TƯ DUY KHOA HỌC, LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI CÓ NHỮNG MỐI TƯƠNG ĐỒNG NÀO?

Tác giả: Claude Lévi – Strauss

Claude Lévi – Strauss sinh ngày 28/11/1908 ở Bruxelles (Bỉ). Ông giữ chức giáo sư Nhân học xã hội thuộc Collège de France tại Paris từ năm 1959 đến 1982 và được bầu làm Viện sĩ hàn lâm Pháp năm 1973. Ông qua đời vào ngày 30/10/2009.

—————————————————–

Thời gian trôi nhanh, tôi sẽ nói ngắn gọn buổi thuyết trình thứ ba như chương trình đã định: đề cập đến những bài học rút ra từ các quan niệm tôn giáo phổ biến nhất trong số các dân tộc là đối tượng nghiên cứu của các nhà nhân học.

Đối với nhà nhân học, các tôn giáo thiết lập một danh mục biểu tượng rộng lớn dưới dạng huyền thoại và nghi lễ, sắp xếp theo những tổ hợp đa dạng. Ngoại trừ dưới con mắt của các tín đồ ra, những tổ hợp này thoạt tiên có vẻ phi lý và võ đoán. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải biết dừng lại ở đó và chỉ miêu tả một cách đơn giản những điều ta không thể lý giải hay liệu đằng sau sự lộn xộn bề ngoài của các tín ngưỡng, nghi thức, tục lệ, có thể khám phá ra một sự nhất quán nào đó. Lấy điểm khởi đầu từ thần thoại của các thổ dân thuộc miền Trung Brazil mà tôi biết rất rõ, tôi cho là bản thân đã nhận ra rằng nếu như mỗi thần thoại có vẻ như một câu chuyện lạ lùng trong đó hoàn toàn thiếu vắng sự hợp lý, giữa các thần thoại lại có mối quan hệ đơn giản và dễ hiểu hơn so với từng câu chuyện được kể trong mỗi thần thoại riêng biệt.

Chẳng hạn khi tư duy triết học hay khoa học lý giải bằng cách tạo ra và xâu chuỗi các quan niệm, tư duy huyền thoại vận hành dựa trên sự hỗ trợ của hình ảnh vay mượn từ thế giới cảm tính. Lẽ ra phải thiết lập các mối liên hệ giữa các ý tưởng, nó lại đối lập trời với đất, đất với nước, ánh sáng và bóng tối, đàn ông và phụ nữ, sống và chín, tươi và hư thối. Nó tạo nên một sự hợp lý về những đặc tính nhạy cảm: màu sắc, kết cấu, hương vị, mùi vị, tiếng động và âm thanh. Nó chọn lọc, phối hợp hay đối lập những đặc tính này dưới dạng những thông điệp được mã hóa theo một cách nào đó.

Đây là một ví dụ lấy từ hàng trăm ví dụ khác mà tôi đã thử phân tích trong bốn tập sách dày có nhan đề Huyền thoại ấn hành trong khoảng từ 1964 đến 1971.

Hai tình nhân cùng huyết thống hoặc bị các quy ước xã hội cấm đoán chỉ có thể đoàn tụ với nhau sau khi chết, khi hai cơ thể hòa quyện thành một, đó là câu chuyện mà chúng ta chấp nhận một cách dễ dàng bởi vì truyền thống văn học của chúng ta đã làm cho nó trở nên quen thuộc. Phương Tây có tiểu thuyết thời trung cổ về Tristan và Yseult cùng vở opera của Wagner. Và tôi biết là truyền thuyết Nhật Bản cũng có thể loại truyện tương tự.

Ngược lại, chúng ta sẽ rất kinh ngạc bởi câu chuyện về một bà ngoại nọ đã dán hai anh em sơ sinh vào nhau để làm thành một bé. Khi lớn lên, người anh vô tình bắn một phát cung thẳng lên trời khiến mũi tên rơi vào giữa cắt lìa hai anh em ra và hai người này liền trở thành một cặp tình nhân loạn luân.

Câu chuyện thứ hai này đối với chúng ta có vẻ phi lý. Nhưng chuyện này cũng có ở người Ấn Độ, ở Bắc Mỹ và khi so sánh từng chương với nhau ta sẽ thấy rằng câu chuyện thứ hai là một phiên bản y hệt của câu chuyện thứ nhất, chỉ có điều chúng được kể theo trình tự trái ngược. Vậy thì có thể chúng ta cũng có những câu chuyện đây đó thuộc cùng một huyền thoại mà các dân tộc láng giềng minh họa bằng những truyện tương đương với trình tự đảo ngược?

Không nghi ngờ gì nữa khi tiến thêm một bước, ta có thể quan sát ở Bắc Mỹ, câu chuyện đầu tiên có ý định lý giải nguồn gốc của một chòm sao, hiện thân của hai tình nhân cùng huyết thống hóa thành sau khi chết (gần giống như truyền thuyết Trung Hoa kể về Ngưu Lang và Chức Nữ vẫn được tôn vinh qua lễ hội Tanabata ở Nhật Bản), trong khi câu chuyện thứ hai muốn lý giải về nguồn gốc của những dấu vết trên mặt trời. Hoặc là, trong trường hợp này thì các điểm sáng trên nền tối và trường hợp kia thì các điểm tối trên nền sáng. Để nhận ra hình thể bầu trời đảo ngược, người ta cũng kể cùng một câu chuyện nhưng ở địa điểm hay theo chiều đảo ngược như trong một bộ phim điện ảnh mà người ta có thể mở màn bằng phần đầu hoặc phần kết của câu chuyện, và trong trường hợp thứ hai là một đầu máy xe lửa di động thụt lùi khi khói chui ngược vào ống khói và cô đặc dần thành nước.

Kết quả của một phân tích như vậy, thay vì hai huyền thoại ban đầu thì giờ đây chỉ còn lại một. Dần dần, người ta tạo ra vô số truyện vô nghĩa thay thế cho sự vật ngày càng ít đi nhưng cái này soi rọi cái kia. Ý nghĩa của huyền thoại không thuộc về một ai. Chúng chỉ xuất hiện khi ta đặt chúng vào trong mối liên hệ.

Các thính giả của tôi có thể đang đặt câu hỏi những nghiên cứu kiểu này có thể đóng góp điều gì để làm sáng tỏ các vấn đề hiện tại? Các xã hội của chúng ta đã không còn huyền thoại nữa. Để giải quyết những vấn đề đặt ra bởi điều kiện con người và các hiện tượng tự nhiên, các nghiên cứu hướng đến khoa học hay chính xác hơn là đối với mỗi kiểu vấn đề, chúng hướng đến một môn khoa học chuyên ngành.

Điều này có phải luôn là một hiện thực? Những gì các dân tộc không có chữ viết đòi hỏi ở huyền thoại, những gì toàn bộ loài người đòi hỏi ở chúng trong vòng hàng trăm ngàn năm, có thể là hàng triệu năm trong chiều dài lịch sử rất lâu đời, đó là giải thích trật tự thế giới bao quanh chúng ta và thể chế xã hội nơi ta sinh ra, chứng minh tính xác thực của chúng và gợi lên niềm tin chắc chắn thế giới trong tổng thể của nó, và xã hội riêng biệt mà chúng ta là thành viên, sẽ tồn tại y nguyên như chúng từng được tác tạo từ thời khởi thủy.

Nhưng khi chúng ta đặt câu hỏi về trật tự xã hội của mình, chính chúng ta đang nhắc đến lịch sử để lý giải nó, biện bạch hay lên án nó. Cách thức diễn giải quá khứ này thay đổi theo chức năng môi trường mà chúng ta thuộc về, những tín niệm chính trị và thói quen đạo đức. Đối với một công dân Pháp, cách mạng năm 1789 lý giải cho hình thái của xã hội hiện tại. Và theo nhận định của chúng ta về hình thái này dù là tốt hay xấu, chúng ta vẫn không thể hình dung cuộc cách mạng năm 1789 theo cùng một cách thức và chúng ta khao khát tương lai sẽ khác đi. Nói cách khác, hình ảnh mà chúng ta ấn định cho quá khứ gần hay xa khá sát với bản chất của huyền thoại.

Có lẽ tôi đã rất cả gan khi dám mở rộng vấn đề này ở Nhật. Nhưng với số kiến thức ít ỏi mà tôi biết được về đất nước các bạn, tôi dễ dàng hình dung rằng có thể tình hình cũng tương tự như vậy vào đêm trước thời kỳ Minh Trị đối với những người bảo vệ Shogun và những người ủng hộ phục hưng triều đại vua chúa. Trong một hội nghị do quỹ Suntory tổ chức năm 1980 ở Osaka, tôi thấy dường như những đại diện Nhật Bản tham gia tiếp tục có những diễn giải khác nhau về cuộc cải cách dưới triều đại Minh Trị: một số người nhận thấy có sự mở cửa ra trường quốc tế và hy vọng tiếp tục đẩy mạnh, tiến xa hơn theo hướng này, không ăn ý, không hoài cổ, tiếc nuối. Ngược lại, số khác lại nhận thấy trong việc mở cửa này là một cách để vay mượn phương Tây vũ khí nhằm chống lại họ khi cần và gìn giữ những nét văn hóa đặc thù của Nhật Bản.

Từ đó, có thể đặt ra câu hỏi liệu có thể tồn tại một lịch sử khách quan và khoa học hay không và liệu trong các xã hội hiện đại của chúng ta, lịch sử đã hoàn thành vai trò của nó so với huyền thoại hay không. Những gì huyền thoại làm được cho các xã hội không có chữ viết, đó là hợp pháp hóa trật tự xã hội và quan niệm về thế giới, giải thích sự vật như chúng vốn có, tìm ra những biện giải về tình trạng hiện tại của chúng ở trạng thái quá khứ và tác tạo tương lai từ cùng lúc hiện tại và quá khứ, đó cũng chính là vai trò mà các nền văn minh của chúng ta đã gán cho lịch sử.

Tuy nhiên, với một sự khác biệt: như tôi đã thử chứng minh qua ví dụ, hình như trong các huyền thoại, mỗi truyện kể về một câu chuyện khác nhau và chúng ta phát hiện ra rằng thường thì đều cùng là một câu chuyện nhưng các chương hồi được sắp đặt theo một cách khác mà thôi. Ngược lại, chúng ta tin chắc rằng chỉ có một Lịch sử, trong khi trên thực tế thì mỗi đảng phái chính trị, mỗi môi trường xã hội, đôi khi mỗi cá nhân kể về một lịch sử khác nhau và sử dụng chúng, ngược lại với huyền thoại, là để có lý do nuôi hy vọng chứ không phải vì hiện tại tái tạo lại quá khứ và rằng tương lai sẽ duy trì hiện tại, nhưng là tương lai biệt hóa với hiện tại cũng chính theo cách thức mà hiện tại đã khác biệt với quá khứ.

Tôi vừa so sánh nhanh tín ngưỡng của các xã hội mà chúng ta gọi là nguyên thủy sơ khai và tín ngưỡng của chúng ta để giúp chúng ta hiểu rằng Lịch sử, như các nền văn minh của chúng ta vẫn sử dụng, lý giải sự thật khách quan ít hơn là thể hiện định kiến và khát vọng. Trong trường hợp này cũng vậy, nhân học cung cấp cho chúng ta một bài học về tinh thần phê phán. Nó giúp chúng ta hiểu hơn về quá khứ của chính xã hội chúng ta và cả những xã hội khác, rằng chúng không chỉ có một ý nghĩa khả dĩ. Không có một lý giải tối ưu nào cho quá khứ lịch sử nhưng tất cả mọi diễn giải đều mang tính tương đối.

Để kết thúc buổi thuyết trình này, cho phép tôi đưa ra một ý tưởng còn mạo hiểm hơn nữa. Ngay cả những gì liên quan đến trật tự thế giới, khoa học ngày nay chuyển từ lăng kính phi thời gian sang lăng kính lịch sử. Vũ trụ đối với chúng ta hình như không còn giống như thời Newton, bị chi phổi bởi các định luật vĩnh cửu như là định luật vạn vật hấp dẫn chẳng hạn. Đối với vật lý thiên văn hiện đại, vũ trụ có lịch sử riêng của nó. Vũ trụ được hình thành từ mười lăm hoặc hai mươi triệu năm trước từ vụ nổ lớn Big-bang, rồi giãn nở ra, tiếp tục mở rộng và theo nhiều giả thuyết, nó tiếp tục giãn nở đến vô hạn theo cùng một chiều hoặc thay đổi chu kỳ co giãn.

Nhưng trong khi khoa học ngày càng tiên bộ, nó cũng thuyết phục rằng chúng ta ngày càng kiểm soát kém hơn bởi tư duy về trật tự của hiện tượng trong không gian rộng lớn và trong thời gian vượt quá khả năng trí tuệ của con người. Theo đó, lịch sử của vũ trụ đối với người phàm trở nên một cái gì đó hết sức bí ẩn: nó dựa vào diễn biến của các sự kiện độc nhất và vì chúng chỉ diễn ra một lần duy nhất, chúng ta không bao giờ có thể chứng minh được thực tế này.

Như vậy, nếu từ thế kỷ XVII, người ta có thể tin là tư duy khoa học đối lập một cách căn cốt với tư duy huyền thoại và cái này sẽ nhanh chóng đào thải cái kia, câu hỏi đặt ra là liệu có thể hay không thể nếu ta quan sát vấn đề này từ điểm khởi đầu của một chuyển động nhưng theo chiều ngược lại. Sự tiến bộ của tư duy khoa học liệu có đẩy nó ra ngoài rìa của lịch sử? Điều này đã từng xảy ra ở thế kỷ XIX trong ngành sinh học với thuyết tiến hóa, và thiên văn học hiện đại cũng đi theo hướng này. Tôi đã thử chỉ ra rằng tri thức lịch sử lưu giữ những mối tương quan với huyền thoại. Và nếu, có vẻ như chính khoa học cố gắng trở thành lịch sử của cuộc sống và lịch sử thế giới, chúng ta có lẽ sẽ không loại trừ trường hợp sau một thời gian dài theo đuổi những hướng khác nhau, tư duy khoa học và tư duy huyền thoại một ngày nào đó sẽ xích lại gần nhau. Theo giả thuyết này, lợi ích của nhân học trong nghiên cứu tư duy huyền thoại chứng minh càng rõ hơn qua sự đóng góp của nhân học vào việc nhận thức những khó khăn vẫn luôn hiện hữu gắn liền với hoạt động của tư duy.

Nguồn: Sách “Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại”, tr. 104-114.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *