Nhìn lại lịch sử nhân loại, mỗi khi xảy ra những cuộc khủng hoảng tôn giáo, tinh thần, xã hội, chính trị đe dọa nhân loại, Thiên Chúa lại cho xuất hiện những vị thánh có sứ mạng đặc biệt để cứu giúp con người thoát khỏi những cuộc khủng hoảng ấy như thánh Phanxicô Khó Khăn, thánh nữ Bernadetta, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu… Trong thế kỷ XX, Chúa Giêsu đã thân hành hiện ra với Faustina, một nữ tu người Ba Lan. Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong chị lên hàng chân phúc năm 1993 và hiển thánh năm 2000. Bây giờ trong thế kỷ XXI chị thánh Faustina được hàng triệu người trên thế giới biết đến và yêu mến như là người Tông Đồ của Lòng Chúa Xót Thương.
Faustna chào đời năm 1905 trong ngôi làng hẻo lánh Glogowiec, gần thành phố Lodz nước Ba Lan. Chị là con thứ ba trong gia đình có 10 người con. Năm 20 tuổi, chị xin gia nhập hội dòng Đức Mẹ Nhân Lành. Vì học lực mới lớp ba nên chị được nhận vào như một “nữ tu bậc II” và nhận những công việc tầm thường như làm bếp, gác cổng, làm vườn, chăn nuôi… Chính trong cuộc sống khiêm hạ tầm thường ấy, vào năm 1931, chị đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu để làm người loan truyền cho toàn thế giới sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa. “Mỗi khi nghe đồng hồ điểm 3 giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn vào trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh. Con hãy kêu nài quyền năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là các tội nhân đáng thương, vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn.” (NK 1572)
Trong hội dòng Đức Mẹ Nhân Ai, chẳng có mấy nữ tu biết đến những kinh nghiệm thần bí của Faustina. Chính chị là tác giả của tuần cửu nhật, kinh cầu và chuỗi kinh lòng thương xót. Khi việc sùng kính Lòng Chúa Xót Thương lan rộng thì tên tuổi của Faustina mới được biết đến. Một nữ tu cho biết : “Chị ấy quá đỗi bình thường, chẳng có gì nổi bật giữa chị em, có chăng chỉ là một người nhân đức hơn, trầm lặng hơn và kết hợp với Chúa hơn. Sau khi chị ấy qua đời, chúng tôi mới được biết những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm nơi chị ấy. Thật không thể nào tin nổi!”
Sứ mệnh của Faustina thực sự bắt đầu sau khi chị qua đời. Vào khoảng năm 1951, tại Ba Lan đã có 130 trung tâm cổ động lòng sùng kính này. Các bản kinh tuần cửu nhật, kinh cầu và chuỗi kinh lòng thương xót được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Những trung tâm cổ động lòng sùng kính mọc lên tại nước Pháp, Hoa Kỳ và Úc.
Một trong những thỉnh nguyện tha thiết nhất của chị thánh Faustina là ngày lễ kính Lòng Chúa Xót Thương được chính thức thiết lập và tấm ảnh Chúa Thương Xót được công khai tôn kính khắp nơi. Ngày 23-04-1995 Đức Gioan Phaolô II đã cử hành Chúa Nhật kính Lòng Chúa Xót Thương và đặt bức ảnh Chúa Thương Xót ở ngay Trung Tâm Lòng Chúa Xót Thương được thiết lập cho giáo phận Roma tại thánh đường Chúa Thánh Thần ở Sassia. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy trải nghiệm Lòng Thương Xót của Chúa để biết sống nhân ái và tha thứ (L’Osservatoire Romano, bản Anh Ngữ, số ra ngày 26-04-1995). Năm 1999, Chúa Nhật kính Lòng Chúa Xót Thương được cử hành tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma.
Tại Rôma, ngày 30-04-2000, Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina lên bậc hiển thánh và chính thức thiết lập ngày lễ kính Lòng Chúa Xót Thương vào Chúa Nhật II Phục Sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Kể từ đó việc sùng kính Lòng Chúa Xót Thương ngày một phát triển sâu rộng trên khắp thế giới.
Đức Thánh Cha viết về “Chúa Nhật Lòng Chúa Xót Thương” như sau : “Cũng như Thánh Faustina, chúng ta tuyên xưng rằng ngoài Lòng Chúa Xót Thương, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại. Chúng ta cùng hết lòng tin tưởng kêu lên : ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa’. Lời tuyên xưng đặt trọn niềm tin tưởng nơi quyền năng và lòng thương xót của Chúa, đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta hôm nay, một thời đại mà nhân loại đang phải trải qua những lo lắng hoảng sợ trước bao nhiêu sự dữ. Kêu cầu đến lòng thương xót của Chúa rất cần thiết để tự đáy tâm hồn đầy khổ đau, lo lắng, và bất ổn của chúng ta luôn trào dâng một niềm cậy trông vững chắc… Chúng ta ước ao được nhìn vào con mắt của Chúa Giêsu, Đấng đầy lòng thương xót, để nhận ra nơi sâu thẳm trong cái nhìn của Chúa, những ân sủng mà chúng ta thường nhận được và Chúa vẫn trao ban hàng ngày cho chúng ta mãi mãi cho đến tận thế …”
Đức Gioan Phaolô II trong chuyến công du mục vụ Ba Lan đã cất tiếng : “Tạ ơn Thiên Chúa quan phòng đã cho tôi được đích thân góp phần vào việc hoàn thành ước muốn của Chúa Kitô qua việc thiết lập ngày lễ kính Lòng Chúa Xót Thương.”
“Trong ngày lễ Lòng Chúa Xót Thương, lòng nhân từ xót thương thẳm sâu của Ta mở ra. Ta tuôn đổ cả một đại dương ơn phúc cho những tâm hồn nào đến múc nguồn thương xót của Ta. Những ai ngày đó đi xưng tội, dâng lễ và rước lễ; sẽ nhận được sự tha thứ hoàn toàn mọi tội lỗi và mọi hình phạt. Đó là ơn Toàn Xá” (Trích nhật ký của Thánh Faustina, 699).
Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Thánh Bộ Phượng Tự đã ra quyết định chọn Chúa Nhật II Phục Sinh là Chúa Nhật “Lòng Chúa Xót Thương” để các tín hữu trên toàn thế giới trong Chúa Nhật này có dịp suy ngắm về lòng thương xót của Chúa đối với từng người và toàn thể nhân loại.
Ngày nay, hơn lúc nào hết, nhân loại cần đến lòng thương xót của Chúa để biết xót thương nhau. “Cha vui mừng vì con đã cư xử đúng tư cách là con của Cha. Con hãy luôn nhân lành như Cha là Đấng Nhân Lành. Vì yêu mến Cha, con hãy yêu thương mọi người, kể cả những kẻ chống đối con, để Lòng Thương Xót của Cha có thể phản chiếu tràn đầy qua tấm lòng của con” (NK 1695); “Con yêu dấu, nếu Cha muốn qua con mà mọi người tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha, thì con phải là người trước tiên trỗi vượt trong niềm tin tưởng vào tình thương ấy. Cha đòi hỏi con những hành vi nhân ái được thực hiện vì yêu mến Cha. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, con hãy tỏ lòng nhân ái với những người lân cận. Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy.” (NK 742)
Từ sâu thẳm những khổ đau của con người, lời kêu xin lòng thương xót của Chúa hằng vọng lên khắp nơi trên thế giới. Nơi nào tràn ngập ghét ghen, hận thù, chiến tranh, đau khổ và chết chóc nơi đó rất cần đến lòng Chúa xót thương để đem lại sự tha thứ hòa giải chữa lành và an bình. Nơi nào thiếu tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, nơi đó lại càng cần lòng thương xót Chúa để nhận ra giá trị tuyệt vời của mỗi con người. Chúa Giêsu nói với Faustina : “Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với lòng thương xót của Cha với niềm tín thác” (NK 3000); “Con hãy công bố Lòng Thương Xót là ưu phẩm vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Tất cả mọi công trình tay Cha thực hiện đều được tôn vinh với Lòng Thương Xót” (NK 301).
Loan Truyền Lòng Chúa Xót Thương
Đức Gioan Phaolo II nhắc nhở : “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện tại chúng ta đang sống, Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Thương Xót Chúa đã được mạc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”
Đòi hỏi này cũng thấy dày đặc trong nhật ký của thánh nữ Faustina:
“Hãy rao truyền cho thế giới biết lòng thương xót khôn thấu của Ta (NK, 1142).
“Con hãy nói với nhân loại khổ đau rằng : Hãy đến nép mình trong trái tim từ bi thương xót của Ta, Ta sẽ ban cho họ chan chứa sự bình an (NK, 1074)
“Những linh hồn nào làm sáng danh lòng thương xót Ta ở khắp mọi nơi. Ta sẽ che chở họ suốt đời như một bà mẹ che chở con thơ. Và đến giờ chết của họ, Ta sẽ không cư xử với họ như một quan toà, nhưng như một vị cứu tinh đầy thương xót (NK, 1075)
“Con hãy làm bất cứ việc gì trong khả năng của con, để phổ biến việc tôn sùng Lòng Thương Xót Ta thì Ta sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của con.
“Con hãy nói với các linh mục của Ta rằng : Kẻ tội lỗi chai đá cứng lòng sẽ ăn năn sám hối, khi nghe các ngài nói về lòng thương xót khôn dò của Ta bày tỏ với họ. Những linh mục nào rao giảng và tán dương lòng thương xót của Ta, sẽ được Ta ban cho quyền năng thần diệu : Ta sẽ làm cho lời lẽ các ngài nói ra mượt mà óng ả và gây chấn động trong trái tim những ai nghe các ngài nói.” (NK, 1074).
Cùng với những việc đạo đức tốt lành mà Chúa muốn chúng ta thực hiện để tỏ lòng tôn kính Lòng Thương Xót Chúa như Ngài đã nhắn nhủ qua chị thánh Faustina, điều quan trọng nhất mà Chúa muốn là chúng ta phải luôn hoán cải và thăng tiến đời sống tâm linh của mình. Việc đó phải được thể hiện cách cụ thể trong đời sống yêu thương phục vụ hằng ngày. Nếu ta chỉ dừng lại ở những “việc đạo đức” qua việc kinh kệ rổn rang, giang tay cầu khấn rõ to, rồi tranh giành ảnh hưởng, kèn cựa lẫn nhau trong “việc đạo đức”, mà không có “lòng đạo đức” thực sự thì ta sẽ đánh mất giá trị thiêng liêng của những việc sùng kính, và làm cho đạo Công Giáo dễ bị hiểu lầm là một mớ những nghi thức phù phép vô bổ. Ta cũng sẽ trở thành người “lạm dụng” Lòng Thương Xót Chúa khi chỉ mưu danh cầu lợi, khi chỉ dừng lại ở việc “xin xỏ” hết ơn này đến ơn khác, hoặc tìm những “dấu lạ” để thoả mãn tính hiếu kỳ. Nếu ta sốt sắng làm “việc đạo đức” để gọi là tôn kính Lòng Thương Xót Chúa mà cuộc sống của mình chưa được biến đổi, chưa biết xót thương anh chị em mình, như thế làm sao ta trông mong được Chúa xót thương? Làm sao ta cho rằng mình đã hiểu được sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa ? Và làm sao loan truyền Lòng Thương Xót Chúa bằng chính đời sống của mình được? Con người ngày nay cần những chứng nhân sống động của Lòng Thương Xót Chúa hơn là những người chỉ đi hô hào về Lòng Thương Xót Chúa, phải thế không ?
Tiếng Gọi Lòng Xót Thương
“Giêsu, tiếng gọi linh thiêng quá
Mỗi tuần một buổi dưới nhà cha
Ê a chuỗi ngọc lòng thương xót
Lòng thành cầu khẩn vạn người xa
Ai kia lạc lối niềm tin tắt
Sấp mình thờ lạy cất lời ca
Ơn lành đổ xuống bàn tay nhỏ
Bình an hạnh phúc trổ đầy hoa
Dắt dìu đoàn con nhiều lầm lỗi
Ân cần rao giảng khối lời cha
Giêsu xót thương in dấu ấn
Đáy lòng những kẻ lạc đường xa…”
Lm.Giuse Trần Đình Long, sss