Khoa luân lý, những người dạy luân lý, và Hội Thánh đã có cái nhìn không được thiện cảm lắm đối với giới trẻ.
Ta đừng trách họ. Vì để nên người trưởng thành, người trẻ phải tự xác định mình bằng cách chống lại các qui tắc luân lý cha mẹ họ truyền cho họ mà họ tưởng là của Hội Thánh, chống lại các mệnh lệnh xã hội. Con cái họ cũng sẽ bài bác họ và cứ như thế hết thế hệ này đến thế hệ khác. Nhưng thời nay, hơn bao giờ hết, Hội Thánh đang bị chống đối, có lẽ vì hơi cậy thế luân lý Kitô giáo, nên khi vừa mở miệng, Hội Thánh đã bị mời về: hãy dành luân lý Kitô giáo cho người Kitô hữu ! Đừng nên cản trở người khác sống theo lương tâm họ. Về vấn đề hôn nhân, ly dị, đồng tính luyến ái, Kitô hữu muốn giải quyết sao tùy họ, nhưng đừng có toan tính ngăn cản nhà nước tuyên bố các luật lệ đáp ứng phong hóa của đại đa số.
Ở đây có hai sai lầm:
– Thứ nhất: nói rằng phong hóa của đa số tạo ra một sự hợp pháp nào đó về cách ăn ở là sai: xác thịt có lẽ yếu đuối nhưng tinh thần, lương tâm của đa số vẫn sáng suốt. Các bà mẹ phá thai vẫn cảm thấy họ đang phá hoại nội tâm mình.
– Thứ hai: gán cho các Kitô hữu một phong hóa đặc biệt cũng là sai. Vì luân lý giúp hết mọi người trở nên người hơn. Tôi chống phá thai với tư cách là con người chứ không phải với tư cách là Kitô hữu. Vả lại, Kitô hữu không thể khác người khác được, vì như thế thì còn đối thoại với ai được mà không đối thoại được là dập tắt ngọn lửa truyền giáo, tức là dập tắt bản chất của Kitô hữu. Hơn nữa, một nền luân lý đích thực trên nguyên tắc phải là một nền luân lý đại đồng trong một thời gian và ở một nơi chốn nào đó. Nên ta có thể nói là không có một nền luân lý thuần túy Kitô giáo mà chỉ có một nền độ luân lý chung cho mọi người. Ngược lại, bất cứ nền luân lý đúng nghĩa nào thì cũng ít nhiều là một nền luân lý Kitô giáo, dù nền tảng của nó không dựa trên niềm tin vào Chúa Kitô.
- Mọi nền luân lý đều có tính Kitô giáo
Ta đã nói rồi, là muốn nên trọn hảo về mặt luân lý, thì chỉ cần làm người cách sung mãn. Mà con người sung mãn là chính Đức Giêsu. Dù biết hay không, mọi người đều được phác thảo ngay từ lúc mới sinh theo khuôn mẫu của con người Giêsu. Vì “mọi sự được tạo dựng trong Ngài” (C1 1, 16). Điều này có nghĩa là sự hiện hữu theo bản tính nhân loại của Đức Giêsu đã và đang quyết định cách tuyệt đối sự hiện hữu và tương lai của mọi thụ tạo. Sự ra đời, sự sống, sự chết, tương lai vĩnh cửu của mọi người đều gắn liền với con người Đức Giêsu thành Nazarét.
Khi làm người như ta, Con Thiên Chúa đã mang nơi thân mình Ngài một bản tính nhân loại đích thực, và toàn vẹn, một bản tính được tạo dựng. Ngài đã thành xác phàm. Nên tất cả nhân loại, tất cả vũ trụ, tất cả sự hiện hữu và tất cả niềm hy vọng của ta đều gắn liền với biến cố Trung Tâm, với Con Người Trung Tâm này. Bằng cách nào?
Đã hẳn, nếu nhìn kế đồ của Thiên Chúa theo trình tự thời gian, ta sẽ không thấy được công cuộc nhập thể này có thể mang lại những thay đổi nào cho những thời đại và những sinh linh đã có trước biến cố ấy. Nhưng theo trình tự các loài có lý trí, thì hoạt động không có trước mà chỉ ý tưởng, ý định, chương trình mới có trước và chỉ huy tất cả.
Ý định của Thiên Chúa thế nào?
“Từ trước muôn đời Người đã tiền định cho ta được phúc làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 3-10). Mạc khải cho ta thấy, vì là tình yêu, Thiên Chúa không đặt vào trong tạo thành này một cái gì kém hơn chính bản thân Ngài; mà trái lại, Thiên Chúa chỉ có thể đặt vào đó cái cao quy nhất của Ngài là Thiên tính, là mọi sự và là Con của Ngài.
Vậy, kế hoạch từ thuở đời đời của Thiên Chúa Cha là: – tạo dựng vô số các sinh vật mà vì yêu thương Ngài sẽ phó ban toàn thân cho, như Ngài vẫn tự ban mình cho Người Con hằng hữu của Ngài – tạo dựng vô số con trai, con gái giống như Người Con yêu dấu của Ngài để thông chia cho họ mọi sự chính Ngài đã thông chia cho Con Một Ngài. Nhờ Người Con ấy, với Người Con ấy và trong người Con ấy, ta sẽ được “tham dự vào chính bản tính Thiên Chúa của Ngài” (2P 1, 4).
Phương cách Thiên Chúa chọn để trao ban trọn bản thân Ngài cho ta chính là sự nhập thể của Ngôi Lời. Nên từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã thấy Con Ngài ở giữa trung tâm của tạo thành này (Ga 1, 3). Thiên Chúa dự định rằng Con Ngài sẽ là một thọ tạo, là xác thịt, là người, là vật chật hầu biến đổi mọi người trong Người Con ấy.
- Tính nhiệm mầu Kitô giáo nơi mọi con người
Các triết gia, các tâm lý gia, các nhà xã hội học ngày nay đang cố hết sức để tìm hiểu và dò thám con người. Nhưng họ không sao có thể hiểu được con người, vì không có con người đơn thuần, tự nhiên mà chỉ có những con người đã được “Đức Kitô” tóm bắt”, được đưa vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, như Công Đồng Vatican II đã tuyên bố: “mầu nhiệm con người chỉ thực sự sáng tỏ nơi mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS 22,1). Họ không sao hiểu được con người, vì ngay từ lúc tượng thai trong lòng mẹ, họ đã được “phác thảo” theo con người hoàn hảo là chính Đức Giêsu, được “phác thảo” theo bản vị Thiên Chúa. Nên bao giờ họ cũng có khát vọng yêu mến vô biên, khát vọng được yêu, được hiệp thông, được cùng sống với người khác, và được người ta biết đến. Họ được “phác thảo” để sống như Thiên Chúa và yêu mến như Thiên Chúa. Chính vì thế mà, hễ đã là người, thì ai cũng là mẫu vẽ Giêsu, cũng là bức phác thảo của Ngài. Cả nhân loại này đang dậy men Giêsu mà vươn tới sự “hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi”, để được tháp nhập vào trong thế giới của Thiên Chúa, nhưng được nhập cách chậm chạp, khó nhọc với những chống cưỡng, thất bại đổ vỡ. Vì khi được mời gọi nên con cái Thiên Chúa họ chỉ là những thọ tạo bất toàn.
Mục tiêu cuối cùng của luân lý là hạnh phúc, là sự tăng trưởng, sự triển nở toàn diện của tất cả mọi người, khuôn mẫu của sự tăng trưởng đó là Đức Giêsu Kitô. Luân lý Kitô giáo cũng có cùng một mục tiêu là nhắm đến hạnh phúc chân chính. Trung thành với lương tâm mình, Kitô hữu phải liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý những vấn đề luân lý đã được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội (GS 16). Ai theo lương tâm vận dụng được những yếu tố của chính mình, người ấy đang sống theo luân lý Kitô giáo. Vì họ đã được phác hoạ theo khuôn mẫu Giêsu.
- Luân lý của con người
Như vậy, luân lý không phải là một bộ luật mà là một Ai đó đang biến đổi con người, miễn là họ để lương tâm họ dẫn dắt, hay nói cách khác, miễn là họ đồng ý lắng nghe Ngài, sống trong Ngài và để Ngài sống trong họ. Đó là chóp đỉnh của luân lý, đó cũng là sự thánh thiện. Vậy mà người ta lại sợ luân lý Kitô giáo? Do một nền giáo dục bị lệch lạc, do áp lực dai dẳng của môi trường, sức mãnh liệt mù quáng của các đam mê đã giam hãm con người trong một tâm trạng rối loạn, con người không còn phân biệt được đâu là luân lý chân chính, đâu là cải trang giả dối của nó. Hội Thánh thì lại quá vụ luật, quá tự tin, đông cứng trong những diễn từ quá khứ của mình đã khiến một số người thiện chí phải đi tìm một tư tưởng, một lời khác để thay thế vào. Một số khác lại sa vào thứ luân lý phóng đãng. Nhưng hiện vẫn còn hàng triệu những con người, đang thể hiện nơi họ một phẩm giá của con người chân chính, đang có mặt trên đời chỉ để làm chứng cách âm thầm về con người bằng cách sống thân phận con người. Luân lý là vấn đề liên quan tới con người chứ không phải là vấn đề liên quan đến khối óc. Nên ta đừng buồn phiền trước sự hỗn loạn của hiện tại, trước những biến đổi, những lủng củng, những trống rỗng của luân lý, khi đứng trước bao nhiêu vấn đề mới. Trật tự trí tuệ xưa kia rất cao ngạo, nay hầu như tuyệt vọng, đang nghêng ngả, lão đảo không còn kiểm soát được các quyết định và phong hóa, nhưng có lẽ mọi sự sẽ khá hơn nếu người ta biết coi trọng và để cho trật tự của con tim lôi cuốn họ.
Lúc ấy, người ta sẽ không còn khiếp sợ luân lý Kitô giáo nữa vì khi ấy luân lý sẽ thành nguồn sinh lực của con người, giúp họ chấp nhận trọn vẹn niềm vui được làm người. Và sớm muộn gì, đời này hay đời sau họ sẽ phát hiện, sẽ cao rao rằng, căn nguyên và cứu cánh của niềm vui đó chính là Tình Yêu vô biên đã thấm nhập và nâng cao tình yêu của họ.
Nguồn: Sách “Một lối nhìn mới về Luân lý”, Theodule Rey-Mermet, CSsR., Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ, tr. 31-37.