Những cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh

Brian Purfield

Khoa giáo dục thần học Mount Street Jesuit Centre

Sự phục sinh của Đức Kitô là tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trở nên vô ích và đức tin anh em cũng hão huyền” (1 Cr 15, 14). Từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến kết thúc tuần bát nhật Phục Sinh, các bài đọc thuật lại những cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh. Bài này viết về những cuộc hiện ra này với hy vọng chúng ta có thể nếm trải điều gì đó trong kinh nghiệm phục sinh nơi những Kitô hữu tin theo Đức Kitô vào thời kỳ đầu tiên.

            Truyền thống đầu tiên: Thánh Phaolô

            Thánh Phaolô đưa ra một trong những công thức loan báo đầu tiên và cho rằng chính mình đã nhận lãnh sứ mệnh loan báo (có lẽ tại Damascus vào lúc ngài trở lại, ba năm sau cái chết của Đức Kitô). Trong 1 Cr 15, 3-8, Phaolô liệt kê bốn yếu tố chính trong công thức: Đức Giêsu chết, ngài được táng xác, đã sống lại và hiện ra với Cephas. Sự kiện Đức Giêsu sống lại và hiện ra với Simon Phêrô không tách lìa nhau. Đây là công bố cơ bản của giáo hội sơ thời và cũng đã được trình bày trong Luca 24, 34. Dầu cho xét theo thời gian Phêrô (Cephas) có phải là người đầu tiên mà Đức Giêsu hiện ra hay không, thì rõ ràng ngài tượng trưng cho vị trí đứng đầu  như là “đá tảng” hoặc nền tảng của đức tin Kitô giáo. Sau đó Phaolô liệt kê hàng loạt những cuộc hiện ra: cho nhóm Mười Hai, cho hơn 500 người, cho Giacôbê và tất cả các tông đồ. Rồi ngài nói rằng Đức Giêsu “cuối cùng đã hiện ra với tôi” (15, 8). Nhưng ngài nhấn mạnh rằng điều chính yếu là tất cả đều có cùng một kinh nghiệm như nhau vì chỉ có một tin mừng và một mạc khải duy nhất.

            Phaolô là người duy nhất cho chúng ta trình thuật đầu tiên về kinh nghiệm này (Gl 1, 6-24). Ngài không diễn tả kinh nghiệm bằng những hạn từ thể lý. Có thể mặc lấy một hình thức nghe hoặc thấy nào đó, song Thánh Phaolô nhấn mạnh nhiều hơn đến hành động của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã “vui lòng mạc khải Con của Ngài cho tôi” (Gl 1, 16). Ngài nhấn mạnh rằng tin mừng mà ngài công bố không phải đến từ trung gian con người nhưng “qua mạc khải của Đức Giêsu Kitô” (1, 11-12). Chính mạc khải này đã trao cho ngài sứ mệnh “để tôi có thể công bố Ngài cho dân ngoại” (1, 16).

            Phaolô luôn nhấn mạnh trong suốt sự nghiệp của ngài rằng mình cũng là tông đồ vì đã nhìn thấy Đức Giêsu (1 Cr 9, 1). Một mạc khải độc nhất và duy nhất đã sản sinh ra một tin mừng duy nhất dành cho các tông đồ (Gl 1, 6-9; 2, 1-10; 1 Cr 15, 1-2, 11). Như vậy, ở mức độ đầu tiên và cơ bản nhất, “những cuộc hiện ra” có nghĩa là mạc khải của Thiên Chúa về sự hiện diện và ý nghĩa của Đức Giêsu. Mạc khải thần linh này kêu mời lời đáp trả của đức tin bao gồm cả việc sai đi loan báo tin mừng. Đây là nền tảng tông đồ của Giáo Hội.

            Các bản văn của Phaolô đưa ra lời quả quyết cơ bản của Giáo Hội sơ thời rằng Đức Giêsu đã sống lại và hiện ra với các tông đồ từ Thánh Phêrô cho đến chính Phaolô. Những cuộc hiện ra này xảy ra lúc nào và khi nào? Điều gì đã xảy ra? Đến khi nào thì chấm dứt hẳn những cuộc hiện ra này? Thánh Phaolô không nói đến. Các Tin Mừng cố gắng giải đáp những câu hỏi này nhưng câu trả lời thì khác nhau.

            Những triển khai sau đó: các Tin Mừng

            Ở đây chúng ta thấy được tài năng mục vụ của các thánh sử. Mỗi người viết cho nhóm độc giả khác nhau, và khi trình bày sứ vụ công khai của Đức Giêsu thì mỗi thánh sử nói cho những nhu cầu và hoàn cảnh của nhóm độc giả đặc thù đó. Kết quả là mỗi người rút tỉa một điều gì đó trong truyền thống những cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh để kết nối với những gì đã được viết ra trong toàn tác phẩm Tin Mừng của mình. Như vậy các độc giả (hay thính giả) của Tin Mừng có thể nhận thấy Sự Phục Sinh phù hợp như thế nào với toàn bộ những điều trình bày về Đức Giêsu. Chúng ta hãy xem xét ngắn gọn về mỗi Tin Mừng theo trật tự thời gian chúng được viết ra.

            Marcô

            Phaolô biết rằng Đức Giêsu đã được táng xác, song ngài không bao giờ đề cập đến ngôi mộ trống. Cuộc hiện ra đầu tiên trong Marcô được thuật lại ở đoạn 16, 1-8. Vì tính chất ngắn gọn và dường như còn dang dở của trình thuật này, nên các Kitô hữu sơ thời đã thêm vào những đoạn cuối. Đoạn được biết đến nhiều nhất là 16, 9-20. Như vậy chúng ta nói đến hai trình thuật “Marcô” về sự Phục Sinh.

            Marcô 16, 1-8 cơ bản là câu chuyện về ngôi mộ trống. Một “người trẻ tuổi” (diện mạo giống như thiên thần) nói với người phụ nữ lời công bố cơ bản: “Ngài đã sống lại” (c. 6). Có lời hứa ngài sẽ hiện ra với các môn đệ khác và Phêrô tại Galilê, thế nhưng điều này không bao giờ được thuật lại và câu chuyện kết thúc với sự kiện người phụ nữ rời ngôi mộ, sợ hãi và thinh lặng.

            Trong suốt Tin Mừng, Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự khó khăn mà những người theo Đức Kitô đã gặp phải khi đặt hoàn toàn lòng tin vào ngài bởi vì họ không thể hiểu được rằng sự đau khổ và sự từ chối là một phần cơ bản trong căn tính của Con Thiên Chúa. Chỉ khi chính mình trải qua sự đau khổ thì các môn đệ mới hiểu ra. Trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, các đấng môn đệ đàn ông đã bỏ rơi và tháo chạy – một kinh nghiệm phản ánh nỗi sợ hãi và sự yếu đuối đến hổ thẹn. Thế nhưng niềm đau đã dẫn đưa họ đến ánh sáng. Sau khi họ nếm trải đau khổ và thất bại, Đức Giêsu sẽ hiện ra với họ tại Galilê (Mc 14, 27-28).

            Các phụ nữ đi theo Đức Giêsu, không tham dự phiên toà nơi vườn Gethsemane nơi các môn đệ ngủ say và trốn chạy, họ đứng nhìn cuộc hành hình từ nơi xa xa. Họ cũng phải kinh nghiệm sự khó khăn của lòng tin; ngay cả sau khi được loan báo về sự Phục Sinh, họ cũng không tự động công bố sự vinh thắng của Đức Giêsu. Thay vào đó, họ thinh lặng và sợ hãi bỏ đi (Mc 16, 8).

            Đây có phải là lời cảnh báo cho những Kitô hữu ngày nay? Đức tin đến với chúng ta qua những người khác, họ đã trải qua mạc khải về những gì Thiên Chúa đã làm, nhưng khi chúng ta chấp nhận lời công bố thì không có nghĩa là chúng ta có đầy đủ đức tin Kitô giáo. Ngay cả sau Phục Sinh chúng ta cũng có thể mang vác thập giá và kinh nghiệm đau khổ cũng như sự từ chối trước khi ta đạt đến sự hiểu biết thật sự về Đức Giêsu mà ta nói rằng mình tin vào ngài.

            Dĩ nhiên Marcô không có ý nói rằng các phụ nữ thinh lặng và sợ hãi mãi đâu. Đoạn thêm vào (Mc 16, 9-20) cho thấy rằng một sự gặp gỡ với Đức Giêsu phục sinh mang lại đức tin, không chỉ đối với các phụ nữ mà còn đối với những người khác. Trong mỗi trường hợp, sự gặp gỡ cá nhân đã hoàn tất điều mà khi lãnh nhận một sứ điệp từ người khác đã không làm được. Đức tin đến từ sự hiểu biết của chính mình về Chúa Phục Sinh.

            Chúng ta cũng từng nghe những người bị Đức Giêsu quở trách vì thiếu đức tin và cứng lòng, họ đã được tín thác công cuộc rao giảng tin mừng cho toàn thế giới. Thông điệp này cũng phù hợp cho chúng ta. Nghe về Đức Giêsu không bao giờ thay thế cho kinh nghiệm cá nhân về Ngài, và bổn phận mang người khác đến với Đức Kitô cũng chẳng phải chỉ được tín thác cho  những người hoàn hảo. Tin Mừng Marcô nhắc nhở rằng các môn đệ đầu tiên cũng là những con người phải chật vật phấn đấu như chúng ta.

            Matthêu

            Khi rút tỉa từ Tin Mừng Marcô, Thánh Matthêu luôn tỏ ra là người thầy khôn khéo, chú tâm tới những độc giả không phải lúc nào cũng nhìn thấy được những ẩn ý. Marcô 16, 1-8 không miêu tả những cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh, Matthêu thì có. Trong 28, 9 ngài kể về cuộc hiện ra với người phụ nữ sau khi họ rời khỏi ngôi mộ – một cuộc hiện ra (có ít nhiều trong Gioan và Marcô 16, 9) có thể tiêu biểu cho một truyền thống cổ xưa mặc dầu không nằm trong giảng huấn chính thức (ví dụ như trong 1 Cr 15).

            Thêm thắt nhiều kịch tính, Matthêu 27, 62-66; 28, 4, 14-15 kể lại một âm mưu nhằm che giấu sự Phục Sinh của các binh lính Philatô canh giữ mộ Chúa Giêsu. Một trong những khía cạnh bi thảm trong kinh nghiệm của Thánh Matthêu, được phản ánh trong suốt Tin Mừng của ngài, là mối tương quan thù nghịch giữa giới thẩm quyền hội đường với các Kitô hữu. Ngay từ đầu Tin Mừng, Matthêu đã phát hoạ Hêrod, các thượng tế và luật sĩ âm mưu tiêu diệt Đấng Cứu Thế vừa mới hạ sinh (2, 3-5, 16-18, 20); nhưng Thiên Chúa đã làm cho kế hoạch thất bại. Ở cuối Tin Mừng, ngài phát hoạ quan Philatô, các thượng tế và Pharisiêu âm mưu chống lại Đức Giêsu. Một lần nữa Thiên Chúa ra tay làm hỏng âm mưu. Dầu không nên bắt chước thái độ bút chiến ẩn sau câu chuyện, Thánh Matthêu cũng nhắc chúng ta rằng loan báo tin mừng không phải là không có vất vả chiến đấu.

            Cuối cùng, Matthêu thuật lại những gì được hứa trong Tin Mừng Marcô: cuộc hiện ra với các môn đệ (Nhóm Mười Một) tại Galilê. Trong phần bắt đầu nói về sứ vụ công khai tại Galilê trong Thánh Matthêu (chương 5-7), Đức Giêsu giảng trên núi một bài giảng nêu lên những điểm chính yếu trong lời dạy của Ngài về Nước Trời. Trong 10, 6-7 Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời này cho “mọi dân tộc”, làm cho họ trở nên môn đệ bằng cách rửa tội cho họ.

            Cộng đoàn Thánh Matthêu xem sự chuyển giao từ dân Do Thái đến dân ngoại là tiêu điểm của sứ vụ. Thánh Matthêu cẩn thận minh chứng rằng chương trình của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu là nhất quán từ đầu cho đến cuối. Trước khi được hạ sinh, Đức Giêsu được công bố là Emmanuel (“Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – 1, 23); và lời cuối cùng của Đức Giêsu là “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (28, 20).

            Luca

            Tương tự, Thánh Luca cũng theo sát Marcô trong câu chuyện về ngôi mộ trống nhưng đã đi theo đường hướng của riêng mình khi tường thuật các cuộc hiện ra. Khi Matthêu thuật lại cuộc hiện ra của Đức Giêsu với hai phụ nữ tại Giêrusalem thì Luca dài dòng kể lại (24, 13-35) việc ngài hiện ra với hai ông môn đệ trên đường từ Giêrusalem về làng Emmaus. Trong sách Công Vụ (2:42, 46; 20: 7, 11), cũng được Luca viết như là phần kế tiếp cho Tin Mừng của mình, ngài muốn nhắm đến vai trò của “việc bẻ bánh” trong đời sống cộng đoàn Kitô giáo của mình. Ngài chuẩn bị cho điều đó bằng câu chuyện làng Emmaus khi các môn đệ nhận ra Đức Giêsu lúc bẻ bánh. Đây cũng là điều thật quan trọng cho các tín hữu ngày nay bởi vì việc bẻ bánh trong Thánh Lễ cũng là sự hiện diện của Đức Giêsu phục sinh – sự hiện diện duy nhất khác với mọi sự hiện diện khác.

            Sau đó Luca quay trở lại với cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh với nhóm Mười Một. Hơn cả Marcô và Matthêu, Luca nhấn mạnh đến điều đã hàm chứa trong ngôi mộ trống: thân xác của Đức Giêsu phục sinh không chỉ là một cái bóng (23, 37 -43). Điều đặc biệt có ý nghĩa là Đức Giêsu phục sinh giảng dạy cho nhóm Mười Một về cái chết và sự phục sinh của mình bằng cách giải thích Kinh Thánh, “Tất cả mọi sự được viết về ta trong luật Môisen, trong các sách Tiên Tri, trong Thánh Vịnh phải được ứng nghiệm” (24, 44). Đối với Luca, sự Phục Sinh làm trọn vẹn lời Kinh Thánh.

            Hai môn đệ trên đường về Emmaus thấy tâm hồn mình bừng cháy khi ngài mở Kinh Thánh ra cho họ. Một lần nữa, sự nhấn mạnh của Luca dọn đường cho đời sống của Giáo Hội mà ngài sẽ nói đến trong sách Công vụ, nơi mà Phêrô, Stêphanô và Phaolô bắt đầu việc rao giảng của mình bằng cách nói rằng Kinh Thánh đã nói trước những gì đã xảy ra với Đức Giêsu (Cv 2, 14-21; 7, 1-50; 13, 16-22).

            Trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu phục sinh hiện ra với nhóm Mười Một tại Galilê. Miến đất nầy là lựa chọn thích hợp theo truyền thống cho mục đích của Matthêu. Đối với Matthêu, Galilê là miền đất của dân ngoại (4, 15) và sau khi phục sinh Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ ra đi và thâu nạp dân ngoại làm môn đệ (28, 19). Tuy nhiên, Luca lại lấy Giêrusalem làm bối cảnh cho những cuộc hiện ra và lên trời của Đức Giêsu. Đây là lựa chọn thích hợp theo truyền thống cho mục đích của Luca. Tin Mừng Luca bắt đầu bằng cuộc hiện ra của sứ thần Gabriel với Zacharia trong đền thờ Giêrusalem và kết thúc khi các môn đệ Đức Giêsu chúc tụng Thiên Chúa trong Đền Thờ.

            Bắt đầu sách Công Vụ (1: 3, 9-12), Đức Giêsu lên trời tại Núi Cây Dầu 40 ngày sau phục sinh. Song ở cuối cuốn Tin Mừng (Lc 24, 50-51), Luca nói ngài lên trời tại cùng một miền đất với đêm Chúa Nhật Phục Sinh. Chúng ta nhận ra nhãn quan thần học của Luca trong những điều vừa nói trên. Một đàng (được phát hoạ trong Tin Mừng Luca), việc Đức Giêsu trở về với Thiên Chúa là kết thúc sự nghiệp trần thế của Ngài, một sự nghiệp bắt đầu và kết thúc tại Giêrusalem và như vậy một cách tượng trưng nó hạn hẹp trong giới hạn của Do Thái giáo. Đàng khác (được phát hoạ trong sách Công Vụ), sự trở về của Đức Giêsu với Thiên Chúa là khởi đầu cho đời sống của Giáo Hội được bắt đầu tại Giêrusalem (Do Thái giáo) và phát triển đến Roma (thế giới Dân Ngoại).

            Gioan

            Đoạn Gioan 20, giống như Luca và Marcô 16, 9-20, nói Đức Giêsu hiện ra tại Giêrusalem. Gioan 21 (nối kết lỏng lẻo với Gioan 20), giống như Matthêu và Marcô 16, 7, nói rằng Đức Giêsu hiện ra tại Galilê. Mỗi chương đều thích hợp với tư tưởng của Thánh Gioan theo cách khác nhau. Tin Mừng Thánh Gioan cho chúng ta một số những cuộc gặp gỡ mà trong đó mỗi nhân vật đến gặp Chúa Giêsu và có lời thưa gởi cùng ngài. Trong Gioan 20, Phêrô và người môn đệ Chúa yêu, Maria Mađalêna, các môn đệ và Tôma lần lượt gặp gỡ Đức Giêsu.

            Người Môn Đệ Chúa Yêu là người tin đầu tiên. Theo truyền thống (1 Cr 15, 5; Lc 24, 34), Simon Phêrô là người đầu tiên trong số các môn đệ nam giới nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh. Gioan không từ chối điều đó nhưng đưa ra quan điểm của riêng mình: ở nửa phần sau của Tin Mừng, người Môn Đệ Chúa Yêu vô danh, người đặc biệt được Chúa yêu thương gần gủi với Đức Giêsu hơn cả Phêrô. Trong đoạn 20, 3-10 Phêrô và người Môn Đệ Chúa Yêu đi đến mộ. Không ai  nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng người Môn Đệ Chúa Yêu đã tin mà không cần sự hiện ra của Đấng Phục Sinh.

            Như trong Matthêu và đoạn cuối được thêm vào của Thánh Marcô, Maria Mađalêna là người đầu tiên nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh. Bà không nhận ra ngài bằng thị giác nhưng chỉ nhận ra lúc Ngài gọi tên bà, điều này làm trọn vẹn lời tiên báo về người Mục Tử Nhân Lành (10, 3-5), người sẽ gọi đích danh con chiên thuộc về mình và chúng sẽ theo Ngài. Đức Giêsu nói với bà về “Cha của ta và là Cha của các con” và gọi các môn đệ là “anh em” mình. Như vậy, với Maria, Đức Giêsu đã làm trọn vẹn lời hứa trong phần Lời Tựa của Thánh Gioan (1, 12): “Tất cả những ai đón nhận thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”. Hậu quả là Maria Mađalêna ra đi và loan báo rằng: “Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa”. Nếu người Môn Đệ Chúa Yêu là người tin đầu tiên thì Maria Mađalêna là người đầu tiên loan truyền Chúa Phục Sinh.

            Sau đó Đức Giêsu hiện ra với nhóm các môn đệ (20, 19-23), các thành viên của nhóm Mười Hai. Như trong sách Khởi Nguyên 2, 7 Thiên Chúa tạo dựng con người từ bụi đất bằng cách thổi vào lỗ rốn hơi thở sự sống, thì Đức Giêsu cũng thổi trên các môn đệ và họ nhận lãnh Chúa Thánh Thần, tái tạo dựng họ như con cái Thiên Chúa với sự sống vĩnh cửu. Đây là sự sinh ra bởi Thánh Thần được hứa trong Gioan 3, 5. Khắp Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu cho mình là Đấng được Thiên Chúa sai đến; các môn đệ giờ đây cũng được sai đi để tiếp tục công việc của Ngài trong thế giới với quyền lực trên sự dữ và tội lỗi.

            Các Tin Mừng nói đến sự nghi ngờ khi Đức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh với những người theo Ngài (Mt 28, 17; Lc 24, 37-38; Mc 16,14). Gioan biên tập mối nghi ngờ này lại trong một cá nhân (20, 24-29). Thật mâu thuẩn, lời tuyên xưng đức tin long trọng nhất trong Tin Mừng lại xuất phát từ môi miệng của “Tôma nghi ngờ”: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Tin Mừng Gioan bắt đầu với sự khẳng định trongLời Tựa (1, 1), “ Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Giờ đây con người đã nhận biết được điều đó.

            Gioan 21 chuyển bối cảnh đến Galilê và làm nổi bật hai màn có liên quan đến Simon Phêrô. Mẻ cá lạ lùng do Đức Giêsu phục sinh chỉ chổ đã được Phêrô kéo vào bờ, một biểu tượng cho vai trò truyền giáo của Phêrô. Thế nhưng tính tượng trưng đột nhiên thay đổi khi Phêrô được giao nhiệm vụ chăn dẫn đàn chiên của Đức Giêsu. Sự thay đổi này nói lên một kinh nghiệm: công cuộc truyền giáo vĩ đại trong những thế hệ đầu tiên giờ đây nhường bước cho việc chăm sóc mục vụ dành cho những người đã được mang về với Đức Kitô. Sự nhấn mạnh của Gioan về Đức Giêsu như “Mục Tử Nhân Lành” duy nhất đã làm chậm đi việc chấp nhận những mục tử là con người trong cộng đoàn Thánh Gioan; nhưng khi qua tính biểu tượng của Phêrô thì vai trò mục tử được xác định, kèm theo vài điều kiện của riêng Gioan. Phêrô phải yêu mến Đức Giêsu và con chiên không thuộc về mình – chúng vẫn thuộc về Đức Giêsu.

            Song lời cuối cùng của Đức Giêsu không phải nói về Phêrô mà là Người Môn Đệ Chúa Yêu. Người này không được ban cho vai trò quyền bính nào nhưng chiếm ưu thế trong việc được yêu thương, điều này rất quan trọng trong Tin Mừng Thánh Gioan. Khả năng được ở lại đấy cho đến khi Đức Giêsu đến đã được mở ra cho Người Môn Đệ Chúa Yêu. Nói cách tượng trưng, đấy là hoa trái cuối cùng của sự Phục Sinh: một cộng đoàn đức tin gồm các môn đệ Đức Kitô sẽ ở lại cho đến ngày cuối cùng.

            Những trình thuật này nói gì với chúng ta?

            Dường như chúng ta nhận ra cách diễn tả về thân xác của Đức Giêsu khi nhìn sâu vào các câu chuyện trong Tin Mừng so với trình thuật của Phaolô. Luca tả lại Đức Giêsu đi và nói chuyện với các môn đệ trên đường về Emmaus (24, 13-27). Bằng những cách khác nhau, Luca và Gioan tả lại Chúa Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ trong bối cảnh bữa ăn (Lc 24, 29-31, 41-43; Ga 21, 10-14). Cả hai đưa ra những tình tiết Đức Giêsu lôi kéo sự chú ý đến chân tay mình, chỉ ra chổ bị đóng đinh là bằng chứng ngài bị hành hình thập giá (Lc 24, 39 tt; Ga 20, 20, 25-27). Cả bốn Tin Mừng ghi lại Đức Kitô phục sinh hướng dẫn các môn đệ trước khi về trời.

            Thật dễ dàng khi kết luận rằng các Tin Mừng cố đưa ra hình ảnh về Đức Kitô phục sinh trông giống như thế nào. Nhưng như thế là bỏ sót những cách thế tinh tế mà các thánh sử đã sử dụng để nói rằng những cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh thách đố mọi sức tưởng tượng. Vì thế mỗi thánh sử cố ý vẽ ra Đức Kitô khác lạ và không nhận ra được. Maria Mađalêna tưởng Đức Giêsu là người làm vườn (Ga 20, 15). Phêrô và vài môn đệ khác đi đánh lưới đã chạm mặt Đức Giêsu trên bãi biển nhưng không nhận biết đó là ai (Ga 21, 4). Các môn đệ đi về Emmaus nói chuyện với Đức Giêsu suốt cả quảng đường nhưng cũng chẳng biết là ai, chỉ nhận ra Ngài lúc “bẻ bánh” (Lc 24:  16, 30 tt). Một dịp khác, các môn đệ thấy Chúa Giêsu nhưng nghĩ mình thấy ma (Lc 24, 37). Mỗi người mỗi cách, mỗi câu chuyện đều xác định điều mà Thánh Marcô nói cách chính xác hơn. Đức Giêsu đã hiện ra “dưới một hình dạng khác” với hai môn đệ “đang đi về quê” (Mc 16, 12). Dầu cho hình dạng thân xác của Đức Giêsu rõ ràng và sờ mó được, các thánh sử cũng chứng thực rằng nó hoàn toàn khác; Đức Giêsu không thể nhận biết được ngay tức khắc.

            Một điều có vẻ bí nhiệm nữa là với vẻ ngoài thân xác, Đức Giêsu có khả năng đến và đi theo ý muốn. Ngài xuất hiện ở phòng trên lầu “dù cho các cửa đóng kín” (Ga 20, 19). Khi bẻ bánh, ngài chỉ biến mất khi các môn đệ nhận ra ngài (Lc 24, 30 tt). Ngài từ đâu đó xuất hiện khi nhóm Muời Một ngồi vào bàn ăn, chỉ để khiển trách họ vì thiếu lòng tin và cứng lòng (Mc 16, 14). Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu rời khỏi các môn đệ (thăng thiên) cũng hoàn toàn bí ẩn như lúc ngài hiện ra lần đầu. Mỗi tác giả đều cố khẳng định rằng thân xác của Đức Giêsu có những đặc tính rất khác với chúng ta. Những đặc tính này làm cho Đức Giêsu không thể nhận ra được trong những giây phút đầu tiên khi xuất hiện và cho phép ngài tự do di chuyển ra vào, ngoài không gian và thời gian mà chẳng gặp bất cứ sự cấm vận nào.

Đức Giêsu nói

            Mỗi thánh sử đều khẳng định rằng trong những cuộc hiện ra các môn đệ chỉ nhận biết Chúa phục sinh khi ngài nói với họ cách nào đó. Gioan trình bày một Maria Mađalêna ngơ ngác chỉ nhận ra Đức Giêsu khi Ngài gọi tên bà (Ga 20, 15-18). Ngài diễn tả Tôma đi từ sự nghi ngờ sang niềm tin khi Đức Giêsu nói với ông, mời gọi mời gọi Tôma nhận biết Ngài là Đấng chịu đóng đinh bằng cách xem lỗ đinh và thương tích nơi cạnh sườn (Ga 20, 24-28). Gioan nói Phêrô và các môn đệ chỉ nhận ra Đức Giêsu sau khi Ngài bảo họ thả lưới để được mẻ cá đầy sau một đêm vất vả mà không được gì (Ga 21, 4-7).

            Luca nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc Đức Giêsu nói với các môn đệ như là mở màn cho việc nhận ra Ngài. Khi kể lại câu chuyên hai môn đệ làng Emmaus, Luca nói rằng họ chỉ nhận ra Đức Giêsu khi Ngài giải thích Kinh Thánh và “bẻ bánh” với họ (24, 13-35). Tin Mừng Nhất Lãm kết nối sự nhận biết Chúa Phục Sinh của các môn đệ với việc “uỷ nhiệm cho họ”, đây cũng là những lời thân tình nói về bổn phận của họ phải tiếp nối sứ vụ của Ngài. Các câu chuyện Tin Mừng cho thấy rằng khả năng nhận biết Chúa Phục Sinh của các môn đệ không chỉ dựa vào hình dáng của Đức Giêsu trước mắt họ nhưng còn nhờ Ngài nói những lời lẽ rất riêng tư với họ.

            Kết luận

            Các trình thuật Tin Mừng cẩn thận nhấn mạnh đến hiệu quả cuối cùng của hình dạng và lời nói của Chúa Phục Sinh. Hình dạng của Ngài dẫn đưa các môn đệ đến đức tin phong phú và sâu đậm hơn vào Ngài. Họ diễn tả đức tin sâu đậm này bằng cách gọi Ngài bằng một danh tính mới khi nhận ra Ngài là Đấng chịu đóng đinh. Từng cá nhân hay cùng với nhau, họ mừng rỡ reo lên:  “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa” (Ga 20: 18, 25; 21:7), trong khi Tôma tuyên xưng cách rõ ràng hơn: “Lạy Chúa tôi và Thiên Chúa của tôi” (Ga 20, 28). Giống như Phaolô viết cho các tín hữu Philipphê, các thánh sử cố làm nổi bật lên sự kiện rằng các môn đệ khi nhìn thấy và nghe tiếng Đức Kitô Phục Sinh, họ đã gọi Ngài bằng một “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 9): Đức Giêsu là một với Thiên Chúa; Ngài tràn đầy sự sống của Thiên Chúa: “Đức Giêsu là Chúa”.

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
(trích “Bản Thông Tin” Giáo phận Qui Nhơn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *