Hỏi: Những câu hỏi cho đến nay và câu trả lời của cha đối phó với những gì Đức Giêsu đã nói. Tôi nghĩ còn có sự khó khăn hơn về những gì Đức Giêsu đã làm. Những phép lạ của Đức Giêsu xác thực như thế nào?
Trả lời: Sau đây là câu trả lời của cha Raymond Brown.
Thế giới ngày nay hồ nghi về phép lạ. Học giả nổi tiếng người Đức là Rudolf Bultmann phân loại các phép lạ Phúc Âm là không có tính cách lịch sử theo quy tắc triết lý tổng quát rằng người thời nay không tin vào phép lạ. Tôi và nhiều học giả khác không để cho một câu trả lời có tính cách triết lý lại khống chế một vấn đề lịch sử.
Theo sự phán đoán của tôi, các phép lạ phải được đối phó theo cùng một phương cách như đối với lời nói của Đức Giêsu. Nếu người ta đi vào hậu trường Phúc Âm người ta sẽ tìm thấy chứng cớ Đức Giêsu là người chữa lành cũng xa xưa như chứng cớ Người đã nói các dụ ngôn. Về mặt lâu đời của truyền thống Kitô Giáo, tôi thấy không có lý do gì để bác bỏ những phép lạ trong sứ vụ của Đức Giêsu. Josephus, một sử gia Do Thái, có viết một đoạn nổi tiếng về Đức Giêsu. Trong thập niên 90, ông viết (Antiquities 18.3.3; #63): “[Đức Giêsu] là một người thi hành những việc lạ lùng, một thầy dậy dân chúng mà họ đón nhận chân lý với sự vui thích.” Đối với tôi, hai yếu tố, người thi hành và thầy dậy, là một phần của truyền thống đáng tin cậy.
Hỏi: Cha nói rằng truyền thống tổng quát về phép lạ của Đức Giêsu là một sự hồi tưởng xác thực về lịch sử, nhưng có thể nào chúng ta biết từng trường hợp phép lạ mà Đức Giêsu đã làm không?
Trả lời: Sau đây là câu trả lời của cha Raymond Brown.
Một lần nữa, khi người ta đi ra ngoài các tường thuật Phúc Âm để đến một giai đoạn tiền Phúc Âm, người ta phải cân nhắc chứng cớ. Có phải bạn muốn nói về phép lạ được bảo tồn trong tất cả các Phúc Âm, tỉ như, bánh hoá nhiều, hay bạn muốn nói về một phép lạ chỉ được bảo tồn trong một Phúc Âm mà thôi? Nếu câu trả lời là một Phúc Âm, điều đó không có nghĩa là nó được sáng chế bởi thánh sử hay truyền thống của ông; nhưng nó cho phép một điều khả dĩ là câu chuyện phép lạ này phát xuất từ một sự hiểu biết sau này về Đức Giêsu. Khi các truyền thống đa dạng có cùng một phép lạ, chứng cớ về phép lạ đó hiển nhiên đã có từ một thời điểm ban đầu.
Để tôi đưa một thí dụ để bạn thấy vấn đề mà chúng ta đang đối diện. Trong Máccô 11:14, Đức Giêsu nguyền rủa cây vả; trong 11:20-21, chúng ta biết rằng vào ngày hôm sau, các môn đệ nhìn thấy cây vả ấy bị khô héo. Trong Mátthêu 21:19 chúng ta được bảo rằng khi Đức Giêsu nguyền rủa cây vả, nó khô héo ngay lập tức. Trong hai tường thuật này, bạn nghĩ tường thuật nào dường như thuộc truyền thống xưa hơn, ít được phát triển hơn? Hầu hết các học giả lập tức chọn tường thuật của Máccô bởi vì sự so sánh hoàn cảnh cho thấy Mátthêu có thói quen làm cho phép lạ có vẻ bi thảm và mãnh liệt. Khi tìm về Luca, người ta thấy rằng Luca không có việc nguyền rủa cây vả, nhưng trong 13:6-9 có một dụ ngôn về cây vả mà trong đó ông chủ muốn chặt nó xuống vì ông tìm quả mà không thấy. Người trồng nho nói với ông là hãy đợi cho một năm để sau khi bón phân và chăm sóc mà nó vẫn không ra trái thì mới chặt đi. Những câu chuyện này có âm vang cùng một biến cố trong đời Đức Giêsu không? Nếu có, câu chuyện nào dường như nguyên bản hơn: nguyền rủa cây vả và nó khô héo liền, hoặc dụ ngôn về cây vả với ý định cắt bỏ nếu nó không sinh trái? Những người không tin phép lạ sẽ ngay lập tức chọn dụ ngôn của Luca như nguyên bản hơn. Người khác nhận thấy khuynh hướng của Luca là làm dịu bớt sự nóng giận của Đức Giêsu, họ có thể nghĩ rằng, tốt hơn hãy biến đổi hành động nóng nẩy của Đức Giêsu thành một dụ ngôn. Đây là điều tôi muốn nói, phải nghiên cứu từng câu chuyện phép lạ để thấy giá trị của chính nó và phán đoán truyền thống mà nó kể lại và khuynh hướng của những truyền thống ấy trước khi người ta phán đoán về tính cách lịch sử của từng phép lạ. Cho rằng một phép lạ của Đức Giêsu thì xác thực, điều đó không đòi hỏi người ta phải chấp nhận tính cách lịch sử theo nghĩa đen của mọi phép lạ trong Phúc Âm.
Nhưng, tôi mạnh mẽ cảnh giác đối với sự tân thời hoá phép lạ theo kiểu tự do, tỉ như, giải thích phép lạ bánh hoá nhiều theo kiểu Đức Giêsu đánh động tâm hồn những người hiện diện đến độ họ mở lòng và đem ra các thực phẩm được giấu kín. Điều đó tuyệt đối vô nghĩa: đó không phải là điều Phúc Âm tường thuật, nhưng đúng hơn là một toan tính tránh né điều được tường thuật. Một thí dụ khác giải thích Đức Giêsu, thay vì đi trên mặt nước, thì đi trên chỗ không sâu lắm. Sự giải thích này là về sự nông cạn, chứ không phải nước.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.com