Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm B

 

 

27-09: CHÚA NHẬT 26 Thường Niên – Ngày Trung Thu.

 Ds 11, 25-29; Tv 18, 8. 10. 12-13. 14; Gc 5, 1-6; Mc 9, 37-42. 44. 46-47.

BÀI ĐỌC I: Ds 11, 25-29

“Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri”.

Bài trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên cácông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy. Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên haiông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: “El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại”. Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy.

4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao.

BÀI ĐỌC II: Gc 5, 1-6

“Của cải các ngươi bị mục nát”.

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

All. All. – Chúa phán: ” Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xôxuống biển thì hơn. “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Vànếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

Ðó là lời Chúa.

LỄ TẾT TRUNG THU – Cầu cho thiếu nhi

BÀI ĐỌC I: Hc 42, 15-16; 43, 1-2.6-10

“Sự nghiệp Đấng Tối Cao kỳ diệu dường nào”

Bài trích sách Huấn Ca.

Giờ đây, tôi xin nhắc lại những công trình của Chúa. Những gì mắt thấy, tôi sẽ tường thuật. Do Lời Chúa phán mà có những công trình của Người. Mặt trời tỏa sáng nhìn xuống muôn loài. Vinh quang Chúa bao phủ công trình Người sáng tạo, lộng lẫy chốn cao vời, một khung trời trong vắt. Nhìn ngắm cả bầu trời: cảnh tượng xán lạn thay! Vừa ló dạng lúc hừng đông, mặt trời liền công bố: “Sự nghiệp Đấng Tối Cao kỳ diệu dường nào!”. Còn mặt trăng, vẫn luôn đúng hẹn, là dấu hiệu muôn đời để chỉ rõ thời gian. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết, đánh dấu các thời kỳ đại lễ. Theo chu kỳ tuyệt diệu, trăng cứ mãi tròn thêm; người ta lấy chữ nguyệt mà đặt tên cho tháng. Trăng chiếu sáng trên cả bầu trời, đó là một vũ trụ huy hoàng trên khắp chốn cao xanh của Chúa. Vâng lời Đấng Chí Thánh, các vì sao luôn sẵn sàng chờ lệnh, không chểnh mảng trong lúc canh đêm.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 135,1.4-9

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ.

Đáp: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại.

Tầng trời cao, Chúa tạo dựng tài tình.

Trải mặt đất này trên làn nước bao la.

Người làm ra những đèn trời to lớn.

Cho thái dương điều khiển ban ngày.

Đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm.

ALLELUIA: 1 Ga 2, 5

All. All. – Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. – All.

PHÚC ÂM: Mc 10, 13-16

“Người ôm các trẻ em vào lòng, và đặt tay ban phúc lành cho chúng”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.

Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thày bảo thật các con: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

Đó là lời Chúa.

B26Vs

MỤC LỤC

1. Đừng ngăn cấm

2. Diệt trừ gương xấu – Lm. Ignatiô Trần Ngà

3. Hãy yêu như Giêsu – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

4. Chặt tay.

5. Óc bè phái.

6. Làm cớ sa ngã.

1. Đừng ngăn cấm

Hai đứa trẻ có thể đánh nhau chí choé khi một đứa dám lôi tên ba của đứa kia ra giễu cợt. Hình như việc biết tên là một khám phá ra một bí mật và việc gọi tên có vẻ bất kính là một xúc phạm. Ngày xưa tên của một người thường mang ý nghĩa như chính con người đó. Vì thế mà Thiên Chúa cấm gọi đến tên Ngài ở giới răn thứ hai, đồng thời chúng ta cũng thếy được tầm quan trọng của tên Thiên Chúa như trong kinh Lạy Cha: Nguyện danh Cha cả sáng.

Nếu hiểu như thế chúng ta sẽ không lạ gì khi Chúa Giêsu tuyên bố: Kẻ nào tiếp đón một kẻ nhỏ vì danh Ta tức là tiếp đón Ta. Kẻ nào tiếp đón Ta thì không phải là tiếp đón Ta mà là tiếp đón chính Đấng đã sai Ta. Chúa nói về ân phúc của mọi hành động trong danh Ngài, điều này nhắc cho Gioan việc vừa xảy ra. Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo Thầy và chúng con đã ngăn cấm. Gioan có một lòng nhiệt thành về danh Chúa Giêsu, nhưng đồng thời lại kiêu hãnh về địa vị nhóm 12 của mình được sống sát cạnh Chúa, cũng như ganh tức với những kẻ không cùng nhóm, lạm dụng quyền hạn của mình. Thế nhưng quan điểm của Chúa Giêsu thì khác, Ngài phán: Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ rồi liền sau đó lại nói xấu Thầy. Ai không chống đối các con là ủng hộ các con. Thái độ của Gioan là một thái độ tự ái, bảo vệ một độc quyền của mình. Thế nhưng chúng ta có thể đặt lại vấn đề, liệu các môn đệ đã tin vào danh Chúa hay chưa?

Có thể họ đã tuyên xưng, nhưng trong hành động họ lại chối bỏ và để Chúa Giêsu chịu chết một mình, cô đơn trên thập giá. Chính Chúa Giêsu đã nhìn những người ngoại giáo và đã khen ngợi lòng tin của họ chẳng hạn người thiếu phụ Canaan và viên đội trưởng, khi Ngài nói với ông: Ta chưa thấy một niềm tin như thế trong dân Israel. Như vậy lúc ấy chưa chắc gì các môn đệ đã có một niềm tin mạnh như những kẻ ngoại. Các môn đệ của Chúa đã nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ, còn những người ngoài nhóm cũng nhân danh Chúa mà làm phép lạ, nhưng thử hỏi họ đã làm vinh danh ai? Phúc Âm thánh Luca ghi lại các môn đệ trở về kể lại cho Chúa Giêsu: Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng phải luỵ phục chúng con. Như thế cái tôi của họ vẫn còn là trung tâm điểm. Họ nhờ danh Chúa mà tìm vinh quang cho mình.

Ngày hôm nay chính chúng ta cũng phải ngồi lại mà suy nghĩ về những cái chúng ta chiếm độc quyền: độc quyền về Thiên Chúa, về Đức Kitô, độc quyền về đạo thật, về chân lý, về bác ai, và những hậu quả tai hại từ đó đưa đến như thế nào? Có phải vì danh Chúa Giêsu hay chỉ vì danh mình, danh giáo xứ mình mà thôi chăng.

Tiếp đến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Đừng ngăn cản họ. Lời nói tuy ngăn nhưng phá vỡ cả một ý thức hệ cuồng tín về tôn giáo, phá vỡ cả một sự độc quyền về niềm tin để mở rộng cho muôn dân: Ta bảo các người nhiều kẻ từ phương Đông phương Tây mà đến và dự tiệc cùng Abraham trong Nước Trời, còn chính con cái thì lại bị đuổi ra bên ngoài. Chúa Giêsu qua đó dạy cho các môn đệ một cái nhìn mới về ơn cứu độ.

Ngày hôm nay cũng vậy, đôi khi chúng ta thấy người này người nọ thực sự yêu thương và phục vụ kẻ khác, nhưng họ lại là người vô thần, là người Phật giáo, thì lập tức chúng ta khựng lại. Chúng ta hãy nhớ lời Chúa: Ai yêu thương thì ở trong Thiên Chúa. Tại sao chúng ta lại khăng khăng phải ở trong đạo mới có tình thương. Chắc gì chúng ta những người có đạo lại sống được tốt lành như họ chưa.

2. Diệt trừ gương xấu – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Gương xấu lây lan nhanh như đại dịch, bùng phát mạnh như cháy rừng. Nguy cơ lây nhiễm cao đến nỗi người ta thường nói: gần mực ắt phải đen cũng như gần đèn tất phải sáng. Biết bao nhiêu thói xấu của thế hệ trước ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp theo đang làm cho xã hội chúng ta điêu đứng.

Chúa Giêsu ví tác động của gương xấu ảnh hưởng lên những người chung quanh y như men trong bột. Chỉ cần một nhúm men nhỏ cũng đủ sức làm dậy lên cả một thúng bột lớn. Một ít men rượu làm cho cả nồi cơm nên rượu; chút ít men dấm làm cho cả hũ nước nên dấm chua; men thối thì làm cho lương thực nên thối; men độc thì làm cho đồ ăn nên độc…

Chúa Giêsu xem thái độ giả dối của những người biệt phái cũng như tâm địa độc ác của vua Hêrôđê là những thứ men độc hại có thể khiến cho những người chung quanh bị tiêm nhiễm y như men ảnh hưởng lên bột nên Người cảnh báo các môn đệ phải đề phòng: “Anh em phải coi chừng men biệt phái và men Hêrôđê” (Mc 8, 15).

Chính vì gương xấu của người nầy gây ảnh hưởng tai hại lên nhiều người khác nên Chúa Giêsu kịch liệt bài trừ. Người muốn nhổ bỏ thói xấu tận gốc rễ, muốn tẩy trừ gương xấu bằng mọi giá.

Trước hết, Người răn đe những người gây ra gương xấu bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9, 42)

Và Người muốn diệt trừ các duyên cớ gây ra tội lỗi cách rất quyết liệt: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” (Mc 9, 43-48)

Khi phán dạy như thế, Chúa Giêsu không có ý nói là chúng ta phải huỷ hoại thân mình để loại trừ thói xấu, nhưng Người có ý nói phải diệt trừ thói xấu cách quyết liệt, bằng bất cứ giá nào.

* * *

Tuy nhiên, trong thực tế, việc nhổ bỏ tội lỗi và thói xấu là điều thật khó khăn, vì việc xấu ta vừa dứt bỏ hôm nay, ngày mai lại quay về.

Tẩy trừ thói xấu cũng như xua đuổi một con chó ghẻ trung thành. Khi con chó trong nhà bị ghẻ lở trông thật ghê tởm và hôi hám, người nhà quyết xua đuổi nó đi, nhưng lát sau nó cũng quay về. Dù người nhà tiếp tục đánh đập và xua đuổi nó đi xa… nó cũng lại trở về!

Tẩy trừ thói xấu cũng y như nhổ cỏ cú (một thứ cỏ có nhiều rễ củ ăn sâu xuống lòng đất, rất khó diệt) trên mảnh đất tốt. Hôm nay nhổ sạch cỏ rồi, mai gặp một trận mưa to, cỏ lại mọc lên phơi phới.

Như vậy, không lẽ con người đành bó tay trước thói hư tật xấu?

Bệnh nào cũng có thuốc chữa. Sâu nào cũng có thuốc trừ.

Đối với những đám đất nhiều cỏ cú diệt hoài không được, người nông dân kinh nghiệm có thể diệt hết cỏ bằng cách biến nó thành thửa ruộng lúa nước. Người ta bơm nước vào đám đất có nhiều cỏ, ngâm nước một thời gian cho cỏ thối đi, rồi cày và trục chôn cỏ mục xuống bùn. Sau đó, người ta sạ lúa xuống. Chờ lúa mọc lên chừng mươi phân, người nông dân lại cho nước vào phủ hết mặt ruộng, rồi bung phân cho lúa bốc lên nhanh; lá lúa vươn ra um tùm che phủ mặt ruộng khiến cỏ dại không thể nào mọc lên được.

Có người diệt cỏ bằng cách trồng mía. Mía con vừa mới lên liền được bón thúc phân thật sớm khiến bụi mía phát triển sum suê. Thế là cỏ dại dưới đất bị chết ngộp vì thiếu ánh sáng.

Thế là nhà nông thắng lớn vì không cần tốn công làm cỏ mà lại thu hoạch được lúa hoặc mía dồi dào.

Vậy thì một trong những phương pháp kiến hiệu để loại trừ gương xấu, thói hư là áp dụng phương thức lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu: quyết tâm tạo cho mình những việc làm tốt để đẩy lui những việc làm xấu; tập thói quen tốt để đẩy lùi thói quen xấu; lấy sách báo lành mạnh thay thế cho sách báo đồi truỵ; lấy phim giáo dục đẩy lùi phim vô luân; chọn bạn tốt lành thay cho bạn bè xấu tính…

Hy vọng nhờ đó, cuộc đời chúng ta ngày càng được cải thiện; tâm hồn chúng ta ngày thêm trong sáng; bản thân chúng ta ngày càng trở nên người có phẩm chất cao.

3. Hãy yêu như Giêsu – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Có một câu truyện ngụ ngôn của Ấn độ kể rằng: Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần thế.

Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác, đến: “Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt”. Duriana đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu: “Lạy Ngài, con không thể gặp được một người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn”.

Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại: “Ngươi hãy đi tìm cho ta một người thực sự xấu xa”. Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo: “Lạy Ngài, con xin chịu tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp. Cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt”.

Xem ra nhận xét về một con người tùy thuộc vào tình cảm của người nhận xét nhiều hơn là về bản thân của người được nhận xét. Không ai hoàn toàn xấu, và cũng không ai hoàn toàn tốt. Vì “nhân vô thập toàn”, và mọi sự trong trời đất đều tương đối. Nhưng đáng tiếc con người lại không nhận ra. Nhiều người vẫn cho rằng mình không sai lầm. Nhiều người vẫn tưởng rằng mình không có khuyết điểm. Con người cho mình là trung tâm điểm nên dễ dàng loại trừ, kết án, tẩy chay những ai khác với mình, hoặc không đồng quan điểm với mình.

Đó còn là lý do khiến người ta thường hay phân loại để chơi. Những người cùng sở thích, cùng quan điểm, cùng ý thức hệ thì liên đới với nhau, ngược lại thi xa lánh, đôi khi lại hiềm thù và đối nghịch với nhau. Khi yêu nhau người ta dễ cảm thông, tha thứ, nâng đỡ nhau, vì “Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”. Khi ghét nhau thì “Cau sáu bổ ra làm mười”. Có khi còn “ghét cả tông ti họ hàng”.

Là người Ky-tô hữu Chúa bảo chúng ta đừng bao giờ có kẻ thù. Hãy dùng tình yêu mà xóa bỏ hận thù. Hãy yêu kẻ thù của mình vì chính Chúa đã chọn chết để xin ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi lầm lạc. Chúa còn bảo chúng ta nếu không yêu tha nhân như chính mình thì chúng ta không xứng đáng là môn đệ của Chúa. Chúa còn mời gọi chúng ta hãy vì Chúa để sống cho thanh sạch, cho công bằng và yêu mến sự thật. Chúa không chấp nhận là người ky-tô hữu mà gây nên gương mù gương xấu cho người khác vì tật xấu, vì đam mê thấp hèn, vì tội lỗi của mình. Nhất là vì sống thiếu tình yêu thương với đồng loại trong lời nói và hành động.

Đó chính là bài học mà Chúa đã dạy chúng ta bằng cả cuộc sống của Ngài. Chính Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương. Yêu thương đến nỗi cho đi cả tính mạng của mình. Tình yêu thương đó Chúa trải rộng trên người lành kẻ dữ. Chúa không kết án tội của Lê-vi, tội của người phụ nữ ngoại tình. Chúa càng không kết án tội của những người làm điều gian ác mà chúng chẳng hay biết. “Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chúa đã nêu gương yêu thương đến quên cả chính mình, và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà yêu tha nhân. Hãy vì Chúa mà đối xử tốt với nhau. Hãy vì Chúa mà quên đi cái tôi để sống vị tha và nhân ái với nhau.

Nhưng đáng tiếc con người lại thiếu tình thương nhưng lại đầy lòng ghen ghét. Thiếu lòng bao dung nhưng đầy hận thù. Thiếu sự cảm thông nhưng chất chứa đầy những toan tính hẹp hỏi, ích kỷ và thờ ơ. Chính lòng ghen ghét, lòng thù hận, và thiếu cảm thông đã đẩy con người vào bể khổ trần gian với biết bao nước mắt của oan trái, đau thương.

Có ai đó nói rằng: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì mọi người đều trở nên mù lòa”. Cuộc đời sẽ là thảm họa nếu thiếu lòng bao dung và yêu thương. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết quên đi cái tôi để đón nhận mọi người trong yêu thương tha thứ. Xin cho cuộc đời ky-tô hữu của chúng ta luôn sáng ngời bài ca đức ái để xây dựng tình hiệp nhất yêu thương, để đẩy lùi những khổ đau và mang lại hạnh phúc cho nhân thế hôm nay. Amen.

4. Chặt tay.

Ngày xưa có một đoàn thám hiểm từ Âu châu đi tìm đất mới. Nhà lãnh đạo của họ là một người thích phiêu lưu với số mệnh, và ông đã tuyên bố: Ai đụng tới đất đầu tiên sẽ được làm chủ toàn thể lãnh thổ ấy. Một người trong nhóm tên là O’Neil quyết tâm giành được đất mới. Ông gắng sức chèo, nhưng rồi một chiếc thuyền khác đã vượt qua được ông mà đất liền thì đã ở ngay trước mặt. Chúng ta có biết ông đã hành động như thế nào hay không? Con người sắt đá này đã buông mái chèo, rồi nhanh như một tia chớp, ông cầm lấy chiếc búa, chặt đứt bàn tay trái của mình rồi liệng nó lên bờ. Và như thế ông là người đầu tiên đụng vào đất mới. Đất mới là của ông.

Kể lại câu chuyện này, tôi hy vọng chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được lời nói của Chúa qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Nếu tay con làm cớ cho con phạm tội, thì hãy chặt nó đi. Thà con cụt một tay mà được vào Nước Trời còn hơn là có đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục. Đâu là ý hướng Chúa Giêsu muốn nhắm tới? Tôi nghĩ rằng những người muốn theo Chúa phải sẵn sàng hy sinh cả những cái gần gũi và thân yêu nhất, khi chúng trở thành dịp tội và làm cho chúng ta vấp ngã. Chúa Giêsu không nói chúng ta phải thật sự chặt tay, chặt chân hay móc mắt vì đây chỉ là cách nói nhấn mạnh của Ngài hầu gây một ấn tượng khó quên đối với người nghe: Nước Trời, miền đất hứa chủa chúng ta, quê hương vĩnh cửu của chúng ta, muốn đạt được thì phải hy sinh.

Đúng thế, để chiếm được Nước Trời, chúng ta phải sẵn sàng làm một số việc vừa quyết liệt lại vừa đau đớn không kém gì hành động chặt tay và móc mắt. Đối với một số người thì từ bỏ một vài mối lợi vật chất cũng đau đớn như là cắt đứt một bàn tay. Nơi khác, Chúa Giêsu lại nói với chúng ta: Nếu chúng ta cho kẻ đói được ăn, kẻ khát được uống, kẻ không nhà được trú trọ thì chúng ta sẽ chiếm được Nước Trời. Hy sinh để cứu giúp họ, hy sinh để nâng đỡ những hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, để làm đẹp lòng Chúa và chiếm lấy Nước Trời có thể cũng đớn đau như cưa đứt một ống chân. Với một người nghiện rượu thì bỏ đi một xị hay chỉ một ly mà thôi, ắm lúc cũng thật là khổ sở, nhưng vì vui lòng Chúa, anh ta phải bỏ. Chúng ta thường thích nằm ngủ nướng hơn là đi lễ sáng Chúa nhật. Cố gắng để vượt thắng tính lười biếng có thể gây phiền phức và khó chịu ở một mức độ nào đó, nhưng lại là phương cách để chiếm lấy Nước Trời. Ngồi theo dõi truyền hình thì dễ dàng hơn là cầu nguyện hay đọc Kinh Thánh. Thưa chuyện với Chúa là một ân huệ lớn lao, là một niềm vui tuyệt vời, nhưng nó là đòi hỏi chúng ta phải cố gắng cắt bỏ một khoảnh khắc giải trí hay nói chuyện tào lao với nhau.

Chúa Giêsu không phải chỉ chặt tay móc mắt, trái lại Ngài còn hiến dâng trọn vẹn mạng sống và đã đổ ra cho đến giọt múa cuối cùng để cứu chuộc chúng ta. Vì thế chúng ta hãy xin Chúa ban sức mạnh để chúng ta biết từ bỏ, hầu nhờ sự từ bỏ này chúng ta sẽ chiếm được Nước Trời, miền đất hứa của chúng ta. Hay nói các khác, Thiên Chúa phải chiếm chỗ nhất trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta, để rồi chúng ta có thể nói lên như Tổng lãnh Thiên Thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.

5. Óc bè phái.

Có một vị linh mục, ngày kia đã giảng một bài rất cảm động, khiến cho mọi người đều rơi lệ. Thế nhưng, có một người ngồi ngay ở hàng ghế đầu lại chẳng hề tỏ ra chút xúc động nào cả. Khi thánh lễ kết thúc người ta đã hỏi: Ông có nghe bài giảng đấy chứ. Người đàn ông trả lời: Dĩ nhiên là có và tôi đã nghe rõ lắm. Vậy thì ông nghĩ sao? Bài giảng thật cảm động đến nỗi tôi rưng rưng như muốn khóc. Xin lỗi ông nhé, thế tại sao ông lại không khóc. Người đàn ông trả lời: Đơn giản thôi, vì tôi không thuộc giáo xứ này.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta liên tưởng tới óc phe nhóm và tinh thần bè phái của các môn đệ, được biểu lộ qua thái độ của Gioan. Thực vậy, ông không thể chấp nhận được chuyện một người không theo Chúa, không thuộc về phe mình, mà lại dám lấy danh Thầy để trừ quỷ, và họ đã làm được.

Tên của Chúa có thể dùng để trừ được quỷ. Tên ấy có một sức mạnh, nhưng đối với Gioan, thì chỉ những người trong nhóm môn đệ của Chúa mới có quyền xử dụng sức mạnh ấy. Chính vì thế, chẳng riêng gì Gioan, mà ngay cả nhóm môn đệ, đều cố sức ngăn cản người ấy trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu. Họ muốn giữ độc quyền. Họ muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm. Nếu như ai cũng lấy danh Chúa mà trừ quỷ thì các môn đệ của Chúa đâu còn thế giá gì nữa. Chúng ta không biết các ông đã làm những gì để ngăn cản người ấy, còn Chúa Giêsu thì sao? Ngài đã không chấp nhận thái độ của các ông. Ngài thật bao dung và cởi mở hơn nhiều. Ngài có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Ngài mà trừ quỷ.

Chắc hẳn anh ta không phải là kẻ thù của nhóm hay của bản thân Ngài. Vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạ rồi sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Hẳn anh ta phải có một niềm tin nào đó vào Ngài, cho dù anh ta không phải là môn đệ chính thức trong nhóm. Như thế chúng ta phải chấp nhận có những môn đệ theo sát Chúa Giêsu và cũng có những môn đệ theo Ngài xa xa, nhưng trái tim họ thì lại rất gần Ngài.

Các môn đệ đã thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi, vì ai không ủng hộ các ông đều là kẻ thù của các ông. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài hiền lành và bao dung, nên Ngài có nhiều bạn hữu. Thái độ cởi mở của Ngài khiến chúng ta phải nhìn lại sự khép kín và độc đoán của mình. Chúng ta không nên vạch một đường thật rõ để tách biệt những người theo Chúa và những kẻ không theo, Kitô hữu và dân ngoại. Chúng ta sẽ có nhiều bạn hơn chúng ta tưởng. Cùng bước đi với người khác, chúng ta sẽ có nhiều cơ may để giới thiệu Đức Kitô cho họ, một Đức Kitô mà có thể họ đã mang lấy trong trái tim từ lâu rồi, nhưng chưa một lần gọi tên Ngài trên môi. Thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ lòng ích kỷ chứ không phải từ lòng đạo đức chân thật. Đó cũng là thái độ của kẻ hèn nhát và khiếp đảm.

Hơn thế nữa, Công đồng luôn khuyến khích chúng ta thực hiện: Hãy mở ra với thế giới, hãy mở ra với các anh em Kitô hữu khác, cũng như hãy mở ra với những người chưa tin Đức Kitô. Bởi vì, mặt trời công chính chiếu soi trên mọi người và cho mọi người. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa luôn hoạt động giữa các dân tộc.

6. Làm cớ sa ngã.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu.

Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông, tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.

Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu, khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.

Đức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này: “… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”

Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu. Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin. Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng. Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.

Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã. Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan, không biết hạn chế tự do của mình, nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.

Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã, nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.

Đức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.

Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen (nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!). Nhưng chúng ta lại không được coi thường tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.

Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể hầu cứu lấy sinh mạng của mình.

Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý để giữ lại một điều quý hơn.

Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất, người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân, những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.

Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta, nhưng nay đã trở thành vật cản trở. Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.

Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau. Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.

Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau, chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.

Nếu cần một cuộc giải phẫu cho linh hồn. Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế: thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc, thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.

Đức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn.

Để vươn tới Tuyệt Đối thì cần hy sinh cái tương đối.

Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời, và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Đối.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo ý bạn, đâu là những gương xấu mà giới trẻ hôm nay chịu ảnh hưởng (nơi gia đình, trường học, giáo xứ, xã hội)? Những gương xấu đó đã tác hại thế nào trên giới trẻ?

Bạn có kinh nghiệm gì về việc “chặt bỏ” một tật xấu, một thói quen, hay việc “cắt đứt” một liên hệ nguy hiểm? Bạn có thành công không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.