I. Bậc sống khô khan tội lỗi
4. Thà chết không phạm tội trọng
* Tiêu Cực: Ăn năn vì sợ
Ở bậc sống này, thường sau khi sa phạm tội trọng linh hồn ăn năn vì sợ bị phạt vô cùng đau đớn đời đời trong hỏa ngục, sợ mất phần rỗi, sợ không được hưởng phúc thiêng đàng, sợ ở lâu dài trong luyện ngục v.v… Ở cấp độ cao hơn một tí, có linh hồn sợ mình từ đây mất hẳn đức tin, mất mối giao tình với Thiên Chúa. Chung qui lại tâm linh họ bị nỗi sợ vây kín.
Lòng ăn năn này có thể chuộc được tội, nếu trong lòng vẫn còn hoa trái của đức tin là đức cậy. Nhưng nó kìm giữ linh hồn trong phép công thẳng của Thiên Chúa.
* Tích Cực: Ăn năn vì yêu mến Thiên Chúa
Linh hồn ăn năn vì thấy mình đã phụ ân tình Thiên Chúa Cha, đã phản bội công thánh hóa của Thánh Thần chân lý, và góp thêm phần sự dữ vào cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Trong lúc Người đã hiến mình chịu chết trong đau đớn tủi nhục, khổ sở thảm khốc trên thánh giá để cứu độ mình. Lòng tri ân xé nát linh hồn trót lỡ lầm phạm tội, thật lòng thống hối, tâm can họ đắng cay giày vò vì xúc phạm đến Đấng mà mình rất mực mến yêu. Linh hồn ý thức Thiên Chúa Ba Ngôi đã vì yêu thương mình mà đổ tràn muôn ân huệ, thế mà mình không trọn lòng tri ân đền đáp, lại còn xúc phạm đến Ngài.
Tuy vậy việc ăn năn tội thuần vì yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi ở cường độ thấp như thế, vẫn chưa đủ tích cực để loại trừ hết hậu quả của tội trọng mà linh hồn đã phạm. Ăn năn tội “cách trọn” theo như vừa trình bày ở trên, chúng ta học ở giáo lý căn bản, chỉ đủ sức làm cho chúng ta thoát khỏi án phạt phải chết đời đời, nếu như không đủ điều kiện xưng thú tội lỗi mà phải chết bất ưng. Nhưng còn hậu quả của tội để lại: Sự xáo trộn trong chính tội nhân, các quan năng tâm linh không còn quân bình và vững mạnh hướng về sự sáng chân lý của Thiên Chúa, Thần Khí giao chiến cùng sự ác ngay trong linh hồn, nên linh hồn không thể có bình an nội tại; ma quỉ thắng thế gia tăng cám dỗ và gieo rắc sự dữ vào cuộc sống của linh hồn, đồng thời phủ tối tăm trong linh hồn tội nhân; thế gian vốn là nơi tốt đẹp Thiên Chúa dựng nên cho con người, bị tội lỗi hủy hoại, trở thành cớ quyến rũ dữ dội dẫn con người đến bất an và tội lỗi; vì trái lẽ công bằng với Thiên Chúa và tha nhân hình phạt của tội cũng còn đó. “Liền sau khi con người phạm tội, một dòng thác tai ương đã đổ xuống trên đầu nó: con người phải gánh chịu đủ thứ đau khổ và gian truân từ phía bản thân, từ phía ma quỉ và từ phía thế gian. Tất cả mọi người sẽ đắm đuối trong dòng thác ấy, bởi vì không một ai có thể đạt tới sự sống vĩnh cửu bằng công nghiệp của mình” (ĐT CII 21).
* Rất Tích Cực: Ăn năn vì yêu mến có sức thanh tẩy tha cả hình phạt
Là lòng ăn năn tích cực nhất, trọn hảo nhất, mang lại hiệu quả cho việc tiến đức, bổ sung những khiếm khuyết của lòng ăn năn vì yêu mến nhưng còn ở mức độ thấp nói trên. Lòng ăn năn này mau chóng níu kéo lòng thương xót Chúa ban ân sủng xuống cho linh hồn, và có khả năng tiêu trừ cả hậu quả của tội trọng đã làm lỗi công bằng là các hình phạt đời sau. “Sự thành thật ghét tội và hối hận ăn năn mới làm cho con người được sạch tội. Muốn được tha thứ mọi tội lỗi và cả hình phạt đáng phải chịu nữa, thì phải có lòng ước nguyện vô biên của một tâm hồn tan nát giày vò, tức ăn năn hối cải cách trọn vẹn.
Cha là Đấng Vô Biên, Cha muốn một tình yêu vô biên, một lòng sám hối trọn vẹn. Cha đòi như thế, là vì tạo vật đã xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, và vì tội xúc phạm đến anh em mình, là tội kể như xúc phạm đến Cha. Ai là người có lòng ước nguyện vô biên? Là những kẻ kết hợp với Cha bằng tình yêu mến. Chính vì tình yêu này, mà họ cay đắng và than khóc khi xúc phạm đến Cha, hoặc nhìn thấy Cha bị xúc phạm. Nhờ sự kết hợp và lòng ao ước vô biên này, mà mọi nỗi thống khổ, tinh thần hay thể xác, bất kể từ đâu đến, đều có giá trị vô cùng, cho dù những việc lành ấy giới hạn, thực hiện trong thời gian hữu hạn. Đó là giá trị của lòng ước nguyện chấp nhận đau khổ với Chúa Ki-tô khổ nạn, của lòng ăn năn sám hối.
…
Cha đã dạy con, hỡi con yêu dấu, tội lỗi không đơn giản được tha thứ bởi chịu đau khổ ở đời này, nhưng là đau khổ phối hiệp với lòng ước nguyện, yêu mến và đau xót; đau xót không vì chịu khổ, nhưng do tinh thần sám hối. Đó là ước nguyện sống theo Con Một của Cha, Chúa Ki-tô khổ nạn, trong Ngài mà linh hồn được yêu thương và đi theo vết chân Ngài. Chỉ có cách ấy, con đường ấy, sự đau khổ ở đời này mới có giá trị. Chúng xóa được tội lỗi bởi lòng yêu mến tha thiết phát sinh từ sự hiểu biết lòng nhân hậu của Cha; và vì sự cay đắng giày vò của lòng thống hối, linh hồn sẽ hiểu biết về mình và nhận ra tội lỗi của mình. Sự hiểu biết ấy còn tạo ra mối hận và khinh chê mọi tội lỗi, ích kỷ” (ĐT CI 3-4).
Tóm lại, lời Chúa dạy qua thánh nữ Tiến Sĩ Catarina Sienna, cho chúng ta thấy thật rõ ràng một lòng mến mạnh mẽ và tích cực sẽ đưa linh hồn đến ba tiêu chuẩn xóa bỏ được tội lỗi và hình phạt của tội như sau:
– Linh hồn đắng cay đau xót về những tội lỗi của mình và của tha nhân xúc phạm đến Chúa
Sự đau xót dày vò mà Thánh Kinh gọi là “tấm lòng tan nát khiêm cung”. Qua ngôn sứ Isaia Ngài đã phán:
“Bởi vì Đấng muôn trùng cao cả, Đấng ngự chốn vĩnh hằng, Đấng mang danh chí thánh, Người phán như sau:
Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện,
nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát,
để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung,
và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát.
Vì Ta chẳng trách cứ luôn luôn, không giận hờn mãi mãi,
kẻo hơi thở mọi sinh linh chính Ta làm ra,
trước mặt Ta, sẽ phải lụi tàn.”
(Is 57,15-16).
– Thà chết chứ không phạm tội
Vì yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi linh hồn quyết tâm không thể phản bội hay phụ tình Chúa yêu. Dứt khoát lòng không thể xúc phạm đến Ngài, dù phải trả giá bằng đau khổ hoặc bất cứ sự gì, kể cả cái chết.
“Bởi ân tình Ngài quí hơn mạng sống
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương”
(TV 63,4).
– Yêu mến Chúa Ki-tô, theo Chúa Ki-tô, nên yêu mến lề luật Người, mộ mến các nhân đức
“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn Thầy…” (Ga 14,15).
Tình yêu mến này vươn tới chóp đỉnh thánh ân hưởng nhờ Lòng Thương Xót Vô Biên của Thiên Chúa, khi linh hồn yêu mến Thiên Chúa vì Ngài là Chân – Thiện – Mĩ, linh hồn yêu mến Ngài, yêu mến bản thể Thiện Hảo Vô Biên mà không cần một lí do tương tác nào từ Ngài đến với tạo vật.