14 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” (Ga 3,14-21)
———————————————–
Để hiểu được lời Đức Giê-su đã nói với Ni-cô-đê-mô : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại câu truyện kể trong sách Dân số 21,4-9 :
“… Trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng : “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.” Bấy giờ ĐỨC CHÚA cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết. Dân đến nói với ông Mô-sê : “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân. ĐỨC CHÚA liền nói với ông : “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.
Dân Ít-ra-en đi trong sa mạc 40 năm đã phải đương đầu với biết bao nguy hiểm, sống chết từng ngày. Sách Dân số cho biết : khi “mất kiên nhẫn” trong cuộc hành trình này, dân liền “kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê” sao lại đưa họ ra khỏi Ai Cập để họ phải chết, vì trong sa mạc “chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống”. Tuy nhiên, tác giả Sách Thánh đã vạch trần mâu thuẫn trong lời nói của dân Ít-ra-en, khi thì bảo “chẳng có bánh ăn nước uống” rồi sau đó lại than trách “đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Không có bánh ăn nước uống, sao lại biết chán ngấy ? Không có Chúa dẫn đưa ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập thì dân sẽ còn thống khổ đến mức nào ? Thái độ của dân Ít-ra-en là gì, nếu không phải là sự vô ơn bạc nghĩa ?
Khi bị rắn cắn, dân Ít-ra-en hiểu rằng đó là hậu quả cho cách sống phản nghịch và vô ơn của họ ! Cái chết tràn lan trong sa mạc, đến đỗi dân hoảng sợ và đến với ông Mô-sê mà xưng thú : “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi”. Lòng tin trở lại giúp họ nhận biết Chúa là Đấng toàn năng, có quyền trên muôn loài. Nếu Chúa có quyền cho rắn độc đến hại chết thì Chúa cũng có quyền đuổi chúng đi. Sách Thánh xem ra khó hiểu vì trình bày một Thiên Chúa ưa đoán phạt, nhưng đây cũng là cách tác giả muốn độc giả ý thức : Chúa là Đấng công minh, luôn tôn trọng tự do của con người, ai chọn con đường sống thế nào thì kết cục sẽ như vậy. Đối với dân Ít-ra-en, Chúa đánh phạt rồi lại xót thương. Khi dân ý thức mình phạm tội, Chúa liền chỉ cho dân cách thoát chết, họ được mời gọi nhìn lên con rắn đồng. Dân cần phải chăm chú nhìn con rắn, nhưng để hiểu rằng chết hay sống tuỳ thuộc vào quyền năng Thiên Chúa Sáng tạo, Đấng yêu thương cứu thoát. Tác giả sách Khôn ngoan giải thích rõ như sau :
“Ngay cả khi dân Chúa bị thú dữ hung hăng xông vào và rắn trườn ra cắn chết, thì cơn thịnh nộ của Ngài cũng không kéo dài vô tận. Họ phải chịu hành hạ ít lâu như là chịu một lời cảnh cáo ; rồi họ được một dấu hiệu cứu thoát nhắc họ nhớ đến luật Ngài truyền. Vì bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ xem thấy (θεωρέω), nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy…. Quả vậy, lạy Đức Chúa, chính lời Ngài chữa lành tất cả” (Kn 16,5-12).
Sách Các Vua quyển thứ hai kể rằng trong cuộc cải cách tôn giáo ở Giu-đa, vua Khít-ki-gia đã “đập tan con rắn đồng ông Mô-sê đã làm, vì cho đến thời đó, con cái Ít-ra-en vẫn đốt hương kính nó ; người ta gọi nó là Nơ-khút-tan” (2 V 18,4). Vì con rắn đồng là dấu chỉ cứu chữa đối với Ít-ra-en nên nó đã được thờ phượng thay vì Chúa. Điều này trái nghịch với lệnh truyền của Chúa : “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Nơ-khút-tan chỉ là vật bằng đồng, nó không có quyền năng cứu chữa. Sự chữa lành đến từ lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không từ Nơ-khút-tan.
Thật vậy, khi quay nhìn về phía con rắn thì không phải con người được cứu bởi con vật đó, mà chính nhờ Chúa là Đấng xót thương cứu chữa khi con người biết cách nhìn, biết cách trông thấy con rắn. Trong sách Dân số, có hai động từ để nói về nhìn và trông thấy trong tiếng Hip-ri : “Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” : tác giả sử dụng động từ ra’ah : ראה. Còn “Hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” : tác giả lại dùng động từ navat : נבט. Động từ navat nhấn mạnh đến việc trông thấy rõ.
Vì thế, ơn cứu thoát của Thiên Chúa đòi hỏi một cách nhìn, thấy rõ con rắn, biểu tượng của ngờ vực, của lòng tham vô độ. Một khi thấy rõ sai lầm, nhận thức được thái độ vô ơn bạc nghĩa của mình, biết thú nhận tội ham hố phản nghịch, thì con người liền được Chúa chữa lành tha thứ.
Ngôn sứ I-sai-a đã từng mô tả Vị Cứu Tinh của dân Ít-ra-en trong bài ca Người Tôi Tớ như sau :
“Này đây, người tôi tớ của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng… Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta nhưng chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm ; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 52,13–53,12).
Vị Cứu Tinh của dân Ít-ra-en được tiên báo sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn khi Người bị nghiền nát vì tội lỗi con người, khi phải mang thương tích để con người được chữa lành. Ơn cứu độ mà nhân loại hưởng được hôm nay chính là cái nhìn hướng về Người Tôi Tớ Giê-su “được giương cao” trên thập giá, Đấng mà người ta đã đâm thâu (x. Ga 19,37), Đấng đã tự hủy, mặc lấy thân phận tôi tớ, hạ mình vâng phục cho đến chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh và ban cho Người một Danh trên hết mọi danh hiệu khiến mọi gối phải bái quỳ (x. Pl 2,7-9).
Từ hình ảnh con rắn đồng được treo lên trong sa mạc để dân nhìn nhận tội lỗi của mình, đến hình ảnh Vị Cứu Tinh – Người Tôi Tớ vươn cao nổi bật khi chịu sửa trị vì tội lỗi con người, và cuối cùng là hình ảnh Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, nhân loại chúng ta hôm nay tiếp tục được mời gọi nhìn thấy tội ác của mình mà hối cải và xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ, để có thể tuyên xưng rằng từ nơi thập giá, sự sống sẽ lan tràn khắp thế giới. Đó là “mầu nhiệm” mà theo Thánh Phao-lô, là một kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch cứu độ được giấu kín từ lâu và dần dần được tiết lộ : con rắn đã được treo lên bởi bàn tay con người, Đức Giê-su cũng bị đóng đinh trên thập giá bởi bàn tay độc ác của con người. Nếu con rắn biểu trưng cho cuộc giằng co không ngừng giữa cái chết và sự sống, giữa tội lỗi và ân sủng, thì Đức Giê-su bị giương cao trên thập giá là tột cùng của tội ác mà cũng là đỉnh cao tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống mình vì nhân loại.
Tiếp nối bài ca Người Tôi Tớ của ngôn sứ I-sai-a, thánh Phê-rô cũng xác tín và nhắc chúng ta rằng :
“Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội ; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2, 21-24).
Chiêm ngắm Đức Giê-su chịu treo trên thập giá sẽ làm phát sinh một niềm tin cậy mến mới mẻ, một khả năng đến với Đức Giê-su bằng chính chân tướng thật của bản thân mình. Một cách nhìn–thấy và một con đường mới mở ra, con đường hướng đến sự thật, ánh sáng… Không ân sủng nào có thể tặng ban nếu không có kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, không ân huệ nào có thể đón nhận được nếu không có sự tham gia tự nguyện tự do của mỗi người. Hiểu được điều này giúp chúng ta ngước mắt chiêm ngắm thập giá rồi đáp lại tình yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh bằng cả con tim, bằng cả sinh mạng của mình.
Trước mắt thế gian, thập giá là ngu xuẩn nhục nhã, là thất bại ê chề. Nhưng đối với những ai dám tin, thì thập giá chính là chiến thắng vẻ vang trên mọi thế lực sự dữ và sự chết, là tình yêu mang lại sức sống. “Ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô, thì không bị lên án” (Ga 3,18) bởi “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô” (Ep 2,4-6). Chính do ân sủng mà nhân loại được cứu độ !
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã từng mời gọi các Ki-tô hữu hãy làm cho sứ điệp Tình yêu trong Tin Mừng trở thành đơn giản, nhưng đồng thời không làm mất ý nghĩa thâm sâu và chân lý của nó, nhờ đó sứ điệp càng trở nên mạnh mẽ và có sức thuyết phục. Tất cả chân lý mặc khải đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Trong nền tảng cơ bản này, điều toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Ki-tô đã chết và sống lại từ cõi chết (x. Evangelii Gaudium 35-36).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa là Đấng hằng tha thứ chữa lành, chúng con quả là con cháu của tổ tiên xưa : đã bao lần phản nghịch nhưng cũng đã bao lần hưởng ơn giải thoát. Vậy nếu chúng con có quên lãng những gì Chúa đã thực hiện vì yêu thương chúng con, thì xin Chúa nhớ lại lời giao ước với loài người. Xin dủ thương cứu độ, quy tụ chúng con về trong đại gia đình Chúa Ki-tô. Bấy giờ chúng con sẽ hân hoan vui mừng và hiên ngang ca tụng Chúa. A-men.
Nguồn: https://ktcgkpv.org/