Theo Thánh Kinh, đặc biệt các tường thuật Tin Mừng sau Phục sinh, có ít nhất là ba “nguồn chứng cứ liên can đến sự Phục Sinh”:
1) Từ “các lời đã báo trước”;
2) Từ dữ kiện “ngôi mộ trống”;
3) Từ các nhân chứng đã mục thị Đức Giêsu đã chết nay vẫn sống…
Các tường thuật Phục sinh cũng còn chứng tỏ cho thấy rằng ba nguồn chứng cứ nầy, một đàng, vốn liên đới với nhau và bổ sung cho nhau, đàng khác, liên đới và tùy thuộc vào thái độ “tin-cậy-mến” của mỗi người…
I- TỪ “CÁC LỜI ĐÃ BÁO TRƯỚC”:
1- Các dữ kiện: Các lời đã báo trước bao gồm các Ý định đã trù liệu trước của chính Thiên Chúa (Cv 2, 23-24), các lời của chính Đức Giêsu trước khi “chết” (Mc 8, 31; 9, 31; 10, 33-34; Mt 16, 21; 17, 22-23; 20, 18-19; Lc 9, 22; 9, 44-45; 18, 31-34; v.v…) và các lời tiên tri trong Cựu Ước (xem Lc 24, 25-27; Cv 3, 21-28; 8, 31-35; 1 Pr 1, 11; v.v…):
“…thể theo ý định đã vạch sẵn và sự dự tri của Thiên Chúa…” (Cv 2, 23).
“Và Ngài bắt đầu giảng dạy họ rằng: ‘Con người phải chịu nhiều đau khổ, và bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục phế thải, bị giết đi, và sau ba ngày sẽ sống lại’.” (Mc 8, 31)
“Bấy giờ, Ngài mới nói cùng họ: ‘Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói ! Thế thì Đức Kitô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao ?’ Và, khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh” (Lc 24, 25-27).
2- Các phản ứng:
Nói chung, phản ứng của các Tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu là không tin, không hiểu và vì thế không mấy quan tâm và để ý đến các lời loan báo trước nầy (xem Lc 24, 25; Mc 9, 32; Mt 16, 22; 17, 23; Lc 9, 45; 18, 34; v.v…)…Vì thế, phản ứng chung ban đầu của các Tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu sau khi Ngài “chết” là hoang mang, lo âu, sợ hãi và thất vọng…
Nhưng, một khi đã nhớ lại được và hiểu được những lời loan báo trước đó, cùng với sự “gặp gỡ được chính Đức Giêsu Phục sinh”, niềm tin, tỉnh yêu và niềm hy vọng sẽ tràn ngập cõi lòng họ, và có khả năng thay đổi hoàn toàn con người của họ: đó chính là Thần Khí Tình Yêu của Đức Giêsu-Kitô Phục sinh đang hiện diện trong con người và hiện sinh của họ…(xem Lc 24, 6-8.31-35; ).
II- TỪ DỮ KIỆN “NGÔI MỘ TRỐNG”:
1- Dữ kiện: Cả bốn tác giả các Sách Tin Mừng đều có nói tới dữ kiện nầy (Mc 16, 1-9; Mt 28, 1-10; Lc 24, 1-12; Ga 20, 1-2):
“Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tang tảng bình minh, các bà đến mồ, có mang theo hương liệu họ đã dọn sẵn. Và họ thấy viên đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng khi vào trong, họ không gặp thấy xác Chúa Giêsu.” (Lc 24, 1-2)
2- Các phản ứng: Đối diện với dữ kiện “ngôi mộ trống”, có nhiều phản ứng khác nhau:
2.1- Các thượng tế và hàng niên trưởng, vì một cách tiên thiên đã không tin, nên đã “phao tin thất thiệt”:
“Các thượng tế hội cùng hàng niên trưởng, và sau khi đã bàn bạc, thì họ cho lính tráng một số tiền lớn, mà rằng: ‘Các anh hãy nói: Môn đồ hắn đã đến ban đêm trộm hắn, đang lúc chúng tôi ngủ” (Mt 28, 12-13).
2.2- Phêrô, các Tông đồ và các môn đệ khác: Thái độ chủ yếu của Phêrô và của họ là “kinh ngạc” vì “chậm hiểu” các lời đã báo trước, và vì thế không mấy tha thiết với dữ kiện “mồ trống” nầy (Lc 24, 11-12; Ga 20, 6-7.9-10):
“Nhưng Phêrô chỗi dậy chạy đến mồ. Cúi mình nhìn vào, ông thấy chỉ có những dải vải mà thôi. Và ông lui về nhà, kinh ngạc về sự xãy ra” (Lc 24, 12).
2.3- “Người môn đệ kia (?)”: Cùng với Phêrô, cả hai cùng thấy những dữ kiện như nhau, nhưng “người môn đệ kia” “đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8). Có vẻ như ở đây, Thánh Kinh chứng tỏ cho thấy có một tương quan mật thiết và hỗ tương giữa lòng mến, niềm tin và sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời nầy: càng được yêu mến nhiều và càng yêu nhiều càng dễ tin, tin nhiều và nhanh chóng nhận ra được sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh…Chẳng phải “người môn đệ kia” cũng là người đã đuợc Chúa Giêsu yếu mến nhiều và ngài cũng yêu mến Thầy mình nhiều đó sao ? (xem Ga 13, 23; 19, 25; 21, 7). Chỉ có Tình Yêu mới có đôi con mắt nhìn ra chân tướng của mọi sự và mọi người và cả chính sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng lịch sử. Trong ngôn ngữ nhà Phật, cái nhìn đó được gọi là “tâm nhãn”…
2.4- Maria thành Magđala và một số người phụ nữ khác từng đi theo Chúa Giêsu (xem Lc 24, 10): Có vẻ như đối diện với dữ kiện “ngôi mộ trống”, những người phụ nữ nầy cũng chẳng hiểu gì nhiều hơn so với các Tông đồ và môn đệ khác của Chúa Giêsu (xem Ga 20, 13.15). Nhưng, bù lại, họ có trái tim: họ yêu mến Đức Giêsu khi “còn sống” cũng như “sau khi Ngài đã chết”. Những người phụ nữ nầy không nhìn con người Đức Giêsu và các biến cố liên quan đến Ngài qua lăng kính lý trí, toan tính hơn thiệt, mà bằng cả trái tim, tức là nhìn qua “tâm nhãn”…(xem Ga 20, 1.11; Mt 28, 1; Mc 16, 1-3; Lc 24, 1). Và, liệu phải chăng chính bằng cái nhìn “tâm nhãn” đó mà Maria thành Magđala và những người phụ nữ đã từng đi theo Chúa Giêsu đó là những người “đầu tiên” đã được gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh và chính họ là những người “đầu tiên” loan báo Tin Mừng Phục Sinh thậm chí cho cả các Tông đồ ? (xem Lc 24, 10; Ga 20, 18)…
Thật vậy, có thể các phụ nữ nầy đã không tin Đức Giêsu, Thầy mình, sẽ sống lại, và cũng không hy vọng thế:
“…Bà nói: ‘Người ta đã cất Chúa tôi đi, mà tôi không biết họ đã đặt Ngài ở đâu ? …Thưa ông, nếu chính ông đã đem Ngài đi, xin nói cho tôi biết: ông đã đặt Ngài ở đâu, tôi sẽ đến cất lấy Ngài’.” (Ga 20, 13.15).
Nhưng, có một điều chắc chắn là họ đã yêu mến Ngài khi Ngài còn sống cũng như khi Ngài “đã chết”: cần lưu ý Maria thành Magđala trong Ga 20, 13.15 không nói người ta cất hay đem “xác Chúa tôi” mà là “cất Chúa tôi đi” và “đem Ngài đi” (xem thêm Ga 20, 11.13.15.17). Và, đó chính mới là điều quan trọng: Tình Yêu. Và, chính trong Tình Yêu đối với Đức Giêsu-Kitô đã mặc nhiên bao hàm Niềm Tin và Niềm Hy vọng (xem 1 Cr 13, 13; 1 Ga 4, 16)…
III- TỪ CÁC NHÂN CHỨNG…:
“…Chúng tôi là chứng nhân về mọi điều Ngài đã làm trong vùng người Do Thái và ở Giêrusalem, Ngài mà họ đã treo trên súc gỗ mà giết đi. Chính Ngài, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ngày thứ ba, và đã cho hiện tỏ, không phải cho toàn dân, nhưng là cho những nhân chứng Thiên Chúa đã chọn trước, tức là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Ngài, sau khi Ngài đã sống lại từ cõi chết…” (Cv 10, 39-41).
“Vậy, trong hàng những người đã cùng đi với chúng tôi, suốt cả thời gian Chúa Giêsu đã ra vào giữa chúng tôi, khởi từ lúc Gioan thanh tẩy, cho đến ngày Đức Giêsu bị cất khỏi chúng tôi, phải chọn thêm một người để cùng với chúng tôi làm chứng cho sự sống lại của Ngài” (Cv 1, 21-22).
1- Nhân chứng là những kẻ đã được Thiên Chúa tuyển chọn: Không phải bất cứ ai cũng có thể là nhân chứng, mà chỉ những ai đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Vì thế, đó là một ơn gọi có tính liên vị (une vocation interpersonnelle), tức là giữa các ngã vị với nhau, chứ không phải là một ơn gọi chung chung, trừu tượng, trung tính. Điều đó đòi hỏi phải có những tương quan mật thiết với nhau, tương quan tình yêu: có những mời gọi và có những đáp trả, có những chung sống và cùng có những kỷ niệm chung với nhau (xem Ga 20, 14-16; Lc 24, 30-31)…
2- Nhân chứng Phục sinh phải là những kẻ đã từng mục thị và chung sống với Đức Giêsu trước và sau Biến cố Phục Sinh: có nghĩa đó phải là những con người “trong cuộc”, nhờ đó niềm xác tín mới đủ mạnh mẽ để có thể từ đó thay đổi cả một đời còn lại: từ những kẻ đầy tham vọng, đầy toan tính nhỏ mọn, cá nhân, nhút nhát, sợ hãi, tham sống, sợ chết của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, họ trờ thành những chứng nhân suốt đời cho Đức Kitô Phục Sinh, cho Giáo hội của Ngài và cho tha nhân, đến độ hy sinh cả tính mạng của mình vì Tình Yêu, như chính Đức Giêsu-Kitô, Thầy của họ…
Và, chính vì thế, họ mới trở thành những chứng nhân khả tín cho chúng ta và cho mọi người, mọi nơi và mọi thời đại…
Và, đến lượt chúng ta, cũng vậy, chỉ có một tình yêu dâng hiến tột cùng như thế, đến độ dám hy sinh cả mạng sống mình vì tình yêu đối với Thiên Chúa, với Đức Giêsu-Kitô, với Giáo hội của Ngài và với mọi người, mà chúng ta và Giáo hội chúng ta mới có thể trở thành những chứng nhân “khả tín” trong một thế giới, như thế giới chúng ta đang sống, vốn tin vào những chứng nhân hơn là những thầy dạy…
LM Phêrô Nguyễn Thiên Cung