Theo gia phả Đức Giêsu trong Tin mừng Mátthêu và Luca, Đức Giêsu không thuộc về chi tộc Lêvi, nhưng thuộc về nhà Đavít, tức là chi tộc Giuđa, như vậy Đức Giêsu không phải là tư tế theo nghĩa của Cựu ước. Tuy nhiên, xét về chức năng của một vị tư tế, thì ta thấy Đức Giêsu là một tư tế đích thực: Người đọc Sách thánh trong hội đường Nadarét, giảng dạy trong các hội đường;[1] Ngài hơn hẳn các tư tế khi cho thấy Ngài đến để kiện toàn Lề luật.[2]
Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn thi hành chức năng trung gian chuyển cầu và dâng chính thân xác mình làm lễ đền tội cho dân. Máu Đức Giêsu đổ ra trong lễ Vượt qua gợi lại hình ảnh chiên vượt qua trong cuộc xuất hành, là dấu chứng Thiên Chúa cứu độ dân Người.[3] Như thế, mặc dù toàn bộ Tân ước không minh nhiên nói đến chức danh tư tế của Đức Giêsu, ngoại trừ thư gởi tín hữu Dothái, song qua cái chết và sự phục sinh, Đức Giêsu đã hoàn thành vai trò trung gian cứu độ mà chức tư tế trong Cựu ước không thể hoàn thành. Người chính là vị thượng tế vô song, là vị thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê, nghĩa là một vị thượng tế cao cả, siêu vượt tất cả các vị thượng tế xuất thân từ người phàm, vượt hẳn ông Aharon. (trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu, trang 395).
[youtube]ybeDUcKquNY[/youtube]
[1] Xc. Lc 4, 15 – 16.
[2] Xc. Mt 5, 17tt.
[3] Xc. Mc 14, 24.