Tìm hiểu Năm thánh & Năm thánh Lòng Thương Xót – P.1

Năm thánh trong truyền thống Giáo hội Công Giáo Rôma có nguồn gốc sâu xa từ thời Cựu ước.
Năm thánh, còn được gọi là năm Toàn xá, theo nguyên ngữ Latin: Annum Jubilaei, bắt nguồn từ tiếng Dothái: Jôbel, – thổi tù và báo hiệu năm toàn xá.

Quốc Văn, OP. tổng hợp

Dẫn nhập

Ngày 11 tháng 04 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông sắc Misericordiae Vultus, công bố Năm thánh về Lòng Thương Xót, từ ngày 8 tháng 12 năm 2015 đến ngày 20 tháng 11 năm 2016.

Năm thánh khai mạc vào ngày lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, giúp chúng ta đi vào ý nghĩa tâm linh sâu xa: như Đức Maria giữ vai trò khởi đầu lịch sử cứu độ, khởi đầu cho ơn tha thứ của Thiên Chúa thế nào, thì việc mở Cửa Thánh giống như mở Cửa Lòng Thương Xót, để ai đi vào thì sẽ được „an ủi, được tha thứ và hy vọng“ như vậy.

Ngày lễ này cũng ghi dấu 50 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II. Giáo Hội muốn cho sự kiện này trở nên sống động, hầu tri ân Thiên Chúa về những hoa trái của Công đồng đã dâng tặng cho Hội thánh và cả thế giới, đồng thời nhắc nhở con cái mình hướng ánh mắt đức tin về tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa, thể hiện qua gương mặt xót thương của Chúa Giêsu, hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha. Đây là thời điểm cần thiết để mọi người tin làm chứng mạnh mẽ và hữu hiệu hơn về Lòng Thương Xót của Chúa Cha dành cho nhân loại. Chính trong lời khai mạc Công đồng Vaticanô II, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII cũng nhắc đến cụm từ „Lòng Thương Xót“, và ngài xem đó như phương thuốc chữa trị căn bệnh của thế giới này. Đến lượt chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, dù không sử dụng cụm từ trên, nhưng ngài đã nói đến kết quả của Công đồng là nguồn mạch yêu thương khả dĩ chữa trị nhân loại, một nhân loại nhiều bệnh tật và đau khổ (n°4§2).

Năm Thánh sẽ được bế mạc vào Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Lễ Trọng kính Chúa Kitô Vua, 20 tháng 11 năm 2016, với ý hướng phó thác đời sống của của toàn thể vũ trụ, cách riêng đời sống Giáo hội, cho quyền Chủ Tể của Chúa Kitô, Đấng là Vua Vũ Trụ. Tất cả đều được hưởng Lòng Thương Xót như dấu chỉ Vương Quốc Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta (n°5§1).

Để đón nhận và sống biến cố quan trọng này của Hội thánh, chúng ta cùng tìm hiểu về : 1. Ý nghĩa của Năm thánh 2. Những Năm thánh trong lịch sử Hội thánh; và cách riêng, 3. Ý nghĩa của Năm thánh Lòng Thương Xót Chúa.

  1. Ý nghĩa của Năm thánh
    • Thời Cựu ước

Năm thánh trong truyền thống của Giáo hội Công Giáo Rôma có nguồn gốc sâu xa từ thời Cựu ước. Năm thánh, còn được gọi là năm Toàn xá, theo nguyên ngữ Latinh: Annum Jubilaei, bắt nguồn từ tiếng Dothái Jôbel, – „thổi tù và báo hiệu năm toàn xá“. Đây là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người Dothái.

Quả vậy, Năm thánh là khoảng thời gian đầy vui tươi phấn khởi. Theo sách Lêvi, cứ 50 năm người ta phải giải phóng các nô lệ, phải xóa nợ và trả lại ruộng vườn cũng như đất đai cho chủ cũ. Do vậy, trong Năm thánh, những người lưu lạc được trở về với dòng họ của mình và nhận lại phần sở hữu như ruộng đất, nhà cửa, tài sản… (Xc. Lv 25, 8-17;  xt. Xh 23,10-11 ; Ðnl 15,1-6.) Trong niềm vui ấy, dân Israel nhớ lại những hồng ân lớn lao Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên của họ, nhất là hồng ân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Khi cảm nhận được ơn giải thoát này, cứ sau 49 năm thì toàn dân Israel phải mừng năm thứ 50 một cách trọng thể, họ thổi tù và báo hiệu năm đại xá, Năm thánh của Chúa. Đối với toàn dân Israel, đây là thời khắc đặc biệt, là năm hồng ân để dân cảm tạ Chúa và canh tân đời sống của mình. Đây cũng là dịp dân Chúa được dạy cho biết phải tôn trọng mọi người, ngay cả kẻ thù của mình nữa, cách riêng là những người nghèo khổ, cô thế cô thân. Dân Chúa không được phép quên rằng, những người nghèo luôn là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương.

  • Thời Tân ước

Năm thánh trong thời Tân ước tiếp nối ý nghĩa của Năm Toàn xá thời Cựu ước, tuy nhiên Giáo hội đón mừng Năm thánh với một chiều kích trọn vẹn hơn, bởi vì Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc cho nhân loại trong Ðức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể. Niềm vui mừng phấn khởi của Hội thánh mang một ý nghĩa cụ thể do chính Ðức Giêsu mang lại; việc Người đến trong thế gian đã thực sự đem lại thời hồng phúc, thời cứu rỗi cho khắp cả trần hoàn (Lc 4,16-30).

Nếu việc canh tân đời sống là việc làm quan trọng của dân Israel trong Năm thánh; thì đối với Giáo hội cũng thế, Năm thánh là thời gian hồng ân mà các tội nhân được mời gọi canh tân, hoán cải đời sống và giao hòa với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với thiên nhiên vạn vật, hầu đón nhận ơn tha thứ, đón nhận lòng thương xót của Chúa. Đây là dịp Hồng Ân không chỉ dành cho các Kitô hữu mà còn cho cả nhân loại nữa.[1]

Chúng ta cũng nên biết rằng, trong Giáo hội, Năm thánh có 2 loại: Năm thánh thông thường Năm thánh ngoại thường. Năm thánh thông thường được ĐTC Bonifacio VIII (1294-1303) cử hành lần đầu tiên vào năm 1300 và sau đó ngài ấn định cứ 100 năm cử hành Năm thánh một lần. Tuy nhiên, qua các triều đại Giáo hoàng, thời gian cử hành Năm thánh lần lượt được rút dần xuống còn 50 năm, 33 năm và sau cùng là 25 năm như hiện nay.

Ngoài những Năm thánh thông thường, vào những dịp đặc biệt, Đức Thánh Cha có thể thiết lập Năm thánh ngoại thường. Cho đến nay mới chỉ có 3 Năm thánh ngoại thường được ấn định: năm 1933, ĐTC Piô XI công bố Năm thánh mừng kỷ niệm 1900 năm Ơn Cứu Ðộ được ban cho nhân loại nhờ cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu; năm 1983, Ðức Gioan Phaolô II công bố Năm thánh mừng kỷ niệm 1950 năm Ðức Kitô tử nạn và phục sinh hầu đem ơn cứu rỗi cho nhân loại; và ngày 11 tháng 04 năm 2015, ĐTC Phanxicô ban Tông sắc Misericordiae Vultus công bố Năm thánh Lòng Thương Xót Chúa.

  1. Những Năm thánh trong lịch sử Hội thánh[2]

Tính cho đến năm nay – 2015 – không kể 3 năm thánh ngoại thường, Hội thánh đã cử hành tất cả 26 Năm thánh thông thường. Vì tình hình chính trị rối ren nên đã không có Năm thánh nào được cử hành vào năm 1800 và 1850. Chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về danh sách các Năm thánh đã được ghi lại trong lịch sử :

  1. Năm 1300 : Đây là Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh được Ðức Thánh Cha Bonifacio VIII (1294-1303) thiết lập. Ngài cũng ấn định cứ 100 năm cử hành Năm thánh một lần.
  2. Năm 1350 : Hoàn cảnh Hội thánh lúc này đang gặp khó khăn do việc vắng mặt Giáo hoàng quá lâu, Ðức Thánh Cha Clêmentê VI (1342-1352) đang cư ngụ tại Avignon đã đồng ý mở Năm thánh, cho dù ngài chưa thể trở về Rôma. Thời điểm mở Năm thánh lúc này rút xuống còn 50 năm.
  3. Năm 1390 : Ðức Bonifacio IX (1389-1404) đã cử hành Năm thánh 1390, thể theo ý định của vị tiền nhiệm là Ðức Urbanô VI (1378-1389), thời gian cử hành Năm thánh không còn phải là 50 năm, nhưng là cứ mỗi 33 năm một lần.
  4. 4. Năm 1400 : Mặc dù chưa tới thời điểm ấn định mở Năm thánh, nhưng tình hình Giáo Hội lúc này rất rối ren, khi cùng một lúc có các Giáo hoàng khác nhau cư ngụ ở Rôma và Avignon. Ðức Bonifacio IX (1389-1404) đã quyết định cho mở Năm thánh.
  5. Năm 1425 : Ðức Martinô V (1417-1431) đã khai mạc Năm thánh 1425 và bắt đầu truyền thống mở Cửa Thánh ở Ðền thờ thánh Gioan Latêranô, Nhà thờ Chánh toà của Giáo phận Rôma, mà sau này được Ðức Alexanđrô VI (1492-1503) đổi thành truyền thống khai mạc Năm thánh bằng việc mở Cửa Thánh ở Ðền thờ thánh Phêrô.
  6. Năm 1450 : Ðức Nicôla V (1447-1455) ấn định Năm thánh này. Thánh Antôn thành Florence mô tả Năm thánh 450 như là „năm hoàng kim“, ý chỉ sự hiệp nhất mới được tái lập sau cuộc phân ly trong Giáo hội Lamã (1378-1417).
  7. Năm 1475 : Năm thánh này do Ðức Sixtô IV (1471-1484) khai mạc. Và kể từ đây, theo qui định của Ðức Thánh Cha Phaolô II (1461-1471) trong một Tông sắc ban hành vào năm 1470, từ nay về sau, Năm thánh sẽ được tổ chức cứ mỗi 25 năm và qui định này vẫn duy trì cho đến ngày nay.
  8. Năm 1500 : Ðức Alexanđrô VI (1492-1503) đã long trọng khai mạc Năm thánh bằng nghi thức mở Cửa Thánh ở Ðền thờ Thánh Phêrô. Việc mở Cửa Thánh nói lên chính Ðức Kitô là Cửa thật và duy nhất qua đó con người mới có sự sống sung mãn. Kể từ đây, việc đi qua Cửa thánh của bốn Đại Vương cung thánh đường ở Rôma trở thành một trong những biến cố quan trọng nhất của Năm thánh.
  9. Năm 1525 : Ðược cử hành dưới triều Ðức Clêmentê VII (1523-1534) trong hoàn cảnh Giáo hội đang xung đột với Martin Luther về vấn đề ân xá.
  10. Năm 1550 : Ðức Julius III (1550-1555) khai mạc vào ngày 08.02.1550, khi được đắc cử Giáo hoàng. Thật ra vị tiền nhiệm là Ðức Phaolô III (1534-1549) đã chuẩn bị Năm thánh 1550 nhưng lại qua đời vào ngày 10.11.1549.
  11. Năm 1575 : Ðược cử hành dưới triều Ðức Grêgôry XIII (1572-1585). Ðây là Năm thánh đầu tiên được tổ chức sau Công đồng Trentô (1543-1563) nhằm thực hiện các cải cách trong Giáo hội.
  12. Năm 1600 : Dưới triều Đức Thánh Cha Clêmentê VIII (1592-1605), hơn 300.000 khách hành hương từ khắp Châu Âu qui tụ về Rôma trong dịp Năm thánh này.
  13. Năm 1625 : Ðược tổ chức dưới triều Ðức Thánh Cha Urbanô VIII (1623-1644) trong tình trạng Châu Âu biến chuyển do cuộc chiến 30 năm giữa Công Giáo và Tin Lành.
  14. Năm 1650 : Dưới triều Đức Thánh Cha Innôcentê X (1644-1655), sau khi Cuộc Chiến 30 năm tàn phá Châu Âu đã kết thúc.
  15. Năm 1675 : Dưới triều Đức Thánh Cha Clêmentê X (1670-1676) với việc tín hữu hành hương lần đầu tiên được vào trong Công trường Thánh Phêrô.
  16. Năm 1700 : Ðược khai mạc dưới triều Đức Thánh Cha Innôcentê XII (1691-1700) nhưng vì ngài qua đời nên được Ðức Clêmentê XI (1700-1721) kế vị bế mạc.
  17. Năm 1725 : Năm thánh này được cử hành dưới triều Giáo hoàng Bênêđictô XIII (1724-1758).
  18. Năm 1750 : Năm Thánh 1750 được Ðức Bênêđictô XIV (1740-1758) khai mạc, ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa ăn năn thống hối và đền tội.
  19. Năm 1775 : Ðược Ðức Clêmentê XIV (1769-1774) chuẩn bị với Tông sắc L’Autore della nostra vita, và khi ngài qua đời, Đức Thánh Cha Piô VI (1775-1779) khai mạc.
  20. Năm 1825 : Ðúng ra Năm Thánh thứ 20 phải được tổ chức vào năm 1800. Tuy nhiên, do tình hình Châu Âu lúc bấy giờ rối ren sau cuộc Cách mạng Pháp 1789 nên không tổ chức được. Nhất là vào năm 1797, quân đội Pháp chiếm đóng Rôma và Ðức Giáo hoàng Piô VI (1775-1799) phải chết trong cảnh lưu đày ở Pháp, rồi Ðức Piô VII (1800-1823) cũng bị Hoàng đế Napoléon bắt cầm tù ở Pháp từ 1809-1814. Do vậy, mãi tới năm 1825, Năm thánh mới được tổ chức do Ðức Thánh Cha Lêô XII (1823-1829).
  21. Năm 1875 : Thực ra, Năm thánh đã được cử hành vào năm 1850 dưới triều Ðức Piô IX (1846-1878) nhưng vì những biến cố chính trị tại Ý, Ðức Thánh Cha bị tuyên bố cầm tù trong Ðiện Vatican. Do đó, cho tới năm 1875, Cửa Thánh Ðền thờ thánh Phêrô vẫn chưa được mở. Năm thánh 1875 chỉ giới hạn cho các giáo sĩ ở Rôma mà thôi.
  22. 22. Năm 1900 : Ðức Lêô XIII (1878-1903) khai mạc Năm thánh này, sau 75 năm Cửa Thánh bị đóng.
  23. Năm 1925 : Năm thánh dưới thời Ðức Thánh Cha Piô XI (1922-1939) có thể gọi là „Năm Thánh Hoà Bình“ để nói đến bầu khí an lành giữa Giáo Hội và Quốc gia Ý. Têrêsa Hài đồng Giêsu, Gioan M. Vianney, và Gioan Ơđê được ghi danh vào sổ hiển thánh trong Năm thánh này.
  24. Năm 1933 : Ðây là Năm Thánh ngoại lệ, Năm Thánh Cứu Ðộ, do Ðức Piô XI công bố nhằm kỷ niệm Chúa Giêsu chịu chết cho nhân loại hầu đem ơn cứu rỗi cách 1900 năm về trước.
  25. Năm 1950 : Do Ðức Thánh Cha Piô XII (1939-1958) khai mở sau Thế chiến II (1939-1945). Hoà bình là sứ điệp của Năm thánh này. Đây cũng là năm Ðức Thánh Cha công bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Về Trời.
  26. Năm 1975 : Ðược mở ra dưới triều Ðức Phaolô VI (1963-1978), Năm Thánh này mang ý nghĩa Canh tân và Hoà giải, như được trình bày trong tông huấn Gaudete in Domino của ngài.
  27. Năm 1983 : Ðây là Năm thánh ngoại lệ được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố, đánh dấu biến cố Ðức Giêsu đã chết cho nhân loại cách 1.950 năm trước đó.
  28. Năm 2000 : Ðức Gioan Phaolô II khai mạc Năm thánh này với chủ đề: Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể, nhằm chào đón thiên niên kỷ thứ ba và đánh dấu 2.000 năm biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Đây là Năm thánh đầu tiên chính Đức Giáo hoàng mở Cửa Thánh cả bốn Ðền thờ lớn tại Rôma.

 


 

[1] Xc. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Milllennio Adveniente, s.15.

[2] Về lịch sử các năm thánh xc. http://www.cuuthe.com/bao/s162l snthanh. html  (truy cập ngày 22.10.2015)

 

Xem tiếp phần 2