mình trong các ngành khoa học xã hội dõi theo Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người nhằm làm cho xã hội loài người ngày càng được biến đổi và hướng tới sự hoàn thiện trọn vẹn theo chương trình của Thiên Chúa.[19] Đây được xem như là việc cộng tác của con người vào công trình sáng tạo và tiếp tục sáng tạo của Thiên Chúa. Trong cuộc sống dương gian, Đức Giêsu bày tỏ mình như là Vị Thiên Chúa luôn quan tâm đến tất cả các chiều kích của thế giới loài người, chứ không phải là vị Thiên Chúa chỉ hiện diện và hoạt động trong những khoảng thời gian, không gian, môi trường và quan tâm đến một số chiều kích nhất định. Chính Người mặc khải cho nhân loại về những tương quan trong thế giới thụ tạo nói chung và trong thế giới loài người nói riêng từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Sự hiện diện và hoạt động của Người nhằm cải thiện và đem lại sự hòa hợp trong các tương quan này.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng trong thế giới thụ tạo hay xã hội loài người, không chủ thể hay đối tượng nào được gọi là tự thân hay trung tính. Đối với các nhà xã hội học, tiến trình phân tích, thẩm định, đánh giá các thực tại xã hội không thể không quan tâm đến các yếu tố liên quan khác. Chẳng hạn, người ta không thể nghiên cứu một hiện tượng xã hội nào mà lại không quan tâm đến bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử và các điều kiện ngoại tại ảnh hưởng tới hiện tượng đó.[20] Tương tự như thế, các nhà thần học không thể phát triển đề tài nghiên cứu của mình cách độc lập với những biến chuyển trong xã hội. Chẳng hạn, nếu có những suy tư thần học về thời tiền sử thì chính những suy tư này cũng bị nhuốm màu lịch sử và bối cảnh.[21] Các thần học gia chỉ làm việc trong những môi trường thời gian, không gian, lịch sử, văn hóa nhất định. Khả năng suy tư và cách diễn tả của họ bị giới hạn trong môi trường mà họ hiện diện. Họ tiếp cận và đọc được những dấu chỉ của thế giới siêu nhiên qua thế giới tự nhiên, thế giới của kinh nghiệm con người, thế giới của các ngành khoa học xã hội, nhờ đó, họ có thể cung cấp ánh sáng cần thiết cho sự tiến triển của xã hội.[22]
Toàn thể cộng đồng nhân loại thuộc gia đình Thiên Chúa. Với biến cố Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa đã hiện diện, sống, và hoạt động ngay trong gia đình này. Người đã thiết lập Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm của Người để tiếp tục hiện diện và hoạt động giữa lòng thế giới. Tác vụ của thần học là diễn tả vai trò ngôn sứ cũng như vị thế của Giáo Hội Thiên Chúa trong thế giới này. Thần học thúc đẩy mối tương quan giữa niềm tin và các yếu tố xã hội nhằm kiến tạo môi trường xã hội hòa hợp, đầy tính nhân văn, và động lực phát triển toàn diện cho tất cả mọi người. Về phần mình, các ngành khoa học xã hội cung cấp những ánh sáng cần thiết cho thần học suy tư về căn tính, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội.[23] Thêm vào đó, các thần học gia có thể tham chiếu các thể chế xã hội và những dẫn xuất của chúng cũng như sự biến đổi năng động của các thể chế này nhằm thiết lập nền Thần Học Xã Hội của Giáo Hội với những nguyên lý vững chắc để góp phần mình xây dựng gia đình nhân loại cũng như toàn thể thế giới thụ tạo.
4. Thử thách trong tương quan giữa thần học và các ngành khoa học xã hội
Thực tế cho thấy rằng càng ngày càng có nhiều thần học gia quan tâm hơn đến việc dùng phương pháp và ‘dữ liệu’ từ các ngành khoa học xã hội trong suy tư thần học của mình. Những lý chứng cho việc áp dụng này xem ra vững chắc, vì vừa đặt nền tảng trên nội dung đức tin Kitô Giáo, đặc biệt, biến cố Đức Kitô (the Christ Event), vừa dựa vào kinh nghiệm thực tiễn của con người giữa môi trường xã hội cùng những gì nảy sinh trong đó. Tuy nhiên, con đường hai chiều giữa thần học và các ngành khoa học xã hội không êm xuôi, bằng phẳng như nhiều người tưởng nghĩ. Những nghi ngờ và tranh luận về sự hỗ tương đắc lực giữa thần học và các ngành khoa học xã hội chưa đến hồi kết.
Như đã được đề cập ở trên, chúng ta biết rằng tương quan giữa đức tin và lý trí nảy sinh nhiều tranh luận trong quá khứ cũng như hiện tại.[24] Tương tự như thế, đối với nhiều người, mối liện hệ giữa thần học với các ngành khoa học xã hội luôn tiềm ẩn nhiều xung khắc và lắm rủi ro.[25] Định nghĩa cổ điển về thần học của thánh Anselm thành Canterbury (1033 – 1109), tổ phụ của Trường Phái Kinh Viện là: Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết. Theo định nghĩa này, khởi điểm của thần học là đức tin chứ không phải bất cứ thứ gì khác được gợi hứng hoặc đánh thức bởi lý trí hay môi trường nào đó. Người suy tư thần học trước tiên phải là người tín hữu với niềm tin chân thành, bằng không, họ chỉ là người nghiên cứu tôn giáo mà thôi. Người nghiên cứu tôn giáo thông thường chỉ chú tâm đến chiều kích ngoại tại của đức tin. Theo nghĩa này, người suy tư thần học trước tiên phải làm việc với những ‘dữ liệu’thuộc về đức tin chứ không phải là ‘dữ liệu’thuộc về các ngành khoa học xã hội hay bất cứ ngành khoa học nào.
Câu hỏi đặt ra là ‘bằng cách nào thần học dùng những ‘dữ liệu’ của các ngành khoa học xã hội để đào sâu và diễn tả việc Thiên Chúa tự bày tỏ chính mình cho con người cũng như chính niềm tin của con người?’ Charles Hartshorne biện luận rằng từ ‘Thiên Chúa’ không đòi hỏi ngữ vựng khoa học, bất luận đó là khoa học gì.[26] Chúng ta biết rằng thần học theo nghĩa nguyên thủy là suy tư về Thiên Chúa (Θεολογία: theo-logy), ‘đối tượng’ của thần học là Thiên Chúa. Thần học là logic về Thiên Chúa, logic về Siêu Việt, chứ không phải là logic về xã hội. Tiếng nói của thần học trước tiên phải là tiếng nói dẫn xuất từ việc Thiên Chúa bày tỏ chính mình cho con người, chứ không phải là tiếng nói dẫn xuất từ con người và môi trường của con người. Tiếng nói của thần học dẫn xuất từ nội dung mặc khải, chứ không phải là tiếng nói dẫn xuất từ nội dung có được nhờ cố gắng của lý trí con người qua việc nghiên cứu xã hội.
Các ngành khoa học xã hội chủ yếu quan tâm tới các thực tại xã hội như là những đối tượng hay biến cố khách quan, trần trụi, có trương độ hơn là bản chất, ý nghĩa, và giá trị của chúng. Đồng thời, các ngành khoa học xã hội cũng không quan tâm đến nguồn gốc và cứu cánh tối hậu của các thực tại xã hội. Thế giới thụ tạo và các tương quan trong đó luôn sâu nhiệm và dồi dào hơn những gì được bộc lộ mà con người có thể kinh nghiệm, phân tích, và tổng hợp được. Với con người cũng vậy, những yếu tố bên ngoài của con người không bao giờ diễn tả trọn vẹn thực tại gọi là người. Con người luôn luôn lớn lao và kỳ diệu hơn con người được lượng định và cân đong đo đếm theo tiêu chuẩn của các ngành khoa học xã hội. Nói cách khác, các ngành khoa học xã hội chỉ có thể cung cấp những phác thảo về các thực tại xã hội, về con người, hơn là phản ánh cách thích hợp bản chất của các thực tại xã hội hay con người.
Theo các nhà xã hội học, bản chất, ý nghĩa, và giá trị của các thực tại xã hội luôn bị bối cảnh hóa và bổn phận của con người là khám phá môi trường, hoàn cảnh để tìm về bản chất, ý nghĩa, và giá trị đích thực của chúng. Theo họ, sự dịch chuyển hay biến đổi các thực tại này lệ thuộc vào các qui luật tự thân của chúng. Tuy nhiên, theo các nhà thần học, chỉ có ngôn ngữ, khái niệm và ý tưởng siêu hình cho phép con người tiếp cận bản chất, ý nghĩa, và giá trị đích thực của các thực tại xã hội cũng như các tương quan giữa chúng và tương quan với thế giới siêu nghiệm. Như đã được đề cập ở trên, các thực tại xã hội mặc dù được định vị trong bối cảnh lịch sử, văn hóa, tuy nhiên, chúng luôn siêu vượt môi trường mà chúng hiện diện và hoạt động.
Người ta có thể biện luận rằng các ngành khoa học xã hội quan tâm đến những thứ trong không gian, thời gian, và bối cảnh xã hội. Do đó, các ngành khoa học xã hội không có bất kỳ kiến thức nào siêu vượt không gian, thời gian.[27] Hơn thế nữa, các ngành khoa học xã hội thường tiếp cận với các thực tại hay thay đổi và đưa ra những ‘sản phẩm’ bất ổn định. Câu hỏi đặt ra là ‘phải chăng thần học lấy ánh sáng và phương pháp nghiên cứu từ những thứ bất định, hay thay đổi để làm ‘dữ liệu’ cho suy tư của mình?’. Các ngành khoa học xã hội không có chủ đích tiếp cận nguồn gốc đích thực hay cứu cánh tối hậu của các thực tại xã hội mà ‘sản phẩm’ của chúng là hữu hiệu đến mức thần học có thể kín múc cho mình mà không đặt vấn đề gì sao?
Bằng cách nào các ngành khoa học xã hội với những ‘dữ liệu’ xác định bởi con người nhờ những phương tiện giới hạn có thể đóng góp cho thần học? Bằng cách nào để kiến thức của các ngành khoa học xã hội có được chủ yếu nhờ vào phương pháp thực nghiệm có thể đóng góp cho thần học? Đối với một số thần học gia, ngay cả những phương pháp suy tư thần học truyền thống được nhiều người tán đồng và xem là vững chắc cũng bị đặt vấn đề. Khi người ta trung thành với một số phương pháp nào đó trong suy tư thần học, người ta có xu hướng xem nhẹ, thậm chí coi thường những kết quả suy tư của những ai không đi theo đường hướng đó. Karl Barth (1886 – 1968)từ chối bất cứ phương pháp cụ thể hay xác định nào trong suy tư thần học. Theo Barth, thần học cần tự do để trung thành với sứ điệp Kinh Thánh trong hoàn cảnh cụ thể của nó.[28]
Người ta cũng có thể cho rằng thần học để Thần Khí Chúa hướng dẫn thì tốt hơn là thần học được tiến hành theo những phương pháp hay khung đúc sẵn của con người. Chẳng hạn, từ thế kỷ XVIII trở đi, Thần Học Kinh Thánh đạt được những kết quả đáng khích lệ nhờ việc sử dụng đa dạng các phương pháp chú giải, đặc biệt những phương pháp liên quan đến bối cảnh xã hội, lịch sử, và văn hóa nơi Kinh Thánh được hình thành qua quá trình lịch sử hơn một ngàn năm. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc dùng các phương pháp liên quan đến bối cảnh xã hội, lịch sử, và văn hóa trong nghiên cứu Kinh Thánh có xu hướng trần tục hóa nội dung đức tin Kitô Giáo hơn là đào sâu nội dung này. Câu hỏi đặt ra là ‘phải chăng các tín hữu cần việc giải thích ý nghĩa của các bản văn Kinh Thánh nhờ sự thẩm định và tái cấu trúc môi trường xã hội Kinh Thánh để gia tăng đức tin của họ?’. Câu hỏi khác được đặt ra là trong hoàn cảnh nào thì thần học cần dùng ‘dữ liệu’ của những nghiên cứu đó? Hay người ta buộc phải dùng những ‘dữ liệu’ này trong mọi trường hợp?
Người ta còn có thể biện luận rằng việc dùng ‘dữ liệu’ của các ngành khoa học xã hội trong suy tư thần học có xu hướng làm giảm thiểu niềm tin của con người vào ân sủng của Thiên Chúa và đề cao năng lực tự do vô độ của con người. Chẳng hạn, khi nói về tự do thì hai lập luận chính được đặt ra là: (1) tự do đích thực của con người là muốn làm gì thì làm; (2) tự do đích thực của con người là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Mặc khải Kitô Giáo cho thấy rằng bản tính của tất cả mọi người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế đã nhuốm màu tội lỗi, Tội Nguyên Tổ và tội riêng của mỗi người (dẫn xuất từ Tội Nguyên Tổ). Hậu quả là lý trí và tự do của con người không còn đúng với nguyên bản của chúng khi được Thiên Chúa sáng tạo. Lý trí và tự do nguyên thủy của con người khởi thủy là lý trí và tự do có điều kiện (St 3,1-7), chứ không phải là lý trí và tự do lăng loàn. Chính Nguyên Tổ đã phá vỡ lý trí và tự do có điều kiện và hậu quả là lý trí và tự do của con người qua các thế hệ bị méo mó và biến dạng nghiêm trọng’. Ngoại trừ ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ, lý trí và tự do của con người luôn nghiêng về mê lầm tội lỗi. Theo nghĩa này, ai có thể cho rằng ‘sản phẩm’ hay ‘dữ liệu’ của các ngành khoa học xã hội bảo đảm độ khả tín để tích hợp trong suy tư thần học, khi mà ‘sản phẩm’ hay ‘dữ liệu’ này có được từ kết quả của sự can thiệp thuần lý và tự do theo nghĩa thứ nhất (muốn làm gì thì làm) của các ngành khoa học xã hội.
Theo nhãn quan của một số thần học gia, thần học phải luôn thể hiện là chính nó và tính tự lập vốn có của nó. Chẳng hạn, John Milbank cho rằng thần học không cần các ngành khoa học khác. Câu hỏi đặt ra là ‘bằng cách nào các thần học gia trong khi giao du với các ngành khoa học xã hội lại không đánh mất viễn kiến thần học chính thống mà đức tin Kitô Giáo đòi hỏi?’. Milbank cho rằng “chỉ có thần học cung cấp bằng chứng về các nguyên nhân tối hậu hiện diện và hoạt động trong lịch sử nhân loại, dựa trên đặc thù của chính nó, và đức tin cá biệt mang tính lịch sử.”[29] Như đã được đề cập ở trên, con người thì diệu kỳ và phức tạp hơn ‘các sản phẩm’ cũng như ‘dữ liệu’ mà các ngành khoa học xã hội có thể cung cấp.[30] Đề cập đến Thần Học Giải Phóng, Milbank khuyến cáo rằng Thần Học Giải Phóng hướng tới nguy hiểm là xem công trình cứu độ của Thiên Chúa như thể là giải phóng xã hội vậy.[31]
Trước Công Đồng Vatican II, trong tương quan giữa thần học và các ngành khoa học xã hội, các thần học gia dường như quan tâm đến các yếu tố liên quan đến các tính năng của xã hội trong việc định hướng thần học nói chung và Giáo Hội Học (thần học về Giáo Hội) nói riêng. Sau Công Đồng Vatican II, các thần học gia, chẳng hạn, các thần học gia Thần Học Giải Phóng lại quan tâm đến sự bất cập trong xã hội, trong khi các thần học gia hiện đại lại quan tâm đến những tương tác đa chiều trong xã hội. Người ta cho rằng, thần học cần lấy ánh sáng từ các tính năng xã hội để soi chiếu đời sống kitô hữu, lấy những phân tích về những bất công trong xã hội nhằm đưa ra tiếng nói chính thức để giảm thiểu bất công trong xã hội, và lấy những đúc kết từ các tương quan trong xã hội nhằm chỉ ra ý nghĩa và giá trị của các hành động trong xã hội. Tuy nhiên, những cách tiếp cận này xem ra xung khắc với những cách tiếp cận đặt nền tảng trên nội dung đức tin mà Giáo Hội có bổn phận tiếp nhận, sống, và loan truyền. Thêm vào đó, việc sử dụng ánh sáng của các ngành khoa học xã hội trong Giáo Hội Học có thể dẫn tới việc làm méo mó khuôn mặt của Giáo Hội giữa lòng thế giới và coi Giáo Hội như là một thực tại như bao thực tại xã hội khác. Hậu quả là, Giáo Hội được nhìn nhận như là một xã hội có nền văn hóa đặc trưng, có giá trị tương đương như các cộng đoàn hay thể chế dân sự khác giữa lòng thế giới. Trong trường hợp này, căn tính, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội hoàn toàn bị đảo lộn.
Những quan sát trên đây dẫn chúng ta đến nhận thức rằng tương quan giữa thần học và các ngành khoa học xã hội ẩn chứa nhiều thử thách chưa tới hồi kết. Một mặt, thực tế cho thấy rằng cuộc sống con người đa chiều kích, trong đó chiều kích xã hội đóng vai trò quan trọng. Mục đích của thần học là phục vụ con người, do đó, thần học không thể đứng ngoài hoàn cảnh xã hội của con người. Mặt khác, trong tương quan với các ngành khoa học xã hội, thần học không thể tránh khỏi những bất cập tiềm tàng khi sử dụng ‘dữ liệu’ của các ngành khoa học xã hội trong suy tư, nghiên cứu. ‘Đâu là qui chuẩn hay mức độ cho việc sử dụng ‘dữ liệu’ hay ‘ánh sáng’ của các ngành khoa học xã hội trong thần học?’ vẫn luôn là câu hỏi mà thần học cần phải quan tâm.
Kết luận
Thần học không chỉ suy tư về Thiên Chúa nội tại (God ad intra hay the immanent God), mà còn Thiên Chúa trong chương trình của Người đối với thế giới thụ tạo (God ad extra haythe economic God). Trong tiến trình lịch sử, mối tương quan giữa lý trí và đức tin, giữa triết học và thần học luôn gây nhiều tranh luận. Người thì cho rằng triết học đóng vai trò không thể thiếu được trong việc nghiên cứu thần học, đặc biệt triết học cung cấp phương pháp, ý niệm, và ngôn ngữ cho thần học. Người thì cho rằng Giêrusalem không cần Athens (Giêrusalem là biểu tượng của tôn giáo, Athens là biểu tượng của triết lý), thần học không cần triết học. Người thì cho rằng triết học đóng góp rất ít ỏi cho thần học. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng cho đến Kỷ Nguyên Ánh Sáng và dẫn xuất của nó, triết học vẫn đóng vai trò hỗ trợ căn bản trong việc suy tư thần học.
Từ Kỷ Nguyên Ánh Sáng tới nay, một số thần học gia cho rằng thần học không chỉ dùng phương pháp, ý niệm, và ngôn ngữ triết học mà còn sử dụng phương pháp, ý niệm, và ‘dữ liệu’ của các ngành khoa học xã hội để trả lời cho những vấn nạn cụ thể trong đời sống con người. Theo họ, suy tư thần học không nhất thiết phải là thượng xuất (from above), mà còn hạ khởi (from below). Nội dung và ‘dữ liệu’ của suy tư thần học không chỉ giới hạn trong Kinh Thánh, Truyền Thống, và Giáo Huấn của Giáo Hội, mà còn từ những quan sát, phân tích, và tổng hợp của các ngành khoa học xã hội, bởi vì, môi trường xã hội vừa là môi trường đón nhận mặc khải của Thiên Chúa, vừa là môi trường nhờ đó mặc khải của Thiên Chúa được đón nhận, được định dạng, được thông truyền, được sống, và được chuyển tải.
Việc sử dụng triết học hay các ngành khoa học xã hội hỗ trợ trong việc suy tư thần học luôn bị đặt thành vấn đề. Nhìn chung, những người thiên về truyền thống thì đánh giá cao việc hỗ trợ của triết học trong suy tư thần học, còn những người thiên về thực hành thì đánh giá cao việc hỗ trợ của các ngành khoa học xã hội trong suy tư thần học. Chúng ta nhận thức rằng nếu việc khẳng định Thiên Chúa nội tại cũng chính là Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa vô hình và nhiệm mầu cũng chính là Thiên Chúa hữu hình và hiện diện trong thế giới thụ tạo từ khởi thủy cho đến tận thế được chuẩn nhận, thì rõ ràng việc thần học đối thoại với triết học cũng như các ngành khoa học xã hội là đúng đắn. Triết học và các ngành khoa học xã hội, xét cho cùng, nhằm mục đích thực hành là phục vụ lợi ích con người. Tương tự như thế, mục đích của thần học cũng nhắm đến chiều kích thực hành là nuôi dưỡng đời sống đức tin của người tín hữu giữa lòng thế giới. Như thế, sự cộng tác của triết học và các ngành khoa học xã hội với thần học là cần thiết. Tuy nhiên, trong khi đối thoại cũng như sử dụng các ‘sản phẩm’, ‘dữ liệu’, hay ‘ánh sáng’ của triết học hay các ngành khoa học xã hội, thần học cần duy trì căn tính của mình là luôn định hướng về nội dung đức tin Kitô Giáo trong suy tư, nghiên cứu giữa những thăng trầm của thế giới nhân sinh.
Phêrô Nguyễn Văn Viên
[1] Edward Farley, “Thinking Toward the World: A case for Philosophical Pluralism in Theology”, American Journal of Theology & Philosophy, Vol. 14, No 1 (Jan. 1993), 52.
[2] Pope John Paul II, in The Encyclicals of John Paul II, N0 77.1, ed. Miller (Indiana: Our Sunday Visitor Publishing Division, 2001), 895.
[3] Bernard Lonergan, Philosophy of God, and Theology (London: Darton, Longman & Todd, 1973), 56.
[4] Philo, in Dictionary of Fundamental Theology, ed. Salvatore Spera (New York: The Crossroad Publishing Company, 1997), 855.
[5] Anthony Giddens, In Defence of Sociology (Cambridge: Polity Press, 1996), 72.
[6] Karl Marx, in Marxism: An American Christian Perspective, ed. Arthur McGovern(New York: Maryknoll, 1981), 26.
[7] Karl Marx, in Karl Marx – Selected Writing, ed. David McLennan (Oxford: Oxford University Press, 1977), 161-169.
[8] Karl Marx, in The Cambridge Dictionary of Philosophy, ed. Robert and others (New York: Cambridge University Press, 1995), 465.
[9] Karl Marx, in The Cambridge Dictionary of Philosophy, 465.
[10] Gustavo Gutieùrrez, The Truth shall make you free (New York: Orbis Books, 1990), 54.
[11] Clodovis Boff, Theology and Praxis (New York: Orbis Books, 1987), 30.
[12] Clodovis Boff, Theology and Praxis, 20-29.
[13] Karl Rahner, The Content of Faith, ed. Karl Lehmann and Alert Raffelt (New York: Crossroad,1993), 82.
[14] Tellard de Chardin, in The Cambridge Dictionary of Philosophy, ed. David Allison (New York: Cambridge University Press, 1996), 790.
[15] Blondel, in Theology and Social Theory, ed. Milbank (Massachusetts: Blackwell, 1991), 217.
[16] Peter Berger, A Rumour Angels (London: The Pengum Press, 1970), 67.
[17] David Tracy, in Theology and the Social Science, ed. Boyd Blundell and Michael Horace Barnes (New York: Orbis Books, 2000), 44.
[18] John A. Coleman, Theology and the Social Science, ed. Michael Horace Barnes (New York: Orbis Books, 2000), 35.
[19] Gustavo Gutieùrrez, The Truth shall make you free, 56.
[20] Gregory Baum, “Sociology and Theology”, Concilium, 1/10 (1974), 29.
[21] Roger Haight, “Systematic ecclesiology”, Science at Esprit 45 (1993), 257.
[22] Peter Berger, A Rumour Angels, 70.
[23] Roger Haight, “Systematic ecclesiology”, 256.
[24] Avery Dulles, The Survival of Dogma (New York: Crossroad, 1982), 45.
[25] William Duncan, The Political Philosophy of Peruvian Theologians Gustavo Gutieùrrez (New York: The Edwin Mellen Press, 2001), 129.
[26] Charles Hartshorne, in “The New Physics and Hartshorne’s Dipolar Theism”, ed. Edgar Towne, American Journal of Theology & Philosophy, Vol. 22, No 2 (May 2001), 123.
[27] Thomas Ekstrand, Max Weber in Theological Perspective (Virginia: Peeters, 2000), 146.
[28] Karl Barth, Dogmatics in Outline (New York: Harper & Row, 1959), 5.
[29] John Milbank, Theology and Social Theory (Massachusetts: Blackwell, 1991), 380.
[30] Marian Sia and Santiago Sia, “Ultimate Meaning, Suffering, and God”, American Journal of Theology & Philosophy, Vol. 14, No 1 (Jan. 1992), 26.
[31] Milbank, Theology and Social Theory, 245.