Khi đọc các sách Tin Mừng, chúng ta có khuynh hướng tự nhiên là đồng bộ hóa cả bốn bản văn viết về cuộc đời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ lưỡng hơn, ta sẽ thấy rằng có nhiều chi tiết không ăn khớp với nhau. Chẳng hạn, ai vác thập giá của Chúa Giêsu?Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá. Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simôn, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Đồi Sọ. (Mc 15,20-22)Đoạn trích Tin Mừng Thánh Marcô này đã quá rõ. Không phải Chúa Giêsu vác thập giá mà là Simôn thành Kyrênê, một khách qua đường không dính dáng gì đến vụ án. Luca và Matthêô cũng thuật lại y như vậy. Luca còn nói rõ thêm là ông Simôn vác đi đàng sau Chúa Giêsu[1] và điều này làm cho chúng ta hiểu rằng ông đã trở thành một môn đệ mẫu. Thật vậy, Simôn Kyrênê là một minh họa hoàn hảo cho người môn đệ lắng nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu vác thập giá bước theo Ngài (Mt 16, 24-28[2]).Và đây là đoạn Tin Mừng Thánh Gioan
Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; (Ga 19,16-17)
Tin Mừng Thánh Gioan không nói gì đến Simôn thành Kyrênê. Ít nhất có hai lý do để giải thích điều này. Một đàng là Tin Mừng này không nhấn mạnh đến lời mời gọi các môn đệ vác thập giá theo Chúa Giêsu như các Tin Mừng khác. Như vậy, nhân vật Simôn thành Kyrênê không cần thiết. Đàng khác, Thánh Gioan trình bày Chúa Giêsu theo cách khác với ba Tin Mừng kia. Chúa Giêsu là Ngôi Lời (logos) đã thành xác phàm, sứ giả của Thiên Chúa. Tin Mừng Gioan không trình bày việc đóng đinh như là cuộc hành hình mà là sự vinh thăng của Chúa Giêsu về trời. Bài thương khó trong Tin Mừng Thánh Gioan cho thấy dường như Chúa Giêsu đang kiểm soát tình huống đến độ chính Ngài vác lấy thập giá của mình.
Vậy thì ai vác thập giá Chúa Giêsu?
Biết tin vào ai đây? Có thể nào viện cớ rằng các Tin Mừng Marcô, Matthêô và Luca được viết trước Tin Mừng Gioan khoảng 20 năm để nói rằng Chúa Giêsu không vác thập giá một mình chăng? Bản văn Tin Mừng Gioan dường như gần với cách hành hình thập giá của người Roma hơn. Theo lệ thường, chính người bị hành hình phải vác lấy thanh ngang của thập giá. Cuối cùng thì người ta cũng đưa ra được câu trả lời thứ ba: Chúa Giêsu đã vác thập giá được nửa đường trước khi được Simôn thành Kyrênê giúp đỡ. Đây là một lối giải thích thỏa hiệp khá thú vị thế nhưng có điểm bất lợi là không dựa trên một bằng chứng nào trong Kinh Thánh.
Cuối cùng, tốt hơn hết là chúng ta đừng nên dung hòa hai truyền thống với bất cứ giá nào. Mỗi truyền thống đều có điều gì đó muốn nói với chúng ta. Ba Tin Mừng đầu tiên minh họa tầm quan trọng của việc vác thập giá để trở thành môn đệ Chúa Giêsu khi bước theo Ngài trên con đường khổ nạn. Về phần mình, trình thuật của Thánh Gioan muốn nói rằng Chúa Giêsu vẫn làm chủ tình huống ngay cả khi bị đóng đinh. Một cách biểu tượng, đối với Tin Mừng này, thập giá không phải là nơi chết chóc của Chúa Giêsu mà là nơi Ngài được siêu thăng về với Chúa Cha. Cuộc đóng đinh không phải là cái kết của câu chuyện vì đó chỉ là một giai đoạn hướng đến sự chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết.
Sébastien Doane
Nguồn tin: Gpquinhon.org