Giáo Dân Đa Minh Giảng thuyết (1/5)

GIÁO DÂN ÐA MINH GIẢNG THUYẾT

Suy tư của một giáo dân Ða Minh
về việc thực thi sứ vụ Giảng Thuyết ngày nay

Nguyên tác : EL LAICO DOMINICO … UN LAICO PREDICADOR
Una reflexión desde el Laicado sobre la predicación hoy
Tác giả  : Hector G. Mandujano
Dịch giả  : Chân Lý, 2001

Lời giới thiệu

Kính gửi anh chị em trong đại gia đình Ða Minh,

Xin giới thiệu đến anh chị em tác phẩm : “Giáo Dân Ða Minh Giảng Thuyết”. Ðây là suy tư của một giáo dân Ða Minh, anh Hector G. Mandujano, người Tây Ban Nha. Tập sách được giới thiệu trong Hội nghị Ðại gia đình Ða Minh thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Manila Philippin từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 10 năm 2000.

Tư tưởng của anh rất phong phú thể hiện qua văn phong bình dị. Thế nên, chúng tôi dịch sát ý văn để đạt được ý của tác giả.

Tập sách nhỏ này ra mắt nhân ngày họp mặt truyền thống Gia Ðình Ða Minh Việt Nam 2001 như một cố gắng thể hiện tinh thần “Cùng nhau thi hành sứ vụ” của Hội nghị Gia Ðình Ða Minh Thế Giới.

Hy vọng qua tập sách này, quý tu sĩ nam nữ hiểu được những thao thức, trăn trở, ước vọng đóng góp của người giáo dân trong sứ vụ giảng thuyết và tích cực hỗ trợ anh chị em giáo dân thực thi công tác này.

Và cũng qua đây, người giáo dân Ða Minh ý thức hơn trách nhiệm, sứ vụ cũng như tầm quan trọng của việc giảng thuyết trong môi trường sống hàng ngày.

Tu viện Mác-ti-nô, ngày 01 tháng 11 năm 2001
Ts. Ða Minh Ðinh Viết Tiên, OP.
Ðại diện Giám tỉnh

hddm01.jpg

Chương 1 : LỜI TỰA

Công tác của Dòng Anh Em Giảng Thuyết trong những năm sắp tới là xây dựng Gia đình Ða Minh sao cho thực sự sinh động, thiết thực, vui tươi và đầy tình huynh đệ ; hơn là chỉ có trên danh xưng hay cơ cấu tổ chức. Do đó chúng ta cần chia sẻ đoàn sủng Dòng bằng việc tổ chức, học hỏi, cầu nguyện, chiêm niệm chân lý nơi Thiên Chúa và trong những biến cố của đời sống con người. Những thực tại đó là môi trường xã hội khác nhau mà chúng ta đang hiện diện, hay những môi trường mà chúng ta sẽ hướng tới hoặc cần sự hiện diện của chúng ta. Trong tinh thần đó, bằng việc giảng thuyết, chúng ta chia sẻ những điều đã chiêm niệm cho những môi trường ấy.

Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta làm cho nó trở thành sự sống hằng ngày nơi mỗi người chúng ta, chứ không phải chỉ bằng sách vở, văn bản. Mỗi người cần phải chấp nhận và xác tín rằng sự sống và sự tồn tại của Gia đình Ða Minh không thể chỉ thực hiện bằng nghị quyết, cũng không phải chỉ là trách nhiệm của những người có trách nhiệm điều hành, mà là do mỗi miền, mỗi nhà, mỗi khu phố nhỏ, bất cứ đâu có hai phần tử Ða Minh thì có cơ may trở thành một gia đình thực sự của Dòng.

Ðó chính là điều làm cho nỗ lực của chúng ta được sống động hay tê liệt. Vì thế, trong lần gặp gỡ này của các phần tử Dòng Anh Em Giảng Thuyết, mọi người sẽ nhận ra rằng : điều liên kết chúng ta là sự nhận biết các ngành khác nhau và mỗi ngành có một dấu ấn riêng biệt. Sự hiện diện của người Ða Minh tại đây có thể tăng trưởng thực sự thành một cộng đoàn lớn, hoàn bị hơn với cái nhìn toàn diện về thực tại. Từ đấy nảy ra khả năng cùng nhau học hỏi và chia sẻ, chung sống và hiểu biết sứ vụ. Và như thế, ơn gọi Ða Minh của chúng ta có cơ may được tái bồi dưỡng và được thể hiện đầy đủ hơn.

Thách đố này đòi buộc chúng ta phải học hỏi, tổ chức, kiểm điểm và lập kế hoạch một cách thông minh và sâu sắc. Nhưng chúng ta phải nhận ra rằng, tổng hợp này chỉ có thể thực hiện được nếu mỗi ngành của Gia đình Ða Minh hoà nhập thành một đơn vị trong sứ vụ, đồng thời cũng biết bảo tồn những đặc trưng, những nguyên lý và căn tính riêng của mỗi ngành. Giáo dân đừng trở thành tu sĩ, làm như thế là bỏ mất đặc tính giáo dân mà Dòng đòi hỏi. Thật là ngược đời khi người giáo dân Ða Minh thay vì rảo khắp phố phường, len lõi vào các môi trường xã hội mình đang sống, họ lại tự khép kín mình lại để thi hành các công việc của người tu sĩ trong tu viện. Dòng cần một đạo quân giáo dân được huấn luyện riêng biệt, phù hợp với môi trường của họ.

Sự phong phú của chúng ta hệ tại tính đa dạng, cho nên việc mở rộng không gian địa lý và văn hoá đòi hỏi mỗi người thuộc mỗi ngành phải mang lại hoa trái riêng. Vì thế, cần đề cập đến “kế hoạch” phát huy việc giảng thuyết trong toàn thể Gia Ðình chúng ta. Ước mong mỗi thành phần Gia đình Ða Minh gồm nam tu, nữ tu, đan sĩ, giáo dân sống tình huynh đệ sâu xa hơn, vì bất cứ ngành nào trên đây cũng có thể sống đầy đủ tính Ða Minh của mình. Sứ vụ chung cần đến sự đóng góp của mọi thành phần, để làm sao khi hoạt động chúng ta hiệp nhất, nhưng không đánh mất nét phong phú, chuyên biệt và đa dạng.

Từ lược đồ này chúng ta có thể trở lại với những nguồn mạch sống động, với đoàn sủng nguyên thủy để cung cấp vẻ tươi trẻ và sức sống mạnh mẽ trong hiện tại. Ơn gọi rao giảng phải là tôn chỉ, là trách nhiệm thiết yếu của Gia đình Ða Minh.

Ý niệm về tính Ða Minh là điều mà mọi người phải được huấn luyện ngay từ đầu. Chúng ta được sinh ra trong Gia đình Ða Minh, điều đó sẽ hướng tới mục tiêu chung của chúng ta. Cầu nguyện, học hỏi, chiêm niệm, giảng thuyết và mọi hoạt động khác phải phát sinh từ đấy.

Hiểu như thế, việc giảng thuyết sẽ trở thành thực tế trong mọi nơi mọi lúc. Mỗi người do kinh nghiệm có thể để lại chứng tá của mình trong môi trường sinh hoạt và xác định được mối tương quan giữa các đối tượng khác nhau. Với cùng một tinh thần chúng ta hãy bắt đầu nhận biết nhau để sau này có thể bổ khuyết cho nhau. Như một gia đình, chúng ta có thể mở rộng mãi phạm vi hoạt động.

Tôi xin cống hiến suy tư này cho toàn thể Gia đình Ða Minh, đặc biệt để kỷ niệm Ðại Hội tiên khởi trong năm 2000 này, nơi chúng ta hoạt động cao độ. Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng mọi công việc, gia tăng mọi nỗ lực và cho phép chúng ta nhận ra những lãnh vực rộng lớn, để từ đó chúng ta có thể dự phóng sứ vụ của mình. Chúng ta hãy khám phá ra những dấu chỉ thuận lợi trong thời buổi này để Dòng nhận ra mình là một gia đình giảng thuyết, và do đó chúng ta làm cho nguyện ước tiên khởi của thánh phụ Ða Minh thành hiện thực : tu sĩ nam nữ, đan sĩ và giáo dân cùng nhau thi hành sứ vụ rao giảng chân lý.


Chương 2 : MỤC TIÊU CỦA TÀI LIỆU NÀY

Tài liệu này, dù chỉ thích hợp với khung cảnh Gia đình Ða Minh, nhưng cũng hướng về giáo dân nam nữ muốn sống ơn gọi của Dòng. Ðây chỉ là một đóng góp đơn sơ và chân thành để khơi dậy suy tư và thảo luận về nội dung và những hình thức hiện diện của chúng ta trong thế giới ngày nay. Khi chủ trương khai triển đề tài này, chúng tôi nghĩ đến mỗi phần tử giáo dân của Gia đình Ða Minh và mỗi Huynh Ðoàn với những đặc thù của nó để cổ võ sự kiểm thảo liên tục và nhờ đó thúc đẩy sự canh tân thích hợp và xác định sự hiện diện của chúng ta giữa cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta cần phải bắt kịp tốc độ thay đổi của xã hội, cần phải tăng cường tìm kiếm xem làm thế nào để trở thành một giáo dân Ða Minh đúng nghĩa, đáp ứng được nhu cầu của giáo dân đang đòi hỏi. Việc kiểm thảo nội tại liên lỉ sẽ giúp chúng ta thích ứng, thúc đẩy hành động cho yêu cầu trên.

Danh dự của giáo dân Ða Minh trong nhiều năm được thu hẹp vào khuôn khổ Dòng Ba, mặc dù được nhiều giáo hoàng ca tụng – như Ðức Piô XII -nhưng căn bản chỉ là giáo dân sống ưu tiên cho việc thánh hoá bản thân bằng đời sống đức tin sốt sắng, ăn ở nết na, làm gương cho thế giới bằng đời sống mật thiết với Thiên Chúa. Họ hiện diện rõ nét ở các nhà thờ, luôn sống đạo tốt lành.

Bối cảnh đã thay đổi thì nhu cầu cũng phải đổi thay theo. Những người nam nữ ngày nay đòi hỏi các câu trả lời có tính thuyết phục hơn, các thái độ dứt khoát hơn, sinh động hơn và ít giáo điều hơn. Họ đòi hỏi sự hiện diện và đồng hành. Cho nên khi tiếp cận với họ, chúng ta phải khéo léo để thiết lập nhiều cơ hội tốt cho việc đối thoại trong khi thời gian lại eo hẹp. Thái độ cởi mở và biết tôn trọng đã trở nên những điều kiện cần thiết để đối thoại.

Ðường lối giảng thuyết của Ðức Giêsu là đối thoại vô điều kiện và không dùng quyền bính. Ðó là mẫu mực mời gọi tìm tòi và suy tư liên lỉ. Gương sáng của Người là tính dễ dãi, bình dân với ngôn ngữ đơn sơ nhưng ý nghĩa sâu thẳm (như các dụ ngôn chẳng hạn). Xác tín của Người là đến với mọi người chứ không chờ đợi họ đến với mình. Sự cởi mở của Người hệ tại khả năng nhanh chóng hoán cải thính giả và đưa ra các tôn chỉ lớn. Người luôn luôn tỏ lòng yêu thương hơn là lên án, cống hiến cho tội nhân cơ may trở lại và khởi sự canh tân đời sống mà không đòi hỏi điều nào ngoài ý chí thực hiện quyết định. Cũng vậy, một giáo dân Ða Minh ngày nay phải đi tìm kiếm mọi người với cái nhìn vào gương của Ðức Giêsu để giúp cho người nghe lĩnh hội được sứ điệp mình rao giảng. Chúng ta phải khám phá ra rằng danh xưng của chúng ta nói lên ơn gọi, đặc sủng và sứ vụ của mình.

Do đó, trong mọi lãnh vực, người giáo dân Ða Minh hằng ngày phải đạt tới sự thánh thiện căn bản hợp với Lời Chúa mà mình rao giảng và lối sống gương mẫu ăn nhịp với nội dung Tin Mừng. Lý do để chúng ta hiện hữu là vì còn có hàng triệu triệu người chưa biết Thiên Chúa, chưa được tiếp cận với Người và tìm kiếm Người qua chân lý. Họ là mục tiêu rao giảng mà chúng ta hướng tới. Ðặc biệt nếu họ lại là những phần tử đã bỏ Ðạo, không đến nhà thờ nữa. Ðể đạt tới mục đích ấy, giáo dân Ða Minh phải tự trau dồi kiến thức, siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí Tích. Nhưng luôn nhớ đó là những phương tiện, chứ không phải cứu cánh. Xin hãy luôn chiêm niệm chân lý của Chúa khi cầu nguyện và suy gẫm thực tại của thế giới với con mắt của lý trí và của Ðức Ái để có thể phân phát cho tha nhân những kết quả của chiêm niệm.

Ðể có quan niệm đúng về giảng thuyết theo tư cách giáo dân, trong tập sách nhỏ này, qua phân tích tổng quát, chúng tôi trình bày những con đường nền tảng, đồng thời đề nghị những hình thức mới cho sứ vụ rao giảng của chúng ta. Nếu chúng ta làm được công việc biến mỗi giáo dân Ða Minh thành một chuyên viên rao giảng thì Gia đình Ða Minh đã cống hiến cho Giáo Hội đầy đủ hơn, và đáp ứng được ước mong mà Chúa đang trông đợi.

Ðối với những Huynh Ðoàn đang hoạt động, đây là một lời mời gọi cởi mở để với những hình thức rao giảng mới và khác nhau theo cách diễn tả của giáo dân. Qua lăng kính giáo dân, chúng ta sẽ thấy trong kế hoạch này những kiểu mẫu giúp chúng ta không còn lo sợ sự biến chất, nhưng lại là những biểu tượng, những ngôn ngữ ngày càng gần thính giả hơn, dễ hiểu dễ đọc phù hợp với con người thời đại ngày nay. Phải hiểu như thế nào khi cho rằng có những dấu chỉ và ngôn ngữ không hợp với xã hội ngày nay ? Thực ra, nhiều dấu chỉ và ngôn ngữ của chúng ta chứng tỏ chúng ta thuộc về dĩ vãng và hiểu biết rất ít xã hội đương thời.

Chúng tôi biết rằng, thay đổi không phải là chuyện dễ, nhưng tương lai đòi hỏi chúng ta phải cố gắng. Một khối giáo dân đã có hơn tám thế kỷ lịch sử đầy dẫy những gương sáng của các vị thánh, các chân phước và những uy tín trong lãnh vực khoa học, văn hoá. Ba giải thưởng Nobel đã được trao cho Giáo dân Ða Minh, nhiều chính khách nổi danh như Aldo Moro hay linh mục George Pire. Tất cả những điều đó nói lên khả năng giáo dân Ða Minh có thể đạt tới. Nhưng chỉ có thể đạt tới nếu chúng ta can đảm thay đổi và trở thành những sự hiện diện khác với cổ truyền để am hợp với xã hội, với thời đại và với tương quan sâu sắc hơn cùng Thiên Chúa.

Vả lại, trước con mắt của bất cứ giáo dân nào, những trang sách này còn có thể là cơ hội để nhìn thấy trong Giáo Hội, những lãnh vực còn có thể phát triển. Nhờ đời sống Ða Minh, họ có thể khám phá ra hứng thú để theo Ðức Giêsu thành Nazareth .

Như chúng tôi đã nói trong lời dẫn nhập rằng, Gia đình Ða Minh đòi hỏi phải liên kết các ngành khác nhau, và để được như vậy phải có nhiều cơ hội tìm hiểu và quen biết nhau hơn. Nội dung tập sách này là những suy nghĩ về người giáo dân Ða Minh nhìn từ các ngành khác của Dòng. Thực hiện điều đó là giúp chúng ta đoàn kết hơn để có thể cộng tác với nhau. Nhờ các thực tại trần gian, quan điểm của chúng ta, xét như một gia đình, sẽ minh bạch, khách quan hơn và cho phép biến đổi các Huynh Ðoàn cổ điển thành những cộng đoàn cởi mở, năng động đa dạng hơn, ngõ hầu chúng ta luôn hoạt động phù hợp với thời đại, đến độ biến thành các cực nam châm thu hút mọi người theo ơn gọi của chúng ta để đương đầu với các thách đố của thế gian.

Ước chi mỗi hay nhiều Huynh Ðoàn có một trung tâm khả dĩ tập hợp được nhiều tâm hồn ham thích cầu nguyện, học hỏi và chia sẻ Tin Mừng với tha nhân, những người cũng ham thích được nghe, được thông cảm. Ước chi qua việc đọc những văn kiện Toà Thánh, chúng ta khám phá ra rằng thời buổi này, Giáo Hội dành ưu tiên cho sứ vụ Tông đồ Giáo dân và còn ngụ ý rằng tương lai của Giáo Hội đòi hỏi giáo dân tham gia các hoạt động của mình, và rằng phải tổ chức lại cơ cấu giáo dân cho hoàn hảo hơn, bởi những người có đôi bạn biết nói và hiểu ngôn ngữ riêng của họ. Chúng ta hãy chia sẻ sự phong phú của đoàn sủng Ða Minh cho thế giới và hãy cung cấp cho thế giới môi trường thích hợp để tham gia nhiều hơn nữa đoàn sủng của Dòng xét như một gia đình.