NGŨ ĐẠO CỦA THÁNH THOMAS

Điều quan trọng chúng ta cần chú ý ngay khi bước vào những chứng cứ để biết có Thiên Chúa là chữ ”Demonstratio” (proof, prouve)… hay những danh từ như thế không có nghĩa thông dụng của chúng trong các khoa học thực nghiệm, nhưng có một nghĩa riêng biệt, nghĩa đó chúng ta gọi là chứng cứ. Nhưng thực ra Thánh Thomas đã chỉ dùng chữ “con đường”. (Via) thay vì “chứng cứ”. Nghĩa chữ này-Via- rất thâm thúy vì nó cho chúng ta thấy đây không phải là công việc của lý trí mà thôi nhưng là sinh hoạt của cả con người. Muốn tránh tất cả những ngộ nhận có hại cho sự nghiên cứu sau này, chúng ta cần lưu ý hai điểm sau đây:
1. Vì những chứng cứ là những con đường hữu thể học dẫn tới Thiên Chúa, cho nên những chứng cứ đó chỉ thành công khi con người suy nghĩ với tất cả tâm linh mình. Gabriel Marcel đã đưa ra một cách nhận xét sâu sắc: một đàng có nhiều bộ óc lỗi lạc đã chứng minh Thiên Chúa hiện hữu, và lấy làm hài lòng về các chứng cứ mình đưa ra, và quả thực những chứng cứ ấy là những chứng cứ vững chắc về phương diện lý trí. Đàng khác, chúng lại không có khả năng thuyết phục được người nghe, không đưa người nghe đến chỗ chấp nhận kết luận của chúng.
2. Trước khi chứng minh người ta đã có trước một khẳng định về Thiên Chúa, mà sau đó người ta phải đặt vào vòng ngoặc, nghĩa là phải đặt thành vấn đề. Chứng minh là xóa bỏ cái vòng ngoặc đó đi, để cho thấy cái khẳng định mặc nhiên lúc đầu là hợp lý. Nói thế không có nghĩa là những chứng cứ kia không có giá trị khách quan. Không thiếu những người cho rằng, tin ngưỡng là câu chuyện tình cảm ai tin thì tin, chứng cứ trong thần lý học là những chứng lý được kết cấu đúng phép luận lý, nghĩa là: nó là một sinh hoạt thuần lý khách quan có giá trị cho hết mọi người.
Nhưng luân lý tính và khách quan tính có nhiều cấp độ tùy theo phạm vi áp dụng. Ví dụ: Tôi biết Trần Hưng Đạo đuổi quân Nguyên thế kỷ XIII, tôi không biết chắc chắn sự kiện lịch sử này như 2 với 2 là 4, hoặc như định luật nước đun nóng 100% thì sôi. Chứng minh lịch sử dựa trên bằng chứng một số giới hạn sách sử, di tích… và không lặp lại để thí nghiệm. Sự kiện lịch sử không phải là những sự kiện thô sơ, tự nó đã mang một ý nghĩa hiển nhiên, nhưng luôn luôn phải được giải thích, tính khách quan của sử học không bằng khoa học thực nghiệm. Cũng vậy, kết luận của thần lý học không có tính cưỡng bách, tuy vậy nó cũng xác thực và hợp lý khiến cho người ta có thể chấp nhận nó mà không cảm thấy làm một việc phi lý.
Ngũ Đạo của thánh Thomas được coi là truyền thống vì đi từ Aristote qua Thánh Thomas, rồi qua đến triết học kinh viện mà đến với chúng ta.
A. Trình bày ngũ đạo của Thánh Thomas

1. Con đường I : Chứng cứ dựa trên biến dịch

Chứng cứ này được trình bày trong Ia, q.2, a.3. Trong chứng cứ này Thánh Thomas dùng quá nhiều danh từ chuyên môn của triết Kinh viện, cho nên nếu không quen với tư tưởng của Người, người ta sẽ dễ hiểu lầm hoặc hiểu không tới nơi tới chốn.
Vậy, quan niệm cần phải được chúng ta hiểu thật đúng là quan niệm motus. Nếu hiểu motus là chuyển động, thì chứng cứ không còn gì nữa. Vậy phải hiểu theo đúng tư tưởng Thomas: “motus” là biến dịch, nghĩa là nói lên sự chuyển biến từ năng thể sang hiện thể, thành thử sự kiện biến dịch đặt chúng ta vào trung tâm học thuyết Thánh Thomas về hữu thể và vô hữu, và về biến dịch dưới tất cả mọi hình thức.
Hơn nữa, chúng ta nên chú ý về sự khác biệt giữa hai quan niệm của Aristote và của Thánh Thomas về tác động biến dịch. Tác động biến dịch nghĩa là gì?
Là làm cho một sự vật đang ở năng thể trở thành hiện thể! Cũng một câu này, ở trong hai hệ thống triết học của Aristote và Thánh Thomas có hai ý nghĩa khác nhau một trời một vực:
– Nơi Aristote tác động kia nằm trong bản tính của mỗi loài vật. Như vậy có thể có nhiều đệ nhất động cơ cho mỗi sự vật.
– Trong hệ thống triết học Aristote, không thể có quan niệm về sáng tạo như ta thấy nơi Thánh Thomas, thành thử tác động biến dịch của Aristote chỉ đưa một vật ở năng thể thực thụ sang tới hiện thể. Trái lại với tư tưởng nơi Thánh Thomas, người ta không thể nói tới những năng thể thực thụ. Bởi vì trước khi được sáng tạo, vạn vật không ở năng thể theo nghĩa Aristote nhưng là ở thể hư vô.
Sỡ dĩ phải nhắc lại và đào sâu quan niệm tác động biến dịch, là vì nếu có quan niệm triết học Thánh Thomas như chính thuyết Aristote sửa chữa đi chút ít thì chúng ta không thể nào đạt tới Thiên Chúa.
Luận chứng thứ I của Thánh Thomas đã được trình xây dựng theo hai nguyên tắc.
a. Thứ nhất : Bất cứ một sự vật gì biến động, đều có nguyên nhân biến động.
Nguyên tắc thứ I để chứng minh và kinh nghiệm cũng cho thấy rõ ràng.
b. Thứ hai : Không thể ngược lên đến vô cùng.
Nguyên tắc thứ II đã được Aristote chứng minh 3 cách khác nhau:
b.1. Nếu ngược lên đến vô cùng, thì phải công nhận có một số vô cùng. Nhưng sự vật vừa động, vừa bị động, mà bởi vì các động cơ bị động đó cũng động cho nên phải coi chúng như một chuyển động trong 1 thời gian hữu cùng là chủ trương một điều mâu thuẫn.
b.2. Nếu không công nhận đệ I động cơ, thì không hiểu được sự chuyển động. Vì tất cả những động cơ bị động kia không cái nào là nguyên tác thành ra sức chuyển động hết.
b.3. Mỗi động cơ bị động chỉ động và phát ra sức chuyển động, vì nó được động bởi một động cơ chính còn chúng chỉ là những động cơ dụng cụ. Vậy không có động cơ chính thì vẫn không hiểu được sự chuyển động của những động cơ dụng cụ kia, cũng như không có bàn tay thì làm sao mà cái gậy kia chuyển động được.
Thánh Thomas coi chứng cứ dựa trên biến dịch là chứng cứ quan trọng nhất và vững nhất, và các triết gia Kinh viện cũng nghĩ rằng: chứng cứ này vững nhất và mạnh nhất, nhưng chúng ta không thể không nghĩ đến sự kiện này:
Chứng cứ thứ I là một tiếng nói quá xa lạ với tư tưởng người thời nay, nhất là vật lý học ngày nay không xét đến những nguyên nhân như Aristote mà chỉ nghiệm chứng những hiện tượng trực tiếp, cho nên tư tưởng triết học ngày nay không quen thuộc với cách giải nghĩa bằng nguyên nhân.

2. Con đường II : Chứng cứ dựa trên nguyên nhân tác thành.

Chứng cứ này khác với chứng cứ 1, ở chỗ không xét đến sự kiện biến dịch xét như là biến dịch. Nhưng xét đến hiệu quả của biến dịch, cũng là biến dịch. Nhưng chứng cứ 1 nghiệm xét đến tác động biến dịch; còn chứng cứ 2 thì nghiệm xét thành quả của biến dịch thôi.
Thánh Thomas xây dựng luận chứng của Người trên hai nguyên tắc rất chắc chắn:
a. Không sự vật nào có thể tự làm nguyên nhân cho chính mình, vì điều đó mâu thuẫn quá! Nhận rằng một sự vật có thể làm nguyên nhân cho nó tức nhận rằng: nó hiện hữu trước khi nó thực sự hiện hữu. Vậy mỗi hữu thể phải có nguyên nhân biệt khỏi nó và hiện hữu trước nó.
b. Không thể ngược lên đến vô cùng trong trật tự những nguyên nhân trung gian, nghĩa là những hữu thể vừa làm nguyên nhân cho cái khác, vừa cần một nguyên nhân cho mình. Thánh Thomas còn chứng minh bằng phản chứng: “Nếu bỏ đệ I nguyên nhân tác thành đi, tất không còn những nguyên nhân trung gian, và cũng không còn những hữu thể thành quả nữa”. Vậy mà chúng ta thấy những lập luận như thế là phản với thực tế. Vì trong thực tế là ai cũng nhận có các sự vật trong vũ trụ, vậy phải kết luận: phải có đệ I nguyên nhân tác thành.
Ai cũng nhận thấy hai chứng cứ 1 và 2 giống nhau, và các chứng cứ sau này cũng giống như thế, thành thử không thiếu những học giả cho rằng: chỉ có một con đường duy nhất và đường đó có 5 phần. Nghĩ thế là không kính trọng tư tưởng thánh Thomas cho đủ! Vì Người đã viết rõ là: “In que Dei” (5 con đường). Tuy nhiên không ai chối được rằng: 5 chứng cứ đó được xây dựng một kiểu.
3. Con đường III : Chứng cứ dựa trên tất yếu.
Chứng cứ này dựa trên hai tiền đề:
  • Là khả hữu, là cái bất tất, có cũng được mà không có cũng được. Như vậy nó đối lập với tất yếu.
  • Là vật khả hữu không do mình mà có; cho nên nó cần phải có nguyên nhân của hữu thể nó.
Từ đây, chúng ta gặp lại cách lập luận đã qua của Thánh Thomas. Về con đường này Et. Gilson đã đưa ra những tài liệu đầy đủ để chứng minh rằng: Thánh Thomas đã hoàn toàn theo cách chứng minh của hiền triết Do Thái Maimonide để nêu lên sự kiện những hữu thể bất tất và tất yếu. Thánh Thomas cũng làm như Maimonide là đặt ra 3 giả thuyết:
a. Không vật nào sinh ra và diệt đi hết: giả thuyết này bị kinh nghiệm hằng ngày bác bỏ ngay. Vì ai cũng thấy có những sự vật sinh và diệt trong vũ trụ.
b. Tất cả vạn vật đều sinh ra và diệt: giả thuyết này cũng không thể nhận được. Vì nếu tất cả đều sinh và diệt, tức là tất cả đều bất tất, mà bất tất thì đã có lúc chúng không có và đã không có thì chúng không thể tự chúng bắt đầu có và như vậy không có hữu thể nào hết. Kinh nghiệm cho hay: có những hữu thể trong vũ trụ cho nên giả thuyết thứ hai này không thể nhận được.
c. Có những vật bất tất có sinh và diệt, và cũng có những hữu thể tất yếu không sinh không diệt. Thực ra đây không còn là một giả thuyết nhưng là kết luận phải được chấp nhận. Sau khi chúng ta thấy không thể chấp nhận hai giả thuyết trên kia. Những sự vật chúng ta gặp trong vũ trụ thảy đều sinh và diệt. Như vậy, chúng đều bất tất, nếu chúng thảy đều bất tất, thì có nghĩa là có lúc chúng không có, và như vậy là hư vô hoàn toàn, bởi vì hư vô đó không thể tự sinh ra hữu thể cho nên, nếu nhận rằng tất cả các hữu thể đều bất tất, thì cũng phải nhận rằng đã có lúc không có một hữu thể nào hết. Và như vậy, đáng lẽ bây giờ cũng không có chi hiện hữu hết. Vì giả thuyết đó vô lý, cho nên chúng ta phải công nhận rằng: ngoài những hữu thể bất tất ra còn có hữu thể tất yếu đó là hữu thể mà mọi người gọi là Thiên Chúa.
Các tác giả lưu ý chúng ta về quan niệm tất yếu và hằng hữu mà thánh Thomas mượn lại của vũ trụ học Aristote. Theo Aristote, cái gì tất yếu thì hằng hữu, còn cái bất tất thì ở trong thời gian. Sở dĩ Aristote chủ trương như thế vì ông nghĩ: vũ trụ hằng hữu.
Thực ra, trong Tổng luận thần học. Thánh Thomas chỉ lặp lại Aristote thôi, vì thế sinh ra khó khăn cho ta. Trái lại, ở nơi khác Người tỏ ra gọn hơn và không nạn đến quan niệm về hằng hữu, bất tất khi đó có nghĩa là một hữu thể không thể ra khỏi tình trạng hư vô, nếu không có một nguyên nhân tác động vào nó. Khi đã tẩy sạch những khó khăn như thế con đường thứ 3 được coi là một luận chứng thỏa mãn.
4. Con đường IV : Chứng cứ dựa trên các cấp hữu thể
Chứng cứ này đã gây nhiều tranh luận nhất. Có những tác giả bênh thuyết Thomas hơn cả Thánh Thomas cho rằng chứng cứ này chắc chắn nhất. Một số học giả lại cho rằng chứng cứ này không dẫn tới kết luận cụ thể nào hết, vì nó thuộc loại luận chứng hữu thể học. Đại ý chứng cứ này như sau:

Ta thấy trong vũ trụ có những sự vật hơn nhau về tốt lành, về chân thực. Như vậy, chắc trên hết phải có một hữu thể chí thiện, chí chân. Chí thiện đó cũng là hữu thể trên hết và là căn nguyên của vạn vật, đó là Thiên Chúa.
Ai cũng nhận rằng chứng cứ này có lối đi của biện chứng pháp Platon. Tuy nhiên theo cha Sertillanges, thì Thánh Thomas đã tránh được những sai lầm của Platon là:
Thứ nhất, trong khi Platon muốn dừng lại ở đệ nhất của mỗi loại hữu thể, thì Thánh Thomas đi tới sự nhận ra cha của các linh tượng. Như thế, Thánh Thomas tránh được sự kiện nhiều đệ nhất.
Thứ hai, Thánh Thomas đã bảo toàn được thực tại trong khi Platon thì hy sinh nó.
Như thế, chứng cứ của Thánh Thomas có thể dẫn tới một Đấng chí thiện. Trái lại nhiều triết gia trong nhóm Kinh viện đã không nghĩ thế, họ cho rằng chứng cứ của Thánh Thomas không thể sạch tội luận chứng hữu thể học.
Tóm lại nơi chứng cứ thứ 4, Thánh Thomas đã phác họa một con đường khả dĩ đưa ta tới Thiên Chúa, nhưng Người mới chỉ phác họa thôi, và chứng cứ của Người đã giả thiết những điều mà Người không chứng minh nơi đây, và đã chứng minh ở nơi khác trong các tác phẩm của Người. Nói đúng ra con đường thứ 4 không thực sự xây trên những cấp của chân thiện mỹ như người ta thường nói, nhưng xây trên những cấp của hữu thể, nghĩa là từ tính chất bất toàn của hữu thể nọ hay hữu thể kia trong vũ trụ, con người có thể vươn tới hữu thể căn nguyên. (Từ những hữu thể bất toàn đưa ta tới những hữu thể căn nguyên, mà hữu thể căn nguyên đó chính là Thiên Chúa).

5. Con đường V : Chứng cứ dựa trên nguyên nhân cứu cánh.

Các tác giả Kinh viện thường trình bày chứng cứ này dưới cái tên chứng cứ dựa trên trật tự của vũ trụ. Thực ra nguyên nhân cứu cánh phải hiểu cả về hai nghĩa, vừa nghĩa là một vật có khuynh hướng tìm sự thiện hảo cho chính mình nó; vừa có nghĩa là vạn vật đều qui về chí thiện và do đấy chúng đưa lên một trật tự hoàn mỹ.
Người ta quá nhấn mạnh về nghĩa thứ hai mà nhằm bỏ nghĩa thứ nhất, là nghĩa mà chính Thánh Thomas đề cao hơn. Đại ý chứng cứ của Thánh Thomas dựa trên nguyên lý hay thành ngữ này: Omne agens agit peopter finem (Tất cả mọi tác nhân đều hướng về mục đích: cứu cánh). Như vậy chứng cứ có thể đi cả con đường những vật vô tri, cả con đường những vật có lý trí. Thánh Thomas đã chỉ cần lấy chứng cứ nơi những vật vô tri. Những vật này hành động như thế có tri thức về cứu cánh của chúng, vì ta thấy chúng hành động luôn theo một đường lối, và đường lối này dẫn chúng đạt được cứu cánh của chúng. Bởi vì ta biết rõ chúng vô tri, cho nên ta phải kết luận rằng có một cái chi có tri thức hướng dẫn tới cứu cánh của chúng. Gilson đưa ra những nhận xét tổng quát về chứng cứ thứ 5:
Thứ nhất, đây là chứng cứ có vẻ bình dân và dễ hiểu nhất, vì dựa trên những sự kiện mà bất cứ ai cũng có thể nhận ra. Tuy vậy đối với Thánh Thomas chứng cứ này có một giá trị vững vàng, nên không hơn thì cũng bằng chứng cứ khác. Lý do là vì nó dựa trên nguyên nhân cứu cánh, một trong những nguyên nhân trọng nhất.
Thứ hai, sức chứng minh của chứng cứ thứ 5 này rất mạnh. Khi thoạt đi vào người ta đã thấy nó chứng minh được rằng vũ trụ cần phải có một hóa công theo nghĩa một vị an bài vạn vật trong vũ trụ. Nếu đi sâu hơn người ta sẽ nhận ra nơi nguyên nhân cứu cánh, chính tiêu chuẩn đã thúc đẩy nguyên nhân tác thành hành động. Thành thử người ta gặp được nguyên nhân của nguyên nhân.
Nhìn một cách khách quan người ta có cảm tưởng như Gilson đi mau quá, vì ông quá vội theo những tiền giả thuyết của thời Trung Cổ, cho nên nhiều học giả ngày nay cho rằng ông đã thiếu óc phê bình. Chẳng hạn ý niệm về một Thiên Chúa sáng tạo và an bài ông có nơi phần kết luận của chứng cứ thứ 5. Chỉ cần một bản tính theo quan niệm triết Hy Lạp cũng đủ giải quyết vấn đề trật tự của vũ trụ. Tuy nhiên theo văn học sử mà nói thì lý do chính làm cho Thánh Thomas thấy không cần thiết trình bày tất cả những gì đáng lẽ Người phải trình bày, ở tại sự thông cảm sâu xa giữa Người và những độc giả của Người, họ đều là những người có đức tin mạnh mẽ và sáng suốt về Thiên Chúa, và nhất là theo lịch sử triết học, họ chưa biết những lay chuyển của thuyết phê bình như chúng ta ngày nay.

B. Nhận định tổng quát về ngũ đạo

Trên đây nơi mỗi cuối chứng cứ, chúng ta đã đưa ra ít nhận xét về giá trị của mỗi chứng cứ, và thử nhìn xem mỗi chứng cứ thực sự đã chứng minh được những gì? Chúng ta đang hé nhìn thấy sự bất toàn của mỗi chứng cứ xét riêng. Bây giờ xét chung lại, chúng ta cần phải sáng suốt nhận định giá trị của Ngũ Đạo, tức 5 chứng cứ cổ điển của Thánh Thomas.
Phải nói ngay, chúng ta đang đứng trước những thái độ phản ứng hoàn toàn khác nhau. Đại đa số các nhà Kinh viện đã nhắm mắt lặp lại những luận chứng của Thánh Thomas, coi đó là những chứng minh tuyệt hảo về mọi phương diện. Theo những nhà Kinh viện này, thì các chứng cứ của Thánh Thomas vẫn được tâm trí của con người ngày nay đón nhận và tin theo như hồi thế kỷ XIII. Các nhà kinh viện này không hề đề cập đến những mối hoài nghi của tâm trí người ngày nay, cũng không kể chi óc phê bình của tư tưởng triết học hiện tại. Đọc họ chúng ta thấy thanh bình hơn cả khi chúng ta đọc bản văn của Thánh Thomas. Bản văn của Thánh Thomas dầu sao cũng phản ảnh những khó khăn về nghi hoặc của thời gian. Còn khi chúng ta đọc các tác giả Kinh viện, chúng ta chỉ thấy một tư tưởng toàn thắng, không gặp một chướng ngại nào hết, đó chính là nghĩa đen và nghĩa xấu của danh từ Kinh viện.
Đứng trước tình trạng “tống nho” của đại đa số các tác giả Kinh viện, một số triết gia Kinh viện đã phản ứng quá mạnh. Chẳng hạn như cha Van Steenberghen cho rằng dự tính của Thánh Thomas khi viết cuốn Summa Theologica là dành cho những người bắt đầu đi học. Cho nên không gì trái ý của thánh nhân bằng tôn bản văn của Người lên ngang hàng tác phẩm Thánh Kinh. Cha còn cho rằng: người ta không nên quên một chân lý sơ đẳng này: bản văn của Thánh Thomas sở dĩ có giá trị là vì đã mang nặng ấn tích của thời đại Người, thời ấy đã quá xa chúng ta, vì thế cha còn nhấn mạnh: Dẫu tác phẩm của Thánh Thomas diễn đạt đúng chân lý, thì cũng không vì thế buộc chúng ta coi đó là một chân lý ngàn đời, bất di bất dịch.
Lý do sau cùng làm cho việc nghiên cứu tác phẩm của Thánh Thomas trở nên nguyên nhân sự sa lầy là: Một số triết gia Kinh viện đã quá ngây thơ nghĩ rằng Thánh Thomas không hề sai lầm, và tư tưởng của Người có một giá trị vượt trên không gian và thời gian.
Những lời lẽ phê phán trên đây của Cha Van Steenberghen có đích đáng hay không, và thái độ của các tác giả Kinh viện thực sự có đáng trách nặng lời như thế hay không? Đó là điều thuộc lãnh vực những nhận xét cụ thể không thuộc vấn đề giá trị cá nhân Thánh Thomas. Dầu sau những phê phán của cha cũng nêu lên một tình trạng đáng tiếc và đã kéo dài quá mức.
Ngoài hai thái độ có thể gọi là cực đoan trên đây, còn một thái độ thứ ba nữa và chúng ta muốn đó là thái độ của chúng ta dựa trên những nhận xét thanh bình, những nhận xét dựa trên nền tảng vững chắc của lịch sử triết học. Chúng ta thử tìm hiểu giá trị cụ thể của những chứng cứ Thánh Thomas, nhờ đó chúng ta thấy Người đã vượt qua Aristote chừng nào để có thể trung thành với Giáo Hội và thời đại của Người. Chính thái độ này của Người “bất trung thành để trung thành” sẽ dạy ta theo gương Người để chu toàn nghĩa vụ tri thức của chúng ta, trong thời đại của chúng ta.

1. Trước hết, Thánh Thomas đã vượt qua tư tưởng của Aristote về biến dịch

Thánh nhân cho chứng cứ dựa trên biến dịch là: “Prima et maquifestior via” (con đường thứ nhất và sáng tỏ hơn cả). Rồi Người dùng những luận chứng của Aristote để chứng minh rằng: có một đệ nhất động cơ; nhưng khi nhìn kỹ vào, người ta thấy Người gán cho đệ nhất động cơ có những thuộc tính mà Aristote sẽ là người phản đối đầu tiên. Đệ nhất động cơ của Thánh Thomas chẳng những đã chuyển vạn vật từ năng thể sang hiện thể mà còn là nguyên nhân của bản thể hay hữu thể vạn vật nữa. Cái khó cho chúng ta, những môn sinh của Thánh Thomas, là Người cứ nhất quyết hoàn toàn trung thành với Aristote. Do đó, Người đã chú giải Aristote một cách quá xa tư tưởng của triết gia Hy lạp. Người ta đã nói: “Thánh Thomas làm công việc rửa tội cho Aristote”. Thực không phải là nói quá!
Ít nhất các học giả cũng thấy Thánh Thomas đã biến đổi tư tưởng của Aristote ở hai điểm quan trọng:
Thứ nhất, Thánh Thomas đã cố tình chủ trương rằng đệ nhất động cơ không những là nguyên nhân của biến dịch mà còn là nguyên nhân của hữu thể vạn vật nữa. Như vậy Thánh Thomas đã ban cho Thượng Đế của Aristote có sức sáng tạo nên vạn vật, nhưng Người chỉ quyết thế thôi, không thể đưa ra những đoạn văn của Aristote để chứng minh rằng: “quả thực Thượng Đế của Aristote giống hệt Thượng Đế của Người!”
Thứ hai, Thánh Thomas đã ngã vị hóa Thượng Đế của Aristote bằng cách ban cho Thượng Đế đó một ý muốn mà không một ai khác dám quyết là có nơi Thượng Đế của Aristote. Nếu nhận định của Gilson đúng, thì người ta phải nhận rằng Thánh Thomas đã tự mâu thuẫn, vì chính Người cũng không thấy Thượng Đế của Aristote có ý muốn.

2. Thứ đến, Thánh Thomas đã vượt quá bình diện bản thể của Aristote

Chính ở đây, chúng ta phải nhận với Gilson rằng: Thánh Thomas đã nhảy qua một vực thẳm. Vực thẳm đó chính là sự khác biệt giữa lãnh vực bản thể của Aristote và lãnh vực hiện hữu của Thánh Thomas. Đây là cái khó của những hậu lai. Thánh Thomas muốn dựa vào Aristote để những luận lý của Người được xây trên uy tín của nhà hiền triết. Vì thế Người đã đặt cho Aristote những lời lẽ mà ông này không hề nghĩ tới và không thể chấp nhận được cho học thuyết của ông. Chúng ta, những kẻ hậu lai có nên tin Thánh Thomas để nghĩ rằng: Thượng Đế của Aristote đích thực là một Thiên Chúa sáng tạo chăng? Ngày nay, không một ai dám nghĩ như thế nữa! Vì lịch sử triết học ngày nay không cho phép lầm lẫn như vậy. Vậy chỉ còn mỗi một cách để công nhận rằng Thánh Thomas đã vượt xa Aristote, bỏ xa bình diện bản thể là bình diện của yếu tính để vươn sang bình diện hữu thể là bình diện của hiện hữu. Vì thế Gilson cho rằng 5 chứng cứ của Thánh Thomas thực sự ngấm ngầm dựa trên nền tảng siêu hình học.
Nền tảng siêu hình học nay đối với những học giả của Thánh Thomas là một chuyện dễ dàng, do đó, thánh nhân thấy không cần trình bày cách tỏ tường trong văn kiện của Ngũ Đạo. Nhưng đối với người thời nay thì lại rất cần phải trình bày tường tận. Như vậy, không bao giờ chúng ta phủ nhận giá trị của những chứng cứ của Thánh Thomas, nhưng, chúng ta có bổn phận trình bày tư tưởng của thánh nhân làm sao cho phù hợp với những tư tưởng của hiện đại, nghĩa là chúng ta không thụ động hiểu theo chữ của Ngũ Đạo. Nhưng chúng ta dùng phương pháp phê bình văn học để hiểu tất cả những gì Thánh Thomas thực sự muốn nói qua văn kiện mà chúng ta thấy trong Summa Theologica.

3. Về vũ trụ quan của Thánh Thomas và vũ trụ quan của Aristote

Những nhận xét có tính cách phê bình này không có mục đích nào khác ngoài việc giúp ta khai thác được giá trị siêu hình học của con đường Thánh Thomas. Nhưng chúng ta chỉ đạt đến mục đích đó với điều kiện là hiểu cho tới nền tảng siêu hình học mà điều này chỉ có thể thực hiện, nếu ta nhận định đầy đủ về hai sự khác biệt gần như vô cùng giữa vũ trụ quan của Thánh Thomas và vũ trụ quan của Aristote, rồi sự khác biệt của Thánh Thomas về ý nghĩa nguyên nhân tác thành.
Trước hết, nên xác định lại quan niệm về biến dịch và sáng tạo. Chúng ta đã phác họa điểm này khi bàn về chứng cứ thứ nhất của Thánh Thomas. Nơi đó chúng ta đã nhấn mạnh về sự khác biệt một trời một vực giữa tác động mang một hữu thể từ năng thể sang hiện thể, và tác động sáng tạo, tức làm cho một hữu thể đi từ hư vô đến hiện hữu.
Sau khi đã nhiều lần nhắm đến sự khác biệt thẳm sâu giữa hai vũ trụ quan của Thánh Thomas một bên, và của Aristote một bên, chúng ta có thể đoan chắc rằng nếu hoàn toàn theo viễn tượng của vũ trụ quan Aristote thì không thể có sự sáng tạo, đồng thời không thể có một Thiên Chúa sáng tạo được.
Trong vũ trụ quan Aristote, tất cả các (loại), sự vật đến hằng hữu và vĩnh cửu, chỉ có các (cá vị) là chịu quyền biến dịch. Cho nên những cá vị được đưa từ năng thể sang hiện thể bởi một hữu thể ở hiện thể, tức là bởi một hữu thể thuộc loại nó và có trước nó.
Trái lại khi Thánh Thomas quyết rằng: “Quidquid movetur ab alio movetur” (cái mà được đánh động thì bởi được cái khác đánh động). Và khi Người định nghĩa “Movere est nihil aliquid quam educere aliquid de potentia actum” (chuyển động không là cái gì khác hơn là đưa một cái từ năng thể sang hiện thể). Nhưng khi Người nói như thế Người vẫn ngấm ngầm nghĩ đến sự sáng tạo và nguyên nhân sáng tạo mà trong câu kết luận Người là Thiên Chúa. Tất nhiên ta không thể nào nghĩ thánh nhân lại sai lầm đến mức có thể nhận y nguyên đệ nhất động cơ của Aristote.
Vậy chúng ta phải kết luận rằng Thánh Thomas đã vượt quá tư tưởng của Aristote rất nhiều. Sự vượt quá này thực ra là một thay đổi hoàn toàn. Hai vũ trụ quan không thể nào ăn khớp với nhau được, chúng ta chỉ còn cách công nhận rằng: Thánh Thomas đã gán cho chứng cứ của Người một nội dung siêu hình học tuyệt đối khác hẳn với nội dung mà chứng cứ đó khi nó nằm trong học thuyết của Aristote. Như vậy, Thánh Thomas đã kết nạp quá mức của tiền đề chăng?
Thánh Thomas đã không kết nạp quá tiền đề. Hay nói đúng hơn: Người chỉ xem ra kết nạp như thể đối với chúng ta mà thôi. Bởi vì Người đã không trình bày tất cả những cái đáng lẽ ra Người phải trình bày. Tuy nhiên như chúng ta đã nói rằng: sự trình bày đó không cần cho độc giả của Người thời đó. Vậy thì ta phải nhận rằng: Người đã xây tất cả 5 chứng cứ của Người trên nền tảng siêu hình học đó, nền tảng này không được trình bày hiển hiện nơi Ngũ Đạo, nhưng những ai thông thạo kiểu nói và học thuyết của Người đều dễ dàng thấy nền tảng đó hiện ra giữa những luận lý của Ngũ Đạo.
Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải nhờ vào sự nghiên cứu của các học giả để khơi lên cái nền tảng đó.

4. Nền tảng siêu hình học của Ngũ đạo

Trước hết: chúng ta phải chứng minh được rằng: “Movere” theo nghĩa Aristote, không phải và chưa phải là “Creare”, vì có như vậy, chúng ta mới chứng minh được rằng Thiên Chúa ban hiện hữu cho vạn vật.
Aristote chủ trương “movere”, bởi vì vũ trụ của ông là vũ trụ không ai sáng tạo nên và là vũ trụ hằng hữu.
Trái lại, trong tư tưởng của Thánh Thomas Thiên Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ, nghĩa là cho vũ trụ sự hiện hữu. Và như chúng ta đã thấy trong phần hữu thể học, hiện hữu của vạn vật hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, chứ không thuộc vào bản tính chúng chút nào. Trước khi được sáng tạo, chúng không có một bản tính nào hết. Thánh Thomas đã viết câu quyết: “Sic autem se habet omnis creatura ad Deum sicut aer ad solem illuminautem”. Vạn vật đối với Thiên Chúa thì như không trung đối với mặt trời chiếu sáng. Nghĩa là vạn vật tùy thuộc một cách tuyệt đối vào Thiên Chúa, và chẳng những tùy thuộc vào Người để chúng có thể hiện hữu, và còn tùy thuộc vào Người trong sự được bảo toàn chúng nữa.
Theo câu nói then chốt của Người trên đây, chúng ta thấy Người chủ trương thuyết hiện hữu rất chắc chắn. Thuyết này có thể tóm lại trong câu sau đây: “Hữu thể có đây”. Vậy, một là tự mình mà có, hai là nó hiện hữu do một nguyên nhân đã ban hiện hữu cho nó. Không cần nghiệm xét lâu ai cũng dễ thấy giả thuyết thứ nhất chỉ đúng cho một mình hữu thể tuyệt đối mà thôi, hữu thể tuyệt đối đó gọi là Thiên Chúa. Đó là hữu thể mà yếu tính là hiện hữu; còn giả thuyết thứ hai, tức là giả thuyết về những hữu thể không tự mình có lý do hiện hữu cho mình. Tất nhiên chúng ta phải tìm lý do và nguyên nhân đó ở ngoài chúng. Tuy nhiên, thay vì đi tìm theo dòng thời gian ngược lên mãi. Chứng cứ siêu hình học nhìn thẳng vào hiện hữu của các hữu thể không tự hữu.
Tại sao việc ngược dòng thời gian không giúp ta đi thẳng vào trung tâm vấn đề siêu hình học?
Thưa vì hậu quả sang tới những nguyên nhân trung gian, mà trong chứng cứ thứ nhất Thánh Thomas gọi là động cơ bị động. Chúng ta vẫn chưa đi vào tác động sáng tạo nhưng cũng lắm chỉ là để cho ta thấy đi ngược lên như thế không phải là cách trả lời. Vấn đề siêu hình học là vấn đề xét đến chính nền tảng của hiện hữu.
Nhìn vào nền tảng hiện hữu chúng ta thấy tất cả những hữu thể cùng đều bất tất, mà bất tất thì chúng có hay không cũng không hệ chi đến hữu thể nói chung. Do đó, chúng ta phải kết luận rằng: chúng không tự mình mà có, mà để không tự mình mà có thì hữu thể của chúng hoàn toàn lệ thuộc vào tác động sáng tạo của một nguyên nhân phát sinh ra chúng. Trong ý này Thánh Thomas đã ví hiện hữu của chúng như không trung đối với ánh sáng của mặt trời, hễ mặt trời giãi ánh sáng vào thì không trung sáng lên, và hễ mặt trời rút ánh sáng của nó đi thì không trung hết sáng.
Như thế, hễ Thiên Chúa ban hiện hữu cho vạn vật thì chúng hiện hữu, và hễ Thiên Chúa rút tay Người lại thì vạn vật liền rơi vào hư vô.
Tóm lại: Muốn đạt tới nguồn mạch của các chứng cứ siêu hình học,chúng ta cần thiết phải nhìn vào bản chất của tác động đó. Như thế chúng ta thấy các chứng cứ cổ truyền xét theo hình thức có thể coi là những chuẩn bị hữu ích để chúng ta vào trung tâm chứng cứ siêu hình học. Xét theo thâm ý Thánh Thomas thì chúng là những chứng cứ xây trên nền tảng siêu hình học.

_Phương Đông_ 
Trích “Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 108-123.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *