Phụng vụ Lời Chúa: St 1,1.26-31a; Mt 13, 47-53
Một vài năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, viết tắt là AI), đang làm mưa làm gió trong nhiều lãnh vực đời sống con người. Thực ra, trí tuệ nhân tạo là một phần mềm công nghệ cao, được lập trình tựa như bộ não con người, nhờ đó máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo không chỉ đơn thuần là một phần mềm máy tính, mà nó còn có cả những khả năng của con người : suy luận, giao tiếp, và thậm chí là đề ra giải pháp cho chính người dùng. Một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn ChatGPT, khi được áp dụng trong ngành giáo dục, có thể tích hợp và phân tích kiến thức cách hiệu quả, nhanh chóng và đầy đủ hơn con người gấp nhiều lần.
Nếu chỉ tốt đẹp như vậy thôi, trí tuệ nhân tạo sẽ là một cái não thứ hai, một người bạn, một người thầy, một đồng nghiệp, một trợ lực hoàn hảo cho con người. Thế nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Tác động tiêu cực mà công nghệ này mang lại, phức tạp hơn nhiều, cả về khía cạnh đạo đức nhân văn lẫn thực tiễn.
Chẳng hạn trong lãnh vực giáo dục, chúng ta nghĩ gì, khi có trong tay một AI không cần phải trải qua những năm tháng học hành vất vả, mà chi phí sản xuất rẻ hơn hàng trăm lần, so với chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ khôn lớn thành người ? Rồi chúng ta có thể tưởng tượng, nếu công nghệ ChatGPT được phép ứng dụng rộng rãi ở nhà trường, thì có lẽ các giáo sư / giảng viên sẽ thất nghiệp, sinh viên cũng sẽ không cần chăm chỉ đèn sách, mài đũng quần trên ghế nhà trường nữa.
Từ câu chuyện hơi dài về công nghệ hiện đại, chúng ta trở lại với các bài đọc của phụng vụ Lời Chúa lễ khai giảng hôm nay, hy vọng rút ra được một vài suy tư, giúp chúng ta có đôi lời giải đáp cho vấn đề thời sự. Chúng ta bắt đầu từ câu sau hết của bài Tin mừng: Đức Giêsu, sau khi trình bày một loạt bài giảng các dụ ngôn về Nước Trời, đã kết thúc bằng câu này : Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.
Câu cuối này không chỉ kết luận dụ ngôn Mẻ Lưới chúng ta vừa nghe, nhưng còn tóm gọn các dụ ngôn ngay trước, của chương 13 Tin mừng theo thánh Matthêu. Các dụ ngôn này diễn tả các khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Nước Trời. Một dụ ngôn không thể trình bày hết mầu nhiệm Nước Trời, nên thánh sử Matthêu đã gom 7 dụ ngôn khác nhau lại, nhằm trình bày một cái nhìn trọn vẹn hơn về giáo lý mà Đức Giêsu rao giảng. Ý tưởng của thánh Matthêu ở đây là một sự tổng hợp. Và sự tổng hợp đó được sáng tỏ thêm trong lời của Đức Giêsu: Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.
Kinh sư được nói ở đây là người thừa kế lòng tin của Cựu ước, giờ đây, trong trường học của Đức Kitô, lại được học hỏi thêm giáo lý mới mẻ về Nước Trời. Như thế vị kinh sư này được đào tạo dưới cả ngôi trường Tân và Cựu ước, được may mắn tiếp nhận cả cái cũ lẫn cái mới, và đó là cả một kho tàng, như lời Đức Giêsu khẳng định.
Từ ý tưởng đó, chúng ta cũng không ngần ngại để nói rằng : bất cứ một sinh viên tu sĩ nào hôm nay, khi học hỏi về chân lý thánh, thì cũng phải giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.
Vậy đâu là cái mới, đâu là cái cũ đối với chúng ta hôm nay ? Trước hết, cái cũ (hay đúng hơn là cái cổ kính) không gì khác hơn là kho tàng mạc khải của Thiên Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh – Thánh Truyền, bởi vì như thánh Augustinô sau bao truân chuyên truy tầm sự khôn ngoan của người đời, đã thú nhận : Lạy Chúa, con đã yêu Chúa quá muộn màng. Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa mới mẻ.
Chúng ta đang trả lời cho vấn để cổ kính, tuy nhiên Lời Thiên Chúa, như thánh Augustinô phát biểu, không những cổ kính mà còn mới mẻ, hợp thời, và không bao giờ lạc hậu. Ở đây, khi nói đến Thánh Kinh – Thánh Truyền như là những kho tàng cổ kính, chúng ta hiểu rằng: kho tàng đó đến từ Thiên Chúa, Đấng có tự đời đời. Kho tàng đó luôn là điểm quy chiếu, là nền tảng cho mọi suy tư thần học và việc truy tầm chân lý. Nếu đặt cái mới lẫn cái cũ lên bàn cân, thì chắc hẳn cái cổ kính phải nặng ký hơn, bởi vì “rượu cũ ngon hơn rượu mới”.
Còn cái mới thì sao ? Có thể trả lời rằng : cái mới là những kiến thức khoa học nhân văn, những truyền thống triết học, những công nghệ hiện đại (như chúng ta đề cập ban đầu). Đã từng có thời người ta phân biệt ranh giới cho khoa học và thần học, coi đó là hai lãnh vực không thể đội trời chung. Nhưng thời nay, quan niệm đó không còn nữa, bởi lẽ cả hai đều phát xuất từ Thiên Chúa, và quy về Thiên Chúa.
Hơn nữa, để có thể đạt được một sự hiểu biết sâu rộng hơn về con người, về tương quan giữa con người với thế giới và ngay cả với Thiên Chúa, các khoa học nhân văn / triết học / công nghệ chắc chắc góp phần không nhỏ. Đức Phaolô VI từng phát biểu : Chúa Kitô đã trở nên đương thời với một số người và đã nói với họ bằng ngôn ngữ của họ. Trung thành với Đức Kitô có nghĩa là làm sao để Người tiếp tục tính cách đương thời ấy.
Rõ ràng, như lời thánh Augustinô phát biểu mà chúng ta trích dẫn ở trên: Thiên Chúa là Đấng không chỉ cổ kính, mà còn mới mẻ. Mà như Chúa Giêsu có lần giảng cho các môn đệ: Rượu mới thì bầu da cũng phải mới, vì thế để con người thời đại nà và cả chúng ta nữa có thể thấu hiểu được Thiên Chúa là Đấng luôn mới mẻ, chính chúng ta phải kết thân với những điều tân tiến của thời đại.
Thần học gia Karl Barth từng nói : Nhà thần học phải một tay cầm quyển Kinh thánh, và tay kia cầm tờ báo. Nếu sống vào thời này chắc ông sẽ nói cách khác: thay vì cầm tờ báo, nhà thần học (cũng như sinh viên thần-triết học) phải xem TV, rà Internet, hay là lướt FaceBook hoặc Tiktok! Hẳn nhiên, điều mà Karl Barth muốn ở đây là : nhà thần học cần phải đi sát các vấn đề thời cuộc, chứ không khuyến khích phải dán mắt trên TV hay smartphone suốt ngày !
Như kinh sư khôn ngoan được đào tạo dưới cả mái trường Tân và Cựu ước, đã trở thành môn đệ Chúa Kitô, có đủ dữ kiện để thấm nhuần giáo huấn của Đức Kitô, và đủ khả năng huấn luyện kẻ khác, thì sinh viên tu sĩ hôm nay cũng phải nỗ lực để có đủ khả năng thấu triệt được mạc khải của Thiên Chúa, cũng như thích ứng được với những thay đổi của thời cuộc, hầu có sức trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta nơi Đức Kitô.
Để kết luận, chúng ta trở lại với khung cảnh sáng tạo nơi bài đọc I hôm nay nay, không những để bái kiến Chúa Thánh Thần, Đấng mà chúng ta khẩn cầu trong thánh lễ khai giảng hôm nay, mà còn để chiêm ngắm trung tâm của công trình sáng tạo – con người, thọ tạo được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.
Câu đầu tiên của sách Sáng Thế trình bày thật ngắn gọn và súc tích điều mà Giáo hội từ đó tuyên tín về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công trình sáng tạo : Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thần khí đó được hiểu là Thiên Chúa Ngôi Ba : Chúa Thánh Thần.
Rồi những câu tiếp theo, sách Sáng Thế kể về sự xuất hiện của các thọ tạo khác nhau. Đến lượt con người, sách Sáng Thế viết: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo giải thích : hình ảnh Thiên Chúa mà con người mang nơi mình, đó là sự hiểu biết và yêu thương, tức là trí tuệ và con tim (x. GLHTCG 356). Chỉ có con người mới có những khả năng đó. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà những khả năng đó sẽ trở nên hoàn trọn nơi con người, mà phải cần có một quá trình làm người.
Trong ý nghĩa đó, cùng với tâm tình của ngày lễ khai giảng hôm nay, chúng ta có thể nói rằng giáo dục mang trong mình sứ mạng là làm sáng lên món quà sáng tạo của Thiên Chúa đặt nơi con người : là hiểu biết và yêu thương.
Và chủ thể của quá trình đó, hay là của cả nền giáo dục, không chỉ là con người, mà là Chúa Thánh Thần. Trước mỗi giờ học, chúng ta thường đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi …” để xin ơn Chúa Thánh Thần, đã chứng tỏ điều đó. Vì thế, trong việc giáo dục, cách riêng là truy tầm chân lý thánh, Chúa Thánh Thần là Thầy, còn tất cả chúng ta (cả giảng viên lẫn sinh viên) đều là học trò.
Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đào sâu vẻ đẹp của con người, mà Chúa Tạo Thành đã dựng nên : có trí tuệ để hiểu biết và có trái tim để yêu thương. Vì vậy, giáo dục không chỉ nhắm đến kiến thức, mà còn để giúp con người sống yêu thương nhau hơn.
Hầu như trong các trường học, người ta để ý huấn luyện cái đầu hơn là con tim. Bởi đó người ta lo đào tạo nên những đứa trẻ giỏi, hơn là những đứa trẻ tốt. Người ta nhắm vào công việc và nghề nghiệp sau này của đứa trẻ đòi hỏi, hơn là điều nó cần hiện nay : là làm người. Vì thế, kết quả của lối giáo dục đó : là một nền văn minh khoa học kỹ thuật, dù rất hiệu quả nhưng lại lạnh lùng, ích kỷ và lắm khi tàn nhẫn.
Tuy nhiên trong trường đời, con tim lại quan trọng hơn, vì sống ở đời và sống với mọi người, được việc thôi chưa đủ, còn phải được người nữa. Nền văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không phải là văn minh của khoa học kỹ thuật, mà là văn minh của tình yêu, của con tim. Và để có thể giáo dục được một con tim biết yêu thương, cần cả một quá trình.
Quá trình đó không chỉ diễn ra ở trên ghế nhà trường, nhưng trong cả môi trường cuộc sống hằng ngày. Và Chúa Thánh Thần, Đấng muốn thổi đâu thì thổi, Ngài không chỉ hướng dẫn chúng ta trên lớp học, nơi những trang sách, trên những bàn phím màn hình computer ; nhưng còn chỉ dạy chúng ta trong mọi suy nghĩ, mọi hành vi, và chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống.
Cúi xin Chúa Thánh Thần sáng soi cho chúng ta được biết điều phải học, việc phải làm ; cùng khi làm, xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ cho mỗi suy tư, mỗi lời nói, mỗi công việc của chúng ta ; từ khởi sự của niên học, là thánh lễ khai giảng hôm nay, cho đến ngày hoàn thành, là kỳ thi tốt nghiệp năm sau, xin cho tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa Thánh Thần. Amen.
Fr. DuyLinh, OP