Thánh Phaolô cầm con rắn độc
Tranh của Martin de Vos (1580)
Nên nhớ Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ rằng sau khi Ngài về trời thì họ sẽ nhận lãnh Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần (Ga 14, 26[1]). Giáo huấn của họ sẽ không sai lạc và cần thiết, được Thiên Chúa củng cố bằng những việc lạ lùng. Do đó, khi nghe các tông đồ rao giảng, các thính giả sẽ tin tưởng vào những điều họ nghe vì đó là những giáo huấn đến từ Thiên Chúa. Các phép lạ này đem đến những chứng từ khách quan và thuyết phục có liên quan đến đến sứ điệp Tin Mừng (cf. Mc 16, 20[2]; Dt 2, 4[3]).
Đây là các phép lạ được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ.
Thánh Luca nói đến sự xuất hiện hữu hình của Chúa Giêsu sau phục sinh (Cv 1, 3); cuộc thăng thiên lạ lùng của Đức Kitô (1, 9). Trong Công Vụ chương 2, nhóm 12 nhận lãnh Chúa Thánh Thần kèm theo hiện tượng lửa và gió lạ lùng, cũng như nói tiếng lạ (nghĩa là các tông đồ nói các ngôn ngữ mà các ngài không thông thạo; cf. 2, 6).
Các tông đồ thực hiện nhiều phép lạ (2, 43). Thánh Phêrô chữa lành người què ở Đền thờ (3, 7-11). Thiên Chúa đáp trả lời cầu nguyện của Phêrô bằng cuộc động đất (4, 31). Khanania cùng với vợ là Xaphira bị Thiên Chúa trừng phạt (5, 5-10). Nhiều điềm thiêng dấu lạ được tiếp tục thực hiện qua bàn tay các tông đồ (5, 12). Thánh Phêrô chữa lành nhiều người đến từ các thành phố khác nhau (5, 12-16). Các cửa ngục được thiên thần mở ra (5, 19). Stêphanô làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân (6, 8). Tại Samaria, Philipphê làm nhiều dấu lạ và phép lạ (8, 6.7.13).
Chúa hiện ra với Saulô, nhưng Saulô không được cứu chữa cho đến khi đáp ứng lời rao giảng Tin Mừng của Khanania (9, 3-9). Khanania chữa Saulô khỏi mù (9, 17-18). Phêrô chữa Enê khỏi bệnh tê bại (9, 32-35). Tại Gióppa, Phêrô làm cho bà Tabitha (có nghĩa là Linh Dương) sống lại (9, 39-42).
Ông đại đội trưởng Cornêliô thấy thiên sứ. Ông và cả nhà nói các thứ tiếng và được cứu độ nhờ đáp trả lại lời rao giảng Tin Mừng của Phêrô (10, 4.46; cf. v. 48; 11, 14). Phêrô thị kiến trên sân thượng và nói chuyện với Thiên Chúa (10, 9-22).
Cửa ngục được mở ra cách lạ lùng (12, 10). Thánh Phaolô chữa người mù Êlyma (13, 11-12); làm các phép lạ ở Icôniô (14, 3.4). Tại Lystra, Phaolô chữa lành người què (14, 8-18); chữa người phụ nữ bị thần ô uế ám (16, 18). Cuộc động đất lạ lùng phá tan xiềng xích và cửa ngục tại Philipphê (16, 26). Tại Êphêsô, có chừng mười hai người nói tiếng lạ và nói tiên tri (19, 6). Phaolô làm nhiều phép lạ khác tại tại Êphêsô (19, 11.12). Tại Troa, Thánh Phaolô cho Êutikhô sống lại từ cõi chết (20, 8-12). Tại Malta, Thánh Phaolô không bị rắn độc làm hại (28, 3-6), ngài cũng cứu chữa các bệnh nhân trên đảo khỏi bệnh tật (28, 8-9).
Như vậy, nếu có ai muốn “giải huyền” những điều lạ lùng được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ thì họ đã không xét đến sự tăng trưởng và phát triển thần kỳ của Giáo hội sơ thời. Thật vậy, chúng ta sẽ gặp khó khăn khi phải giải thích tại sao có quá nhiều người Hy Lạp, Roma và “những kẻ man di” (nghĩa là những người không phải Hy Lạp) lại tuân phục Tin Mừng đến như vậy. Có thật hợp lý khi cho rằng Phaolô đi lên một vài hải đảo nào đó ở Địa Trung Hải và rồi cải đạo được nhiều người chỉ vì ngài có sức thuyết phục hay thân thiện – hay lý do nào khác nữa? Trái lại, chúng ta tin rằng họ đã nhìn thấy những hành động không thể phản bác được đã củng cố cho sứ điệp của vị tông đồ. Nhiều người đã tin vào sứ điệp được các phép lạ củng cố. Đó là lý do giải thích cho sự thành công thần kỳ của việc rao giảng Tin Mừng vào thế kỷ đầu tiên.
Nguồn tin: Gpquinhon.org