Sự tôn sùng Thánh Tâm là hình thức đặc biệt của việc tôn sùng Chúa Giesu. Trái Tim Chúa Giêsu, cũng như trái tim mọi người, thuộc về Bản Thân Người, nên đáng được tôn thờ.
Từ thời thánh Gioan và Phaolô, trong Giáo Hội luôn có hình thức sùng kính Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng vì quá yêu thế gian, nên đã ban Con Một Mình. Giáo Hội sùng kính Tình Yêu Chúa Giêsu vì Người đã ban chính mạng sống mình cho chúng ta. Nhưng đây không phải là sự sùng kính Thánh Tâm, vì sự sùng kính không nhắm đến Trái Tim Chúa Giêsu như một biểu tượng của Tình Yêu Người dành cho chúng ta.
Sang thế kỷ 11 và 12, chúng ta mới thấy xuất hiện việc sùng kính Thánh Tâm. Hình ảnh Vết Thương nơi Trái Tim Chúa biểu hiệu cho vết thương Tình Yêu. Nhiều vị thánh có công khơi lên lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa như thánh Anselmo, thánh Bernadino, thánh Gertrude, thánh Bernard, thánh Bonaventura.
Từ thế kỷ 13 tới thế kỷ 16, lòng sùng kính này bắt đầu được quảng bá, nhưng hầu hết chỉ nơi các dòng tu, hay nơi những Linh Hồn thánh thiện mới đặc biệt tôn sùng Thánh Tâm. Lòng tôn sùng này chưa được phổ biến rộng khắp, ngoại trừ lòng tôn sùng Năm Vết Thương Chúa, trong đó Vết Thương nơi Trái Tim là hình ảnh nổi bật nhất. Có lẽ dòng Phanxico có công nhất trong việc phổ biến sự tôn sùng Năm Vết Thương Chúa.
Trong thế kỷ 16, lòng tôn sùng này tiến thêm một bước, chuyển từ lãnh vực các nhà thần bí, sang các vị theo chủ nghĩa khổ hạnh. Đã có những kinh nguyện được viết ra cho việc tôn sùng này. Chúng ta có thể nghiên cứu từ những tác phẩm của hai bậc thày của đời sống tâm linh là Lanspergius (d.1539) và Louis of Blois (Blosius 1566). Chúng ta cũng có thể kể thêm Chân Phước John of Avila và thánh Francis de Sales.
Từ thời điểm đó, sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa bắt đầu phát triển mạnh hơn. Các tác giả khổ hạnh nói về nó, đặc biệt là dòng Tên, alvarez de Paz, Luis de la Puente, Thánh Jure và Nouet. Trong số những nhà thần bí và đạo đức thực hành lòng tôn sùng này có nhiều vị thánh, thí dụ: thánh Francis Borgia, Chân Phước Peter Canisius, thánh Aloysius Gonzaga và thánh Alphonsus Rodriguez, Đấng Đáng Kính Marian de Escobar… Và rồi hình Trái Tim Chúa Giesu được thấy ở mọi nơi: Nơi các trang bìa sách, trên tường của các Thánh Đường…
Dù sao đi nữa, việc tôn sùng này vẫn còn bị giới hạn nơi cá nhân, hay ít nhất nơi sự sùng kính riêng tư. Sự sùng kính công khai này chỉ được thực hiện nhờ Chân Phước Jean Eudes (1602-1680), vị hết lòng cổ võ cho việc sùng kính Thánh Tâm Chúa và Giáo Hội đã đặt thành ngày lễ kính. Jean Eudes là tông đồ của Trái Tim Đức Maria, nhưng lòng sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ có liên hệ đến Trái Tim Chúa Giêsu. Dần dần, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được tách riêng, và ngày 31.8.1670 Lễ kính Thánh Tâm Chúa được long trọng cử hành tại đại chủng viện Rennes. Chẳng bao lâu, ngày lễ được lan tới các Giáo Phận khác, và việc tôn sùng Thánh Tâm đã được chấp nhận nơi nhiều cộng đoàn Tu Sĩ khác nhau.
Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu lại được củng cố và phát triển bởi Nữ Tu đạo đức Magaret Mary Alacoque (1647-1690) thuộc dòng Thăm Viếng, vị được Chúa Giêsu chọn để phổ biến những mong muốn của Trái Tim Người và trao phó cho nhiệm vụ quảng bá một luồng khí sùng kính mới. Không có dấu hiệu nào cho thấy vị Nữ Tu đạo hạnh này biết là đã có sự sùng kính này trước khi Nữ Tu được mạc khải. Các mạc khải rất phong phú và những lần hiện ra tiếp theo thì rất đặc biệt: Một lần, Chúa Giêsu cho phép Nữ Tu Margaret Mary dựa đầu vào Trái Tim Người, như trước kia Người đã cho phép thánh Gertrude, và tỏ lộ cho Nữ Tu những Kỳ Diệu của Tình Yêu Người. Chúa nói với Nữ Tu rằng Người mong muốn cho mọi người biết về Trái Tim Người và truyền bá kho báu tình thương của Người, và rằng Người đã chọn Nữ Tu để làm công việc này. Đó là Người yêu cầu được tôn kính dưới hình Trái Tim bằng thịt của Người. Đó là Người yêu cầu việc tôn sùng dưới khía cạnh đền tạ Tình Yêu – Rước Lễ thường xuyên, rước lễ mỗi thứ Sáu đầu tháng và tuân giữ giờ Thánh. Người phán: “Hãy nhìn xem Trái Tim yêu thương loài người quá bội…thay vì tạ ơn, Cha chỉ nhận được toàn vô ơn nơi phần lớn nhân loại…” Chúa xin có ngày lễ đền tạ vào thứ Sáu sau Lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Nữ Tu Margaret Mary qua đời ngày 17.10.1690. Nhưng những người quan tâm đến việc tôn sùng Thánh Tâm vẫn tiếp tục vận động, viết sách để cổ động phong trào này. Linh Mục Croiset đã viết về cuộc đời của Nữ Tu Margaret Mary và được xuất bản năm 1691. Nơi phần phụ lục của cuốn sách, cha ghi “Cho lòng sùng kính Thánh Tâm”. Mặc dù có nhiều trở ngại và sự chậm chạp của Toà Thánh, năm 1691 Tòa Thánh đã ban phép cho các nhóm tôn sùng Thánh Tâm và năm 1697 ban phép lập lễ kính Năm Vết Thương Chúa cho dòng Thăm Viếng, nhưng từ chối không lập thành lễ cho mọi nơi. Bệnh dịch ở Marseilles năm 1720 có lẽ là dịp để lần đầu tiên người ta long trọng tận hiến và sùng kính công khai Thánh Tâm Chúa, chứ không chỉ nơi các dòng tu. Các thành phố khác ở phía Nam cũng theo gương Marseilles. Do đó, sự sùng kính này trở lên phổ biến mọi nơi.
Năm 1726, những người cổ võ cho lòng sùng Kính Thánh Tâm Chúa một lần nữa, xin Tòa Thánh lập lễ kính Thánh Tâm Chúa, nhưng năm 1729 Toà Thánh từ chối. Mãi đến năm 1765, do đề nghị của nữ hoàng, lễ Thánh Tâm Chúa gần như chính thức được Hội Đồng Giám Mục Pháp công nhận. Cuối cùng, vào năm 1856, do yêu cầu đến từ mọi phía, Đức Pio IX đã nới rộng lễ này tới toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Mọi nơi, người ta làm việc tận hiến và đền tạ cũng như sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đến năm 1875, việc tận hiến được thực hiện nơi toàn thể Giáo Hội và Giáo Hội đã nâng lên hàng lễ trọng. Ngày 11.6.1899, Đức Leo XIII ra lệnh tận hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Từ đó tới nay, việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu mỗi ngày một trở lên lớn mạnh và là một trong những hình thức sùng kính quan trọng và đem lại vô vàn ơn ích cho Giáo Hội cũng như cho mỗi tín hữu.
(Tài liệu tham khảo: The Catholic encyclopedia)
Hạt Cát