Toát yếu môn học: Sư phạm Huấn giáo

Trong việc trình bày Giáo Lý Công Giáo, có 2 vấn đề chính yếu cần đặt ra, đó là trao cho nhau những gì ? ( nội dung ) và trao thế nào ? ( phương pháp ). Và, khoa Sư Phạm Huấn Giáo đã lãnh nhận vai trò trình bày những phương pháp để truyền đạt nội dung Giáo Lý sao cho sống độngchính xác.

Mặt khác, cũng cần phải xác định rằng: khác hẳn một lớp học văn hóa thông thường, một lớp Giáo Lý, dù là cho trẻ em Khai Tâm, hay cho người dự tòng, không phải là một bên DẠY và một bên HỌC, nhưng là các Hướng Dẫn Viên Giáo Lý, giống như người dẫn đường, không chỉ cố gắng trang bị cho người đi tìm Chúa các kiến thức về Đạo, mà vượt lên trên, chính là giúp họ gặp được Chúa, nhận ra Chúa yêu thương họ và mời gọi họ sống tình yêu thương ấy trong suốt cuộc đời. Ở đây không có khái niệm mầy mò khám phá từ phía con người, nhưng là chính Thiên Chúa tự giới thiệu, tự mặc khải, Người đi bước trước, rồi về phía con người, người hướng dẫn lẫn người đi tìm mới dần dần cảm nhậnhạnh ngộ được Thiên Chúa là Tình Yêu.

Do vậy, các chân lý Đức Tin tuyệt nhiên không phải là những điều luật buộc làm cái này và không được làm cái kia như là những nguyên tắc Luân Lý cho đời sống Đạo hoặc những thông tin được nhồi nhét, bắt các học viên phải học thuộc lòng và trả bài, rồi theo đó mà cho điểm, mà xếp loại trình độ như trong các môn Toán Lý Hóa, Văn Sử Địa hay sinh ngữ. Chân lý Đức Tin cũng không thể chỉ là việc làm dấu Thánh Giá, cách thế đọc kinh lần chuỗi, hỏi đáp và làm các nghi thức các Bí Tích, nhưng là cả một niềm xác tín vào Chúa và vui sống Tin Mừng.

Đương nhiên, khoa Sư Phạm Huấn Giáo cũng đòi hỏi phải áp dụng các nguyên tắc và phương pháp như phương pháp năng động nhóm ( Dynamique de Groupe ), phương pháp Giáo Dục Học ( Méthodologie ), phương pháp trình bày quy nạp hay diễn giải, hội thoại… và một số kỹ thuật về tổ chức lớp, về sinh hoạt, về bầu khí… Tuy nhiên tất cả đều chỉ là phụ thuộc, đều chỉ nhắm phục vụ cho mục đích tối hậu là tạo một nhịp cầu để người hướng dẫn lẫn người đi tìm Chúa có thể tạo lập được một mối tương quan hai chiều trong thân tình với Chúa.

Khoa Sư Phạm Huấn Giáo có được một kim chỉ nam vô giá để không sợ bị lạc đường, đó là tính cách Kitô Tâm ( Christocentrisme ). Có thể tóm tắt Tông Huấn Về Vấn Đề Dạy Giáo Lý ( Catechesi Tradendae ) bằng một mệnh đề thật gọn: Chỉ có một câu trả lời “Đức Kitô” cho cả ba câu hỏi: Ai dạy Giáo Lý ? Dạy Giáo Lý về Ai ? và Dạy Giáo Lý theo phương pháp của Ai ?

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *