Ngày 3 Tháng 3
Thánh Katharine Drexel (1858 – 1955) |
Nếu cha bạn là một ông chủ ngân hàng quốc tế và bạn có xe lửa riêng, có lẽ khó để bạn bị lôi cuốn đến những công việc tình nguyện cho người nghèo. Nhưng nếu hàng tuần mẹ bạn dành ba ngày để tiếp đón người nghèo, và cha bạn dành nửa giờ mỗi ngày để cầu nguyện, có lẽ không khó để bạn hy sinh cuộc đời cho người nghèo và cho đi 12 triệu đô la. Ðó là điều mà Thánh Katharine Drexel đã thực hiện.
Ngài sinh ở Philadelphia, Hoa Kỳ, năm 1858 và là cô con gái thứ hai của ông bà Drexel. Sau khi chào đời được hai năm thì người mẹ ruột từ trần. Hai năm sau, cha ngài tái hôn và họ có thêm một cô con gái nữa. Tất cả ba cô đều có một nền tảng giáo dục vững chắc và thường đi du lịch nhiều nơi. Khi Katharine hai mươi mốt tuổi, là con gái nhà giầu, ngài sẵn sàng có địa vị trong xã hội, nhưng khi chăm sóc người mẹ ghẻ trong ba năm bị bệnh ung thư, ngài thấy rằng mọi tài sản của dòng họ Drexel cũng không thể cứu được con người khỏi sự đau khổ và cái chết, từ đó cuộc đời ngài thay đổi đáng kể.
Vào năm 1885, ông Drexel từ trần để lại gia tài kếch sù cho ba cô con gái. Lúc bấy giờ, Katharine và hai chị em đều gia nhập tổ chức Tông Ðồ Giáo Dân. Họ thường để ý đến hoàn cảnh khó khăn của người da đỏ, và thường bàng hoàng khi đọc những câu truyện về người da đỏ Mỹ Châu. Trong chuyến du lịch Âu Châu, ngài được gặp Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII và xin Ðức Thánh Cha gửi thêm các nhà truyền giáo đến Wyoming để giúp đỡ bạn của ngài, là Ðức Giám Mục James O’Connor. Ðức giáo hoàng trả lời, “Tại sao chính con không trở nên nhà tryền giáo?” Câu trả lời ấy đã khích động ngài đến độ phải nằm bệnh trong vài ngày.
Trở về Hoa Kỳ, ngài đến thăm người da đỏ Dakota, gặp tù trưởng Red Cloud và bắt đầu giúp đỡ họ.
Việc lập gia đình đối với Katharine thì quá dễ dàng. Nhưng sau các cuộc thảo luận với Ðức Giám Mục O’Connor, Katharine viết trong nhật ký năm 1889, “Ngày lễ Thánh Giuse năm ấy đã đem lại cho tôi một ơn sủng lớn lao để có thể hy sinh quãng đời còn lại cho người da đỏ và da mầu”. Vào ngày 7 tháng Mười Một 1889, ngài mặc áo dòng và lấy tên Sơ Mary Katharine. Năm ấy, các nhật báo lớn ở Hoa Kỳ đều chạy hàng chữ ngay trang đầu, “Dám Bỏ 7 Triệu Ðôla!”
Sau ba năm rưỡi huấn luyện, Katharine và mười ba nữ tu đầu tiên của ngài (Sisters of the Blessed Sacrament for Indians and Colored – Nữ Tu Thánh Thể cho Người Da Ðỏ và Da Mầu) mở trường học ở Santa Fe. Tiếp đó các trường học nối đuôi nhau thành lập. Vào năm 1915, ngài thành lập Ðại Học Xavier ở New Orleans, là đại học đầu tiên ở Hoa Kỳ dành cho người da đen.
Cho đến năm 1942, ngài đã thiết lập xong hệ thống trường Công Giáo cho người da đen trong 13 tiểu bang, cộng thêm 40 trung tâm truyền giáo và 23 trường làng. Những người kỳ thị chủng tộc đã quấy phá công việc của ngài, họ đốt cả một trường học của ngài ở Pennsylvania. Tổng cộng, ngài đã thành lập 50 trung tâm truyền giáo cho người da đỏ trong 16 tiểu bang.
Khi 77 tuổi, ngài bị kích xúc tim nhưng vẫn tiếp tục đến các trung tâm truyền giáo để hướng dẫn các sơ trong dòng. Vào năm 1941, ngài mừng lễ kim khánh thành lập dòng, và Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã đề cập đến thành quả của ngài như “một trang sử huy hoàng trong biên niên sử của Giáo Hội”.
Trong những năm cuối đời, Mẹ Katharine Drexel bị liệt, ngài sống âm thầm cầu nguyện trong căn phòng nhỏ nhìn về phía cung thánh. Nhiều mẩu giấy ghi lại các lời cầu nguyện của ngài, cũng như những suy niệm và những nguyện vọng vô tận. Ngài từ trần khi 96 tuổi. Tổng cộng ngài đã dùng 12 triệu đô la tài sản của ngài cho công cuộc truyền giáo cho người da đỏ và da đen ở Hoa Kỳ.
Vào tháng Mười Một 1988, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước. Và đầu tháng Mười năm 2000, ngài đã được phong Thánh.
Lời Bàn
Các Thánh luôn luôn có những lời khuyên giống nhau: Hãy cầu nguyện, sống khiêm tốn, chấp nhận thập giá, hãy yêu thương và tha thứ cho tha nhân. Nhưng khi được nghe những lời ấy từ một người, có tất cả những giầu sang của trần thế, được báo chí phỏng vấn, được du lịch trên các toa xe lửa hạng sang, thì đó là một nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta biết, sự thánh thiện có thể thực hiện được trong thế giới hôm nay cũng như ở Giêrusalem hoặc Rôma thuở xưa.
Lời Trích
“Sự kiên nhẫn và khiêm tốn chịu đựng thập giá – dù bất cứ thập giá nào – là công việc cao cả nhất mà chúng ta phải thi hành.
“Ôi, dù đã 84 tuổi mà tôi vẫn còn xa vời với hình ảnh của Ðức Giêsu trong cuộc đời thánh thiện của Ngài ở trần thế!” (Mẹ Katherine Drexel)
“Ôi, dù đã 84 tuổi mà tôi vẫn còn xa vời với hình ảnh của Ðức Giêsu trong cuộc đời thánh thiện của Ngài ở trần thế!” (Mẹ Katherine Drexel)
Trích từ NguoiTinHuu.com