MỘT Ý NIỆM CƠ BẢN CỦA HIỆN TƯỢNG HỌC HUSSERL: TÍNH Ý HƯỚNG

JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

“Hắn nhìn như muốn xơi tái cô nàng”. Cách nói này và nhiều dấu hiệu khác cho thấy khá rõ ảo tưởng chung đối với thuyết duy thực và thuyết duy tâm: biết tức là ăn. Sau một trăm năm chủ nghĩa trường ốc (académisme), triết học Pháp cũng vẫn dậm chân tại chỗ. Tất cả chúng ta đều đã đọc Brunschvicg, Lalande và Meyerson, tất cả chúng ta đều tin rằng Tinh thần-Nhện đánh bẫy mọi thứ trong mạng nhện của nó, bọc lấy chúng bằng nước dãi trắng và từ từ nuốt lấy chúng, biến chúng thành dưỡng chất của chính nó. Cái bàn, hòn đá, cái nhà là gì? Một tập hợp “các nội dung của ý thức” nào đó, một loại các nội dung này. Oh, thứ triết học tiêu hóa! Thế nhưng dường như chẳng có gì rõ ràng hơn: phải chăng cái bàn không phải là không phải là nội dung hiện thực của tri giác của tôi, tri giác của tôi không phải là trạng thái hiện thời của ý thức tôi? Dinh dưỡng, tiêu hóa. Tiêu hóa, ông Lalande nói, các sự vật thành ý niệm, các ý niệm bằng các ý niệm, các tinh thần bằng các tinh thần. Các bộ xương vạm vỡ ở trên đời bị ăn mòn bởi các sinh vật điataza cần mẫn này: tiêu hóa, thống nhất, đồng nhất. Những người đơn giản nhất và thô lậu nhất trong số chúng ta đã uổng công đi tìm cái gì đó chắc chắn, cái gì đó không phải là tinh thần; đâu đâu họ cũng chỉ gặp một màng sương mỏng và rất tao nhã: chính họ.

Chống lại triết học tiêu hóa của thuyết duy nghiệm-phê phán, thuộc thuyết Kant-mới, chống lại mọi thứ “thuyết duy tâm lý”, Husserl kiên trì khẳng định rằng ta không thể giải quyết mọi sự trong ý thức. Bạn thấy cái cây này, hẳn là vậy rồi. Nhưng bạn thấy nó ngay tại nơi nó tồn tại: ở bên đường, giữa đám bụi, một mình và héo queo dưới sức nóng, cách hai mươi dặm từ phía bờ biển Địa Trung Hải. Nó không thể đi vào trong ý thức của bạn, vì nó không thuộc cùng bản tính tự nhiên như ý thức. Ở đây bạn cũng nên thừa nhận Bergson và chương đầu tiên của tác phẩm Vật chất và Ký ức. Nhưng Husserl không phải là một nhà duy thực: cái cây này trên một miếng đất khô nứt nẻ không phải là cái tuyệt đối, sau khi đi vào mối quan hệ tương giao với ta. Ý thức và thế giới được mang lại ngay tức khắc: tự bản chất ở bên ngoài ý thức, thế giới tự bản chất có quan hệ với ý thức. Điều mà Husserl nhìn thấy trong ý thức là một sự kiện không thể quy giản mà bất cứ hình ảnh vật lý nào cũng đều không thể biểu thị được. Có lẽ hình ảnh sự đột hiện nhanh mờ là một ngoại lệ. Nhận thức là “hiện ra về phía”, kéo mình thoát ra khỏi chỗ bên trong dạ dày ẩm ướt, ở chỗ kia, vượt ra khỏi mình, hướng tới cái không phải mình, ở chỗ kia, gần cái cây và tuy nhiên bên ngoài mình, vì nó tránh né tôi và gạt tôi ra và tôi không thể đánh mất chính mình vào trong nó hơn việc nó có thể hòa tan nó trong tôi: tôi ở bên ngoài nó, nó ở bên ngoài tôi. Chẳng lẽ bạn không thừa nhận trong mô tả này những yêu sách của bạn và những linh cảm của bạn sao? Bạn thừa biết rằng cái cây không phải là bạn, bạn không thể đưa cái cây vào trong cái bụng tối đen của bạn và biết cái gì đó không thể, nếu không nói là trơ tráo, được so sánh với có cái gì đó.

Cùng lúc ấy, ý thức được thuần túy hóa, nó rõ ràng như một cơn gió lớn, không còn cái gì ở trong nó, ngoại trừ việc nó chạy trốn chính mình, trượt ra khỏi chính mình; nếu, dù là không thể, bạn đi vào “trong” ý thức, bạn ắt sẽ đụng một cơn gió lốc và bị nó ném ngược ra ngoài, gần cái cây, đầy bụi bặm, vì ý thức không phải là cái “ở bên trong”; ý thức chỉ là cái ở bên ngoài chính mình và chính sự trốn thoát tuyệt đối này, sự từ bỏ là một bản thể này là cái cấu tạo nên ý thức với tư cách là một ý thức. Giờ thì bạn hãy tưởng tượng một lát một chuỗi những tiếng nổ (éclatements) nối tiếp nhau tách ta ra khỏi chính mình, thậm chí nó không để cho cái “chính mình” ấy tùy ý tạo nên chính ta sau những tiếng nổ ấy, mà thay vào đó ném ta văng ra khỏi chúng, vào trong lớp bụi khô của thế giới, trên miếng đất gồ ghề, lẫn lộn với các vật khác; hãy tưởng tượng rằng ta bị ném trở lại như vậy và bị bỏ rơi bởi chính bản tính của ta trong một thế giới dửng dưng, thù địch và bất kham; bạn sẽ nắm bắt được ý nghĩa sâu sắc của phát hiện mà Husserl diễn tả trong câu nói thời danh này: “Mọi ý thức là ý thức về cái gì đó”. Không cần phải đặt dấu chấm hết cho triết học yếu đuối về tính nội tại, ở đó mọi sự xảy ra thông qua sự điều hòa, sự trao đổi chất nguyên sinh, hóa học tế bào ôn hòa. Triết học về tính siêu việt ném ta vào đại lộ, giữa bao nhiêu nguy hiểm rình rập, dưới ánh sáng chang chói. Tồn tại, Heidegger nói, là tồn-tại-trong-thế-giới. Ta phải hiểu “tồn-tại-trong” này có nghĩa là vận động. Tồn tại là hiển lộ ra trong thế giới, là khởi đi từ hư vô của thế giới và của ý thức để rồi đột nhiên xuất hiện ra như là ý-thức-trong-thế-giới. Khi ý thức cố gắng phục hoạt lại chính mình, cuối cùng trùng khít với chính mình, nóng hổi, khép chặt, thì nó sẽ hư vô hóa chính mình. Đối với ý thức, việc tất yếu phải hiện hữu như là ý thức về cái gì không phải là mình này, Husserl gọi là “tính ý hướng”.

Tôi đã bàn trước hết về nhận thức để bản thân mình hiểu rõ hơn: triết học Pháp mà chúng tôi được đào tạo chẳng hiểu được bao nhiêu ngoài nhận thức luận. Nhưng đối với Husserl và các nhà hiện tượng học, ý thức mà ta có về sự vật không bị giới hạn vào việc ta nhận thức chúng. Nhận thức hay “biểu tượng” thuần túy chỉ là một trong những hình thức khả hữu của ý thức của tôi “về” cái cây ấy; tôi cũng có thể yêu nó, sợ nó, ghét nó, và việc ý thức tự vượt ra khỏi chính mình này, ta gọi là “tính ý hướng”, một lần nữa nhận thấy mình trong sự sợ hãi, ghét và yêu. Ghét người khác chỉ là phương cách hiển lộ ra cho người ấy; đó là chợt nhận thấy chính mình đang đối mặt với một thứ xa lạ mà mình đang sống trong đó, mà ngay từ đầu mình đã chịu đựng thuộc tính khách quan là “đáng ghét”. Cho nên, đột nhiên các phản ứng “chủ quan” nổi tiếng này, ghét, yêu, sợ, cảm tình, vốn là những thứ đang dạt trôi bềnh bồng trong nước mặn hôi thối của Tinh thần, được kéo ra; chúng chỉ là những phương cách phát hiện ra thế giới. Chính các sự vật tự bất chợt vén tự mở chúng ra cho ta như là cái đáng ghét, cái có cảm tình, cái đáng sợ, cái đáng yêu. Thuộc tính của cái mặt nạ của người Nhật này là cái đáng sợ, một thuộc tính không bao giờ cạn kiệt, không thể quy giản cấu tạo nên chính bản tính của nó, – chứ không phải tổng số các phản ứng chủ quan của ta trước một cái mẩu tượng gỗ. Husserl đã phục hồi lại cho sự vật sự khủng khiếp và vẻ đẹp quyến rũ của chúng. Ông đã phục hồi lại cho ta thế giới của các nghệ sĩ và các nhà tiên tri: đáng sợ, thù địch, nguy hiểm, cùng với những nơi náu mình đầy nhân ái và yêu thương. Ông đã dọn chỗ sạch sẽ cho một khảo luận mới về các đam mê được khơi nguồn cảm hứng từ chân lý rất giản đơn này và bị những con người tao nhã của chúng ta hiểu lầm hoàn toàn: nếu ta yêu một người đàn bà, đó là vì nàng đáng yêu. Thế là ta đã thoát ra khỏi Proust. Đồng thời, ta cũng đã thoát ra khỏi “đời sống nội tâm”: sẽ là phí công vô ích nếu ta đi tìm sự âu yếm, sự chiều chuộng trong cõi lòng mình (de nos intimité), giống như Amiel, hay như một đứa trẻ hôn đôi vai của chính nó, vì rốt cuộc mọi thứ đều ở bên ngoài, tất cả mọi thứ, kể cả chính chúng ta: ở bên ngoài, trong thế giới, cùng với những thứ khác. Không phải ở nơi ẩn náu nào đó mà ta phát hiện ra chính ta, mà chính là trên con phố, trong thành thị, giữa đám đông, một sự vật trong các sự vật, một con người trong các con người.

tháng Giêng, 1939


Nguồn: Jean-Paul Sartre. Tình cảnh I. Nxb. Gallimard, 1947.

Đăng lại từ web: http://triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/hien-tuong-hoc/mot-y-niem-co-ban-cua-hien-tuong-hoc-husserl-tinh-y-huong_1103.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *