TƯ DUY HẬU SOCRATES: CUỘC TÌM KIẾM CHÂN LÝ

Trong phần trước, tôi đã đề cập đến việc có thể có hai cách tiếp cận căn bản để tìm kiếm chân lý. Cách đầu tiên là loại bỏ những “điều không đúng”. Chỉ việc loại bỏ những thứ gian dối và tất cả những “cái xấu”, rồi chân lý và cái tốt sẽ lộ ra. Tôi đã xem xét một số những quy trình trong niềm tin này: Tình trạng ưa phê phán quá mức, hệ thống tranh luận đối đầu và lối giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ căn nguyên của vấn đề.

Giờ chúng ta sẽ đi trực tiếp vào cuộc tìm kiếm chân lý.

Truth word behind a torn paper.

Chúng ta cần quay trở lại phép loại suy cái hang của Plato để nhớ lại rằng: Suốt cuộc đời mình, chúng ta không thể thấy được “chân lý” mà chỉ thấy bóng hay sự phản chiếu của nó mà thôi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại niềm tin thâm căn cố đế rằng có một chân lý sâu xa nào đó ở ngoài kia, và chúng ta phải tìm kiếm nó.

Trước Plato, những triết gia như Parmenides và Heraclitus đã vật lộn với vấn đề về sự thay đổi. Heraclitus tin rằng mọi thứ đều thay đổi: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Parmenides tin rằng: Luôn tồn tại một cốt lõi nội tại bất biến nào đó. Plato đã kết hợp cả hai quan điểm này với học thuyết của ông về “những dạng thức nội tại” và “điều cốt lõi”. Chúng tuyệt đối và bất biến mặc cho vỏ ngoài có thể thay đổi.

Cũng nên nhớ rằng, chủ nghĩa hoài nghi và thuyết tương đối của các nhà ngụy biện đã tạo nên sự thống trị “nhận thức”. Chân lý là vấn đề về quan điểm, tức là người dân và chính phủ có thể bị thuyết phục bởi những tay thuyết phục lão luyện, học trò của các nhà ngụy biện. Chúng ta không thể chắc chắn điều gì có trước: Nghề giảng dạy của những nhà ngụy biện đòi hỏi phải có niềm tin này hoặc bắt nguồn, một cách logic, từ niềm tin này.

Điều này dẫn đến thế giới trí tuệ đầy hỗn loạn mà ở đó, xu hướng phát xít của Plato tìm cách áp lên một trật tự. Tồn tại một chân lý tuyệt đối và tận cùng cho dù chúng ta không thể nhìn thấy nó. Vì nó ở đâu đó ngoài kia nên chúng ta phải tìm kiếm nó. 

Ẩn dưới vẻ ngoài đa dạng là sự tương đồng trong mọi thứ. Ẩn dưới sự đa dạng của loài mèo là “thuộc tính mèo” cốt lõi. Bạn có thể nhìn thấy những hình tam giác với các kích cỡ và góc độ khác nhau, nhưng ẩn dưới chúng đều là dạng thức của một “tam giác”. 

Tất nhiên, Plato cũng có phần đúng. Ngày nay, chúng ta biết rằng cấu trúc gen của mọi con mèo về cơ bản đều như nhau, vậy nên cũng không có gì ngạc nhiên khi tồn tại một “thuộc tính mèo” ẩn chứa nào đó. Thứ Plato gọi là dạng thức nội tại của loài mèo thì chúng ta gọi là cấu trúc. Nói cách khác, mọi cái bàn đều có một “thuộc tính bàn” ẩn dưới, bởi nếu bạn đặt người thợ mộc làm một cái bàn, vậy người thợ mộc đó sẽ tìm cách làm ra một “cái bàn” có thể dễ dàng nhận biết theo thuộc tính như vậy.

Trong các đoạn đối thoại kiểu Socrates, ông nhấn mạnh cái “hữu hình” luôn thay đổi còn cái “vô hình” thì bất biến. Plato cho rằng lý do duy nhất khiến chúng ta có thể nhìn thấy hay nhận ra một con mèo là bởi trong tâm trí chúng ta luôn tồn tại một dạng thức cố định về “thuộc tính mèo” và thấy sự bộc lộ của dạng thức đó ở mọi con mèo (giống như cái bóng in trên vách hang vậy).

Cũng trong các đoạn đối thoại mà Plato viết. Socrates yêu cầu người nghe thừa nhận rằng tồn tại “một cái đẹp và cái tốt tuyệt đối”, và việc ép cái đẹp tuyệt đối này vào mới khiến những thứ đẹp để trở nên đẹp đúng nghĩa.

Vậy đó chính là niềm tin về việc tồn tại một chân lý nội tại ẩn khuất nào đó nhưng lại tuyệt đối tối ưu, phổ quát và bất biến.

Vậy là luôn có một đỉnh núi, dù nó có ẩn khuất sau những đám mây. Luôn có những kỹ năng leo núi mà chúng ta có thể học để leo lên được đỉnh núi. Nhưng bản thân Socrates lại không phải người leo núi thích hợp nhất và thấu hiểu những nỗ lực mơ hồ của mình trong việc leo núi – hay đó là những gì ông nói.

Vì sao Socrates lại quan tâm chân lý đến vậy? Bởi ông cho rằng tin rằng tìm kiếm chân lý sẽ cải thiện hành vi của con người. Niềm tin căn bản của ông đó là “trí thức là đạo đức” và một người có đầy đủ trí thức sẽ không hành động sai lầm. Trong khi các nhà ngụy biện cho rằng đạo đức gần như có thể được truyền thụ trực tiếp, Socrates lại coi đạo đức như một quy trình khám phá tri thức và học sinh có thể được dạy để khám phá nó. Không có gì ngạc nhiên khi quan điểm này – dù vô cùng hạn hẹp và thiếu sót – lại là nền tảng của giáo dục ngày nay.

Điều mỉa mai nhất là, mặc dù Socrates và những người ủng hộ ông khinh thường, khoa học như một thứ vô ích và cho rằng nó lãng phí phá gian (điều này cũng được phản ánh trong quan điểm giáo dục truyền thống), tác động hữu ích nhất từ di sản ông để lại trên thực tế lại là trong lĩnh vực khoa học.

Thú vị là, Aristotle lại nghĩ khác. Aristotle, thành viên thứ ba trong tam đại triết gia, muốn tách bạch giữa “sự chính xác của chân lý trong nghiên cứu khoa học” và “tính thực tiễn” trong nghiên cứu hành vi con người. Aristotle không hoàn toàn tin rằng tri thức sẽ tự động dẫn tới đạo đức. Ông quan tâm đến việc giúp mọi người trở nên “có đạo đức” hơn là “nhận thức về đạo đức”. Lạ lùng ở chỗ, ông đã nói rằng khoa học là một hệ thống tuyến tính nhưng hành vi con người lại phi tuyến tính. Mới khoảng 20 năm trở lại đây, sau nhiều thế kỷ, các thuật toán cuối cùng cũng thừa nhận phần lớn mọi thứ trên thế giới thực ra là phi tuyến tính.

Luôn có một sự đối lập rõ rệt giữa phương Đông và phương Tây về chân lý tận cùng và chân lý bề ngoài. Quan điểm phương Tây cho rằng con người nên được đánh giá qua “linh hồn” hay “chân lý bên trong”; trong khi, quan điểm phương Đông lại quan tâm tới cái bên ngoài và chuộng lối đánh giá con người dựa trên “hành vi” của họ trong gia đình và xã hội. Ở phương Tây, “danh dự” là giá trị bên trong;  còn ở phương Đông, danh dự chỉ thể hiện rõ ràng trước mắt ở “biểu hiện xứng đáng”.

Nguồn: Sách “Tư Duy Hậu Socrates”, Edward De Bono, tr. 115-121.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *