QUAN NIỆM CỦA THÁNH BASILIÔ VỀ ĐỨC VÂNG PHỤC

Phần này dựa theo bài viết của Jean Gribomont, Obéissance et Évangile selon saint Basile le Grand, “Supplément à la Vie Spirituelle” 21 tháng 05 năm 1952.

———————————————————-

Lời khấn vâng phục là yếu tố chính của đời tu trì. Tuy nhiên, trong Tin Mừng, chuyện buộc phải từ bỏ tự do vì lợi ích của tha nhân xem ra không đúng với luật tự nhiên.

Basiliô nghĩ gì về đức vâng phục? Câu trả lời phải tính đến chuyện tiến triển trong suy tư của thánh nhân, cũng như đến bối cảnh lịch sử.

Trong lá thư thứ hai gửi người bạn Grêgôriô Nazianzô, thánh Basiliô không nói gì đến nhân đức này, nhưng khi làm giám mục, vì lo lắng cho đời sống của các hiệp hội, vì hoàn cảnh, thánh nhân soạn thảo một đạo lý đầy đủ về đức tuân phục.

Trước tiên, giá trị tuyệt đối trong tu luật Basiliô là Sách Thánh. Tin Mừng là nền tảng chính trong suy tư của thánh nhân. Để xác định rõ đời sống trọn hảo và để định ra một chương trình, thánh Basiliô chỉ bám vào Tin Mừng và chỉ Tin Mừng mà thôi.

Tư tưởng chủ đạo của thánh Basiliô là việc vâng theo các lệnh truyền của Thiên Chúa. Đây là điều tiên quyết và chính yếu. Còn bác ái huynh đệ chỉ là dấu chỉ, là thành phần của tình yêu thương Thiên Chúa.

Nếu như lòng yêu mến Thiên Chúa thúc đẩy người tín hữu tuân theo những gì giúp họ tránh xa mọi tội lỗi, tình yêu con người mời họ nối kết không ngừng với những người có chung một lý tưởng vì có chung một mục đích. Việc nhấn mạnh đến đời sống chung như là điều kiện giúp triển khai lý về đức tuân phục. Vậy một câu hỏi đặt ra : mỗi người có thể trong đời sống cộng đoàn, sống, hoạt động, nghĩ và nói theo cách của mình ?

Mỗi người có thể cho phép mình làm và nói những gì mà anh ta cho là tốt mà không nghĩ đến Sách Thánh ?

Thiên Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô đã nói về Chúa Thánh Thần như sau : Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết (Ga 16,13). Chính Đức Giêsu cũng nói : “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì” (Ga 5,19); và Người còn nói : “Không phải tôi tự mình nói ra nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết : mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời.

Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12,49-50). Vì thế, ai lại điên rồ tự mình nói những gì tự nghĩ trong đầu ? Người ấy không cần Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên con đường tìm kiếm sự thật hay sao (Ga 16,13)? Tự mình nghĩ, tự mình nói và tự mình hành động ? Người đó chăng là kẻ mù, hay sẽ rơi vào tăm tôi hay  sao (xem Ga 12,35), nếu như mặt trời công chính là Đức Giêsu không giãi sáng qua những lề luật như tia sáng mặt trời ?

Tu Luật nhỏ, 1.

Chúng ta cần lưu ý trong bản văn chúng ta vừa trích dẫn, đây không phải là một điều luật cứng nhắc của một nhà luân lý, nhưng là một sự vâng phục cá nhân, có tính Kinh Thánh và trong mối liên hệ với một Thiên Chúa Hằng Sống. Với lối trình bày kiểu thánh Gioan, tư tưởng đoạn văn rất phong phú với những đòi hỏi nội tâm và những mẫu thức đề xuất rất gần với chúng ta và với lương tâm chúng ta nữa.

Nhưng đâu là mối liên hệ giữa việc vâng phục tự do trước ý muốn của Thiên Chúa với việc vâng phục qua vị bề trên một cách tự do và vô vị lợi ? Cần phải lưu ý đến điểm đầu tiên, hệ quả trực tiếp của mệnh lệnh thần linh : mỗi người là tôi tớ phục vụ anh em, việc phục vụ anh em làm mềm tâm hồn trong sự vâng phục.

Trong mọi hình thức, cần phải tuân phục hoặc Thiên Chúa, theo mệnh lệnh của Người, hoặc vâng phục người khác vì mệnh lệnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Chính Đức Giêsu làm gương cho chúng ta, khi Người nói : Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi (Ga 6,38).

Tu Luật nhỏ, 1.

Nhưng cũng chính thánh Basiliô cũng tự hỏi : “Có cần phải vâng lời tất cả mọi người hay không ?”

Theo quan điểm của những người phụ trách, thì không có gì phân biệt ai làm sai, hay ai làm đúng đức vâng phục, chẳng hạn, Tổ phụ Môsê đã vâng lời Jéthro khi ông này cho lời khuyên tốt lành (Ex 18,19). Nhưng ở khía cạnh sự việc, thì có sự phân biệt lớn : có người chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa, làm tổn hại và thậm chí làm hoen ố khi thêm vào những lệnh cấm, lại có những người tuân theo; và cuối cùng, có những người xem ra không tuân theo lệnh truyền, nhưng lại coi lệnh truyền như nguồn bổ trợ.

Tu Luật nhỏ, 114.

Và đây là bản văn đầu tiên mà thánh nhân coi vị bé trên như là tôi tớ phục vụ Chúa và phục vụ anh em :

Trước nhất hướng về Thiên Chúa, xin cho người ra lệnh thì phải tự coi mình là tôi tớ của Đức Kitô, là người quản lý mầu nhiệm Thiên Chúa (1 Cr 4,1), và phải biết rằng ngoài ý muốn của Thiên Chúa được viết trong Kinh Thánh, thì không được nói, hay đưa ra một mệnh lệnh nào… Về phía anh em, nếu như người mẹ chăm lo cho con cái mình, thì người bề trên cũng phải khát khao chăm sóc cho mọi người theo ý muốn của Thiên Chúa và theo thiện ích của cộng đoàn, và làm việc này không chỉ theo Tin Mừng mà còn vì sự sống của bản thân nữa (1 Tx 2,7).

Tu Luật nhỏ, 98.

Trong bản luật soạn thảo đầu tiên của thánh Basiliô, người ta không thấy dấu vết của việc tập trung quyền bính. Điều thường xuyên được nhấn mạnh và được nhắc lại với sự quả quyết đó chính là mức độ của nhân đức vâng phục : cho đến chết (như Đức Kitô), nội hàm của việc này là vâng phục từ bên trong, không kêu ca và mục tiêu của nhân đức này : phục vụ hữu hiệu cho tất cả mọi người, nhất là đối với công việc. Điều kiện của đời sống chung không tạo điều kiện cho lối sống khắc khổ (một phẩm chất quý giá theo quan điểm của giám mục Eustathius Sebaste) và phát sinh ra nhịp điệu vâng lời lẫn nhau đặt nền trên sự phục vụ cộng đoàn. Những khó khăn xây dựng tổ chức đời sống chung đã khiến thánh Basiliô phải bàn đến việc cắt đặt vị bề trên trước tiên.

Chính trong lần soạn thảo thứ hai cuốn Asceticon, năm 370, được thánh Basiliô chỉnh sửa và hoàn tất bản văn đầu tiên, trong đó tư tưởng vâng phục được triển khai ở mức đầy đủ nhất.

Yếu tố chính của đời sống trọn hảo hệ tại đời sống chung huynh đệ và từ bỏ những gì gây trở ngại cho đời sống này.

Khi trình bày đến phần dành riêng cho sự vâng phục, cách viết có thay đổi và tư tưởng là rất rõ ràng : những đòi hỏi chính đáng của Tin Mừng là nền tảng cho đức vâng phục; hoạt động của đời sống trong Đức Kitô là ân sủng do tác động của Chúa Thánh Thần và đặc sủng của mỗi người là chức vụ trong cộng đoàn.

Chúng ta cùng đọc đoạn trích về vai trò của vị bề trên : bề trên là con mắt, là người chăm lo cho cộng đoàn được trao phó và có Đức Giêsu như là đầu. Với các môn đệ, các vị là lỗ tai, là đôi tay : chính các vị nghe và cũng chính các vị hoàn thành. Ước gì ai cũng đầy lòng nhiệt thành, nhưng theo chức vụ của mình. Mỗi người hãy đón nhận một lần cho mãi mãi để phục vụ trong thân thể và cho cộng đoàn. Nếu một mệnh lệnh xem ra vượt quá sức, thì cẩn trọng xem xét những gì được coi là không thể (Tu Luật lớn 28) và vị bề trên hãy luôn tỏ lộ là một người khiêm nhu và có tinh thần vâng phục cho đến chết.

Ơn gọi của chúng ta là ơn gọi của các chi thể của một thân thể – ơn gọi của những người bề trên không có gì khác biệt, vì việc chăm sóc có tính cảnh báo là một việc phục vụ. Những người đứng đầu cộng đoàn là những người phục vụ tất cả mọi người.

Rất hiếm những người hội đủ những phẩm chất quan trọng tựa như “con mắt”. Nếu có hai hoặc ba người như thế trong một nơi thì họ sẽ thông chia cho nhau những trách nhiệm, cộng tác hỗ tương trong các công việc; nếu một vị vắng mặt hay mắc ngăn trở, vị khác sẽ hiện diện và tiếp tục trợ giúp cho cộng đoàn… Bằng chứng nào lớn hơn sự khiêm tốn đối với người phụ trách hơn là phục tùng lẫn nhau ? Nếu tất cả bình đẳng trong ân sủng siêu nhiên, thì tốt nhất là cùng sánh vai với nhau, như chính Thiên Chúa đã chỉ dẫn khi sai các ông từng hai người một ra đi (Mc 6,7);  và người này sẵn lòng tuân phục người kia, vì ai càng khiêm nhượng thì càng được nâng lên (Lc 18,14). Và nếu với người này không có khả năng, người khác lại có nhiều khả năng, thì tốt nhất người yếu nhận trợ giúp từ người khỏe… Nếu có thể, tất cả anh em hãy tụ họp dưới sự phụ trách của người có khả năng biết cai quản cách khôn ngoan trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.

Tu Luật lớn, 35.

Vai trò của vị bề trên là phân định ý muốn của Thiên Chúa nơi mỗi người khi cho thấy sứ vụ của người ấy trong cộng đoàn. Như thế, các thành viên cộng đoàn không tự chọn vị thế cho mình.

Chọn cho mình rõ ràng là không phù hợp. Ai phản đổi lại điều gì mọi người đã quyết định thì đáng bị lên án. Nếu ai làm điều gì có tính nghệ thuật, song lại không đẹp lòng cộng đoàn, thì nên tự nguyện từ bỏ.

Tu Luật lớn, 41.

Đức vâng phục luôn quy chiếu vào Thiên Chúa, nếu vâng phục là hoa trái của bác ái huynh đệ sống động, thì đức bác ái là lệnh truyền tối thượng đuổi xua mọi ý riêng. Vâng phục, trong đời sống huynh đệ, là trò chơi tự do của ân sủng riêng mỗi người được phân định bởi vị bề trên vốn là “con ngươi” của thân thể. Thẩm quyền của bề trên là thuộc “thần khí” và tất cả liên hệ đến lợi ích của cộng đoàn. Theo đường hướng ngôn sứ, vị bề trên có vai trò phân định cho mỗi người đâu là ý muốn của Thiên Chúa. Và vì thế, bề trên chiếu sáng cho toàn thân thể.

Không có nguyên tắc nào khác, cũng như chẳng có mẫu gương nào khác ngoài nguyên tắc và gương mẫu là Đức Kitô vì Người là Đấng đã “vâng lời cho đến nỗi băng lòng chịu chết” (Pl 2,8) trong sứ vụ và nhất là trong công cuộc cứu chuộc.

 Chúng ta có thể tóm kết lý tưởng sống đời sống cộng đoàn mà thánh Basiliô mong đợi đó là lý tưởng vâng phục khi nói rằng lệnh truyền duy nhất của bác ái bao gồm tất cả những lệnh truyền khác:

+ Nhà khổ hạnh chọn đời sống chung và vâng lời mọi người khi dần xóa đi tính ích kỷ, và bỏ mọi sự mà đi theo Chúa.

+ Nhà khổ hạnh chọn đời sống cộng đoàn và tìm kiếm đức vâng phục để từ bỏ tất cả ý riêng để một lòng một dạ theo chân Đức Kitô.

+ Nhà khổ hạnh kiếm tìm sự vâng phục qua đời sống cộng đoàn vì bậc khổ hạnh mong muốn chấp nhận ý định của Thiên Chúa nơi tất cả.

Lệnh truyền duy nhất là yêu mến Thiên Chúa bao gồm tất cả cách lệnh truyện khác và ban sức để thi hành tất cả các lệnh truyền khác.

Tu Luật lớn, 2.

Nguồn: Sách “Đọc Giáo Phụ”, Souer Gabriel Peters, Học viện Đa Minh chuyển ngữ, tr. 439-443.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *