Sáu Bậc Sống – Bậc sống trọn lành toàn hảo (P.1)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

VI. Bậc sống trọn lành toàn hảo (bậc nhiệm hiệp)

– Trong ân sủng

– Trong phẩm chất thánh thiện

– Trong tình yêu

1.   Nhiệm hiệp với Thiên Chúa, sống là kéo dài cuộc sống của  Chúa Ki-tô.

2.   Mọi sự của linh hồn là của Chúa, luôn xem mình là người quản lý tạm thời mọi sự mình có.

3.   Ý của linh hồn là ý Chúa, ý của Thiên Chúa là ý của linh hồn.

4.   Luôn được Thiên Chúa gìn giữ và thanh tẩy những tì vết của linh hồn.

5.   Linh hồn chìm đắm trong những kiến thức thần bí, có những khả năng, hiểu biết vượt trên tự nhiên.

*.*

Cùng là Bậc Sống Trọn Lành, có thể chúng ta nghĩ rằng giữa hai bậc sống Trọn Lành Bất Toàn và Trọn Lành Toàn Hảo khác nhau không nhiều. Thật sự về hình thức và một số ơn, nó như giai đoạn đầu và cuối của Bậc Sống Trọn Lành. Nhưng bên trong có sự khác biệt rất lớn giữa hai bậc sống này. Khác biệt trong ân sủng, trong phẩm chất thánh thiện, trong mối tương giao tình yêu Thiên Chúa và linh hồn:

– Trong ân sủng:

Các linh hồn đạt được đời sống Trọn Lành Toàn Hảo thường là những linh hồn đã được Thiên Chúa tiền định, do bởi tình yêu Thiên Chúa đối với chính họ và với nhân loại. Do bởi lòng thương xót của Ngài đối họ vì “Ta muốn thương xót ai thì thương xót, muốn cảm thương ai thì cảm thương”. Vậy người ta được chọn không phải vì chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót. Quả thế, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng nói với Pha-ra-ô: “Ta đã cất nhắc ngươi lên, chính là để dùng ngươi làm cớ cho mọi người thấy sức mạnh của Ta, và để cho danh Ta lẫy lừng trên khắp hoàn cầu. Vậy Thiên Chúa thương xót ai là tùy ý Người…” (Rm 9,15-18).

Và để chuẩn bị cho chương trình của Người, các linh hồn ấy được Thiên Chúa chọn cách đặc biệt, trao cho những sứ mạng cao cả, nổi bật lên trong nhân loại, trong Giáo Hội. Trên bầu trời thiêng linh các thánh nam nữ, các ngài sáng chói như những vì sao bắc đẩu bên các vì sao khác (Pl 2,15b). Qua họ ơn đoàn sủng tuôn đổ dạt dào lên các linh hồn, nâng đỡ Giáo Hội vượt qua sóng gió hoặc canh tân đời sống đức tin của Giáo Hội.

Ngoài những ơn lạ thường hoàn thiện và nâng vượt lên trên tự nhiên con người của các ngài, như không ăn uống trong một thời gian dài, khi cầu nguyện thân hình các ngài chìm ngập trong ánh sáng chói ngời hơn lửa hay lơ lửng trong không gian. Các ân sủng siêu nhiên thần bí nơi linh hồn các ngài cũng huyền diệu khôn tả, tác động sâu xa thánh hóa linh hồn và ban cho các ngài niềm hoan lạc vô tả, “Một buổi tối, tôi cảm thấy bứt rứt khó chịu trong người, tôi định thôi không cầu nguyện nữa, tôi lấy tràng hạt lần chuỗi để đỡ cố gắng cầm trí. Dẫu sao, đang ở trong nguyện đường, tôi cũng dẹp bỏ mọi chuyện bên ngoài. Nhưng khi Chúa muốn cách khác, thì cố gắng nào cũng chẳng kết quả bao nhiêu. Tôi vừa ở trong trạng thái này mới được một lúc thì tôi bị thu hút mãnh liệt, vô phương chống cự và tôi xuất thần. Trong khi xuất thần, dường như tôi được đưa lên thiên đàng. Những người tôi trông thấy đầu tiên ở đó là cha tôi, mẹ tôi và những điều kỳ diệu quá sức xuất hiện trong một thời gian ngắn – không lâu hơn thời gian đọc một kinh Kính Mừng – cảnh tượng thần diệu ấy làm cho tôi ngây ngất hoàn toàn.

Đó là một ơn quá cao vời. Tôi sợ không biết đây có phải là ảo tưởng không. Nhưng dường như không phải là ảo tưởng. Tôi không biết làm thế nào, tôi xấu hổ quá không dám cởi mở với cha giải tội. Không phải vì khiêm nhường nhưng vì sợ có thể là ngài cười tôi và nói: “Chị ta là một thánh Phao-lô hay Thánh Têrônimô sao mà được đưa lên thiên đàng”! Vì những thánh ấy đã được những thị kiến loại đó. Nghĩ thế, tôi cũng sợ hơn nữa, chẳng biết làm gì, chỉ khóc, vì nghĩ làm sao mình có thể được hưởng cùng một kinh nghiệm như các ngài. Sau cùng, dù vẫn rất xấu hổ. Tôi cũng cố gắng đi gặp cha giải tội. Dù nói ra những điều như vậy có làm tôi cực khổ đến thế nào, tôi cũng không bao giờ dám cứ im lặng, vì tôi sợ bị lừa gạt. Khi thấy tôi quá băn khoăn phiền muộn, ngài nói nhiều lời an ủi tôi và ngài trưng nhiều lý do xác đáng để tôi khỏi bối rối.

Từ đó trở đi, Chúa tiếp tục tỏ cho tôi những bí nhiệm trong đại hơn nữa. Bây giờ đôi khi Chúa vẫn còn tỏ như thế… Những gì tôi đã thấy thì quá cao siêu đến nỗi điểm nhỏ bé nhất trong đó cũng đủ làm cho linh hồn tôi ngây ngất. Trước giá trị cao quí tuyệt vời ấy, tôi coi mọi sự đời này chẳng có giá trị là bao. Tôi ao ước có thể diễn tả, ít ra một phần nhỏ nhất trong những gì tôi đã biết, nhưng khi cố gắng tìm cách diễn tả, tôi lại thấy thật vô phương. Vì ánh sáng mà chúng ta thấy ở đây và ánh sáng kia cũng gọi là ánh sáng nhưng không gì có thể so sánh với thứ ánh sáng kia, ngay cả mặt trời chính ngọ cũng chỉ là lu mờ với ánh sáng kia. Tóm lại, dù trí tưởng tượng sắc bén đến đâu cũng không thể gợi lên hay hình dung ra được ánh sáng đó như thế nào, cũng không thể trình bày, dù chỉ một chút những gì Chúa đã cho tôi thấy cùng với một niềm vui tột mức, vô phương diễn tả. Tất cả các giác quan cũng được tràn đầy hoan lạc không thể diễn tả, nên tốt nhất là đừng nói gì hơn nữa.” (TT- C XXXVIII).

Có thể nói trí óc phàm nhân chẳng thể hình dung, chẳng thể tưởng tượng được rõ ràng dầu chỉ một hồng ân Thiên Chúa ban cho các linh hồn vươn tới bậc sống này. Ngắm nhìn họ, có thể nói, với phận người ân sủng không thể kiện toàn cao hơn được nữa. Thật ngoài sức tưởng nghĩ của con người.

Bố nói “Chúa tiền định” không có nghĩa Ngài đã an bài mọi sự cho đạt đến mục đích Ngài muốn, mà không có sự tự do con người cộng tác vào đó. Nhờ sự khôn ngoan thượng trí biết xuyên suốt thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai, nên Thiên Chúa có thể chọn và nâng đỡ sự yếu kém của phận người nơi linh hồn được Ngài tuyển chọn, giúp cho họ có khả năng và thích thú đi đúng vào chương trình Ngài đã định. Tất cả những gì Thiên Chúa làm, dầu Ngài muốn thương ai thì thương, song vẫn yêu thương đồng đều và vô hạn. Vì kẻ ban cho nhiều Ngài sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn, và cũng tôn trọng tuyệt đối sự tự do con người.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *