Tìm hiểu Năm thánh & Năm thánh Lòng Thương Xót – P.2

Năm thánh trong truyền thống Giáo hội Công Giáo Rôma có nguồn gốc sâu xa từ thời Cựu ước.
Năm thánh, còn được gọi là năm Toàn xá, theo nguyên ngữ Latin: Annum Jubilaei, bắt nguồn từ tiếng Dothái: Jôbel, – thổi tù và báo hiệu năm toàn xá.

Quốc Văn, OP. tổng hợp

 

3. Ý nghĩa năm thánh Lòng Thương Xót Chúa

Tông sắc Misericordiae VultusKhuôn mặt xót thương, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành để khai mở Năm thánh Lòng Thương Xót Chúa. Tông sắc này gồm 25 số, có thể tạm chia nhỏ làm 3 phần.

Phần 1. Ý niệm về lòng thương xót (số 1-12);

phần 2. Sống Năm thánh Lòng thương xót (số 13-18);

phần 3. Viễn tượng của Năm thánh Lòng thương xót (số 19-25).

3.1. Ý niệm về lòng thương xót

Trước hết, cần phải xác định, lòng thương xót không phải là một ý niệm trừu tượng mà là một khuôn mặt sống động để chúng ta nhận biết, chiêm ngưỡng và tôn thờ. Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả điểm độc sáng của lòng thương xót, hiển tỏ nơi dung nhan của Chúa Kitô. Thật vậy, mở đầu Tông sắc, Đức Thánh Cha khẳng định rằng Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt lòng thương xót của Chúa Cha.

Ngay từ buổi đầu của công cuộc tạo dựng, lòng thương xót đã là từ then chốt nói lên tác động của Thiên Chúa đối với nhân loại. Kinh thánh hẻ mở cho chúng ta thấy không gì có thể so sánh với tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu đó đã trở nên hữu hình, để chúng ta có thể cảm nghiệm và đụng chạm tới. Khởi đi từ Chúa Cha là nguồn mạch xót thương, lòng thương xót của Chúa tuôn trào xuống nhân loại, mặc cho nhân loại thờ ơ, bất trung và vô ơn với Thiên Chúa. Cảm nhân tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta cũng phải biết xót thương nhau, như Thiên Chúa đã xót thương chúng ta. Chính vì thế, khẩu hiệu của năm thánh lòng xót thương là : Hãy có lòng thương xót như Thiên Chúa Cha.

Trên chính nên tảng xót thương này, tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo hội phải được thực hiện trong sự dịu dàng; phải diễn tả trong từng lời giảng, từng chứng tá lòng thương xót của Chúa. Con người thời nay sống với nhau thường theo lẽ công bằng, ít nghĩ đến xót thương; chính vì thế đã đến lúc Giáo hội phải công bố về sự tha thứ là „sức mạnh phục sinh trong đời sống mới“, gánh lấy yếu đuối và khó khăn của anh chị em mình (n°10§1). Sự khả tín của Giáo Hội phải được nhìn thấy trong cách thức Giáo hội thể hiện tình yêu thương và lòng trắc ẩn.

Đức Thánh Cha Phanxicô không ngần ngại nhận định rằng xã hội ngày nay, trong mội trường văn hóa đương đại này, con người ngày càng quên dần Lòng Thương Xót của Chúa. Thực ra, điều này thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong Thông điệp Dives in Misericordia (Giàu Lòng Thương Xót) với những lời lẽ mạnh mẽ:

Có lẽ là hơn bao giờ hết, não trạng của con người ngày nay xem ra muốn chống lại một Thiên Chúa của lòng thương xót, và trong thực tế có xu hướng muốn loại ra khỏi cuộc sống và triệt hạ khỏi trái tim con người những ý tưởng của lòng xót thương. Từ ngữ và khái niệm ‚thương xót’ dường như gây xao xuyến trong con người, mà nhờ vào sự phát triển to lớn chưa từng có trong lịch sử của khoa học và kỹ thuật đã trở thành chủ nhân của trái đất, đã chinh phục và thống trị nó (x. St 01:28). Sự thống trị trái đất này, đôi khi được hiểu một cách phiến diện và hời hợt, dường như không còn chỗ cho lòng thương xót.[3]

Trước thực trạng đau lòng này, cũng trong Thông điệp Dives in Misericordia, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thúc đẩy việc loan báo khẩn cấp hơn và đưa ra những chứng tá lòng thương xót cho thế giới:

Xuất phát từ tình yêu dành cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản và những gì, theo trực giác của nhiều người đương thời với chúng ta, là đang bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm lớn lao. Mầu nhiệm của Chúa Kitô… buộc tôi phải rao giảng lòng thương xót như tình yêu từ bi của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong cùng một mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mầu nhiệm ấy cũng buộc tôi phải trông cậy và khẩn cầu lòng xót thương trong giai đoạn khó khăn, và quan trọng này trong lịch sử Giáo Hội và thế giới.[4]

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về lòng xót thương thật thích hợp hơn hơn bao giờ hết và đáng được đề cao một lần nữa trong Năm Thánh này.

Dựa vào những mặc khải của Thánh kinh, khởi đi từ những trang Cựu ước, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy Lòng Thương Xót đã được diễn tả bằng những hành vi cụ thể (x. Tv 145, 7-9) qua những sắc thái đa dạng của ngôn từ: kiên nhẫn, yêu mến, khoan hồng, tha thứ v.v. (n°6§2).

Điệp khúc „Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương“ được cất lên xuyên suốt Thánh vịnh 135 như một cảm nhận đức tin, một lời tuyên tín sống động về tình yêu Thiên Chúa.

Sang thời Tân ước, khuôn mặt Lòng Xót Thương của Chúa Giêsu chính là tình yêu của cả Ba Ngôi, là tình yêu viên mãn, hữu hình và chạm tới được bởi vì chính Ngôi Lời đã làm người và đã diễn tả tình yêu tuyệt vời qua cái chết và sự phục sinh để cứu độ chúng ta. Vì thế, „trong Người, tất cả đều diễn tả Lòng Thương Xót“ (n°8§1).

Quả vậy, trong Tin mừng, lòng thương xót thể hiện cụ thể qua việc Chúa Giêsu chữa bệnh, trừ quỷ, cho ăn, phục sinh kẻ chết, chọn các Tông đồ… Lòng thương xót đó ra như ta có thể sờ chạm được qua các dụ ngôn tuyệt vời của thánh Luca (x. Lc 15), Lòng Thương Xót như người đàn bà tìm đồng bạc mất, như mục tử tìm con chiên lạc, như người cha ngày đêm ngong ngóng đứa con đi hoang trở về… Để tóm kết, xin trích một tâm tình sâu sắc trong Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật XXVI Thường Niên: “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả.” Quả như thánh Phaolô cảm nhận: “Quyền năng Chúa biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

3.2. Sống Năm thánh Lòng thương xót

Chúng ta được mời gọi sống Năm thánh Lòng Thương Xót trong ánh sáng lời Chúa: Hãy có lòng xót thương như Chúa Cha. Giáo huấn của Chúa Giêsu thật sống động: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót” (Lc 6:36). Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngay cả Con Một, Ngài cũng chẳng tiếc, Ngài trao ban tất cả cho chúng ta.

Trong Năm thánh này, hành hương là một trong những việc làm ý nghĩa. Khi hành hương qua Cửa Thánh, chúng ta được mời gọi sám hối để Lòng Thương Xót Chúa bao bọc và để có lòng thương đối với người khác như Chúa Cha đối xử với chúng ta (n°14§1).

Bên cạnh việc hành hương, chúng ta còn phải thể hiện lòng thương xót một cách cụ thể. Ước muốn cháy bỏng của Đức Thánh Cha là trong Năm thánh này, chúng ta hãy thể hiện lòng thương xót một cách cụ thể: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết; về mặt thiêng liêng: hãy lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Nếu như thánh Luca ghi lại lời công bố của Chúa Giêsu vào ngày Sabát ở Hội đường Nagiarét, đoạn Sách Tiên Tri Isaia: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa” (Is 61: 1-2); thì quả thật, Năm thánh Lòng Thương Xót, chính là “năm hồng ân của Ðức Chúa” dành cho chúng ta vậy. Lời rao giảng của Chúa Giêsu nay trở nên hữu hình trong lời đáp trả đức tin của các Kitô hữu ngang qua những chứng tá về đức ái.

Bên cạnh những chứng từ đức ái, mùa Chay năm nay sẽ là một thời điểm quý báu, để chúng ta giao hòa với Chúa và với anh chị em mình qua bí tích Hòa Giải. Quả thật, tái khám phá vẻ đẹp của bí tích Hòa Giải, cũng là tái khám phá dung mạo lòng xót thương của Chúa. Chúng ta hãy đặt bí tích Hoà Giải ở trung tâm sáng kiến “24 giờ cho Chúa,” một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.

Cũng trong dịp mùa Chay của Năm thánh này, Đức Thánh Cha sẽ gửi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót đến với mọi thành phần dân Chúa, với năng quyền tha thứ cả những tội dành quyền giải cho Tòa Thánh, để hòa giải mọi tội nhân với Chúa, hầu dân Chúa có thể bước vào sự phong phú sâu xa của mầu nhiệm xót thương. Đây là dịp thuận tiện các tín hữu được mời gọi quay lại “gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và tìm thấy ân sủng” (Dt 4:16). Không chỉ là các Thừa sai của Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha còn muốn khắp nơi và ở mọi hoàn cảnh, các linh mục luôn là dấu chỉ trước tiên của Lòng Thương Xót (n°17§4).

3.3.   Viễn tượng Năm thánh Lòng thương xót

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu mong thông điệp của lòng thương xót này đến được với tất cả mọi người, và không một ai có thể thờ ơ với lời mời gọi trải nghiệm lòng thương xót của Chúa. Cách riêng, Đức Thánh Cha hướng lời mời hoán cải đến những ai có những hành vi đang làm họ xa cách với ân sủng của Thiên Chúa. Đặc biệt, ngài nghĩ đến những người nam nữ thuộc về các tổ chức tội phạm. Vì thiện ích của họ, ngài mong muốn họ thay đổi cuộc sống mình. Lời mời gọi này cũng được gởi đến những ai trực tiếp hay gián tiếp dính líu vào tham nhũng. Vết thương mưng mủ vi phạm đến đức công bình này là một tội nghiêm trọng đang kêu thấu đến trời cao, đang đe dọa chính nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Chúng ta không thể hướng đến tương lai với niềm hy vọng; và những người nghèo, những kẻ yếu thế tiếp tục bị chà đạp khi tệ nam tham những này tiếp tục diễn ra.

Trong Năm thánh Lòng thương xót này, Đức Thánh Cha mở rộng việc ban các ân xá; bởi lẽ sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn, Người không bao giờ mệt mỏi tha thứ trong những cách thế luôn luôn mới mẻ và làm cho chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự tha thứ đó.

Trong chiều hướng đối thoại, Đức Thánh Cha khẳng định cả Do Thái Giáo và Hồi Giáo đều xem lòng thương xót là một trong những thuộc tính quan trọng nhất của Thiên Chúa. Chính vì vậy, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm tin vững chắc rằng Năm Thánh cử hành lòng thương xót này sẽ mở ra những cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo và những truyền thống tôn giáo cao quý khác. Ước mong khi những cuộc đối thoại chân thành được mở ra, các tôn giáo sẽ hiểu biết nhau hơn, sẽ loại bỏ tất cả các hình thức khép kín và thiếu tôn trọng, sẽ xua tan mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử.

Kết luận

Ước chi trong Năm Thánh này, giữa lòng Giáo hội, lời của Chúa được vang lên mạnh mẽ như một thông điệp và như dấu chỉ của sự tha thứ, sức mạnh, sự trợ giúp, và tình yêu. Xin cho Giáo hội không bao giờ mệt mỏi mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn trao ban lòng thương xót và sự ủi an của Chúa. Chúng ta hãy cùng với cả Giáo hội liên lỷ thưa lên rằng: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu. Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.” (Tv 25: 6).


 

[3] ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, n°2§2.

[4] ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, n°2§2.

Xem phần 1