NHỮNG VẤN ĐỀ THẦN HỌC NHẬP MÔN KINH THÁNH

Năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thông điệp Providentissimus Deus của Đức Leo XIII và 50 năm thông điệp Divino afflante Spiritu của Đức Pio XIII, Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh đã xuất bản một văn kiện mang tựa đề “Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo hội” (L’interprétation de la Bible dans l’Église). Tập tài liệu rất dài (dài hơn cả thông điệp Veritatis Splendor) nhưng lại hơi ngắn, bởi vì chỉ bàn tới vấn đề giải thích Kinh Thánh, nhưng không đi vào những vấn đề liên can tới bản chất của Kinh Thánh, thí dụ như ơn linh ứng, sổ bộ sách thánh. Để có một cái nhìn toàn bộ hơn, chúng tôi sẽ dựa trên quyển sách Giáo Lý Hội thánh công giáo để trình bày những quan điểm thần học và đạo lý của Giáo hội chung quanh vài vấn đề nhập môn Kinh Thánh, tức là: ơn linh ứng, chân lý của Kinh Thánh, sự giải thích Kinh Thánh, Thánh kinh trong đời sống Giáo hội.
Người ta ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà một sách Giáo lý của Giáo hội công giáo đề cập đến những đề tài này. Thực vậy, tuy rằng một số vấn đề liên quan tới Kinh Thánh đã được các giáo phụ và các công đồng xét tới từ lâu, (thí dụ như : liên hệ giữa Cựu Ước với Tân Ước, Sổ bộ sách thánh), nhưng mãi tới cuối thế kỷ thứ 19 mới có một khoa trong thần học dành cho các vấn đề nhập môn Kinh Thánh.
Sách Giáo lý Hội thánh công giáo đã dành hẳn một mục, với tựa đề “Kinh Thánh”, gồm các số 101-133, cho những vấn đề thần học nhập môn Kinh Thánh. Mục này được xen vào phần trình bày về nền tảng của đức tin, sau khi đã trình bày Thần học về Mạc khải và sự Truyền thông Mạc khải. Nhờ Thánh truyền và Thánh kinh mà chúng ta có thể lãnh nhận Mạc khải của Thiên Chúa, với chóp đỉnh là mạc khải nơi Đức Kitô. Chúng ta thấy có 5 tiểu đề trong mục này:

  1. Đức Kitô – Lời duy nhất của Kinh Thánh (số 101-104).
  2. Linh ứng và Chân lý của Kinh Thánh (số 105-108).
  3. Thánh Linh, vị giải thích Kinh Thánh (số 109-119).
  4. Sổ bộ sách thánh (số 120-130).
  5. Thánh kinh trong đời sống của Hội thánh (số 131-133).

Nói chung, đạo lý của Sách Giáo lý dựa trên Hiến chế về Mạc khải – Dei Verbum của công đồng Vaticano II, từ chương 3 tới chương 6, tuy rằng ở một vài chỗ, Sách Giáo lý đã khẳng định vài điểm mà 25 năm trước đó các học giả còn phân vân. Để tìm ra những tiến bộ, chúng ta cùng phân tích các tiểu đề 1,2 và 4 (tiểu để 3 và 5 xin được lướt qua).

Tiểu đề 1 : Đức Kitô – Lời duy nhất của Kinh Thánh (số 101-104)

Qua tiểu đề này, sách Giáo lý muốn cho chúng ta có một cái nhìn mới về giá trị và nội dung của Kinh Thánh. Khi trình bày về mạc khải, sách Giáo lý ở số 65 đã gọi Đức Kitô là “trung gian và sự sung mãn của toàn thể Mạc khải”, “lời duy nhất, hoàn hảo và chung tất của Chúa Cha”. Vì vậy khi coi Đức Kitô như Lời duy nhất của Kinh Thánh, sách Giáo lý không những muốn liên kết Kinh Thánh với mạc khải (xét vì, như đã nói trên, Kinh Thánh là một đường lối truyền thông mạc khải), nhưng còn muốn cho chúng ta một chìa khóa để hiểu ý nghĩa và nội dung của Kinh Thánh: toàn thể Kinh Thánh nói về Đức Kitô, hoặc là tiên báo về Người trong Cựu Ước hay là giải thích về Người trong Tân Ước. Thực vậy, số 102 viết như sau: “Thiên Chúa, qua hết mọi lời trong Kinh Thánh, chỉ nói lên có một Lời, tức là Ngôi Lời duy nhất của Người”. Trong phần tóm tắt, số 134 đã trích một tư tưởng của Hugues in Saint Victor, một thần học gia ở Paris thế kỷ 12 trong quyển. De Arca Noe: “Omnis Scriptura divina unus liber est, et ille liber Christus est, quia omnis Scriptura divina de Christo loquitur, et omnis Scriptura divina in Christo impletur : Toàn thể Kinh Thánh là một quyển sách duy nhất, và quyển sách duy nhất này là Đức Kitô; thực vậy, tất cả Kinh Thánh nói về Đức Kitô và được hoàn tất nơi Đức Kitô”. Những lời xác quyết này dựa trên đoạn văn mở đầu bức thư gửi dân Do thái : “Thuở xưa Thiên Chúa đã nói nhiều lần nhiều cách với tổ tiên qua các ngôn sứ; sau cùng, vào những ngày này, Chúa đã nói với chúng ta qua Con của Người”. Tư tưởng ấy cũng hàm chứa trong Luca 24,44 khi Đức Kitô Phục sinh nói cho các tông đồ biết rằng hết mọi lời Sách thánh (Lề luật, Tiên tri và Thánh vịnh) đều ứng nghiệm nơi Người.
Ngoài ra việc đặt Đức Kitô làm trung tâm và chóp đỉnh của Kinh Thánh còn dẫn tới 5 hệ luận khác nữa.
1) Xét vì Đức Kitô là trung tâm và chóp đỉnh mạc khải, nên Đức Kitô cũng là trọng tâm của toàn thể bộ Sách thánh. Khi bàn về việc giải thích Kinh Thánh, ở số 112, sách Giáo lý đã lưu ý rằng tuy bộ Kinh Thánh gồm bởi nhiều quyển do nhiều người viết ra, nhưng tất cả họp nên một tổng bộ duy nhất, với Đức Kitô là trung tâm và trái tim. Sách Giáo lý trưng dẫn một lời chú giải thần học của thánh Tôma như sau : “Trái tim của Chúa Giêsu bị đâm thủng ám chỉ Kinh Thánh. Thực vậy Sách thánh bộc lộ con tim của Chúa Giêsu. Con tim ấy còn bị khép trước khi xảy ra cuộc Tử nạn, bởi vì Kinh Thánh còn tối tăm. Nhưng Kinh Thánh được mở ra sau cuộc Tử nạn của Đức Kitô, ngõ hầu những ai giờ đây đã hiểu nghĩa thì có thể suy xét và nhận ra cách thức giải thích các lời tiên tri”.
2) Hệ luận thứ hai : Xét vì nơi Đức Kitô, Chúa Cha đã nói cho chúng ta biết tất cả những điều mà Người muốn mạc khải, vì thế chúng ta đừng đi tìm tòi lục lọi những thứ mạc khải khác đầy đủ hơn Đức Kitô. Điều này được áp dụng không những cho những ai còn muốn hiểu biết thêm về Thiên Chúa bằng cách khảo sát các tôn giáo khác, nhưng còn cần được áp dụng cách riêng cho những kitô hữu tò mò tin theo những mạc khải tư riêng, những thị kiến (tựa như bí mật Fatima) thay vì tin theo Kinh Thánh. Không phải là chuyện vô ích khi mà sách Giáo lý trích dẫn ở số 65 một đoạn văn của thánh Gioan Thánh giá, một nhà thần bí nổi tiếng đã lãnh nhận mạc khải tư. Thánh Gioan viết như sau : “Chúa đã nói với chúng ta hết tất cả mọi điều trong Con của Người. Do đó ai còn muốn chất vấn Chúa và cầu xin những thị kiến hay mạc khải thêm nữa, thì không những là mắc lỗi dại dột mà còn xúc phạm đến Chúa, bởi vì họ không chịu chăm chú nhìn ngắm Đức Kitô mà lại đòi hỏi những chuyện mới lạ không đâu”.
3) Hệ luận thứ ba, khi cầm quyển Kinh Thánh, ta đừng có cảm giác là mình mang một từ điển bách khoa, chứa đựng hết mọi kiến thức kim cổ kỳ quan! Không phải như vậy, nội dung chính của Kinh Thánh là Đức Kitô, Lời hằng hữu của Thiên Chúa hằng sống đã đến với loài người. Số 108 nhấn mạnh rằng Kitô giáo không phải là một đạo thờ phượng Sách, nhưng là nhờ Sách thánh để mà gặp gỡ Lời hằng sống. Vì thế không lạ gì mà sách Giáo lý đã khuyến khích các tín hữu hãy tìm thấy lương thực cho đời sống thiêng liêng nơi Kinh Thánh, bởi vì nơi đây Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ con cái của mình và tâm sự với chúng (số 104); nhất là các tín hữu hãy biết dùng Kinh Thánh để hàn huyên cầu nguyện với Chúa, bởi vì chúng ta nghe Chúa khi đọc Kinh Thánh và chúng ta thưa chuyện với Người – khi cầu nguyện (số 2653-2654).
4) Hệ luận thứ bốn, sách Giáo lý không phải chỉ là một thủ bản thần học mà còn là tài liệu dùng vào việc huấn giáo nữa. Nếu các đề tài huấn giáo cần phải dựa trên Kinh Thánh và nếu trọng tâm của Kinh Thánh là Đức Kitô, thì tất nhiên trọng tâm của huấn giáo cũng phải là Đức Kitô. Sách Giáo lý đã khẳng định như vậy ở đ.426-429.
5) Hệ luận thứ năm, sau cùng (nói theo Anh ngữ, the last but not the least : cuối cùng nhưng không phải là chót bét), Thiên Chúa đã nói với loài người qua Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Đức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa qua ngôn ngữ, cử chỉ, cách thức của con người. Kinh Thánh cũng chứa đựng lời Chúa một cách tương tự như vậy, nghĩa là trong điều kiện của Lời nhập thể. Ngay từ khi mở đầu mục này, số 101 đã sử dụng tư tưởng “hạ cố” (hay là thích nghi, hòa đồng: condescensio, synkatábasis) của thánh Gioan Kim khẩu, để phát biểu rằng Thiên Chúa đã nói với con người bằng ngôn ngữ loài người. “Thực vậy, những lời của Chúa được diễn tả qua ngôn ngữ loài người, đã trở nên giống như lời của loài người; cũng giống như Lời của Chúa Cha hằng hữu đã lãnh lấy những yếu đuối của bản tính con người, nên đã trở nên giống như con người”.
Điều khẳng định của số 101 mang nhiều hậu quả quan trọng như ta sẽ thấy trong những bài tiếp theo khi nói về chân lý của Kinh Thánh và cách thức chủ giải Kinh Thánh. Ở đây chúng ta tạm ghi nhận một nhận xét như sau : cũng như những yếu đuối của nhân tính nơi Đức Kitô không làm giảm thiểu vinh quang của thiên tính, nhưng còn giúp cho loài người dễ gặp gỡ Thiên Chúa hơn; thì một cách tương tự như vậy, trong Kinh Thánh, những giới hạn của ngôn ngữ loài người không phải là chướng ngại để chuyển thông Lời của Chúa. Những điều này sẽ được khai triển trong phần bàn về ơn linh ứng của Sách thánh. Ta sẽ thấy rằng Tác giả của toàn thể Sách thánh vừa là Thiên Chúa vừa là con người : cả hai đều chịu trách nhiệm cả trăm phần trăm, chứ không phải chia đôi mỗi bên một nửa.
Sau khi đã trình bày Đức Kitô như là trung tâm của toàn thể Kinh Thánh, sách Giáo lý bước sang đề tài thứ hai về Linh ứng và chân lý của Kinh Thánh (từ số 105 đến số 108).

Tiểu đề 2 : Linh hứng và Chân lý của kinh thánh ( số 105-108)

I. Về Ơn Linh Hứng

Sách Giáo lý Hội thánh công giáo khẳng định ba điểm sau đây về linh ứng :
  • Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh (số 105).
  • Thiên Chúa đã linh ứng các người tác giả của các Sách thánh (số 106).
  • Các sách linh ứng dạy sự thực (chân lý) (số 107).

Chúng ta chỉ phân tích hai điểm đầu tiên; và dành điểm thứ ba (về chân lý của Sách thánh) cho phần sau.
1. Thiên Chúa là tác giả của Sách thánh
Lời khẳng định này có thể coi như kết luận của hai tư tưởng thần học làm tiền đề.

  • Thiên Chúa đã muốn rằng những điều Ngài mạc khải được ghi chép thành sách để được lưu truyền cho hết mọi người ở mọi nơi mọi thời (xem thêm số 74);
  • Các sách ấy được viết dưới linh ứng của Thánh Thần.

Như vậy, Thiên Chúa được coi là tác giả không những vì Ngài đã xếp đặt, trong kế hoạch cứu rỗi phổ quát, để có những sách ghi lại mạc khải; nhưng còn qua một tác động tích cực hơn nữa gọi là “linh ứng của Thánh Thần”. Thực ra, Hiến chế Dei Verbum không phải chỉ nói tới ơn linh ứng ở số 11, nhưng trước đó, trong chương hai (về sự lưu truyền mạc khải), công đồng đã gắn liền cả hai giai đoạn mạc khải và giai đoạn lưu truyền mạc khải vào trong một kế hoạch cứu rỗi duy nhất của Thiên Chúa (số 7). Ngoài ra, cũng trong số 7, hiến chế nói tới hai hình thức tác động của Chúa Thánh Thần một đàng Thánh Thần giúp cho các thánh Tông đồ hiểu sâu hơn mầu nhiệm của Đức Kitô và diễn tả ra qua lời giảng, nghi thức phụng vụ, định chế; đàng khác Thánh Thần hỗ trợ các tông đồ và các cộng sự viên khi ghi chép lại lời giảng vào sách.
2. Thiên Chúa đã linh ứng các người tác giả của các Sách Thánh
Dĩ nhiên, dưới phương diện từ-ngữ, từ “người tác giả” không có ổn, bởi vì “giả” đã là “người” rồi; nhưng mà ở đây dùng nó vì muốn nhấn mạnh chữ “người” theo nghĩa là loài người (auteur humain), đổi lại với “tác giả Thiên Chúa” nói trên. Sách Giáo lý đã trích lại nguyên văn hiến chế Dei Verbum số 11 nói về tác động của Thiên Chúa và tác động của người tác giả như sau :

  • Thiên Chúa đã chọn con người (homines elegit);
  • Chúa nhờ tới họ trong sự sử dụng hết các tài năng và sức lực của họ (quos facultatibus ac viribus suis utentes adhibuit);
  • Ngài hành động trong họ và nhờ họ (Ipso in illis et per illos agente);
  • Họ thực là tác giả, đã viết tất cả và chỉ những gì mà Ngài muốn (ea omnia eaque sola, quae Ipse vellet, ut veri auctores scripto traderent).

Chúng ta nên lưu ý về một vài lối diễn tả của Dei Verbum mà sách Giáo lý đã lấy lại nguyên văn.
– Công đồng không còn phân tích các tác động của Thánh Thần trên các quan năng tâm lý của con người (trí hiểu, ý chí, hành động) như thông điệp Providentissimus Deus của Đức Leo 13 nữa.
– Công đồng cũng không dùng từ ngữ “khí cụ” (organon, instrumentum) như thông điệp Divino Afflante Spiritu của Đức Pio 12 nữa; tuy nhiên nội dung tư tưởng vẫn không thay đổi bởi vì công đồng nói rằng Thiên Chúa hành động “trong và nhờ” (in illis et per illos) con người.
– Hơn thế nữa, công đồng không những không nói con người là dụng cụ của Thiên Chúa, nhưng còn dùng diễn tả một cách tích cực hơn rằng : “con người thực sự là tác giả của Sách thánh (veri auctores), bởi vì sử dụng tất cả các tài năng của mình. Chúng ta không thể coi các người tác giả như những thư ký viết chính tả; lại càng không thể coi họ như những người sáng tác trong lúc ngất trí xuất thần. Thực vậy, khi đọc Kinh Thánh, ta thấy các người tác giả đã sử dụng những thể văn khác nhau tùy theo năng khiếu hay giáo dục của mỗi người, nhưng nhất là chúng ta đọc thấy những lần mà họ tự thú rằng chính họ phải vất vả tìm tòi (chứ không phải chỉ chuyển tả do ai khác đọc cho viết). Thí dụ tác giả của quyển 2 Macabeo thủ nhận những lần ông chảy mồ hôi hay thức khuya để viết (2-24-33); Luca, ngay từ đầu tác phẩm (1,14-16), nói đến công cuộc sưu tầm và xếp đặt các tài liệu.
Khi bước sang đề tài chú giải Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy những hệ luận của việc khẳng định rằng Thiên Chúa là tác giả và con người cũng là tác giả.
Để kết luận phần này, chúng tôi chỉ muốn ghi nhận rằng công đồng vẫn còn bỏ ngỏ cho các tác giả tiếp tục nghiên cứu về bản chất của ơn linh ứng. Hơn nữa, bên cạnh quan niệm “dictatio” của phái thủ cựu, còn có những thuyết như sau :

  • Ơn Thánh linh ban cho hết mọi tín hữu;
  • Ơn Chúa thúc giục để khởi công viết sách; + một loại hứng khởi tôn giáo (enthousiasme) tựa như sự hứng khởi làm thơ.

Do đó, “sách được linh ứng” (libri inspirati) được hiểu như là :

  • Sách do những người được linh ứng mà viết ra; các sách ấy chứng thực mạc khải của Chúa;
  • Chúng ra đời dưới một sự hướng dẫn đặc biệt của Chúa Quan phòng;
  • Chúng biểu lộ Thánh linh được chứa đựng.

Có một khía cạnh của ơn linh ứng về phía thần học Tin lành dần dần được thần học công giáo lưu ý đến. Đó là khi nói đến linh ứng, chúng ta không nên dừng lại ở khía cạnh Chúa là nguyên ủy của Sách thánh (Deus spirat), nhưng cũng cần thêm rằng Sách thánh mở ra cho ta sức mạnh cứu chuộc của Ngài (spirat Deum).

II. Về Chân lý của Thánh Kinh

Thiên Chúa là tác giả Sách thánh. Người tác động “trong và nhờ” các thánh sử, và họ cũng là tác giả đúng nghĩa. Dĩ nhiên có nhiều hệ luận từ những lời khẳng định vừa kể, thí dụ như hiến chế Dei Verbum số 9 và 24 nói rằng vì Sách thánh do Chúa linh ứng nên là chứa đựng Lời Chúa và là Lời Chúa. Bài này đề cập đến chân lý trong Kinh Thánh.
Đây là một vấn đề sôi bỏng từ mấy thế kỷ vừa qua, dưới tựa đề là “de inerrantia biblica” (Thánh kinh không sai lầm). Vấn đề đã xuất hiện ngay từ thời buổi đầu của Kitô giáo, khi mà có những người vạch ra những điều quả quyết trái ngược nhau trong Sách thánh, không những giữa Cựu với Tân Ước, mà kể cả giữa các trình thuật của bốn Phúc Âm, hoặc những sai lầm về lịch sử. Nhiều học giả đã tìm chìa khóa để giải quyết vấn nạn ấy. Thí dụ như thánh Augustino viết rằng trong Sách thánh Thiên Chúa muốn dạy con người về đường cứu rỗi chứ không muốn đào tạo họ thành nhà khoa học. Nhiều tác giả khác thì cố gắng dung hòa những bất đồng bằng cách giải thích các đoạn văn theo nghĩa bóng. Tuy nhiên kể từ khi phát triển khoa học thực nghiệm của những thế kỷ gần đây, vấn đề trở thành gay cấn hơn, khi mà những điều khẳng định trong Kinh Thánh trái ngược với những khám phá của khoa học, thí dụ vễ sự tạo dựng vũ trụ, là một chuyện không phải chỉ xảy ra 7 ngày mà kéo dài cả triệu năm.
Các nhà thần học công giáo đã phải tìm cách để trả lời cho những vấn nạn đó. Có người thì cố gắng tìm cách hòa hợp cách nào đó giữa kinh thánh và khoa học (gọi là thuyết dung hòa: concordisme), thí dụ từ “ngày” dùng trong sách Sáng thế phải hiểu là niên đại. Có người thì dùng đến thuyết “trưng dẫn ám tàng” (citatio implicita), theo đó tác giả Sách thánh chỉ thuật lại sự việc theo như người đương thời kể lại nhưng không muốn phán đoán giá trị thực hư. Có người, như Maurice D’Hulst, thì muốn giới hạn sự không sai lầm vào những vấn đề thuộc đức tin và luân lý. Theo tác giả này, cần phân biệt mạc khải và linh ứng. Vấn đề chân lý chỉ liên quan tới mạc khải, chứ không ảnh hưởng tới linh ứng. Nhưng ý kiến này bị thông điệp Providentissimus Deus của Đức Leo 13 (1893) bác bỏ. Với thông điệp Divino Afflante Spiritu của Đức Pio 12 (1943), ta thấy có một hướng đi mới, đó là cần phải tìm hiểu các lối nói trong Kinh Thánh dựa theo thể văn riêng của mỗi đoạn văn.
Công đồng Vaticano II đã bàn tới vấn đề này ở hiến chế Dei Verbum số 11, mà sách Giáo lý Hội thánh công giáo đã trích lại nguyên văn : “tất cả những gì mà các tác giả được linh ứng quả quyết thì phải được chấp nhận như là chính Chúa Thánh Thần quả quyết. Do đó sách thánh dạy – một cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm – chân lý mà Chúa đã muốn được viết lên vì phần rỗi chúng ta (Scripturae libri veritatem, quam Deus nostrae salutis causa Litteris Sacris consignari voluit, firmiter, fideliter et sine errore docere profitendi sunt). – Có hai điểm đáng lưu ý như sau :
1) Trong những lược đồ đầu tiên của Hiến Chế về Mạc khải, người ta còn dùng từ ngữ “sự không sai lầm của Kinh Thánh” (inerrantia, immunitas ab errore), nhưng sau những cuộc bàn cãi ở nghị trường, ủy ban soạn thảo đã thay đổi lối trình bày một cách tích cực hơn : Kinh Thánh dạy sự thật (veritatem docere). Dĩ nhiên, đừng ai mong tìm thấy trong Kinh Thánh sự thật về bất cứ lãnh vực kiến thức nào mà con người tò mò muốn biết. Thế thì Kinh Thánh dạy sự thật gì? Công đồng Vaticano II đã nói rằng Kinh Thánh chỉ dạy chúng ta sự thực mà Thiên Chúa đã muốn ghi lại nhằm đến phần rỗi của chúng ta. Trong những lược đồ sơ thảo Hiến chế Dei Verbum, có lúc ủy ban đã viết rằng “Kinh Thánh dạy chân lý cứu rỗi” (veritas salutaris) nghĩa là chân lý liên hệ tới mạc khải ơn cứu rỗi; nhưng để tránh việc có thể hiểu lầm là Sách thánh chỉ giới hạn vào những chân lý đức tin và phong hóa (điều mà trước đây Đức Leo XIII đã luân phi), ủy ban đã sửa lại là “veritas quam Deus nostrae salutis causa Litteris Sacris consignari voluit”. Như vậy, sự cứu rỗi được đặt trong mục tiêu (nostrae salutis causà), chứ không phải trong nội dung. Thiên Chúa, vì muốn cho nhân loại được cứu rỗi, nên đã muốn thông truyền cho chúng ta chân lý qua sách thánh. Để nhấn mạnh ý tưởng này hơn nữa, hiến chế Dei Verbum lại trích thêm đoạn văn của thư thứ hai gửi Timôthê 3,16-17 : “Mọi điều được linh ứng viết ra thì đều là hữu ích cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa bảo. giáo dục nên công chính, ngõ hầu con người của Chúa trở nên hoàn hảo, thành thạo trong hết mọi việc làm tốt”. Nếu nói rằng Kinh Thánh dạy “chân lý cứu rỗi” không có sai lầm, thì e rằng sẽ có người giải thích rằng : thế thì khi Kinh Thánh đụng đến chân lý nào khác ngoài vấn đề cứu rỗi (thí dụ lịch sử hay địa lý) thì Kinh Thánh có thể sai lầm; như vậy, trong Kinh Thánh có phần không sai lầm và có phần sai lầm! Đó là lý do vì sao phải đổi lại lối văn. Sau công đồng Vaticano II, các nhà thần học và chú giải tiếp tục đào sâu vấn đề, nhất là muốn xác định rõ hơn : “sự thật” (chân lý) là gì? Thực ra đây không phải là một câu hỏi thuần túy siêu hình của phái hoài nghi; nhưng trong môi trường của Kinh Thánh, tiếng “chân lý” mang ba ý nghĩa khác nhau tùy theo khu vực văn hóa.

  • Người Do thái hiểu chân lý như là sự trung tín của Chúa với lời hứa.
  • Người Hy Lạp hiểu chân lý như là sự tương hợp giữa trí tuệ với thực tại khách thể.
  • Thánh Gioan hiểu chân lý như là ý định cứu rỗi của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô; Đức Kitô xưng mình là chân lý bởi vì nơi Người các lời hứa đã hoàn tất. Đức Kitô cũng hứa sẽ gửi Thánh Thần đến với các môn đệ để dẫn đưa họ vào chân lý sung mãn.

2) Vấn đề chân lý của Kinh Thánh còn được hiển chế Dei Verbum trở lại trong số 12 khi bàn về việc chú giải Kinh Thánh. Muốn tìm ra sự thật mà tác giả muốn nói trong một bản văn, cần phải biết văn thể của tác giả (loại văn lịch sử, tiên tri, thị phú, v….) . Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn ghi nhận rằng xét vì tác giả của Sách thánh vừa là Thiên Chúa vừa là con người, cho nên cần phải tìm ra ý định mà cả hai muốn diễn tả qua Sách thánh. Như chúng ta đã biết, Thiên Chúa tác động “trong và qua” con người; do đó ta phải kết luận rằng cả hai bên đều nhất trí về chủ ý và nội dung. Hậu nhiên, điều mà người tác giả muốn và quyết thì cũng là điều mà Thiên Chúa muốn và quyết; nhưng ta không thể nói ngược lại : điều Thiên Chúa muốn và quyết thì cũng là điều mà người tác giả muốn và quyết. Lý do vì chương trình của Thiên Chúa thì dài rộng bao la hơn nhãn giới của con người; do đó mà khi sang phần chú giải, ta sẽ thấy một bản văn của Kinh Thánh vừa mang nghĩa lịch sử mà người tác giả biết và muốn (sensus litteralis), vừa mang một nghĩa mà nói được rằng chỉ có Chúa biết (sensus Dei) : thí dụ những đoạn sách tiên tri trong Cựu Ước mang một ý nghĩa mà chỉ Tân Ước mới làm sáng tỏ hết: do đó, chính người viết ra sách ấy có lẽ chưa lường được hết nội dung của mình. Đây không phải chỉ là một điều phỏng đoản, nhưng ta có thể thấy một trường hợp điển hình đọc thấy ở Phúc Âm thánh Gioan, chương 11,câu 49-52. Trong một phiên họp Caipha đưa ra ý kiến rằng “thà rằng một người chết thay cho dân còn hơn là để cả nước bị diệt vong”; Caipha ngụ ý nói rằng nên thủ tiêu Giêsu đi (chỉ có một mạng chết), tránh cho nhiều người sẽ bị thiệt mạng khi dấy loạn và đụng độ với quân đội Rôma. Thế nhưng, thánh Gioan lại nhận định rằng : Caipha, với tư cách là thượng tế, đã nói tiên tri về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu; Người không phải chỉ chết cho dân Người, mà còn muốn quy tụ tất cả các con cái khác tản mác khắp nơi. Nói khác đi, tuy rằng Caipha nói tiên tri nhưng ông ta không có ý thức sâu xa về điều mình nói lên; ta cũng có thể kết luận cách tương tự về nhiều trường hợp khác của những người tác giả Sách thánh. Do đó mà mỗi đoạn văn trong Kinh Thánh cần phải được hiểu và giải thích trong bối cảnh của toàn thể lịch sử cứu rỗi.
Các nhà chú giải Kinh Thánh đã nhìn nhận rằng công đồng Vaticano II đã mở ra một nhãn giới mới khi bàn về chân lý trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều phải giải quyết khi đi vào từng bản văn cụ thể. Thêm vào đó, một trong những khó khăn của thời đại chúng ta là chính khái niệm về sự thực và chân lý. Ngoài những khái niệm của triết học Aristote hay quan niệm của Do thái về chân lý, thời buổi chúng ta còn phải trả lời cho những quan niệm về chân lý do những triết thuyết Hegel, Marx, Nietzsche, Kierkegaard, Heidegger đề xướng.

Tiểu đề 3 : Thánh Linh, vị giải thích Kinh Thánh (số 109-119)

Tiểu đề này xem ra muốn nêu bật sự liên tục giữa tiểu đề 1 và 2. Thánh Linh vị đã “thổi lên” (“inspirare”) sách Thánh qua ơn Linh hứng, vẫn còn tiếp tục thổi trong Hội thánh để nhận thức ra Lời sống động của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải giải thích Sách thánh dựa theo ý định của Chúa Thánh thần, chứ không được quyền xuyên tạc “lèo lái” theo nghĩa do mình nghĩ ra.

Tiểu đề 4 : Sổ bộ các Sách được linh ứng (120-130)
Theo nguyên ngữ Hy Lạp, tiếng “canon” có nghĩa là : thước đo, tiêu chuẩn, quy luật. Các giáo phụ ở ba thế kỷ đầu tiên đã nói tới “quy luật đức tin” (regula fidei) hay “quy luật chân lý” (regula veritatis), tức là toàn bộ chân lý mà các tông đồ truyền lại như mẫu mực đức tin cho toàn Giáo hội. Sang thế kỷ thứ 4, tiếng canon còn mang thêm nghĩa là danh mục những sách được linh ứng, và trở thành quy chuẩn cho đức tin và đời sống. Chỉ những sách nào được ghi trong danh mục ấy (libri canonici) thì mới được đọc trong nhà thờ.
Sách Giáo lý đã bàn tới 4 điểm sau đây :

  • Tiêu chuẩn để thiết lập tính cách quy điển (canonicité) (số 120);
  • Các sách Cựu Ước (số 121-123);
  • Các sách Tân Ước (124-127);
  • Sự hợp nhất giữa Cựu và Tân Ước (số 128-130).
1. Tiêu chuẩn để thiết lập tính cách quy điển (số 120)
1.1. Làm thế nào mà biết sách nào được linh ứng hay không? Dựa vào tiêu chuẩn nào để quyết định quyển nào đáng được liệt vào sổ bộ Kinh Thánh, và quyển nào cần phải loại ra?
a) Sách Giáo lý chỉ trả lời cách gọn lỏn : Thánh Truyền bảo cho Giáo hội biết quyển nào thuộc về sổ bộ sách thánh. Câu trả lời dựa trên đạo lý của hiến chế Dei Verbum số 8 (Per … Traditionem integer Sacrorum Librorum canon Ecclesiae innotescit). Nên ghi nhận là tiêu chuẩn Truyền thống cũng lại được sách Giáo lý nại đến khi bàn tới việc xác định quy điển về số 7 bí tích (số 1117). sách Giáo lý không đi sâu vào các tiêu chuẩn khác.
b) Dĩ nhiên, dưới khía cạnh lịch sử, việc thiết lập sổ bộ Sách thánh không phải là chuyện một sớm một chiều mà thành, lại càng không thể tưởng tượng được rằng đêm hôm Đức Giáo hoàng nằm ngủ được báo mộng cho biết quyển sách nào có linh ứng còn quyển nào thì phải loại ra! Tiến trình nhìn nhận Sách thánh kéo dài cả hàng thế kỷ. Đại khái, ta có thể nói rằng Giáo hội đã nhận sổ bộ các sách Cựu Ước từ bản dịch Hy Lạp quen gọi là bản LXX, lưu hành ở Alexandria. Còn các bản văn Tân Ước thì từ cuối thế kỷ thứ hai ta thấy xuất hiện danh sách những tác phẩm được đặt ngang hàng với Cựu Ước (Fragmentum Muratorianum). Tuy nhiên, có vài tác phẩm không được ghi trong hết các danh mục, thí dụ thư gửi Do thái, thư của Giacobê và Giuđa, Khải huyền. Mặt khác, vài danh mục đã ghi những tác phẩm mà sau này sẽ bị gạt, thí dụ thư của Clemente, Barnaba. Giáo hội dựa vào tiêu chuẩn nào để ghi một tác phẩm nào vào sổ bộ? Nói chung, có lẽ dựa trên hai tiêu chuẩn chính sau đây :

  • Nguồn gốc do một thánh tông đồ viết ra;
  • Nội dung phù hợp với quy luật đức tin, nghĩa là phù hợp với tư tưởng của các thánh tông đồ.

Thêm vào đó, phải kể đến một sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần vào giai đoạn mà Giáo hội phải xác định những quy luật của đức tin và đời sống cho hết mọi thế hệ về sau. Dù sao, thì có thể nói được là từ thế kỷ thứ 5, danh sách các tác phẩm Tân Ước đã được xác định trong toàn Giáo hội.
Tuy nhiên, vào thời Cải cách, Lutero đã bắt đầu dựa vào nội dụng của các tác phẩm để phân chia ra hai cấp trong các sách Tân Ước; theo ông, các thư Do thái, Giacôbê, Giuda và Khải huyền không quan trọng như các sách khác, vì vậy bị xếp xuống cuối. Chính vì vậy mà công đồng Trentô khẳng định lại danh mục những sách được linh ứng đã được chấp nhận từ thời cổ. Nên biết là vào thế kỷ 16, nhiều bản Kinh Thánh của Tin lành đã loại bỏ những sách Cựu Ước không có trong danh mục Do thái (gọi là hậu quy điển deuterocanonici: Daniel 13-14, Ester 10,4-16,24; Tobi, Giudith, hai quyển Maccabe, Baruch, Khôn ngoan, Huấn giáo) và những sách Tân Ước bị Lutero coi là thuộc cấp hai (Do thái, Giacobê, thư 2 của Phêrô, thư 2 và 3 của Gioan, Giuđa, Khải huyền). Nhưng ngày nay, hầu hết các bản Kinh Thánh đã in đủ các sách như truyền thống để nhìn nhận.
1.2. Sổ bộ sách thánh.
Dựa theo danh mục tục truyền do ĐGH Damaso (366-384) thiết lập (Decretum Damasl), được bổ túc bởi các công đồng Firenze (1442) và cộng đồng Trento (1546), sách Giáo Lý đã liệt kê sổ bộ 72 quyển sách : 45 quyển Cựu Ước (nếu gộp Gieremia và Ai ca làm một), và 27 quyển Tân Ước. Tuy nhiên, so sánh với danh mục của công đồng Trento, ta thấy có vài sự thay đổi tên gọi của vài tác phẩm, thi dụ : hai quyển Samuel và hai quyển các Vua (thay vì 4 quyển các Vua); hay quyền Sử biên niên (Chronicae, thay vì Paralipomenon); Esdras và Nehemia (thay vì Esdras I và II); Qohelet và Siracidas (với Ecclestastes và Ecclesiasticus trong ngoặc); Hai quyển Macabee được đặt vào cuối các sách lịch sử thay vì đặt sau các sách ngôn sứ. Ngoài ra không còn nhắc đến Maisen như là tác giả của Ngũ thư và Davit như tác giả các thánh vịnh nữa. Sang Tân Ước, ta cũng thấy vài thay đổi : Phúc Âm “của” (thay vì “theo”: secundum) Mattheo, Marco, Luca, Gioan; không còn nhắc tới tên tác giả của thư gửi Do thái, Tông đồ công vụ, Khải huyền.

2. Cựu Ước (số 121-123)

Đạo lý của phần này (dựa theo các số 14 và 15 của Hiến chế Dei Verbum), được thu tóm vào ba điểm chính trình bày trong ba số 121-123.
– Giá trị hằng cửu của Cựu Ước, bởi vì một đàng các sách đó cũng được linh ứng và đàng khác, Giao ước cũ không hề bị thu hồi (số 121). Do đó có hai lý do duyệt chính giá trị của Cựu Ước:

  • Ơn linh ứng
  • Kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa

(Hai lý do này được quảng diễn với những hệ luận thực tiễn trong những phần kế tiếp.)
– Giáo hội nhìn nhận rằng các sách Cựu Ước cũng được linh ứng, và do đó cũng tôn kính như là Lời Chúa (số 123).
– Số 122 đã phân biệt giữa Kế hoạch (Economia) và Sách (Libri) của Cựu Ước, dựa theo giáo huấn của Dei Verbum 15.
a/ Kế hoạch của Cựu Ước nhắm tới việc chuẩn bị cho biến cố Đức Ki-tô; Cựu Ước bao gồm những lời tiên tri, những lời hứa về đấng Thiên Sai. Giai đoạn ấy đã qua rồi.
b/ Sách Cựu Ước thì ghi lại cho hậu thế đường lối sư phạm của Thiên Chúa: tuy rằng chúng chứa đựng những điều còn bất toàn hoặc nhất thời, nhưng chúng bộc lộ cảm quan sống động về Chúa, bài học dạy cách sống cho khôn khéo, kho tàng về kinh nguyện, và gói ghém mầu nhiệm cứu độ của chúng ta. Từ đó ta có thể hiểu lý do mà Hội thánh còn sử dụng các sách Cựu Ước trong phụng vụ cũng như trong khi giảng dạy, khảo cứu thần học: Bởi vì những đoạn văn ấy giúp chúng ta hiểu biết hơn về mầu nhiệm Đức Ki-tô.

3. Tân Ước (số 124-127)

Nội dung giáo lý của Hiến chế Dei Verbum số 17-20 được thu tóm lại thành ba điểm chính như sau:

3.1. Tân Ước là trung tâm điểm của toàn thể Kinh Thánh, bởi vì nơi đây Lời Chúa đã bộc lộ tất cả quyền năng cứu rỗi dành cho ai tin vào Người (số 124). Đối tượng chính của Tân Ước là : “Đức Giê-su Ki-tô, con Thiên Chúa nhập thể, các việc Người làm và lời Người giảng dạy, cuộc khổ nạn và hiển vinh của Người, cũng như giai đoạn khởi đầu của Hội thánh dưới tác động của Thánh Thần”.

3.2. Giữa lòng Tân Ước, bốn quyển Phúc Âm giữ vị trí ưu việt, vì là chứng tích chính yếu về cuộc đời và giáo huấn của Ngôi Lời nhập thể (số 125).

3.3. Giáo hội xác quyết tính cách lịch sử của bốn Phúc Âm. Số 126 thuật lại ba giai đoạn chính của tiến trình hình thành sách Phúc Âm:

  • Giai đoạn khi Đức Giê-su còn ở dương thế;
  • Giai đoạn truyền khẩu;
  • Giai đoạn biên soạn thành sách.

Sách Giáo lý phân chia ra ba giai đoạn dựa theo huấn thị “Sancta Mater Ecclesia” của ủy ban Giáo hoàng về Thánh kinh năm 1964, rõ ràng hơn là hiến chế Dei Verbum 19.

Những điều xác quyết ấy dẫn tới những kết luận thực hành, tức là vị trí của các sách Phúc Âm trong đời sống của Giáo hội và trong đời sống của từng tín hữu (số 127) với những kinh nghiệm của hai thánh nữ Cesaria trẻ (một nữ tu sống ở thế kỷ thứ 6, cháu của thánh Cesario Aries) và Teresa hài đồng Giê-su.

4. Sự thống nhất giữa Cựu và Tân Ước (số 128-130)

Trong ba số này, tư tưởng chủ yếu của ba số 128-130 là ý nghĩa “tiên trưng” (typologia) của Cựu Ước. Cả Cựu lẫn Tân Ước đều họp thành một kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa: những thực tại Cựu Ước là tiên trưng, nghĩa là hình ảnh báo trước những thực tại sẽ được hoàn tất vào thời viên mãn của Tân Ước. Thánh Augustino đã viết như sau: Tân Ước được giấu ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước được mở ra trong Tân Ước (Novum in Vetere latet et in Novo Vetus patet). Hậu nhiên, trong việc chú giải Kinh Thánh, các bản văn Cựu Ước và Tân Ước cần phải được đối chiếu với nhau để làm sáng tỏ nghĩa cho nhau.
Tiểu đề 5 (số 131-133)
Tóm lại những gì mà Dei Verbum đã nói trong suốt chương 6 (21-25), tức là chỗ đứng của Sách thánh trong các lãnh vực khác nhau của đời sống Hội thánh: phụng vụ, giảng dạy, thần học và huấn giáo; đời sống thường nhật của các tín hữu. Những vẫn đề được bàn rộng hơn nữa trong văn kiện của Ủy ban Giáo hoàng Kinh Thánh.

_Bình Hoà_

(Trích Thời sự Thần học – Số 24, Tháng 6 Năm 2001, tr. 7-22.) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *