Thông tin tác phẩm:
ÁNH SÁNG TRONG BÓNG TỐI: Trải nghiệm đạo đức học Kitô giáo và Triết học xã hội
Tác giả: Semen Lyudvigovich Frank
Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng
Nhà xuất bản: Tri Thức
Kích thước: 16×24 cm
Số trang: 360
—————————————————————————
1.Tác giả
Semen Lyudvigovich Frank sinh năm 1877, tại Moskva, trong một gia đình y khoa.
Năm 1894, ông thi đậu khoa luật Đại học Tổng hợp Moskva. Trong thời gian học ông tham gia vào những nhóm cách mạng của sinh viên. Năm 1899, ông bị lưu đày đến vùng Nijni Novogorod do hoạt động cách mạng. Sau đó ông được phép ra nước ngoài và theo học ở các đại học Heidelberg và Munich. Mùa xuân năm 1901, ông thi đậu sát hạch ở Đại học Tổng hợp Kazan.
Trong hoạt động văn hóa ông gần gũi với P. B. Struve, một triết gia – nhà hoạt động cách mạng. Ông hợp tác chặt chẽ với N. Berdyaev và S. Bulgakov trong tạp chí Con đường mới và Những vấn đề của cuộc sống.
Tác phẩm Ánh sáng trong bóng tối được đánh giá là công trình giá trị nhất của S. Frank, tổng kết nhiều suy tư của ông về trải nghiệm đạo đức Kitô giáo và triết học xã hội.
2. Tác phẩm
Tác phẩm Ánh sáng trong bóng tối được đánh giá là công trình có giá trị nhất của S. Frank, tổng kết nhiều suy tư của ông về trải nghiệm đạo đức Kitô giáo và triết học xã hội. Nhan đề của tác phẩm đước lấy từ một câu trong Phúc Âm của vị tông đồ Gioan, điều này khiến cho nhiều người có thể lầm tưởng đây là một luận văn thần học. Tuy nhiên, ngay trong Lời nói đầu S. Frank đã minh định tác phẩm của mình như sau:
“Qua vẻ bề ngoài, suy tưởng của tôi có tính cách của một luận văn thần học. Tôi muốn cảnh báo bạn đọc rằng, – không biết chuyện này là tốt hay xấu – vẻ bề ngoài ấy không hoàn toàn phù hợp với thực chất bên trong tư duy của tôi. Thực ra toàn bộ phát triển trí tuệ cũng như tinh thần của tôi đã dẫn đưa tôi đi đến, không chỉ có đánh giá cao tư duy Kitô giáo truyền thống, mà còn thừa nhận tính chân lí tuyệt đối ở khải huyền của Đức Kitô; tôi đã đi đến niềm tin chắc rằng tất cả mọi tai họa của nhân loại suy đến cùng đều có nguồn gốc từ tình trạng tách rời của nhân loại khỏi truyền thống Kitô giáo, – tình trạng tách rời xảy ra đã từ lâu và mỗi lúc càng lún sâu hơn nữa, và rằng tất cả những hoài vọng cao cả nhất của loài người đã được suy xét kĩ, đều chỉ là những biểu hiện của những đòi hỏi lương tâm Kitô giáo vốn có từ xa xưa.
Tuy nhiên, mặt khác tôi thấy e ngại và không muốn là nhà thần học, không phải chỉ vì tôi không phải là nhà thần học mà là nhà triết học tự do theo đào tạo cũng như theo tư chất tinh thần, mà còn là vì tôi không sao khắc phục được cảm nhận, cho rằng trong bất cứ thần học giáo điều trừu tượng nào cũng đều có nguy cơ của lời nói trống rỗng đầy tội lỗi”.
Nội dung của tác phẩm cho thấy đây đích thực là một cuốn sách triết học về đạo đức mà tác giả là một triết gia tự do có đức tin Kitô giáo sâu sắc, nhưng không ràng buộc bản thân với một giáo phái nào nhất định. Một số người Việt không thật sự có cảm tình với Kitô giáo (có thể là do những ngộ nhận lịch sử), nên ngoài những thành viên của các giáo hội Kitô giáo thì chẳng có mấy người chịu tìm hiểu nội dung cụ thể của Kitô giáo về phương diện văn hóa tinh thần, khả dĩ giúp cho con người có được một định hướng đạo đức trong cuộc sống thế gian đầy phức tạp này. Điều này có thể còn do cái nhìn của nhiều người Việt đương đại có học thức, tự gắn mình với thời kì Khai sáng của văn hóa phương Tây, vốn là thời kì đoạn tuyệt với Kitô giáo. Những người này vì vậy thường quan niệm Kitô giáo gắn liền với tổ chức giáo hội cùng với các giáo điều và huyền thoại hoang đường. Họ không biết đến những quan niệm khác về Kitô giáo. Nhà tư tưởng Hamvas Béla (1897-1968) cũng đã nhận xét về cách hiểu thô thiển ấy như sau: “Truyền thống Kitô giáo ở châu Âu có ba kẻ thù: kẻ thù bên trong là tầng lớp giáo sĩ, kẻ thù thứ hai là thế lực chính trị, kẻ thù thứ ba là chủ nghĩa duy khoa học (szcientifizmus). Ba kẻ thù này cản trở việc thực hiện bất cứ điều gì từ Kitô giáo mang tính chất Phúc Âm. Các cuộc tấn công đều nhằm vào tôn giáo, cho dù mục tiêu không phải là tôn giáo mà là sự lạm dụng quyền lực của giới giáo sĩ, hạn chế và các tham vọng quyền lực của giới này. Nhưng cho đến tận thời gian gần đây, cả những kẻ tấn công và những kẻ bảo vệ đều ở trong một niềm tin: nói đến Kitô giáo là phải nói đến những giáo điều, các huyền thoại, các tổ chức giáo sĩ và đạo đức của nỗi sợ hãi mê tín” (Hamvas Béla, Minh triết thiêng liêng, tập III, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri thức, 2016). Khái niệm “Kitô giáo” của S. Frank trong tác phẩm này hoàn toàn khác với cách hiểu thô thiển thông thường của người đời.
Ông viết:
“Sự hoàn thiện được ngụ ý ở đây liên quan trực tiếp đến hiện hữu tinh thần nội tâm của con người vốn thuộc về lĩnh vực hoàn toàn khác của hiện hữu so với cõi trần gian và môi trường bên ngoài bao quanh chúng ta. Lời dạy bảo cơ bản của Thượng Đế hiệu triệu chúng ta hoàn thiện không phải những người khác, không phải cõi trần gian, mà là hoàn thiện chính chúng ta; và như chúng ta đã thấy, lời dạy bảo ấy không quy định cho chúng ta những hành động xác định nào đó, mà quy định một trạng thái xác định, chính là trạng thái hoàn hảo tối đa của linh hồn, một kết cấu nào đó của hiện hữu tinh thần nội tâm – trực tiếp đối với mỗi chúng ta chính là kết cấu hiện hữu của riêng mỗi chúng ta. Thế nhưng vì nội dung của tình trạng hoàn hảo nội tâm ấy là tình thương yêu, nên – chúng ta cũng đã thấy rồi – lời dạy bảo hoàn thiện trùng khớp với lời dạy bảo phát triển trong bản thân mình những sức mạnh ân phúc của tình thương yêu. Nhưng sức mạnh của tình thương yêu, theo thực chất chính là tình trạng tỏa sáng nào đó phát ra bên ngoài, thể hiện một cách cụ thể ở trong tính tích cực đạo đức, trong hoạt động tình thương yêu vì lợi ích của người gần, trong việc lan tỏa điều thiện vào cõi trần gian. Tinh thần tích cực đạo đức ở cõi trần gian, cái mệnh lệnh nhất quyết chung của lời dạy tình yêu, như vậy trùng khớp với nhiệm vụ hoàn thiện cõi trần gian ở trong ý nghĩa bao quát nhất của khái niệm này”….
3. Mục lục
Tác giả và tác phẩm
Lời nói đầu
Dẫn nhập
Chương I: Những vấn đề tinh thần của thời đại chúng ta
Chương II: Tin mừng
Chương iii: Vương quốc Thiên Chúa và “cõi trần gian”
Chương IV: Tính lưỡng phân giữa cuộc sống ở trong Thượng Đế và “ở cõi trần gian” và kết cấu đạo đức của cuộc sống
Chương V: Vương quốc Thiên Chúa và giá trị tôn giáo của sáng tạo
Chương VI: Tính tích cực đạo đức ở cõi trần gian và nhiệm vụ hoàn thiện cõi trần gian
4) Điểm nhấn
Sự hoàn thiện được ngụ ý ở đây liên quan trực tiếp đến hiện hữu tinh thần nội tâm của con người vốn thuộc về lĩnh vực hoàn toàn khác của hiện hữu so với cõi trần gian và môi trường bên ngoài bao quanh chúng ta. Lời dạy bảo cơ bản của Thượng Đế hiệu triệu chúng ta hoàn thiện không phải những người khác, không phải cõi trần gian, mà là hoàn thiện chính chúng ta; và như chúng ta đã thấy, lời dạy bảo ấy không quy định cho chúng ta những hành động xác định nào đó, mà quy định một trạng thái xác định, chính là trạng thái hoàn hảo tối đa của linh hồn, một kết cấu nào đó của hiện hữu tinh thần nội tâm – trực tiếp đối với mỗi chúng ta chính là kết cấu hiện hữu của riêng mỗi chúng ta. Thế nhưng vì nội dung của tình trạng hoàn hảo nội tâm ấy là tình thương yêu, nên – chúng ta cũng đã thấy rồi – lời dạy bảo hoàn thiện trùng khớp với lời dạy bảo phát triển trong bản thân mình những sức mạnh ân phúc của tình thương yêu. Nhưng sức mạnh của tình thương yêu, theo thực chất chính là tình trạng tỏa sáng nào đó phát ra bên ngoài, thể hiện một cách cụ thể ở trong tính tích cực đạo đức, trong hoạt động tình thương yêu vì lợi ích của người gần, trong việc lan tỏa điều thiện vào cõi trần gian. Tinh tích cực đạo đức ở cõi trần gian, cái mệnh lệnh nhất quyết chung của lời dạy tình yêu, như vậy trùng khớp với nhiệm vụ hoàn thiện cõi trần gian ở trong ý nghĩa bao quát nhất của khái niệm này.
(Trích Chương VI: Tính tích cực đạo đức ở cõi trần gian và nhiệm vụ hoàn thiện cõi trần gian, Ánh sáng trong bóng tối, Semen Lyudvigovich Frank, Nguyễn Văn Trọng dịch)