TƯ DUY HẬU SOCRATES: TRẬT TỰ

Plato thực sự được coi như cha đẻ của tư duy phương Tây. Ông đã trao cho nền văn minh một phương pháp tư duy quyền năng.

Plato đúng là người ủng hộ chủ nghĩa phát xít triệt để. Nhưng ông lại là một người tốt, hành xử tử tế và không truy cầu quyền lực cho riêng mình, nên bạn không cần lo lắng những điều như vậy.

Không có gì ngạc nhiên khi bản chất sâu xa của tư duy phương Tây mang nặng tính phát xít, với những quy tắc cứng nhắc, thái độ phán xét gay gắt, bao hàm và loại trừ, những khuôn khổ và phê phán, cũng như độ chuẩn mực cao.

Trong tác phẩm The Republic (tựa Việt: Cộng hòa) của mình, Plato cho rằng xã hội được cai trị bởi một tầng lớp đặc biệt mang danh “chiến binh”. Họ xuất thân là người lính, sau đó tiến đến điều hành nhà nước. Giai cấp này được chia ra thành “nhóm lập pháp”, những người đưa ra quyết định về chính sách và “nhóm hành pháp” (như cảnh sát), những người thực thi chính sách. Người dân bình thường không có bất cứ tiếng nói nào trong chính phủ; nhưng đương nhiên, những nhà lập pháp sáng suốt đã được giáo dục đầy đủ để chăm lo cho những lợi ích của dân thường rồi.

Các chiến binh kiểu như tầng lớp cha truyền con nối, được giáo dục nghiêm khắc theo chuẩn khoa học, giống như những con ngựa đua tốt nhất sẽ được phối giống hay phát xít Đức tìm cách tạo ra những người Aryan [1] thuần chủng vậy. Gia đình và tài sản cá nhân là những thứ phù du và sẽ bị loại bỏ. Sẽ có những Nhà trẻ Thành bang cho trẻ nhỏ nên phụ nữ sẽ thoát khỏi cảnh làm nô lệ trong các gia đình.

Thành bang là tối thượng, và người dân phải tuân theo lợi ích và nhu cầu của Thành bang. Sẽ có kiểm duyệt nghệ thuật và hoạt động giáo dục. Những gì có thể đe dọa đến Thành bang đều không được phép. Mục đích tổng thể của giáo dục là để tạo ra một nhóm nhỏ những chiến binh ưu tú. Việc nhân giống được sắp đặt thông qua những lễ hội kết hôn đặc biệt.

Không có gì ngạc nhiên khi một trong những mục tiêu chính của Đức Quốc xã là “tạo ra những chiến binh theo lý tưởng tối cao của Plato”. Cũng không có gì ngạc nhiên khi Plato có sức ảnh hưởng lớn tới cách tiếp cận vấn đề Thành bang và nhà nước của những người theo chủ nghĩa Mác. Như Karl Popper [2] nhận định, “Chuẩn mực đạo đức là yếu tố quan trọng ở Thành bang. Đạo đức chính là sự duy trì chính trị đó thôi.”

Trong tác phẩm Gorgias, Plato vẽ ra hình ảnh một gã côn đồ kiểu phát xít, hắn tin rằng như thế mới là chân lý, kẻ mạnh hơn và uy quyền hơn nên cai trị. Trong Cộng hòa, Thrasymachus [3] nhận định đạo đức chỉ là quyền lợi cá nhân của những “kẻ mạnh hơn”. Hai nhân vật này được nêu ra để bị bác bỏ. Plato không khuyến khích chủ nghĩa phát xít theo kiểu đâm thuê chém mướn và phản đối quy luật giàu nghèo. Điều ông muốn nói ở đây là năng lực. Critias là anh họ của mẹ Plato, Perictione. Sau khi Sparta đánh bại Athens vào năm 404 TCN, một hội đồng 30 người đã được thành lập để soạn thảo hiến pháp mới. Họ dần trở thành “Ba mươi Bạo chúa”, những kẻ lợi dụng quyền lực nhằm tư lợi cá nhân. Critias là một thành viên trong Ba mươi Bạo chúa nhưng Plato có vẻ chưa bao giờ phê phán Critias.

“Tư duy phương Tây thể hiện tính phát xít triệt để qua sự chuẩn mực và tuyệt đối của nó.”

Plato và Critias nhất trí rằng nền dân chủ thiếu kiểm soát sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Thành bang – giống như những gì đã xảy ra với Athens. Nền dân chủ ở Athens khác với nền dân chủ ngày nay. Phụ nữ, nô lệ và người dân sinh ra ở những thành phố khác không được bầu cử. Những người khác tụ họp tại Hội đồng để bỏ phiếu khi có vấn đề. Bỏ phiếu trực tiếp, không có các bên đại diện can thiệp. Plato tin rằng cách thức này đầy rủi ro, boi quan điểm của mọi người có thể dễ dàng bị lung lạc – cũng như thời nay, người ta lo sợ rằng các cuộc vận động bầu cử chuyên nghiệp và bài bản có thể kiểm soát kết quả bầu cử.

Cùng lúc đó, các nhà ngụy biện điều hành các trường dạy hùng biện, những nơi tập trung chuẩn xác vào việc phát triển các kỹ năng thuyết phục và khẳng định rằng với những kỹ năng này thì “những lý lẽ yếu kém cũng có thể làm nên kẻ mạnh hơn”. Các nhà hùng biện triết học này cũng là người theo thuyết tương đối và chủ nghĩa hoài nghi. Họ tin tưởng vào động cơ cá nhân và ưu thế của nhận thức tức thời.

Vậy nên, khi đối mặt với một nền dân chủ “hỗn tạp” và sự phát triển của các nhà hùng biện tài ba nhưng vô lương, Plato đã lựa chọn một thể chế nhà nước dựa vào các nhà lập pháp, những người được nuôi dưỡng và đào tạo để cai trị.

Bởi vì Plato ủng hộ chủ nghĩa phát xít không có nghĩa là chúng ta phải áp dụng kiểu phán xét cục bộ của ông – thứ mà lối tư duy truyền thống đòi hỏi. Chúng ta có thể gọi ông là người theo nguyên tắc tập trung, người chuyên chế, kẻ độc tài, hay đơn giản hơn, người theo chủ nghĩa không tưởng.

Plato quan tâm đến trật tự, quy tắc, sự thật, chân lý, những khuôn khổ và nguyên tắc giúp đưa ra các phán đoán có ý thức rõ ràng. Cung cách này xuất hiện trong cả trường hợp áp đặt trật tự kiểu phát xít ở Thành bang và trong tư duy của chúng ta – đây chính là đóng góp của Plato đối với nền văn minh phương Tây.

Thật không đúng khi nói rằng, bởi chủ nghĩa phát xít dưới dạng thức hạn chế hơn là phương thức cai trị không thể chấp nhận được nên tư duy kiểu phát xít cũng không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, rõ ràng là tư duy phương Tây thể hiện tính phát xít triệt để qua sự chuẩn mực và tuyệt đối của nó. Mỉa mai thay, ngay cả khi nghĩ về nền dân chủ, chúng ta vẫn nghĩ theo cách cứng nhắc và phòng thủ kiểu phát xít. Chúng ta chấp nhận những khía cạnh cố hữu nào đó khác xa tính dân chủ.

Khi lựa chọn giữa trật tự và hỗn loạn, hầu hết mọi người sẽ chọn trật tự. Plato bị ấn tượng bởi trật tự đầy quyền năng của nhà nước Sparta đặc tính phát xít (công dân được phép giết nông nô mỗi năm một lần), quốc gia đã đánh bại Athens. Trật tự mà Plato đưa vào tư duy và các thành viên khác trong tam đại triết gia vô cùng hấp dẫn đối với các nhà tư tưởng đời sau. Nhưng bây giờ, đã đến lúc tiến lên. Có lẽ, điều cần thiết lúc này là tận dụng các phương pháp tư duy mang tính xây dựng cao hơn và sáng tạo hơn.

———————————————

[1] Tộc người Aryan là những cư dân da trắng, cao lớn, được phát xít Đức, đứng đầu là Adolf Hitler, tôn vinh là chủng tộc ưu tú hơn mọi chủng người khác. Chính vì thế, phát xít Đức đề ra chương trình nhằm nuôi dưỡng và sản sinh ra những trẻ em tộc Aryan thuần chủng.

[2] Karl Popper (1902 – 1994) là triết gia người Áo, người đề xuất các ý tưởng về một xã hội mở, trong đó sự bất đồng chính kiến được chấp nhận. Ông được xem là người sáng lập chủ nghĩa duy lý phê phán.

[3] Thrasymachus (459 – 400 TCN) là một giáo sư triết học thời Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng với vai trò một nhân vật trong cuốn Cộng hòa của Plato.

Nguồn: Sách “Tư Duy Hậu Socrates”, tr. 25-31

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *