PHÚC ÂM HOÁ VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Việc loan báo Tin Mừng phải gắn với cuộc sống thực tế của con người, cuộc sống cá nhân và xã hội; phải liên quan tới đời sống cộng đoàn trong xã hội, tới cuộc sống của mọi quốc gia, tới công lý, hòa bình và tiến bộ, phải đưa ra được một sứ điệp, đặc biệt thích đáng và quan trọng trong thời đại chúng ta, về sự giải phóng.

Mục lục

Nhập đề: Sứ vụ Phúc Âm hóa

  1. Giáo Huấn xã hội của Giáo hội Công Giáo (GHXHCG)
  2. GHXHCG là một cách thế loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay.
  3. GHXHCG với vấn đề Phúc Âm hóa và Đối thoại tôn giáo tại Việt Nam.
  4. Chứng từ và chứng nhân Kitô.

Tạm kết.

——————————————–

Nhập đề: Sứ vụ Phúc Âm hóa

Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết  họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4, 18-19; Is.61,1-2).

Đức Giêsu Con Thiên Chúa, được sai đi loan báo cho muôn dân về một triều đại, đó là Triều đại của Thiên Chúa[1], và về Ơn cứu độ[2], là hồng ân của Thiên Chúa, giúp giải thoát họ khỏi mọi áp bức, nhất là giải thoát họ khỏi tội lỗi và thần dữ.

Giáo hội được khai sinh từ công cuộc rao giảng của Đức Kitô và mười hai Tông đồ. Giáo hội là kết quả tất nhiên, trực tiếp nhất và dễ thấy nhất của công cuộc đó: “Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ ở khắp muôn dân” (Mt 28,19).

Phúc Âm hóa là sứ vụ của Giáo hội, mà cũng là một ân huệ của Thiên Chúa, là ơn gọi của Giáo hội, và là chân tính sâu xa nhất của Giáo hội. Nếu không thi hành sứ vụ đó, Giáo hội sẽ không còn trung thành với ý muốn của Đấng sáng lập.

Phúc Âm hóa trong thời đại ngày nay là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại; và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại nhờ sức mạnh thần linh của sứ điệp mà Giáo hội công bố (x. Rm 1,16). Giáo hội tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ[3], “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Ap 21,5).

Để thực hiện được mục đích ấy, việc loan báo Tin Mừng phải gắn với cuộc sống thực tế của con người, cuộc sống cá nhân và xã hội; phải liên quan tới đời sống cộng đoàn trong xã hội, tới cuộc sống của mọi quốc gia, tới công lý, hòa bình và tiến bộ, phải đưa ra được một sứ điệp, đặc biệt thích đáng và quan trọng trong thời đại chúng ta, về sự giải phóng. Đó là lý do phát sinh Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo là thành phần của hành trình tái truyền giảng Tin Mừng, là nội dung huấn luyện các tín hữu Kitô dấn thân phục vụ cộng đồng nhân loại trong đời sống xã hội và chính trị.

I. Giáo Huấn xã hội của Giáo hội Công Giáo (GHXHCG)

“GHXHCG là một hình thức diễn tả chính xác những kết quả suy tư nghiêm túc về các thực tại phức tạp của cuộc sống con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng đức tin và truyền thống của Giáo hội. Mục đích chính là giải thích các thực tại trên, bằng cách xem chúng có phù hợp hay không với giáo huấn Tin Mừng về con người và về ơn gọi làm người, vừa mang chiều kích trần thế vừa có tính siêu việt của con người. Như vậy, với bốn nguyên tắc căn bản là: nhân vị, công ích, bổ trợ, liên đới, GHXHCG hướng dẫn cách ăn ở, cách cư xử của người kitô hữu, vì thế nó không nằm trong lãnh vực ý thức hệ mà trong lãnh vực thần học, đặc biệt thần học luân lý”[4].

“Giáo hội phải thi hành sứ vụ phục vụ sự thật trong mọi hoàn cảnh không gian và thời gian, để kiến tạo một xã hội theo chiều kích nhân bản, phù hợp với phẩm giá và ơn gọi của con người”[5].

GHXHCG tự nó là một công cụ hữu hiệu để loan báo Tin Mừng, là một phần cần thiết cho tác vụ Phúc Âm hoá của Giáo hội nên trọn vẹn.

Chủ thể đầu tiên tiếp nhận Giáo huấn xã hội của Giáo hội chính là Cộng đồng Giáo hội với tất cả mọi thành viên, vì ai ai cũng có bổn phận xã hội cần phải chu toàn, những bổn phận về chính trị, kinh tế và hành chính … Ấy mà những bổn phận đó lại thuộc về hàng giáo dân một cách hết sức đặc biệt vì thân phận trần thế của bậc sống và vì bản chất trần thế cả thiên chức mà họ đang theo đuổi.

Đối tượng của GHXHCG là con người được Chúa Kitô mời gọi hưởng ơn cứu độ; và con người ấy được Đức Kitô trao cho Giáo hội chăm sóc và chịu trách nhiệm lo cho chất lượng của những mối quan hệ công bằng và yêu thương được thăng tiến đến tròn đầy, phẩm giá và quyền lợi được tôn trọng[6].

GHXHCG vừa bắt nguồn từ Thánh Kinh, vừa tích lũy suy tư và kinh nghiệm hoạt động của Giáo hội suốt dọc lịch sử, vừa trung thành với sứ vụ muôn thuở của Kitô giáo, vừa thích nghi và đổi mới không ngừng, để trả lời cho những thách đố riêng của mỗi thời đại. GHXHCG dựa vào ánh sáng Lời Chúa để soi chiếu các thực tại của con người trong bối cảnh xã hội của mỗi thời đại.

GHXHCG là thành phần nguyên vẹn của quan niệm kitô giáo về cuộc sống, bởi vì nó tiếp nối và đào sâu mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đi vào lòng đời và xã hội nhân loại.

Với GHXHCG, Giáo hội dấn thân hiện diện trong lòng xã hội như “men trong bột”(Mt 13,33), “muối cho đời”(Mt 5,13), và “ánh sáng cho trần gian “(Mt 5,14); GHXHCG chỉ cho thấy con đường để một xã hội đã được hoà giải đi theo và sống hài hoà nhờ công bằng vả tình thương, một xã hội đang tham dự vào lịch sử nhưng lại chuẩn bị và tiên báo một “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3,13).

Các mối liên hệ xã hội là lối vào hiện trường của công việc Loan Tin Mừng. “Cánh cửa xã hội là một cánh cửa đi vào Phúc Âm hoá hữu hiệu”. Đó là lời phát biểu của Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình, ngày 13.10.2012, tại Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới về việc “Tân Phúc Âm hoá”.

Thật vậy, công cuộc Tân Phúc âm Hoá nhằm thăng tiến con người đặc biệt trong các mối dây liên hệ của con người với những người khác, của tập thể nầy với tập thể khác, của quốc gia nầy với quốc gia khác. Tinh thần Tin Mừng phải được thấm vào các mối dây liên hệ ấy vì đó là nơi con người sống và hoạt động. Nếu gọi môi trường truyền giáo là một siêu thị mênh mông, có nhiều cổng ra vào, thì có thể nói GHXHCG mở những cổng vào trong “siêu thị” ấy, đi vào các “cổng” tôn giáo, văn hoá, xã hội, chính trị, kinh tế… đến với con người qua những nẽo đường của họ.

II. GHXHCG là một cách thế loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay.

  1. Ngày nay nhiều người càng ngày càng nhạy cảm với những vấn đề quyền con người, công bình, sinh thái, đấu tranh với cái nghèo. Muốn gặp con người, phải đến các nơi mà con người hoạt động. Như vậy, GHXHCG là một phương tiện hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo mới.

Làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công trình phục vụ công lý, hoà bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin Mừng. Đức Gioan Phaolô II đã viết :“Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới phải rao giảng những điểm quan trọng trong Giáo huấn Xã hội của Giáo hội…Chúng ta cần phải lặp lại rằng những vấn đề xã hội không thể giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được”. GHXHCG  không nhằm mục đích nào khác hơn là hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn nữa, GHXHCG như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế, Giáo hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo hội và áp dụng chân lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.[7]

Giáo huấn xã hội của Giáo hội tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hoá, và Giáo huấn ấy được khai sinh là bởi những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội. Như thế, Giáo huấn xã hội chính là một phương cách đặc biệt để Giáo hội thi hành tác vụ rao giảng Lời Chúa và làm ngôn sứ [8].

  1. GHXHCG là phương tiện loan báo Tin Mừng thích hợp với thời đại, hữu hiệu, và rất cần thiết.

Công đồng Vatican II đã nhắc nhở rằng: Những vấn đề về xã hội và văn hóa hiện nay có liên quan đến tất cả anh chị em giáo dân, để mời gọi họ đối diện với những vấn đề trần thế và xếp đặt nó theo ý muốn của Thiên Chúa (x. LG, 31). Trước mặt nhân loại, mỗi người tín hữu giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống.Tất cả và mỗi người phải góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng và truyền bá cho thế giới tinh thần của những người sống Tám Mối Phúc Thật. Người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống[9].

Trong tinh thần ấy, Mẹ Giáo hội, qua Huấn quyền, bằng Giáo huấn Xã hội của mình đã và đang nỗ lực hướng dẫn mọi thành phần Dân Chúa, trong đó có giáo dân là lực lượng đông đảo nhất, dấn thân sâu rộng vào mọi cảnh huống thực tại của xã hội để đem sức sống của Đấng Phục Sinh cho con người và thế giới hiện tại này. Vì vậy, GHXHCG cần được mọi người tín hữu giáo dân đón nhận và thực thi để có thể sống chứng nhân Tin Mừng cách hiệu quả.

  1. GHXHCG rất cần thiết cho đời sống của Kitô hữu giáo dân.

“Công cuộc rao giảng Phúc Âm ngày nay phải coi là mới, không phải vì nội dung của Phúc Âm đã thay đổi, hay vì công việc rao giảng Phúc Âm trước đây là dở, là sai nên phải bỏ mà làm lại. Nhưng lý do là vì đối tượng của việc rao giảng Phúc Âm, tức là người thời đại, đã thay đổi dưới nhiều khía cạnh. Trong những năm qua, đã có rất nhiều thay đổi trên hầu hết các lãnh vực có liên quan đến cuộc sống, như văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, đã đặt ra nhiều vấn đề mới trong cuộc sống, lôi kéo theo những thay đổi dồn dập và sâu xa trong tâm hồn và trong cách nhìn các vấn đề của người đương thời. Lấy tỉ dụ vấn đề phá thai. Đây không phải là vấn đề mới. Cái mới là thái độ trước vấn đề. Trước đây, người ta phá thai, và người ta biết và chấp nhận đó là sai, là tội. Ngày nay người ta phá thai, nhưng nhiều khi lại viện ra nhiều lý lẽ để biện hộ việc phá thai, cho nó là việc tốt, hay ít nữa, đó không phải là điều hoàn toàn xấu”[10].

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, người tín hữu giáo dân được tháp nhập vào Đức Kitô được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người, được gia nhập vào cộng đoàn Dân Chúa, là thành phần của Giáo hội và làm nên Giáo hội, được chọn gọi để thực thi sứ vụ dấn thân loan báo Tin Mừng ngay chính trong môi trường sống và làm việc của mình. Người tín hữu giáo dân công bố Tin Mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và trở nên sống động qua những thực tại trần thế như gia đình; dấn thân vào chuyên môn trong thế giới lao động; văn hoá, khoa học và nghiên cứu; thực hành các trách nhiệm xã hội, kinh tế và chính trị.

Sự dấn thân của họ phải phù hợp với tầm nhìn này và được nhìn nhận như một cách diễn tả lòng bác ái theo Tin Mừng. Sự hiện diện và hoạt động của họ trong thế giới không chỉ là một thực tại mang tính nhân học và xã hội học, nhưng theo một cách thức đặc biệt, đó còn là một thực tại mang tính thần học và Giáo hội học nữa. Rõ ràng, cần phải có những cố gắng mới để đưa Phúc Âm thấm nhập vào tất cả các lãnh vực xã hội đang không ngừng ngày một xấu đi, để nhờ Tin Mừng biến đổi xã hội chúng ta đang sống ngày một trở nên tốt đẹp hơn. Trong những cố gắng ấy, như Đức Phaolô VI đã nói, “Con người thời đại chúng ta bị đánh động bởi các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, chính vì các vị này cũng là chứng nhân”[11], việc thực hành theo hướng dẫn của Giáo huấn Xã hội Công giáo sẽ là phương thế thích hợp để tân phúc âm hóa.

  1. Là kim chỉ nam cho sự dấn thân của người tín hữu giáo dân, GHXHCG trang bị cho tín hữu giáo dân những giá trị nền tảng rút ra từ Tin Mừng để họ có thể sống đúng phẩm giá của mình và góp phần tích cực xây dựng đời sống xã hội đạt tới tầm mức viên mãn. Sự hiện diện của giáo dân trong đời sống xã hội được thực hiện bằng việc phục vụ. Đó là dấu hiệu và sự biểu lộ của tình yêu, được thể hiện trong lĩnh vực gia đình, văn hoá, lao động, kinh tế và chính trị theo những khía cạnh đặc trưng.

GHXHCG chính là sự công bố những điều về con người và về các việc làm của con người. GHXHCG bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận hoặc bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của người nghèo và những người thấp cổ bé miệng.

GHXHCG “bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt, tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội”[12].

III. GHXHCG với vấn đề Phúc Âm hóa và Đối thoại tôn giáo tại Việt Nam.

  1. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cũng như bối cảnh của xã hội Việt Nam còn nhiều khó khăn, trì trệ, bất công, nghèo đói, đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp làm nhức nhối lương tâm của bao triệu con tim khao khát vươn lên, khao khát tình yêu và công lý, khao khát chân lý và tự do. Con người cần phải được tiếp cận, cần phải được lắng nghe công bố Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng đem lại sự cứu độ, tình yêu, công lý và hòa bình. Đi theo sự hướng dẫn, soi sáng của GHXHCG, người tín hữu giáo dân, trước những vấn nạn, thách đố của xã hội, sẽ có khả năng và cũng giúp cho anh chị em chung quanh có khả năng gia tăng niềm tin vào Thiên Chúa, khả năng thắp sáng niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng và khả năng mở rộng con tim để yêu thương. Chính trong bối cảnh này, GHXHCG sẽ giúp người ta khám phá những giá trị cao quý của Tin Mừng.

Người ngoài Kitô giáo hiểu biết giáo lý công giáo, đánh giá cao nhiều người kitô hữu, nhưng họ không muốn đón nhận đức tin công giáo. Dĩ nhiên đức tin là ơn phúc của Thiên Chúa, nhưng xem ra chúng ta thiếu một cái chìa khoá để mở cửa tâm hồn Việt Nam: Phải chăng Kitô giáo đã không hội nhập được trong tâm hồn người Việt? Cung cách sống đạo phải chăng quá tây phương, chưa được Việt hoá?

  1. Việc hội nhập đích thực đòi hỏi phải biết rõ, sâu sắc, chậm rãi, dài hơi, nhiều thế hệ.Bởi đó cần huấn luyện và đào tạo giới trí thức công giáo, lớp ưu tú công giáo, những nhà chuyên môn và những nhà bác học công giáo giữa các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trong quá khứ phần đông linh mục được huấn luyện về mục vụ bí tích và nặng hành chánh để phục vụ các giáo xứ đông đúc. Họ cần có thời gian và phương tiện, kể cả tài chánh, để học thêm, học cao hơn. Khi huấn luyện chủng sinh, cần nhấn mạnh đến môn thần học về các tôn giáo, truyền giáo học, văn hoá Việt Nam, vấn đề hội nhập.

Chân phước Gioan XXIII vui mừng khi nhận thấy con cái Giáo hội được dạy dỗ, huấn luyện để khi phải đương đầu với những thực tại xã hội phức tạp, họ có được những nguyên tắc để suy tư, các tiêu chuẩn để phán đoán, các chỉ dẫn để thực hành. Người ghi trong Thông điệp “Mẹ và Thầy“: “Chúng tôi hân hoan nhận thấy Giáo huấn ấy đã được giảng dạy từ lâu trong các học viện khác nhau, và nay nhấn mạnh rằng, cần phải phổ biến trong các giáo trình thường xuyên, và được trình bày có hệ thống trong tất cả các chủng viện, các trường Công giáo ở mọi cấp. Nó phải được đưa vào các họ đạo và các nhóm tông đồ giáo dân; nó phải được truyền bá bằng những phương tiện truyền thông hiện đại: nhật báo và tập san định kỳ, các tác phẩm bình dân hoặc có tính cách khoa học, truyền thanh, truyền hình”[13].

Người tín hữu giáo dân học tập GHXHCG để có thể gieo vãi hạt giống GHXHCG “khắp tứ phương thiên hạ“; để hoạt động cho Danh Cha được toả sáng trong mọi hang cùng ngỏ hẻm của Đất Nước và trong con tim của mỗi người Việt Nam.

  1. Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ.Công cuộc Tân Phúc âm hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Đối thoại phải là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại châu Á. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Đối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Đối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng.
  2. Đối thoại với các tôn giáo.Giáo hội coi những người thuộc các tôn giáo khác như những người đối tác tự nhiên. Chúng ta rao giảng Tin Mừng vì chúng ta xác tín về chân lý Chúa Kitô, chứ không phải để chống lại một ai. Tin Mừng của Chúa Giêsu là an bình và vui tươi, và các môn đệ của Chúa vui mừng nhìn nhận những gì là chân thực và tốt lành mà tinh thần tôn giáo của nhân loại có thể nhận thấy trong thế giới do Thiên Chúa tạo dựng và điều ấy được biểu lộ trong nhiều tôn giáo khác nhau.

Cuộc đối thoại giữa tín đồ các tôn giáo nhắm đóng góp cho hòa bình, loại bỏ mọi thái độ cực đoan và tố giác mọi bạo lực chống lại các tín hữu, bạo lực ấy chính là vi phạm trầm trọng các quyền con người. Các Giáo hội trên toàn thế giới, liên kết trong kinh nguyện và tình huynh đệ đối với những anh chị em đau khổ và yêu cầu những ai nắm giữ vận mệnh các dân tộc, hãy bảo tồn quyền của mọi người được tự do chọn lựa và tuyên xưng và làm chứng tá về tín ngưỡng của mình.

Cần phải xem lại, trong cái nhìn hội nhập, cung cách sống đạo của chúng ta: mục vụ giáo xứ, việc thờ tự, cơ chế tổ chức, ngôn ngữ, đời sống tu trì, phụng vụ, kiến trúc … Về một số vấn đề thực hành trong đời sống văn hoá và tôn giáo ở Việt Nam, như việc thờ kính Ông bà và các Thần, ngày kỵ giổ cha mẹ, phong tục cưới hỏi ở Việt Nam, hôn nhân dị giáo giữa người công giáo và không công giáo, việc hiếu sự truyền thống, mồ mã tổ tiên ông bà…

  1. Đối thoại với người vô thần. Một lãnh vực trong đó ánh sáng Tin Mừng có thể và phải chiếu tỏa rạng ngời để soi sáng những bước chân của nhân loại, đó là chính trị. Chính trị đòi phải dấn thân vô vị lợi và chân thành chăm sóc công ích trong niềm tôn trọng hoàn toàn đối với phẩm giá con người, từ lúc mới được thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, tôn trọng gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, bảo vệ tự do nghiên cứu; thăng tiến tự do tôn giáo; loại bỏ những nguyên nhân gây ra bất công, bất bình đẳng, kỳ thị, kỳ thị chủng tộc, bạo lực, đói kém và chiến tranh. Các tín hữu kitô hoạt động trong chính trị cũng được yêu cầu nêu chứng tá rõ ràng và sống giới răn bác ái.

Đức Bênêdictô XVI, khi ban Huấn từ cho các Đức Giám Mục nhân dịp “Ad limina” ngày 27.06.2009, đã nhắn nhủ tín hữu Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng: là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Tại Việt Nam, việc đối thoại với người theo chủ nghĩa cộng sản cũng là một “cổng vào” nữa cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Hiện nay, người ta không còn bám sát vào chủ nghĩa mác-xít một cách giáo điều như trước, nhưng đã vận dụng chủ nghĩa mác-xít một cách linh hoạt sáng tạo vào những hoàn cảnh mới. Nền kinh tế mở cửa của Việt Nam càng ngày càng rộng, sau khi vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ý thức hệ mác-xít xem ra mềm hơn, nên chăng có thể đối thoại với xã hội vô thần duy vật? Hay là, nói theo cách của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, chúng ta phải mở rộng “Sân chư dân”. Hay nói theo kiểu Bộ Loan Báo Tin Mừng, chúng ta phải mở rộng cửa cho các “diễn đàn mới”[14].

Đây là dịp để Giáo hội suy nghĩ về sự hiện diện và sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình.

IV. Chứng từ và chứng nhân Kitô.

Ngọn lửa niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa đã bừng cháy thêm lên trước đức Tin sâu sắc và sống động của dân Chúa tại Việt Nam và qua câu chuyện của các vị tử đạo. Nhờ chứng từ cao cả của các vị tử đạo, sức mạnh của đức Tin và đức Cậy đã ngời sáng.

Chúng ta đang thực thi một sứ vụ rất khó khăn là loan báo Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu thế giữa những thay đổi mau chóng tại châu Á. Vì lẽ đó, chúng ta càng phải ý thức hơn nữa mình phải trở thành một cộng đoàn có kinh nghiệm về Đức Kitô và làm chứng cho Đức Kitô. Trọng tâm công cuộc Tân Phúc Âm hóa đã được Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tái khẳng định, chính là lời thúc giục hãy trở nên những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy về Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế.

Thần khí đã từng thúc đẩy Công đồng Vatican II, nay cũng đang hiệu triệu chúng ta thành những sứ giả được đổi mới của Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chính Thánh Thần là Đấng có thể làm cho Giáo hội và từng người chúng ta nên mới. Chính Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta có thể đáp ứng một cách đáng tin và có hiệu quả trước các trào lưu xã hội và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội. Để trở nên những thừa sai mới, chúng ta phải đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới, trong sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người.

Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và chiêm niệm. Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.

Tuy âm thầm khiêm hạ, người tông đồ truyền giáo phải là một ngôn sứ. Trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, sứ giả của Tin Mừng đối diện và nhận diện những nghịch lý tại châu Á, tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Sứ giả của Tin Mừng bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta. Qua việc tố cáo bất công, sứ giả của Tin Mừng loan báo tình yêu của Thiên Chúa, “những điều quan trọng hơn trong Lề Luật” tức là công bình, lòng nhân từ và thành tín (x Mt 23, 23), và tình yêu được Chúa Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo.

Can đảm sống đức Tin và tử đạo. Từ buổi đầu Kitô giáo có mặt đến nay, mảnh đất châu Á đã thấm máu đào của các vị tử đạo. Nếu ngày nay được mời gọi hãy đem sự hy sinh cao cả mà làm chứng cho đức Tin, chúng ta sẽ không từ nan, bởi vì “máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Kitô giáo”[15].

Tạm kết.

“Tôi nghĩ là đã đến lúc phải dốc toàn lực Giáo hội vào công cuộc loan Tin Mừng Mới và vào sứ vụ đến với muôn dân”[16]. Lời kêu gọi ấy, đối với chúng ta mang một ý nghĩa rõ ràng: đây là lúc thuận tiện, là lúc loan Tin Mừng cho dân tộc chúng ta.

Bước vào thiên niên kỷ mới, chúng ta hãy nuôi dưỡng niềm say mê đặc biệt đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chúng ta không được để mình thờ ơ hoặc bi quan trước những trào lưu xã hội tại châu Á đang đe dọa cấu trúc xã hội, sự bền vững của gia đình và tầm nhìn đức Tin của chính cộng đoàn kitô hữu. Ẩn bên trong những thực tại này có thể là những nguồn lực nội tại của Thánh Thần, đang hoạt động trong lòng những giá trị châu Á, là những hạt giống của một nhân loại mới đang khao khát sự sống viên mãn trong Đức Giêsu.

Sứ vụ của công cuộc Tân Phúc âm hóa, mới trong nhiệt tâm, mới về phương pháp và mới trong cách diễn tả, đang được đặt ra cấp thiết. Sứ vụ này kêu gọi các sứ giả Tin Mừng phải canh tân đổi mới với một linh đạo được đổi mới, linh đạo hiệp thông, linh đạo truyền giáo, linh đạo Tân Phúc âm hóa. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình cần phải trở thành trường dạy nền linh đạo này. Sứ vụ này đòi hỏi các nhà thừa sai mới phải sống hoán cải sâu sắc, phải thay đổi tầm nhìn cũng như phải nên giống Đức Kitô trong tâm tư và thái độ, và phải hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ vụ này đòi hỏi phải có niềm tin sống động vào Chúa, phó thác nơi Chúa, theo chân Chúa Giêsu từ trong tư tưởng, tình cảm đến hành động.

“Đoàn chiên nhỏ bé” của Chúa Giêsu không được rụt rè hoặc sợ hãi giữa hàng tỉ người châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Bởi vì chúng ta có chính Đức Giêsu Kitô, là nguồn duy nhất mang lại niềm tin cho chúng ta, là hồng ân độc đáo Thiên Chúa ban cho loài người. Người đồng hành với chúng ta như đã từng đi với các môn đệ trên đường đến Emmaus (x. Lc 24, 13-32). Trong mỗi cử hành Thánh Thể, Người mở mắt và sưởi ấm trái tim chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta, đồng hành cùng chúng ta đang bước đi trên những nẻo đường loan truyền Tin mừng và Tân phúc âm hóa tại quê hương Việt nam thân yêu. Chúng ta không sợ, vì đã được Chúa bảo đảm :“Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Và chúng ta đã nhận được lời Người cam kết: “Hãy nhớ, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”[17] (Mt 28, 20).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 75 (Tháng 3 & 4 năm 2013)

WHĐ (11.05.2021)

[1] Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Loan báo Tin Mừng, số 8.

[2] Ibidem, số 9.

[3] Ibidem số 18.

[4] Đức Gioan Phaolo II,  “T.đ. Sollicitudo Rei socialis, Quan tâm tới vấn đề xã hội, số 41.

[5] Đức Bênêdictô XVI,  Tđ.Caritas in veritate, Bác ái trong chân lý, số 9.

[6]  Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Báo “Phổ biến Giáo huấn xã hội công giáo”, số 1, bài Bản chất GHXHCG, số 4.

[7] Đức Gioan Phaolô II, T.đ. Centesimus Annus, Bách chu niên, số 5

[8] HĐGMVN,Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, 2007, số 67.

[9] x.CĐ.Vatican II, Hc. Lumen Gentium, Vui mừng và Hy vọng, số 38.

[10] Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo chia sẻ với các Linh mục giáo phận Xuân Lộc trong dịp thường huấn, 15-6-2012

[11] Đức Gioan-Phaolô II, T.đ. Centesimus Annus, Bách chu niên, số 5.

[12] Hội Đồ̀ng Giám Mục VN, Sách “Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo“, số 81.

[13] Đức Gioan XXIII, T.đ. Mater et Magistra, Mẹ và Thầy, số 222-224.

[14] GM Phaolô Bùi văn Đọc, Tham luận, tại Đại Hội Liên Hội Đồng GM châu Á lần thứ X.

[15] Liên Hội đồng Giám Mục châu Á, Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X, ngày 16.12.2012.

[16] Đức Gioan-Phaolô II, T.đ. Redemptoris Missio, Đấng Cứu Độ, số 6

[17] Liên Hội đồng Giám Mục châu Á, Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X, ngày 16.12.2012.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *