Dẫn nhập
Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô của Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, năm B, kể chuyện một anh nhà giàu đến gặp Chúa Giê-su để xin Người chỉ cho anh ta biết phải làm gì để được “sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17). Trước hết, Chúa Giê-su bảo anh ta phải tuân giữ các giới luật “không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cắp, không được làm chứng gian, không được làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (10,19). Người thanh niên đó thưa rằng tất cả những điều răn đó anh đã tuân giữ từ thuở nhỏ. Dù vậy khi Chúa Giê-su bảo anh tiến thêm một bước là “hãy đi bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo” (10,21) thì anh ta “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (10,22).
Phản ứng tiêu cực của anh thanh niên giàu có này đã khiến Chúa Giê-su phải cảm thán rằng : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).
Vậy chúng ta phải hiểu như thế nào về những lời này của Chúa Giê-su ? Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim có ý nghĩa gì? Và tại sao người giàu có lại khó vào Nước Thiên Chúa vậy ?
Trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời cho những vần đề trên.
I. Hình ảnh “lỗ kim” và “con lạc đà” trong câu nói của Chúa Giê-su
1. Lỗ kim hay “Cổng Kim” ?
Trước hết, chúng ta đề cập đến vấn đề “lỗ kim”. Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, hình ảnh “lỗ kim” mà Chúa Giê-su nói ở đây không nên hiểu theo nghĩa đen, tức là cái lỗ kim nhỏ bé của cây kim khâu bình thường, mà “lỗ kim” ở đây muốn ám chỉ đến một cái cổng nhỏ gọi là “Cổng Kim”, hoặc “Cửa Kim” của thành Giê-ru-sa-lem. Có hai giả thuyết về “Cổng Kim” này:
Giả thuyết thứ nhất cho rằng vào thời vua Đa-vít (tk. XI tCN), nơi tường thành Giê-ru-sa-lem có một chiếc cổng rất nhỏ dành cho những ai muốn ra vào thành khi cổng chính đã đóng lại khi mặt trời lặn. Vì lý do an ninh của thành, người ta cố tình làm chiếc cổng này thật nhỏ, do đó những ai đi qua cổng này sẽ phải lách mình, hoặc thu nhỏ mình lại mới có thể lọt qua, và dĩ nhiên là người ta không thể mang theo đồ đạc hay hành lý cồng kềnh, nên người ta đi qua cổng đó cũng khó khăn giống như việc sợi chỉ xỏ qua lỗ kim vậy. Đối với người còn khó khăn như thế khi đi qua cổng nhỏ này thì nói chi đến lạc đà, hoặc những con vật to lớn khác chắc chắn không thể đi lọt qua cổng nhỏ này được.
Giả thuyết thứ hai thì cho rằng “Cổng Kim” tuy nhỏ, nhưng một con lạc đà vẫn có thể quỳ xuống và chui qua được khi người ta bỏ hết mọi thứ hàng hoá và đồ đạc trên lưng của nó đi.
Dù sao đây cũng chỉ là những giả thuyết mà người ta đưa ra, và cho đến nay các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm thấy một dấu vết nào về cái gọi là “Cổng Kim” hay “Cửa kim” như thế ở Giê-ru-sa-lem.
2. Con lạc đà hay sợi dây thừng ?
Tiếp đến, chúng ta bàn đến hình ảnh con lạc đà trong câu nói trên của Chúa Giê-su. Một số nhà chú giải cho rằng câu nói của Chúa Giê-su phóng đại thái quá, không phù hợp với thực tế, nên họ muốn giảm nhẹ đi. Vì thế, thay vì hiểu là con lạc đà, thì giả thuyết này đề nghị nên hiểu là sợi dây thừng, bởi lẽ dây thừng xỏ qua lỗ kim thì dễ nghe hơn là con lạc đà đi qua lỗ kim.
Trong tiếng Hy-lạp, từ “κάμηλος” (kamelos) có nghĩa là lạc đà, và từ “κάμιλος” (kamilos) có nghĩa là sợi dây thừng. Phải chăng trong khi sao chép, ký lục đã viết sai chính tả “κάμιλος” (dây thừng) thành “κάμηλος” (lạc đà).
Tuy nhiên, cách giải thích này cũng không thuyết phục vì tất cả các bản chép tay của Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 19,24 ; Mc 10,25 ; Lc 18,25) đều viết là “κάμηλος” (lạc đà), chứ không phải “κάμιλος” (dây thừng).
II. Lối nói thậm xưng
Trước hết, chúng ta cần tôn trọng bản văn và giữ lại sự so sánh rất nghịch lý của câu nói với ý nghĩa mà Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh. Chúa Giê-su đã sử dụng nghệ thuật ngoa dụ hay lối nói thậm xưng (hyperbole) theo kiểu Phương Đông nhằm nhấn mạnh và khắc sâu một điều quan trọng mà Người muốn diễn tả, đó là : Sự giàu có là một trở ngại lớn khiến người ta khó có thể, thậm chí là không thể vào Nước Thiên Chúa được. Kiểu nói thậm xưng ở đây lối nói cường điệu thái quá theo kiểu Phương Đông.
Thực vậy, câu nói này của Chúa Giê-su gợi cho chúng ta liên tưởng đến một qui chiếu tương tự trong nền văn hoá Cổ Cận Đông. Đó là trong một số bản văn của vùng này, người ta tìm thấy một kiểu nói ám chỉ một sự việc phi lý hoặc không thể xảy ra được, chẳng hạn như sách Talmud Babylon có nói đến hình ảnh một con voi chui qua lỗ kim như sau : “Đến khi nào con voi mới chui qua được lỗ kim ?” Con voi là một con vật to lớn trong khi cái lỗ kim thì rất nhỏ. Sự tương phản đó cho thấy sự phi lý hoặc tính bất khả thi, không thể nào xảy ra được.
Đối với người Do-thái, khi muốn diễn tả một ý tưởng tương tự, họ cũng dùng kiểu nói đó. Tuy nhiên, ở đây Chúa Giê-su đã thay thế hình ảnh con voi bằng con lạc đà khi nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Sở dĩ có sự thay đổi hình ảnh như thế có thể vì hình ảnh con lạc đà quen thuộc với người Do-thái hơn, và lạc đà được coi là con vật lớn nhất ở Ít-ra-en. Nên nhớ, Chúa Giê-su cũng đã từng dùng hình ảnh con lạc đà để quở trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu như sau : “Hỡi những kẻ dẫn đường mù quáng ! Các ngươi lọc con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng con lạc đà” (Mt 23,24).
Vậy nếu Chúa Giê-su dùng lối nói thậm xưng thì hẳn là Chúa Giê-su không muốn thính giả phải hiểu điều đó theo nghĩa đen, nghĩa mặt chữ, vì trong nhiều trường hợp Chúa Giê-su cũng sử dụng nghệ thuật ngoa dụ này, chẳng hạn như khi Chúa nói : “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi. […] Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi. […] Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi” (Mc 9,43-47). Dĩ nhiên, khi nói như thế, chắc chắn Chúa Giê-su không muốn chúng ta chặt tay chặt chân hay móc mắt đâu, mà Người chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng ta phải cương quyết không chiều theo dục vọng, và phải dứt khoát với tội lỗi.
Hoặc ở chỗ khác Chúa Giê-su nói : “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo…” (Mt 6,6). Khi nói như thế, hẳn là Chúa Giê-su không có ý phủ nhận việc cầu nguyện nơi công cộng, bởi vì chính Chúa cũng đã từng cầu nguyện công khai, có đám đông vây quanh như trong trình thuật phép lạ Chúa làm cho La-da-rô sống lại từ cõi chết (x. Ga 11,41-43), và các tông đồ cũng đã thường cầu nguyện công khai (x. Cv 1,24 ; 4,31 ; 6,6 ; 20,36). Vì thế, khi nói “vào phòng, đóng kín cửa lại” khi cầu nguyện, Chúa Giê-su muốn khuyến cáo rằng đừng biến việc cầu nguyện thành những màn trình diễn để phô trương đạo đức trước mặt thiên hạ.
III. Ý nghĩa câu “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”
Trước hết, chúng ta có thể khẳng định ngay rằng khi dùng lối nói ngoa dụ để so sánh việc người giàu có vào Nước Thiên Chúa cũng khó khăn như việc con lạc đà chiu qua lỗ kim như thế, Chúa Giê-su không lên án sự giàu có, vì thực tế của cải là thứ trung tính, tức là của cải tự nó không tốt và cũng chẳng xấu.
Kinh Thánh cho chúng ta biết có những người giàu có mà vẫn vào được Nước Trời, như:
+ Ông Da-kêu bị xem là một người giàu có bất chính, nhưng ông Chúa Giê-su đã giúp ông đi qua được “lỗ kim” để vào Nước Trời, khiến ông mạnh mẽ tuyên bố rằng ông sẽ phân phát một nửa tài sản của ông cho người nghèo, và nếu có chiếm đoạt của ai cái gì thì ông xin đền gấp bốn (x. Lc 19,1-10).
+ Ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê (x. Mt 27,57-60), hay ông Ni-cô-đê-mô (x. Ga 3,1-8) cũng là những người giàu có và thế giá, nhưng họ đã gặp được Chúa Giê-su và đi theo Người.
Như vậy, có thể thấy rằng sự giàu có không phải là tội lỗi, nhưng nếu một người không đủ tỉnh táo để thanh thoát với những gì mình có, không đủ tỉnh táo để biết cách dùng những thứ mình có để mua lấy Nước Trời, thì chính những gì mình có đó sẽ trở thành mối nguy lôi kéo anh ta rời xa Thiên Chúa, mà hình ảnh người thanh niên giàu có trong Mc 10,17-27 là một điển hình khi anh ta đã để cho sự giàu có của cải vật chất khống chế bản thân, khiến anh ta trở nên ích kỷ, kiêu căng, khép kín không còn biết quan tâm tới tha nhân. Nói cách khác tương quan duy nhất mà người giàu này có chỉ gói gọn trong thế giới của cải vật chất của anh ta, thế giới mà trong đó anh ta xem mình là vô tội. Vì thế, trước yêu cầu của Chúa Giê-su : “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21) thì anh nhà giàu đã cho thấy cái mà anh còn thiếu chính là khả năng từ bỏ. Điều đó khiến cho anh ta ngày hôm ấy giữ lại được của cải, nhưng anh ta đã không có được tương quan với tha nhân, và không có được tương quan với Chúa Giê-su là thứ có thể đem lại cho anh sự sống đời đời.
Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su đã cảm thán rằng : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao ! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,23.25).
Kết luận
Để kết thúc buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta dâng lên Chúa lời ca tụng tạ ơn rằng :
Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy :
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người !
Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.
Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì. (Tv 34,2-4.9-11)
Nguồn: https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=569