1. Cám dỗ của trình độ
Sống trong cuộc đời, người ta luôn có cảm tưởng rằng, khi mình có trình độ cao, mình sẽ được một sự bảo đảm cho cuộc đời của mình. Khi ta có một bằng cấp cao, một tay nghề cao, một khả năng giỏi trong một lãnh vực nào đó, ta thấy tự tin và vững bước trên đường đời. Đó là điều qua rõ ràng và người ta có thể kiểm nghiệm sự đúng đắn của nẻo đường này một cách thực tế.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế trở thành gần như quy luật, đó là khi người ta càng tự tin vào mình, khi người ta càng thăng tiến về trình độ, khi người ta càng có khả năng giải quyết nhiều chuyện trong cuộc đời của mình, thì người ta lại càng ít cảm thấy cần tới người khác, hoặc chỉ cần tới người khác như một sự chiếm hữu, thống trị, chứ không phải như một sự cần thiết của sự truy nhận tầm quan trọng thiết yếu của một người mình yêu thương.
Mặt khác, một người ưu tư quá về “trình độ” thực sự là người ướm đời mình vào một thang điểm chứ không phải là người thể hiện cuộc đời mình trong tương quan nghĩa tình. Vì thang điểm là một thứ chuẩn mực chung, nên người như thế thường có mối quan tâm so sánh, nhìn người này để tự tôn và nhìn người kia rồi tự ty. Người ưu tư về trình độ, thật ra là người ưu tư về bản thân mình, sống vì mình, cho mình, chứ không phải sống vì ai khác. Cuối cùng, con đường thăng tiến trong trình độ là con đường của những người ưu tuyển, con đường lọc lựa để gạt ra bên ngoài những gì thấp kém… và con đường đó cũng dẫn đến việc loại ra ngoài cả những người thấp kém… Xã hội thiếu nghĩa tình luôn là một cuộc thi gắt gao mà những người bé mọn dĩ nhiên là những kẻ bị loại trừ.
Con đường của thăng tiến trình độ là con đường của những người muốn khẳng định chính mình, khẳng định chính mình bằng năng lực của mình, bằng sự vun đắp cá nhân mình. Trong khi đó, con đường trung tín là con đường của tình thương chân chính, là con đường người này có thể chấp nhận được người kia trên suốt hành trình dài của cuộc đời, để làm nên một bề dày nghĩa tình…
Mặt khác, ta có thế thấy một sự khác biệt giữa trung tín và trình độ trong mối tương quan riêng biệt của mỗi khía cạnh : thăng tiến trong trình độ là thái độ sống với Thiên Chúa như một người thầy; trong khi đó, trung tìn là thái độ sống với Thiên Chúa như một người cha.
Người thầy là người dạy cho học trò những kiến thức cần thiết trong chương trình học. Người thầy sau khi đã làm đầy đủ bổn phận, thì có thể an tâm đối với trách nhiệm của mình. Khi học trò đi thi, người thầy không thể là người làm bài thay cho học trò. Có thể người thầy cũng buồn khi thấy ngươì học trò của mình thi rớt, những điều ấy cũng không đến nỗi chi phối, hoặc có những ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời của thầy. Ngược lại, người cha là người gắn bó cả cuộc đời với con. Người cha không thể nghĩ rằng mình đã hoàn thành trách vụ làm cha khi dạy cho con một bài học hay, nhưng người cha được thôi thúc để tiếp tục dính dáng vào cuộc đời của con, tiếp tục thực hiện mãi tất cả những gì có thể để đứa con của mình được thành công trong cuộc đời.
Việc học của học trò được chuẩn hóa theo một chương trình, được đánh giá theo một thang điểm để xác định trình độ cao thấp và người thầy phải áp dụng thang điểm ấy để đánh giá học trò. Trách nhiệm chính yếu của người cha thì không phải là đánh giá khả năng, đức tính của con trong một chương trình huấn luyện nào đó, nhưng là người đồng hành với con trong suốt cuộc đời của mình. Cuộc đời là một hành trình có rất nhiều bất ngờ, có rất nhiều tình huống không thể áp dụng đơn giản một phương cách giải quyết nào; chính vì thế, cuộc đời con người cần có người cha. Có khi đứa con rơi vào tình trạng mất hết tất cả những gì là tốt đẹp của một con người, đứa con tội phạm, hoặc đứa con mang căn bệnh thời đại, đứa con vô ân bội nghĩa… thì người cha lại là người có khả năng liên lụy với đứa con trong những lúc khó khăn nhất, những lúc bi đát nhất, những trường hợp đau thương nhất.
Ta cũng có thể thấy sự khác biệt giữa trung tín và trình độ trong tương quan với môi trường sống chung quanh. Nơi thế giới ngoài đường, người ta đòi hỏi con người phải có trình độ để có thể chơi với đời, trình độ về năng lực cũng như trình độ về đạo đức. Trong cuộc sống xã hội, người ta không chấp nhận cho một người không có năng lực đảm nhận một vị trí quan trọng, người ta không chấp nhận thu nhận một công nhân không có tay nghề, và người ta cũng không chấp nhận một người không có đức độ. Đó cũng là điều hết sức bình thường trong qui luật sống của xã hội. Tuy nhiên, thế giới ngoài đường là thế giới đón nhận một con người trong một giai đoạn của tài năng, trong một “nhiệm kỳ” của chức vụ. Khi một ai đó không còn năng lực, thế giới ngoài đường sẽ loại bỏ anh ta như một quy luật bình thường của cuộc sống.
Trong đời sống gia đình, người ta có thể thấy một qui luật trái ngược. Cha mẹ, anh chị em ruột thì, theo quy luật bình thường, là những người biết đón nhận trọn vẹn bản thân của nhau. Do đó, người sống trong gia đình mới tìm được một sự an hòa sâu xa trong tâm hồn. Trong nhà, chính những đứa con kém nhất lại là những đứa con được cha mẹ chăm sóc riêng và được yêu thương nhiều hơn hết. Cha mẹ không đánh giá đứa con mình theo trình độ, trừ khi người ta bị chi phối của cuộc sống xã hội và chơi theo quy luật của xã hội. Những khi cha mẹ biết mình sắp qua đi, thì lời trăn trối có lẽ bao giờ cũng là những lời trăn trối làm sao để những đứa con có điều kiện thuận lợi biết chăm lo cho những đứa con kém may mắn nhất.
Thế giới ngoài đường là thế giới của “trình độ”, thế giới trong nhà là thế giới của lòng “trung tín”.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định một sự đảo ngược kỳ lạ : “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” (Lc 13,20). Đó không phải là một ý định kỳ cục nhằm khẳng định một Thiên Chúa toàn năng muốn làm gì thì làm, nhưng điều đó, có thể nói, diễn tả một quy luật của tình thương, khác với quy luật của sự thăng tiến trong trình độ. Chính những người Biệt phái là bằng chứng rõ ràng nhất của một thứ “cám dỗ của trình độ”
2. Hai ý nghĩa của trung tín
Thái độ trung tín diễn tả một thứ tình yêu được thể hiện trong dòng đời, vượt qua những thăng trầm của thời cuộc và đón nhận được toàn vẹn bản thân một ai khác. Con người chỉ trọn vẹn là mình trong dòng đời. Trong dòng cuộc sống thực và cuộc sống lâu dài, con người mới thể hiện chân chính bản thân mình và mới thực sự biết mình là ai. Do đó, cũng chỉ trong dòng cuộc đời thật, tình yêu thương của một người này với người kia mới thực sự được chứng nghiệm một cách đúng đắn. Trung tín chính là thước đo của tình yêu thương đích thực.
Tuy nhiên, trung tín cũng có hai ý nghĩa, hoặc là hai chiều kích : trung tín như một phẩm chất, nghĩa là không có vướng vào một chút bất trung nào; và trung tín như một tiến trình, nghĩa là một khả năng bắt đầu lại mỗi khi rơi vào tình trạng bất trung.
Về phía Thiên Chúa, ta dễ dàng thấy được một sự trung tín trọn vẹn. Thiên Chúa trung tín chẳng bao giở từ bỏ giao ước Ngài đã ký kết với con người; nhưng sự trung tín của Thiên Chúa còn trọn vẹn hơn ở chỗ ngay cả khi con người bất trung, thì sự trung tín của Ngài vẫn trải dài một cách kiên bền để có thể đón nhận được sự bắt đầu lại của con người; bởi vì chính “bản chất” của Thiên Chúa là tình yêu, và trung tín là một khía cạnh thiếu yếu của tình yêu :
“Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”. (2Tm 2,13)
Con người được mời gọi sống trung tín, nhưng con người lại sống trong tình trạng tội lỗi. Do đó, con người khó có thể sống sự trung tín như một phẩm chất tinh tuyền. Con người chỉ có thể trung tín như một khả năng bắt đầu lại. Chính sự trung tín của Thiên Chúa, sự trung tín có khả năng đón nhận sự bắt đầu lại của con người, chính sự trung tín ấy mở đường để con người có thể sống tín trung với Chúa, trước tiên và một cách căn bản, như một hành trình của đức Cậy, nghĩa là khẳ năng bắt đầu lại.
Con người sống trong quy chế thời gian, con người chỉ là mình trong giòng lịch sử. Khi Thiên Chúa quyết định dấn thân vào việc cứu độ con người, thì Thiên Chúa chấp nhận nương theo quy chế hiện hữu của con người. Thiên Chúa chấp nhận con người cách toàn vẹn, nghĩa là chấp nhận con người không phải như tình trạng trong sạch của con người ở đây và lúc này mà thôi, nhưng Thiên Chúa còn có khả năng đón nhận con người trong bước thăng trầm của lịch sử. Thiên Chúa trung tín, nghĩa là Thiên Chúa tỏ bày sự kiên trì của Ngài để giúp con người thực hiện vận mệnh của mình trong dòng lịch sử. Ngài đã dấn thân vào thời gian, đồng hành và liên lụy với con người trong dòng lịch sử, thì Ngài cũng không thể chỉ khăng khăng cân đo công đức của con người như một phẩm chất, nhưng Ngài đã thể hiện một sự dấn thân trọn vẹn bằng cách thể hiện một sự trung tín có khả năng đồng hành với cuộc đời thăng trầm, trầy trật của con người trên bước đường đời.
3. Trung tín là phẩm chất căn bản của tình yêu
Con người vốn đã là một huyền nhiệm, nghĩa là chẳng ai có thể hiểu thấu được. Từ thế kỷ XX, người ta đã không còn muốn định nghĩa con người như là một “động vật có lý trí” hay bất cứ một định nghĩa minh bạch nào khác. Bây giờ, người ta thích điều mà thánh Âu Tinh nói : Con người, ôi bao la sâu thẳm dường bao.
Hơn nữa, con người trong dòng cuộc sống lại là một điều không một học thuyết triết học nào có thể minh giải một cách trọn vẹn. Con người đi vào cuộc đời, đó là một bài toán chưa có lời giải. Cuộc sống con người cứ như một chân trời mở ra mà không ai biết trước được một cách chắc chắn điều gì sẽ xẩy ra, điều gì sẽ hoàn thành. Có những con người tưởng chừng như chắc chắn sẽ thành công nhưng đáp số cuối cùng lại là một sự thất bại lớn; và ngược lại cũng thế. Chúng ta có thể thấy được điều đó bằng vô số thí dụ xẩy ra hằng ngày trong cuộc sống.
Những ai có một chút kinh nghiệm trong cuộc sống thì hiểu ra được rằng… cuộc đời không phải là một con đường bằng phẳng… Hơn nữa, cuộc sống con người, trong bản chất sâu xa, luôn dính dáng đến những “giới hạn căn bản” của kiếp sống con người. Sinh lão bệnh tử là những điều mà bất cứ ai cũng không thể tránh được. Nhân vô thập toàn, hay “con người là sinh vật có bệnh”… đó là những điều không phải chỉ xuất hiện ở cuối đường đời, nhưng là những ấn dấu ghi khắc trên mọi chặng của cuộc đời.
Như thế, con người chỉ là mình trọn vẹn trong một cuộc đời. Chấp nhận một con người trọn vẹn cũng có nghĩa là chấp nhận một con người và một cuộc đời. khi Thiên Chúa giao ước với con người bằng một giao ước bản thân, khi Thiên Chúa đã chấp nhận yêu thương đến cùng, thì Ngài cũng thể tình yêu ấy trong một lòng trung tín có khả năng đi dài theo hành trình của con người. Tình yêu Thiên Chúa chắc chắn không phải chỉ là một chút hứng khởi của tình cảm, không phải chỉ là một sự đánh giá nhau trong mức độ thăng tiến, mà là một sự đón nhận trọn vẹn bản thân của một con người trên hành trình phức tạp của cuộc đời.
Tình yêu thương Kitô giáo không phải chỉ là một chút hứng khởi kiểu Eros (một thứ điên loạn xuất thần), nhưng là một tình yêu hướng tới lý tưởng “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).
Cũng thế, tình yêu theo tinh thần Kitô giáo không phải chỉ là một chút hứng khởi, không phải chỉ là một sự thăng hoa để thêm vào cho cuộc sống thêm mặn mà; nhưng tình yêu là điều thực sự cần thiết để con người có thể sống trọn kiếp người. Con người cần sống tình yêu để có thể hướng đến một sự sống lý tưởng của hạt lúa “thối đi” và trổ sinh những bông hạt khác, lý tưởng “hy sinh tính mạng vì bạn hữu”; cũng như con người cần được yêu thương, một thứ tình yêu dám liên lụy trọn vẹn cuộc đời với người mình yêu, để có thể giúp nhau vượt qua được những thử thách bất ngờ của một đời người. Tình yêu thương Kitô giáo mang một ý nghĩa căn bản là “tính chất cứu độ”. Chính vì con người cần được liên lụy trong suốt hành trình cuộc đời, mà Chúa cho con người, bình thường, được có cha có mẹ…. Và tình yêu vợ chồng cũng không đi ra ngoài qui luật chung của tình yêu, nghĩa là đón nhận nhau ” khi thinh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ…“… Người Kitô hữu không được quyền nói như người ta vẫn nói : hôn nhân giết chết tình yêu. Người Kitô hữu, sống theo lý tưởng tình yêu Agapê, cần đón nhận đời sống hôn nhânnhư một hành trình yêu thương hướng tới lý tưởng hy sinh mạng sống cho nhau, nơi đó không còn những hứng khởi thăng hoa, nhưng lại đầy tràn những liên lụy trong những khó khăn của cuộc sống thật.
Thật sự ra, trong tình tự của tình yêu Kitô giáo, sự thăng tiến trong chiều dọc của trình độ có lẽ không quan trọng cho bằng một sự “thăng tiến” trong chiều ngang của trung tín, đúng hơn, đó là “chuyện của Chúa” chứ không phải chuyện của ta. “chuyện của ta”, đó là trung tín, trung tín theo ý nghĩa lịch sử, nghĩa là ngã thì trỗi dậy, có vấy bùn cũng không bỏ mất niềm trông cậy vào Chúa; và điều đạt được ở đây chưa hẳn là trình độ thánh thiện cao vời cho bằng là một thứ bề dày nghĩa tình.
* Tạm Kết
Đức Gioan phaolô II nói rằng tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vô điều kiện. Những Đức Bênêdictô XVI lại nói tình yêu Thiên Chúa còn lớn hơn tình yêu vô điều kiện, đó là tình-yêu-tha-thứ”. Chính trong ý nghĩa của tình yêu tha thứ ấy, chúng ta được mời gọi để trung tín, trung tín đến cùng, trung tín bất chấp một lỗi lầm, trung tín bất chấp mọi yếu đuối…
Ta có dám tin vào phẩm chất tình yêu tha thứ của Thiên Chúa không ?