TRIẾT HỌC KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CHIẾC HỘP SÔCÔLA

Bộ phim điện ảnh “Forrest Gump – Chàng ngốc tuyệt vời” đã giành được sáu giải Oscar, trong đó có hạng mục bộ phim xuất sắc nhất. Câu thoại nổi tiếng nhất của bộ phim này đã thể hiện một cách hoàn hảo thái độ ung dung của nhân vật chính: “Mẹ tôi luôn nói rằng cuộc đời giống như một hộp kẹo sôcôla: Con sẽ không bao giờ biết mình sẽ nhận được gì.”

Chúng ta không biết mẹ của nhân vật ấy nói gì về triết học, nhưng nếu bà ấy nói rằng triết học giống như một hộp kẹo sôcôla, thì bà đã sai.

Là một giáo viên triết học, vấn đề của tôi là khó mà thuyết phục sinh viên rằng triết học không giống như một hộp kẹo sôcôla gồm những viên kẹo với hình dạng và hương vị khác biệt và tách rời nhau. Chúng ta có thể lựa chọn những viên sôcôla theo ý mình. Nhưng chúng ta không thể làm như vậy với các ý niệm lớn; vì chúng luôn được liên kết với nhau theo những cách thức đặc biệt. Chúng ta không thể chỉ chọn hòa bình mà thôi.

Năm tháng là sự nối kết bốn mùa với tự nhiên. Người nông dân phải biết thời gian chuẩn bị đất, gieo trồng, bón phân và thu hoạch. Trình tự của bốn mùa phải được tôn trọng và tuân theo. Người nông dân không được tự do lựa chọn thời điểm thu hoạch. Trồng trọt là một cách thừa nhận tính ưu tiên của thiên nhiên trên ý chí.

Một nhóm bốn yếu tố khác theo một thứ tự cụ thể được tìm thấy trong môn bóng chày, trong đó bốn chốt [gôn] luôn theo một sơ đồ số học [được đánh số và sắp xếp theo một trật tự cố định]. Trong môn bóng chày, thứ tự bốn chốt được qui định rõ ràng. Cầu thủ phát bóng không được phát bóng rồi chạy thẳng đến chốt thứ ba. Khi vi phạm nghiêm trọng quy tắc này thì cầu thủ chạy về chiếm chốt sẽ bị loại.

Trong triết học, trật tự của các ý niệm không theo tự nhiên hay quy tắc, mà theo sự khôn ngoan. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã minh họa điều này như sau: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy thực thi công lý. Nếu bạn muốn công lý, hãy bảo vệ sự sống. Nếu bạn muốn sự sống, hãy tôn trọng sự thật.” Nhận xét của ngài giống như định nghĩa của Thánh Augustinô: hòa bình là “sự ổn định của trật tự.”

Nhóm bốn yếu tố thứ ba vừa nêu luôn thường hằng nơi tâm trí của Thiên Chúa. Nhưng nơi tâm trí của con người, chúng thường bị mất kết nối với nhau và do đó, hay xáo trộn.

Triết học nỗ lực hợp nhất những gì đã được Thiên Chúa liên kết vững bền. Sự nỗ lực này bắt đầu bằng việc thừa nhận tính bất khả xâm phạm của sự sống và công lý mà sự sống mang lại. Một trình tự sự thậtsự sống và công lý mang lại hòa bình. Chúng ta không thể bắt đầu với hòa bình cũng giống như một cầu thủ đánh bóng không thể ghi điểm mà không cần chạy quanh các chốt hoặc một người nông dân không thể thu hoạch trước khi trồng trọt. Nhiệm vụ của triết học là kết nối những gì đã bị xé nát.

Cố triết gia hàng đầu của Hoa Kỳ, Mortimer Adler, đã xuất bản cuốn Six Great Ideas [Sáu Ý Niệm Lớn] vào năm 1997. Đó là: Chân, Thiện và MỹTự do, Bình đẳng và Công lý. Bộ ba ý niệm đầu là những ý niệm chúng ta dùng để phán đoán; bộ ba ý niệm thứ hai đại diện cho những gì chúng ta phải sống.

Vấn đề chính đối với các sinh viên triết học, cũng như đại đa số mọi người nói chung, là hiểu được những ý niệm này không giống như những viên sôcôla trong hộp mà ta có thể tự do lựa chọn tuỳ theo giá trị riêng của chúng, nhưng là một phần của một tổng thể vượt lên trên sự cá biệt hóa.

Mọi người đều thích tự dobình đẳng và công lý. Các phong trào xã hội được hình thành để tôn vinh chúng. Nhưng họ thường không hiểu rằng những ý niệm này không thể tự duy trì được, nhưng cần được sắp xếp với những ý niệm lớn khác.

Mặt khác, mọi người thường hoài nghi về chân, thiện, mỹ. Họ nghi ngờ liệu có chân lý hay không và cho rằng bất cứ ai tuyên bố đã tìm ra chân lý đều là kẻ tự phụ. Họ tin rằng thiện hay điều tốt là một khái niệm tương đối; điều tốt của người này lại là điều xấu cho người khác. Họ cũng cho rằng cái đẹp nằm trong mắt người nhìn. Những “Ý tưởng tuyệt vời” như vậy thường được coi là không tuyệt vời chút nào.

Hãy xem công lý phụ thuộc vào sự thật thế nào. Không có sự thật thì không thể có công lý. Ví dụ, trong một phiên tòa, người ta cố gắng hết sức để tìm ra thủ phạm. Các bằng chứng được thu thập, các nhân chứng được thẩm vấn, các động cơ được thảo luận trong nỗ lực tìm ra sự thật của vấn đề. Khi thẩm phán đưa ra quyết định, quyết định đó được gọi là “phán quyết”, một từ có gốc Latinh là “verum” (sự thật) và “dicere” (nói). Phán quyết buộc phải dựa vào sự thật.

Chúng ta không thể mang lại công lý cho một người trừ khi biết họ là ai và đã làm những gì. Chúng ta phải biết con người thật của họ. Phá thai cản trở con đường dẫn đến hòa bình, như Thánh Gioan Phaolô II chỉ ra, bởi vì khi chống lại việc bảo vệ sự sống, thì phá thai cũng sẽ chống lại công lý. Trên thực tế, phá thai phá vỡ mối quan hệ hỗ tương giữa các ý niệm lớn, như cô lập tự do khỏi sự sốngcông lý và hòa bình. Kết quả là phá thai tước đi sự tự do có được những thứ cần thiết để đạt được tự do đích thực. Về bản chất, phá thai theo đuổi một thứ ảo tưởng về tự do.

Chúng ta khẳng định các mối quan hệ của nhóm bốn ý niệm mà Đức Gioan Phaolô II đã đề cập trong sự liên kết mật thiết của chúng nhờ vào sự tự do của chúng ta. Tuy nhiên, sự tự do đó giả định một trật tự liên kết giữa hòa bình, công lý, bảo vệ sự sống và sự thật. Như Thánh Tôma Aquinô đã nói: “Người khôn ngoan là người biết duy trì các trật tự.”

Triết học không chỉ là một kho từ vựng thú vị về các ý niệm. Nhưng nó là sự khôn ngoan để biết làm thế nào mà những ý niệm này liên kết với nhau theo cách thức rộng lớn như sự sống. Triết học không phải là một chiếc hộp sôcôla. Nó là ánh sáng dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.

Tiến sĩ Donald Demarco

Chủng sinh Giuse Võ Thái Thuận chuyển ngữ từ catholicexchange

Nguồn: https://stellamaris.edu.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *