18 Tháng Mười
Thánh Luca
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Ðức Kitô và của Giáo Hội. Trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại. Truyền thuyết cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phaolô gọi ngài là “Người thầy thuốc yêu quý của chúng ta” (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.
Ngài xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phaolô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phaolô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phaolô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Ðức Giêsu. Sau cùng, ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phaolô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phaolô có nhắc, “Chỉ có Luca là ở với tôi” (2 Tim 4:11).
Lời Bàn
Thánh Luca viết cho Kitô hữu dân ngoại, với tư cách của một người dân ngoại. Cuốn Phúc Âm ngài viết, chứng tỏ ngài là người giỏi về tiếng Hy Lạp, cũng như nguồn gốc của Do Thái.
Ðặc tính của Thánh Luca có thể được nhận thấy trong Phúc Âm của ngài, qua những tiêu đề được nhấn mạnh: (1) Phúc Âm của Sự Nhân Từ: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ và nhẫn nại của Ðức Giêsu, đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế, người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Chỉ trong Phúc Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng, và người trộm lành. (2) Phúc Âm của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật: Ðức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Ðavít mà còn là con cháu A Dong, và người ngoại giáo là bạn của Ngài. (3) Phúc Âm của Người Nghèo: “Người bé mọn” thường nổi bật – ông Zecharia và bà Elizabeth, Ðức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, cụ Simeon và bà Anna. Ngài cũng lưu tâm đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là “Sự nghèo khó phúc âm”. (4) Phúc Âm của Sự Quên Mình Tuyệt Ðối: Thánh Luca nhấn mạnh đến nhu cầu hiến dâng hoàn toàn cho Ðức Kitô. (5) Phúc Âm của Sự Cầu Nguyện và Chúa Thánh Thần: Thánh Luca cho thấy Ðức Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ. Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội đến cùng đích tuyệt hảo. (6) Phúc Âm của Niềm Vui: Thánh Luca thành công trong việc trưng dẫn niềm vui cứu độ đã lan tràn trong Giáo Hội tiên khởi.
Lời Trích
Ðoạn kết của Phúc Âm Thánh Luca: “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên Trời. Các ông bái lạy Người, rồi trở về Giêrusalem mà lòng tràn ngập niềm vui, và họ tiếp tục ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Luca 24,50-53).
Trích từ NguoiTinHuu.com |