Một hành vi pháp lý, nghĩa là hành vi có hệ quả pháp lý, như là cử hành Bí tích Rửa tội, Truyền chức, Hôn phối, Sắc lệnh bổ nhiệm cha sở… thường được đặt vấn đề là có thành sự hay không. Bài này giúp chúng ta phân biệt và căn cứ vào đâu để có thể xác định hành vi nào là thành sự hay hữu hiệu và hành vi nào chỉ là bất hợp luật nhưng vẫn thành sự.
Tác giả: J.B. Lê Ngọc Dũng
Hành vi pháp lý (juridic act) được xem là hành vi phát sinh những hiệu quả pháp lý về quyền lợi và bổn phận trong đời sống riêng tư, xã hội, tôn giáo. Ngược lại, không phải là hành vi pháp lý, khi hành vi không đi kèm theo một hệ quả pháp lý hoặc hệ quả đó đã không được chủ định.[1]
1. Sự hữu hiệu của hành vi pháp lý
Sự hữu hiệu của hành vi pháp lý được quy định ở điều 124:
- 1. Để được hữu hiệu, một hành vi pháp lý phải do một người có khả năng hành động thực hiện và phải hội đủ những yếu tố cấu thành bản chất của hành vi ấy, cũng như phải giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu.
Điều 124§1 nói trên kể ra ba yếu tố cần thiết phải hội đủ để một hành vi được hữu hiệu, bao gồm:
– Người: có khả năng hành động;
– Hành vi: hội đủ yếu tố cấu thành bản chất;
– Thể thức: giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu
1.1. Người có khả năng
Một hành vi pháp lý để hữu hiệu phải do người có khả năng (persona habile). Khả năng này được nói một cách tổng quát. Tùy theo các loại hành vi mà Giáo luật ấn định khả năng hay năng cách để thực hiện hữu hiệu.
Ví dụ, khả năng được định theo độ trưởng thành của một người: đã được mười tám tuổi trọn là thành niên; dưới tuổi đó là vị thành niên, trước khi được bảy tuổi trọn được gọi là nhi đồng và được xem như không làm chủ bản thân (đ. 97). Một nhi đồng nếu gây ra cái chết cho người khác, thì hành vi ấy không thể bị kết tội hình sự vì chưa làm chủ được bản thân.
Ví dụ, năng quyền chứng hôn được ban cho Bản quyền hay cha sở trong phạm vi địa hạt của mình (đ. 1109). Một linh mục không là Bản quyền hay cha sở mà cũng không được ủy năng quyền thì chứng hôn không hữu hiệu.
Đối với hôn nhân, một cách tổng quát, Giáo luật quy định mọi người không bị luật cấm đều có khả năng kết hôn (đ. 1058). Tuy nhiên Giáo luật cũng quy định người không có năng cách kết hôn thành sự, qua việc ấn định 12 ngăn trở tiêu hôn: Tuổi, bất lực, dây hôn phối, chức thánh… Một số ngăn trở tiêu hôn có thể được miễn chuẩn. Cũng có một số ấn định khác thuộc phạm vi trưởng thành, có đủ khả năng trí khôn hay không có bệnh tâm lý mới có thể kết hôn thành sự (đ. 1094; đ. 1095).
Chủ thể của hành vi có thể là một thể nhân, một pháp nhân hoặc một nhóm người.[2]
1.2. Hội đủ yếu tố cấu thành bản chất hành vi
Một hành vi bao gồm những yếu tố cấu thành và những yếu tố khác hay phụ thuộc. Một hành vi mà không có đủ những yếu tố cấu thành bản chất của nó, thì hành vi không hữu hiệu. Nhưng nếu chỉ khiếm khuyết những yếu tố phụ thuộc thì hành vi vẫn hữu hiệu.
Ví dụ, hôn nhân được thành lập bởi một kết ước giữa hai người nam nữ. Yếu tố cấu thành của hôn nhân là hai người “nam” và “nữ” với sự ưng thuận kết ước thành vợ chồng, được diễn tả bằng một thể thức công (public). Những yếu tố này không thể thiếu sót để hành vi kết hôn thành sự. Tuy nhiên nếu bỏ qua việc trao nhẫn cho nhau thì kết hôn vẫn thành sự, vì trao nhẫn là một yếu tố phụ thuộc, không thuộc yếu tố cấu thành của kết ước hôn nhân.[3]
1.3. Giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu
Các hành vi trong lãnh vực pháp lý, nhà lập pháp thường quy định phải được cử hành theo một thể thức nào đó để được thành sự hay hợp luật, ví dụ như Giáo luật quy định, nếu có một bên là Công giáo thì hôn nhân phải cử hành theo thể thức giáo luật (forma canonica) thì mới thành sự (đ. 1108). Hoặc có những hành vi phải được viết thành văn bản mới có hiệu lực, như việc bãi nại (đ. 1524§3); hoặc phải có chữ ký của người làm mới hiệu lực như các văn kiện của toà Giám Mục phải đồng thời có chữ ký của đấng Bản quyền đã ban hành và của chưởng ấn toà Giám mục hay của công chứng viên (đ. 474); hoặc phải hỏi ý kiến hoặc có sự đồng ý của hiệp đoàn như hành vi của Bề trên để được hữu hiệu (đ. 127).
Thêm nữa, một hành vi để được hữu hiệu còn phải tuân giữ những điều kiện mà luật ấn định là cần thiết “để được hữu hiệu”. Ví dụ, sự thẩm vấn (interpellatio) bên người lương được kể là một điều kiện để cử hành kết hôn hữu hiệu theo đặc ân Thánh Phaolô (đ. 1144).
Tuy nhiên, nếu bỏ qua một điều kiện mà luật “không” đòi hỏi để được hữu hiệu thì hành vi đó vẫn hữu hiệu. Ví dụ, bỏ qua việc xin phép Bản quyền thẩm vấn trước khi bên lương được Rửa tội thì cử hành kết hôn theo đặc ân Thánh Phaolô vẫn hữu hiệu, vì luật “không” ấn định việc xin phép này là điều cần thiết để được hữu hiệu (đ. 1144).
2. Luật bãi hiệu hay bãi năng
Để xác định rõ cho những trường hợp cụ thể, một người có khả năng, đủ yếu tố cấu thành bản chất, thể thức và điều kiện để thực hiện một hành vi được hữu hiệu, thì Giáo luật ấn định một nguyên tắc cơ bản, được nói ở điều 10:
Chỉ những luật nào minh nhiên ấn định rằng một hành vi không có hiệu lực hoặc một người không có khả năng, thì mới được xem là luật bãi hiệu hoặc luật bãi năng.
Sự ấn định “minh nhiên” hay “rõ ràng” đó phải được diễn tả bằng những từ ngữ rõ nghĩa như: không hữu hiệu, vô hiệu, hủy tiêu, không thành sự, bất thành, chỉ thành sự khi… hoặc không có khả năng…
Nếu trong một luật liên quan đến người hay hành vi mà không có ấn định về vô khả năng hay vô hiệu một cách minh nhiên, nhưng chỉ là hàm ẩn hay mặc nhiên, thì không được phép xác định là người vô năng hay hành vi vô hiệu.
Ví dụ 1, điều 149§3 quy định:
Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ do mại thánh, đương nhiên là vô hiệu.
Điều luật 149§3 nói trên được xem là luật bãi hiệu, vì có khẳng định rõ ràng với từ ngữ “vô hiệu”.
Ví dụ 2, điều 1095 quy định:
Không có khả năng kết hôn:
10 Những người không sử dụng đủ trí khôn;
20 Những người thiếu nghiêm trọng óc phán đoán về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân;
30 Những người không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân vì những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý
Điều 1095 quy định một cách rõ ràng với cụm từ “Không có khả năng” giúp ta xác định trường hợp một người vô năng, không thể kết hôn hữu hiệu.
Trong vấn đề hôn nhân, có nhiều luật bãi hiệu hay bãi năng được tìm thấy, cách riêng ở 12 điều về ngăn trở tiêu hôn (đ. 1083-1094). Những điều luật này đều minh nhiên ấn định, sự vô hiệu hay vô năng bằng những từ ngữ, ví dụ: “không thể kết hôn thành sự” (đ. 1083§1), “kết hôn cũng bất thành” (đ. 1088).
Luật cũng quy định về sự vô hiệu hôn nhân trên cơ sở khiếm khuyết hay hà tì trong tự do ưng thuận. Phần lớn các vụ án xử về vô hiệu của hôn nhân đều dựa trên những luật về sự ưng thuận kết hôn này.
Ví dụ 3, điều 1103 quy định:
Hôn nhân bất thành, nếu vì bạo lực hay vì sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài, mặc dầu không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát.
“Bất thành” phân biệt với “bất hợp luật”
Tuy nhiên nếu một điều luật có đòi hỏi phải làm hoặc cấm làm điều gì, phải xin phép… mà không minh nhiên ấn định về một người vô năng hay hành vi bất thành thì sự vi phạm luật chỉ bất hợp luật (illicit) chứ không được phép xác định người đó vô năng hay hành vi đó bất thành (invalid).
Ví dụ 4, điều 1083§1 quy định :
- 1. Người nam chưa trọn mười sáu tuổi, cũng như người nữ chưa trọn mười bốn tuổi, không thể kết hôn thành sự.
Điều 1083§1 này là một luật bãi hiệu, với quy định minh nhiên “không thể kết hôn thành sự”, giúp ta xác định người kết hôn với số tuổi trên là bất thành.
Tuy nhiên triệt 2 của điều 1083 lại quy định thêm:
- 2. Hội Đồng Giám mục có trọn quyền ấn định tuổi cao hơn để kết hôn cách hợp luật.
HĐGM Việt Nam quy định tuổi kết hôn: nam đủ 20 tuổi trọn, nữ đủ 18 tuổi trọn. Vậy nếu, một người, nam hay nữ, mà kết hôn dưới tuổi theo triệt 2 (nam 20, nữ 18) nhưng vẫn đủ tuổi đối với tiêu chuẩn của triệt 1 (nam 16, nữ 14) thì họ kết hôn bất hợp luật nhưng vẫn thành sự.
Tương tự, vi phạm lệnh cấm kết hôn hỗn hợp (đ. 1124), nghĩa là không xin phép Bản quyền địa phương để kết hôn giữa người Công Giáo và Tin Lành, thì kết hôn là bất hợp luật nhưng vẫn thành sự. Tuy nhiên, nếu có ngăn trở khác đạo, giữa người Công giáo và người lương (đ. 1086), mà không xin chuẩn ngăn trở khác đạo thì kết hôn bất thành.
Sự không biết hay sự lầm lẫn về những luật bãi hiệu hay bãi năng
Có thể nêu vấn đề: Nếu chủ thể không biết hay lầm lẫn về luật bãi hiệu hay bãi năng khi thực hiện hành vi, thì hành vi có bị vô hiệu không?
Điều 15
- 1. Sự không biết hay sự lầm lẫn về những luật bãi hiệu hay bãi năng không làm cho những luật này mất hiệu lực, trừ khi luật đã minh nhiên ấn định cách khác.
Điều 15 nói trên cho thấy sự không biết hay sự lầm lẫn về luật bãi năng cũng không làm hành vi pháp lý bị vô hiệu theo luật được trở thành hữu hiệu.
Ví dụ 1:
Cha sở tưởng lầm rằng người Công giáo có thể kết hôn hữu hiệu với một người lương đã có vợ hay chồng rồi mà nay đã ly dị ở tòa án dân sự, nên ngài vẫn cho cử hành kết hôn. Hôn nhân này có hữu hiệu không?
Căn cứ vào điều 1085 về ngăn trở dây hôn phối và điều 15§1 về sự lầm lẫn thì sự chứng hôn của cha sở bị vô hiệu.
Ví dụ 2:
Cha sở cử hành một kết hôn khác đạo và sau đó ngài thấy mình quên xin miễn chuẩn ngăn trở khác đạo. Chiếu theo điều 15§1, hôn nhân này vô hiệu do đang có ngăn trở khác đạo (đ. 1086), cho dù cha sở lỡ quên sót.[4]
3. Tầm mức nghiêm trọng của luật bãi hiệu bãi năng
Luật bãi hiệu hay luật bãi năng, nghĩa là luật có minh định rõ ràng một hành vi là vô hiệu hay một người không có khả năng thực hiện hành vi hữu hiệu, là rất quan trọng trong việc giải thích và áp dụng Giáo luật. Gần đây Đức Giáo Hoàng Phanxicô sửa đổi một luật mà chỉ thêm vào hai từ ngữ “hữu hiệu” và “cho phép”, liên quan đến vận mạng các tu sĩ trong việc thành lập các hội dòng và tu đoàn đời sống tông đồ. Tông thư Authenticum Charismatis(Đặc Sủng Đích Thực), dưới dạng tự sắc, sửa đổi lại điều 579, có hiệu lực từ ngày 10 tháng 11 năm 2020, như sau:
Điều 579 (mới)
Các Giám mục giáo phận, trong địa phận riêng của mình, có thể thành lập cách hữu hiệu các Tu hội đời sống thánh hiến bằng sắc lệnh chính thức, với sự cho phép trước bằng văn bản của Tông Tòa.
Tông thư đã sửa đổi cụm từ “tham khảo ý kiến” bằng chữ “cho phép” và thêm chữ “cách hữu hiệu” trong điều 579, nghĩa là, nếu không có phép trước của Tông Tòa việc thành lập một Tu hội đời sống thánh hiến sẽ “không thành sự” hay “vô hiệu”.
Nguồn: https://giaoluatconggiao.com/
========================================================
[1] MYRIAM WIJLENS, “Juridic Acts”, trong J.P. BEAL J.P. et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 177.
[2] MYRIAM WIJLENS, “Juridic Acts”, trong J.P. BEAL J.P. et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 178.
[3] X. Nghi thức cử hành hôn phối, số 165.
[4] Trong trường hợp này, có thể thành sự hóa đơn thuần bằng cách cử hành lại việc kết hôn, hoặc có thể xin điều trị tại căn (đ. 1161).