Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm B

 

B22Vs

30-08: CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Ðnl 4, 1-2. 6-8; Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5; Gc 1, 17-18. 21b-22. 27; Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23.

BÀI ĐỌC I: Ðnl 4, 1-2. 6-8

“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.

Bài trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên vàđừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c. 1a)

1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

3) Người dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.

BÀI ĐỌC II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27

“Anh em hãy thực thi lời đã nghe”.

Bài trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật. Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn vàlòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

All. All. – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái vàluật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đóđều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM

1. Tình mến

2. Nghi thức bên ngoài

3. Từ trái tim con người

4. Với cả tâm tình

5. Những lời kết án khắt khe hay là hy vọng

6. Bên trong là những gì đáng kể

 

1. Tình mến

Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng họ thì lại xa Ta.

Qua lời xác quyết của Chúa Giêsu chúng ta ghi nhận một sự thật đó là vì yêu thương và muốn cho chúng ta được cứu rỗi, Ngài đã truyền cho chúng ta tuân giữ điều này điều nọ. Và như chúng ta cũng đã biết, tình thương phải được đáp trả lại bằng tình thương. Bởi đó, việc chúng ta tuân giữ những lệnh truyền của Chúa cũng phải được xuất phát từ lòng mến chân thành. Một đi khi đã có lòng mến chân thành rồi, nó sẽ phản chiếu ra những hành động bên ngoài và làm cho những hành động ấy có một giá trị siêu nhiên và vĩnh cửu. Bằng không thì những hành động ấy sẽ chỉ như tiếng não bạt ầm vang, nhọc nhằn mà chẳng nên cơm cháo gì, còn bản thân chúng ta chẳng bao lâu sẽ bị lột mặt nạ, vì chúng ta chỉ là những kẻ bôi bác và giả hình mà thôi.

Đúng thế, Chúa bảo chúng ta hãy xa tránh men bột biệt phái, vì họ là những kẻ vụ hình thức bên ngoài, họ quá chú trọng đến những chi tiết vụn vặt mà quên đi cái yếu tố căn bản của lề luật, đó là lòng mến bên trong. Người biệt phái quan tâm đến việc tắm gội thân xác, giặt giũ quần áo, lau chùi chén bát, tẩy uế chum vò nhưng lại coi thường lòng mến đối với Thiên Chúa và tình thương đối với anh em, khiến cho Chúa Giêsu đã phải mượn lời tiên tri Isaia mà quở trách họ: Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, nhưng lòng họ thì lại xa Ta. Họ gạt bỏ lề luật của Chúa, để bấu víu vào những tập tục của cha ông. Cái chính thì họ không làm không giữ, nhưng lại đi gữ và làm những cái vô nghĩa. Họ đã đảo lộn bậc thang giá trị.

Đối với Chúa Giêsu thì khác, tâm tình bên trong mới là yếu tố quyết định. Từ cái tâm địa xấu mà phát sinh ra những tội gian dâm, trộm cắp, thù oán, nhưng từ cái tâm địa tốt, chúng ta sẽ có được những hành động yêu thương, giúp đỡ và bố thí đối với anh em. Như thế, tư tưởng của chúng ta sẽ đi đôi với lời nói và lời nói thì đi đôi với việc làm. Chúng ta sẽ trở nên những người đôn hậu và chân thành, chúng ta không phải là những kẻ bôi bác và giả hình.

Có một nhà triệu phú chết đi để lại một gia tài to lớn với một người con đi du học ở ngoại quốc từ nhỏ, nên không ai còn nhớ được khuôn mặt. Sau khi mẩu tin được đăng báo thì người ta thấy có ba chàng thanh niên tự nhận mình là con và xin được lãnh phần sản nghiệp. Viên quan toà suy nghĩ, sau cùng ông nhờ hoạ sĩ vẽ bức chân dung của nhà triệu phú. Ông trao cho ba chàng thanh niên, mỗi người một khẩu súng và bảo: Nếu ai bắn trúng một điểm nhỏ trên khuôn mặt nhà triệu phú thì sẽ được lãnh phần gia nghiệp. Chàng thanh niên thứ nhất đến và giơ súng bắn. Chàng thanh niên thứ hai cũng thế. Cả hai viên đạn chỉ cách chấm nhỏ có chút xíu. Chàng thanh niên thứ ba, vẻ mặt rất buồn, cầm súng, yên lặng suy nghĩ và sau cùng đã nói: Tôi không bắn vì đây là bức chân dung của ba tôi. Viên quan toà chạy đến và nói: Chính anh là người con của nhà triệu phú và anh được lãnh phần gia nghiệp.

Nếu không có tình mến, thì rồi một lúc nào đó chúng ta sẽ bị lật tẩy, vì chúng ta chỉ là những kẻ bôi bác giả hình mà thôi.

2. Nghi thức bên ngoài

Có một thầy tiến sĩ luật Do Thái bị cầm tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua và ông ta yếu dần. Cuối cùng người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng: cơ thể ông ta bị thiếu nước. Thế nhưng đám lính canh lại thắc mắc không hiểu vì sao vị Rabbi này lại có thể thiếu nước, vì khẩu phần nước tương đối đầy đủ.

Và thế là họ kín đáo quan sát ông ta. Cuối cùng họ đã khám phá ra lý do. Sở dĩ cơ thể ông ta thiếu nước vì ông ta đã dùng phần lớn số nước được cung cấp để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và dùng bữa.

Câu chuyện trên cho thấy các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bực bội như thế nào, khi các môn đệ Chúa ăn uống mà chẳng chịu rửa tay theo đúng tập tục tiền nhân.

Ngược dòng thời gian chúng ta thấy người Do Thái có hai thứ luật. Luật thành văn và luật truyền khẩu. Luật thành văn vừa cổ lại vừa quan trọng vì nó căn cứ trên những sách của Cựu ước và đôi khi còn được gọi là luật Maisen. Một số luật này mang tính cách cụ thể và đặc thù, còn lại thì rất chung chung giống như những kiểu mẫu phải theo hơn là lề luật. Trong một thời gian dài, người Do Thái bằng lòng với những kiểu mẫu này và họ áp dụng vào đời sống vì thấy nó thích hợp.

Tuy nhiên, tới thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, một nhóm chuyên nghiên cứu về luật đã tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân. Họ thấy những điều luật tổng quát quá sơ sài, mơ hồ cần phải được soạn thảo lại. Từ đó phát sinh ra bộ luật thứ hai, gồm những luật truyền khẩu. Rất nhiều người Do Thái muốn bắt chước các tư tế về sự thánh thiện bên ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn: theo luật thành văn thì mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi vào nơi thánh trong đền thờ, mục đích là tẩy rửa đi những gì ô uế để xứng đáng thờ phượng Chúa. Dần dần dân chúng cũng bắt chước rửa tay trước khi cầu nguyện và khi dùng bữa.

Vào thời Chúa Giêsu, họ tuân giữ cặn kẽ thứ luật truyền khẩu này, để rồi tôn giáo dần dần thái hóa và biến thành một hoạt động đơn thuần chỉ là chu toàn những nghi thức bên ngoài. Theo họ, tuân giữ nghi thức bên ngoài là đẹp lòng Chúa, bằng không thì phạm tội và những kẻ tuân giữ được coi là người đạo đức. Họ có thể căm ghét kẻ khác nhưng lại chẳng hề áy náy bao lâu còn tuân giữ việc rửa tay và những nghi thức khác về sự thanh tẩy.

Họ giống như một người Hồi giáo đang phi ngựa rượt theo kẻ thù, chợt nghe chuông báo giờ cầu nguyện. Thế là anh ta xuống ngựa, quì gối cầu nguyện theo luật định, rồi sau đó lên ngựa tiếp tục đuổi theo kẻ thù.

Từ đó chúng ta đi tới kết luận: đừng đồng hóa tôn giáo với việc chu toàn những hành vi bên ngoài như đi lễ, đọc kinh, xưng tội… Tự chúng chưa bảo đảm rằng chúng ta đã thánh thiện đâu. Lý do rất đơn giản là chúng ta có thể làm tất cả những việc này vì lý do không mấy ngay thẳng, hay làm không phải vì yêu thương. Điều quan trọng không phải là việc chúng ta làm mà chính là tình yêu trong trái tim thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu trái tim chất đầy kiêu căng thì mọi nghi thức bên ngoài trước mặt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta trở nên thánh thiện trước mặt Chúa. Bởi vì như lời Chúa đã quở trách người Do Thái: dân này thờ kính Ta ngoài môi ngoài miệng, còn lòng họ thì lại xa Ta.

Tóm lại, điều cốt lõi trong tôn giáo không phải là làm việc này việc kia, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Hành động của chúng ta phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu: Mến Chúa và yêu người, thì mới thực sự có giá trị.

3. Từ trái tim con người

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Đoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một chuyện nhỏ: chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn. Đối với người Pharisêu, sau khi ra nơi phố chợ, người ta thường trở nên ô uế do đụng chạm. Phải rửa tay, vì tay ô uế làm đồ ăn ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ô uế.

Đức Giêsu đã long trọng khẳng định: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế” (c.15). Khẳng định này là một cuộc cách mạng trong Do Thái giáo, bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao vây bởi nhiều cấm kỵ: không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt; không được đụng vào xác chết, vào người phong cùi; không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi… Đụng vào hay ăn vào là ô uế ngay.

Đức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ, đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu – người tốt, dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do… Ngài hồn nhiên đến với những người bị coi là ô uế để làm họ nên sạch.

Thật ra Đức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay, nhưng Ngài thấy nó có vẻ giả hình vì người ta chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim. Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện, tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều khó hơn. Đức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra.

Ngài kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ trái tim, ý định xấu dẫn đến hành động không đẹp (cc.21-22).

Cần trở về với trái tim của mình.

Đó không phải là một cuộc dạo chơi, nhưng là một thách đố dám nhìn cái tôi sau lớp mặt nạ.

“Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31).

Đó là lệnh truyền của Đức Chúa, nhưng con người chẳng thể tự mình thay tim. “Ta sẽ thanh tầy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt).

Đổi được trái tim là đổi được tất cả.

Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở Hội Thánh: Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết, nhưng không được quên điều cốt tủy của luật Chúa là yêu thương. Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là điều phải làm, nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống mình trong đó.

Chúng ta vẫn có thể lẫn lộn cái chính với cái phụ.

“Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ” (c.14).

Đó là lời Đức Giêsu nhắn nhủ đám đông ngày xưa và chúng ta hôm nay.

Gợi Ý Chia Sẻ

Có khi nào bạn làm một cuộc hành trình vào trái tim của bạn chưa? Bạn thường thấy trái tim của bạn thích những điều gì và sợ những điều gì? Có điều gì sâu kín nơi trái tim mà bạn muốn chia sẻ không?

Hiện nay có những hàng rào hay bức tường nào còn ngăn không cho bạn đến với mọi người?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con. Xin hãy cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức những lo âu, sợ hãi đang đè nặng làm con ngột ngạt, những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui, những vết thương không biết bao giờ lành, những đỗ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con. Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn, hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người, bằng trái tim bao dung của Chúa. Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình, trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn để yêu mến mọi người. Amen.

4. Với cả tâm tình

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?” Nhà sư trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”.

Câu chuyện ý nhị trên đã minh họa rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành. Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình.

Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những lề luật theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.

Đức Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa. Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.

Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị. Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”.

Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn. Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng. Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực. Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1.       Rửa tay hay rửa linh hồn, điều nào quan trọng hơn?

2.       Điều gì quan trọng nhất trong đạo? Làm những việc phi thường hay là mến yêu Chúa và yêu thương anh em?

3.       Bạn thường đi lễ cho đầy đủ bổn phận hay đi lễ vì yêu mến Chúa?

4.       Bạn làm việc thiện vì yêu mến người nghèo hay vì muốn khoe khoang?

 

5. Những lời kết án khắt khe hay là hy vọng

(Suy niệm của Camille Gagnon)

Những câu nói hiểm hóc.

Một số câu trích từ Kinh Thánh đôi khi gợi lên nơi chúng ta những kỷ niệm khó chịu. Chúng ta có hai câu trong các bài đọc hôm nay. Hai câu thường dùng để nói lên sự không nhân nhượng và đòi hỏi khắt khe về mặt tôn giáo.

Câu thứ nhất trích từ Sách đệ nhị luật nói thế này: “Các ngươi sẽ không thêm gì vào những gì tôi truyền cho các ngươi và các ngươi không bớt gì cả nhưng các ngươi sẽ giữ mệnh lệnh của Chúa như tôi truyền dạy”. Khi đọc câu này, tôi nhớ đến những cuộc tranh cãi về phụng vụ đủ loại đã xảy ra từ mười năm nay, như vụ Lefebvre, hoặc những vụ khác, ít trầm trọng hơn, về việc thực hành những nghi thức Thánh lễ. Tôi cũng nhớ lại những lời tâm sự đau đớn của những người bị từ chối không cho xưng tội. Có thể nào một lời Tin Mừng, một lời giải phóng, được nói nhân danh Thiên Chúa, lại gây ra điều trái ngược không?

Câu thứ hai trích từ Tin Mừng, nói thế này: “Các ông bỏ giới răn của Thiên Chúa để theo truyền thống của loài người”.

Gần đây một được cháu gái, được rửa tội lại “trong Giáo Hội Tin Lành”, đã dùng câu này mà nói với tôi. Những cặp vợ chồng ly dị và tái giá, cũng đã cho tôi thấy nỗi đau đớn của họ trước sự nghiêm khắc của luật Giáo Hội về việc rước lễ. Tôi cũng nghe người trẻ nói như thế nữa; Sau khi đã sống đức tin Kitô thực sự, họ đã thấy mình không thể theo Giáo Hội và những tập tục của Giáo Hội nữa.

Mỗi người theo cách của mình mà hiểu về ý nghĩa của “giới răn Thiên Chúa” và “truyền thống của loài người” và tìm cách biện minh cho tư tưởng hoặc hành động của mình. Dù tỏ ra không nhân nhượng nữa. Vậy nên tôi xin nhắc lại câu hỏi này: chúng ta có một Tin Mừng giải phóng không? Làm sao lắng nghe những câu hiểm hóc này mà vẫn duy trì được niềm hy vọng của chúng ta.

Những lời hy vọng.

Ta hãy tìm cách đọc lại tường thuật cuộc gặp gỡ giữa những người biệt pháivà Chúa Giêsu, mà không kết án ai cả, không ra vạ tuyệt thông cho ai cả. Chúng ta cũng tìm cách kiểm tra xem Chúa Giêsu có nói lời nào không bao dung đối với con người chăng?

Chúng ta hãy nhìn xem quang cảnh này. Mọi người có mặt tại đó, xung quanh một bàn ăn. Chúng ta đừng biến những cuộc trao đổi, dù gay gắt đi nữa, thành những lời buộc tội của tòa án. Rồi chúng ta hãy xem có những ai ở đó. Chúa Giêsu, các môn đệ của Ngài, những người biệt phái và ký lục “từ Giêrusalem đến”. “Từ Giêrusalem đến” nghĩa là gì? Nghĩa là họ là những đại diện cho quyền bính chính thức, họ đến tranh luận với Chúa Giêsu và bắt lỗi Ngài? Và nếu họ cũng là những người đơn sơ, chân thành nhưng lo lắng thì sao? Là những người mộ đạo ngạc nhiên vì thấy những người thuộc cộng đoàn của họ, thuộc niềm tin của họ, quên đi những nghi lễ và tập tục văn hóa truyền thống thì sao? Theo quan điểm này thì họ sẽ không khác chúng ta lắm, phải không? Hơn nữa, họ đã đi cả một đoạn đường dài để gặp Chúa Giêsu. Vậy Ngài có xua đuổi họ bằng một lời kết án dứt khoát không? Hay Ngài có tìm cách giải phóng họ và nói với họ một lời hy vọng không?

Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người, biệt phái, môn đệ, quần chúng, trong đó có chúng ta nữa. Với những người muốn trung thành chu toàn giới răn của Thiên Chúa, không thêm không bớt gì cả, Chúa Giêsu nhắc lại rằng đối với Thiên Chúa, giới răn nhắm vào thâm tâm con người. Sự thật của con tim bao giờ cũng hơn những việc tế tự. Và những việc này không bao giờ thay thế được cho một con tim dối trá và mù quáng cả. Không được thêm gì vào lòng con người cũng không được rút bớt gì cả. Không rút bớt gì trong những nỗi yếu hèn của họ, không thêm gì vào sự phức tạp cũng như mặc cảm tội lỗi của họ. Đây là lời giải phóng và hy vọng: không ai kết án bạn cả, không phải lòng tôi, không phải lòng bạn, cũng không phải lòng kẻ khác. Không có luật nào thay thế được luật của con tim. Điều này có giá trị đối với hết thảy mọi người.

6. Bên trong là những gì đáng kể

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng” – Charles E. Miller).

Vào một buổi chiều nơi sân bóng rổ, một đám đông đã đứng lên để hát bài quốc ca, một đứa trẻ đã không bỏ mũ của mình ra. Một người đàn ông vạm vỡ đứng ngay đằng sau đứa bé đã nói: “Này chú bé, hãy lấy mũ ra chứ”. Cha của đứa bé là một người có bộ râu rậm nhưng ông đã chờ đợi cho đến khi kết thúc bài hát, cố gắng với sự tự chủ và giọng run run, ông nói một cách nhỏ nhẹ với người đàn ông: “Con trai của tôi đang hóa trị vì bệnh ung thư và nó không còn chút tóc nào!”.

Đứa trẻ đã không kính trọng trong khi hát bài quốc ca, đơn giản vì em lúng túng khi bỏ mũ của mình ra. Người đàn ông vạm vỡ có thể rút ra môt bài học: bên ngoài thì không luôn luôn cho thấy những gì ở bên trong. Đó cũng là bài học đối với những người Pharisêu khi nghe bài Phúc Âm trong Thánh Lễ chúa nhật hôm nay.

Họ đã bực bội với các môn đệ của Chúa Giêsu bởi vì các người này đã không theo tục lệ rửa tay trước khi ăn, những điều họ quan tâm không phải là những điều vệ sinh nhưng là tính cách cứng nhắc giữ luật theo từng chữ.

Khi những người Pharisêu đòi hỏi Chúa Giêsu vì sao môn đồ của Ngài lại không thực hiện như họ đã làm. Chúa Giêsu đã từ chối trả lời, thay vào đó Ngài đã cảnh cáo họ bằng những lời của tiên tri Isaia: “Dân này thờ Ta chỉ bằng môi bằng miệng còn lòng dạ chúng thì xa Ta”. Ngài đã tiếp tục cắt nghĩa những gì ở bên trong thì quan trọng hơn những công việc bên ngoài, tâm tình bên trong thì quan trọng hơn công việc ở bên ngoài

Như một dân tộc của phụng vụ, chúng ta cần phải suy niệm giáo huấn về Chúa Giêsu. Phụng vụ là một vấn đề của sự kiện liên quan đến những điều kiện bên ngoài, ví dụ như những cử chỉ đứng, ngồi, quỳ, tiến lên, hát và đọc kinh, cũng tốt giống như khăn bàn thờ, nến, những vật trang trí khác. Thật ra, Giáo Hội đã dạy trong Hiến chế về phụng vụ rất đầy đủ về hoạt động và tham dự có ý thức trong những nghi thức phụng vụ thánh, là nguồn mạch không thể thay thế của tinh thần Kitô giáo đích thật, và cũng như Hiến chế làm rõ ràng việc tham dự phải được hoàn thành bằng cách tuyên xưng, đáp trả, hát Thánh Vịnh và các bài thánh ca, cũng như là bằng các hoạt động, cử chỉ và thái độ của thân xác (14-30).

Yếu tố chính yếu của việc thờ lạy như Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dạy đó là bên trong, điều đó có nghĩa là những gì chúng ta làm bên ngoài thì không có dự định diễn tả nhưng để tăng tình trạng chân thành bên trong, như đức tin, đức cậy và tình yêu của chúng ta. Đôi khi việc đo lường sự sốt sắng của chúng ta tốt nhất không phải là những gì chúng ta làm trong Thánh Lễ nhưng là chúng ta đã hành động bên ngoài Thánh Lễ thế nào.

Có phải đức tin chúng ta diễn tả theo phụng vụ là quy tắc hướng dẫn chúng ta sống theo cách mà nếu Thiên Chúa không hiện diện trong đời sống của chúng ta thì chúng ta sẽ không có những tâm tình như thế? Có phải đức tin của chúng ta làm cho chúng ta khác với những người khác, mà giá trị của họ là thế tục hoặc vật chất? Có phải nhân đức trông cậy chiếu sáng vẻ bên ngoài của chúng ta và làm cho chúng ta cơ bản thành những người lạc quan không? Có phải niềm trông cậy của chúng ta đã cho chúng ta một niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng thúc đẩy chúng ta trân trọng ý muốn của Ngài không? Có phải tình yêu mà chúng ta diễn tả với Thiên Chúa trong lúc chúng ta thờ phượng đã hướng dẫn một cách trực tiếp trong đời sống của chúng ta? Có phải đời sống của chúng ta đã phản ảnh chân lý mà chúng ta đã được dạy dỗ là tất cả anh chị em của chúng ta nên một trong Đức Kitô không?

Bên ngoài thì quan trọng nhưng chính chúng không làm cho chúng ta nên thánh hơn là những người yêu nước, đã kiên bền cố gắng trở nên một công dân tốt. Ngày hôm nay thánh Giacôbê đã nói với chúng ta: “Hãy tiếp nhận những lời mà những lời đó có sức mạnh để cứu thoát anh em. Hãy thực hành những lời đó. Nếu tất cả những gì anh em thực hiện là lắng nghe thì anh em đã tự lường gạt chính mình”. Đó là con đường của người nói rằng, việc thờ lạy phải dẫn đến đời sống, những việc bên ngoài phải diễn tả sự chân thành kính trọng của tình trạng bên trong. Những gì bên trong của chúng ta mới đáng kể.