Những mẫu chuyện Mùa Chay

Nội dung:

1. Câu Chuyện NGƯỜI NỮ NGOẠI TÌNH

2. Câu Chuyện ĐỨA CON HOANG ĐÀNG của Phật Giáo

3. Câu Chuyện GỎI CÁ MÈ

4.  Câu Chuyện Ông Cha Xứ Bỏ Trốn

5. Câu Chuyện NHỮNG HẠT GẠO

6. Câu Chuyện CỤC THAN HỒNG

7. Câu Chuyện BÀ MƯỜI

***

 

1. Câu Chuyện NGƯỜI NỮ NGOẠI TÌNH

Câu chuyện Người đàn bà ngoại tình theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gioan 7:53-8:11 [1]. Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pharisêu, và Chúa Giêsu nêu lên quan điểm về vụ việc này qua câu nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”

Theo bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ:

Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”

Qua câu nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7), Chúa Giê-su muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để họ nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người. Khi con người kết án anh em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật.

Khi bàn về câu truyện này, thánh Augustinô dùng hai từ bằng tiếng La tinh là Miseriamisericordia (Khổ đau và lòng thương xót) bởi vì “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,17) và theo nghị quyết của Công đồng Vatican II : “Người Ki Tô hữu có bổn phận nặng nề, phải hợp tác với tất cả những người khác trong việc xây dựng một thế giới xứng đáng với nhân phẩm con người hơn” (Gaudiumet Spes, 57) [2].

Đoạn văn này thường được dùng trong các phóng tác phim về các Tin Mừng. Nhiều danh họa đã minh họa cho câu chuyện này, trong số đó có Giovanni Francesco Barbieri (Guercino), Pieter Bruegel il Vecchio, Antoine Caron, Lucas Cranach the Elder, Nicolas Poussin, Jacopo Tintoretto,…

Đây cũng là nội dung của bài hát Chuyện người đàn bà 2000 năm trước của Song Ngọc, trong đó có những câu sau :

“…Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết

Đống đá ngổn ngang. Chờ ai?

Chờ tay người ném chết một người không hận thù.

Người ơi, vì đâu đọa đày nhau ?!

Ai… người vô tội ? Ai… người không tội ?

Hãy mạnh tay ném đá, ném đá, ném trước đi, còn đợi gì ?

Ai… người vẹn toàn ? Ai… người trong sạch ?

Còn chờ chi ? Ném chết ném chết, ném chết tội đồ nhân gian…!

Chuyện người đàn bà 2000 năm trước

Sách cổ đã ghi: đống đá còn nguyên….”

Nhạc sĩ Song Ngọc đã khéo léo dùng những chữ tương phản như “Thế giới hiền lương / ánh mắt cuồng căm” và đặt câu hỏi, có phải vì người đời giả dối, sợ phải đối mặt với tòa án lương tri với tội của chính mình nên đã lẵng lặng bỏ đi: “Vì người vô tội hay đời giả dối ? Thế giới giả nhân ? Chào thua ! Người ơi, Tình ơi ! Ai tội đồ ? Ai tỉnh ngộ ?…”. Nhưng dù sao thì “cũng vậy thôi”, và câu chuyện vẫn có kết thúc tốt đẹp và câu hỏi dành riêng cho lương tâm mỗi người.

 

2. Câu Chuyện ĐỨA CON HOANG ĐÀNG của Phật Giáo

Trong giáo lý nhà Phật cũng có câu chuyện gọi là “Dụ ngôn người con hoang đàng”.

Câu chuyện kể về một người con bỏ cha, lên đường đi đến một nơi xa xôi sinh sống theo sự tự do phóng khoáng của mình. Vì ăn chơi thái quá anh trở nên nghèo khổ. Người cha ở nhà, sau bao năm tháng chờ đợi không thấy con trở về, đành lên đường đi tìm con.

Sau nhiều năm tìm kiếm, hỏi han, người cha đã tìm ra được tung tích của người con mình. Nhưng người con lại không thể nào nhận ra được cha nó, một ông già đầy quyền lực và cao sang. Người con vẫn tiếp tục từ chối và lẩn trốn. Người cha rất đau lòng để con mình lẩn trốn như vậy, nhưng ông ra lệnh cho gia nhân theo dõi cậu, mướn cậu vào nhà làm việc cho ông. Sau đó, người cha vứt bỏ quần áo sang trọng, ngọc ngà của mình đi, đóng vai một người đầy tớ để có cơ hội gần gũi và chinh phục người con.

Qua nhiều năm thân thiết người cha đã chinh phục được trọn vẹn tình cảm của cậu. Sau cùng vào cuối đời, người cha mới tiết lộ cho cậu trai biết anh chính là con của ông và được quyền thừa kế tất cả gia tài của ông để lại. (Nguyễn văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 128).

Câu chuyện này không khác gì lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa luôn yêu thương tìm kiếm con người. Còn con người cứ lẩn trốn, để rồi sau cùng, Thiên Chúa phải sai Con Một xuống thế, làm người đầy tớ đau khổ (Is 53,10-12), dùng cái chết của mình để thuyết phục và nói cho con người biết chức vị làm con cái Thiên Chúa của mình với quyền thừa kế hạnh phúc đời đời trên Nước Trời (Ga 3,16-17).

 

3. Câu Chuyện GỎI CÁ MÈ

Năm 1945 mình đi tu làm chú tiểu tại nhà xứ Vĩnh Lộc, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Thứ Tư lễ Tro năm 1946 mình thấy các thầy kẻ giảng tập trung về nhà xứ rất đông: Thầy Nhã, thầy Tài, thầy Viêm…. Nhà xứ vui như lễ hội. Cha già cố phấn khởi như chưa từng thấy.

–  Các cậu xuống ao kéo lưới bắt cá mè làm gỏi đãi các thầy một bữa…
–  Vâng ạ. Xin cha già cho phép chúng con đi lấy quần đùi đã ạ.
–  Cho chúng mày làm ông Adong, không cần che chúm gì hết… Bằng quả ớt chứ gì!

Chúng mình nhảy tùm xuống ao, gạt bèo, giăng lưới, đập nước. Vọc nước, quậy bùn là thú vui của tụi mình. Một thú vui được chấp thuận, được khích lệ: Sướng ơi là sướng!

Bữa cơm chay hôm ấy trở thành bữa cơm thịnh soạn nhất trong năm. Cha già cố và các thầy ăn uống phủ phê. Còn tụi mình thì không thích ăn và cũng không được phép ăn. Trẻ con không ăn gỏi cá bao giờ. Đùa giỡn thì sướng hơn!

Kể xong câu chuyện. Không thấy ai thắc mắc gì. Ai nấy đều cười vui vẻ. Ai cũng biết rằng luật chỉ cấm ăn thịt, chứ không cấm ăn cá. Không ai phát giác ra rằng ăn gỏi cá, một món ăn thịnh soạn nhất như thế là vi phạm tinh thần luật một cách trầm trọng, là nhân danh luật để vi phạm luật. Mình lấy sách lễ Roma đọc lại lời nguyện nhập lễ, để thấy mục đích của việc ăn chay, kiêng thịt.

Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay, hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần.”

Mình đọc thêm lời Tiền tụng Mùa Chay II:

Cha muốn chúng con dùng việc hãm mình để cảm tạ Cha. Nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng, và giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, để chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha.”

Như vậy rõ ràng mục tiêu của việc ăn chay kiêng thịt chỉ là:

-rèn luyện ý chí, nhờ việc khắc khổ trong vấn đề ăn uống và tiêu xài,

-để đương đầu và thắng các chước cám dỗ,
-đồng thời có thêm tiền bạc giúp đỡ người nghèo

Như vậy là cha già cố của mình đã đánh mất toàn bộ tinh thần ăn chay kiêng thịt bằng bữa gỏi cá năm ấy. Nhưng nói cho cùng thì cha già cố của mình cũng vô tội. Vậy ai là người có lỗi trong vụ vi phạm luật pháp này? Phải qui trách nhiệm cho ông làm luật. Cái lối trình bày luật hình thức mà quên tinh thần luật ấy, mình đã hấp thụ ngay trong lớp thần học. Chính thầy mình đã dạy rằng: ăn vịt lộn ngày kiêng thịt là không vi phạm luật, vì vịt lộn khi còn ở trong trứng, thì chỉ là trứng, chứ không phải là vịt. Khi trình bày cái vỏ luật, thầy mình đã quên không tham chiếu tinh thần luật, nên đã lạc xa mục tiêu của luật.

Nghĩ lại chuyện xửa chuyện xưa, mình mắc cỡ quá chừng. Từ nay mình sẽ nói với anh chị em dự tòng, tân tòng và cả đạo dòng một cách giản dị rằng:

Ngày kiêng thịt, thì ăn khem khổ. Ngày ăn chay, thì ăn ít thôi. Thắng cái thèm và cái đói để thắng cái yếu đuối. Trong những ngày ấy, chỉ nên ăn rau mà thôi. Ăn khem khổ như thế sẽ dành ra được chút tiền để san sẻ cho người nghèo

Tuyệt nhiên mình không nhắc gì đến chuyện ăn vịt lộn không phải là ăn thịt vịt; ăn lươn um, ếch chiên bơ… không lỗi luật kiêng thịt. Mình trả lại tất cả những thứ đó cho thầy mình. Những thứ đó không thể là hành trang của người truyền giáo. Rườm rà đến chịu không nổi! Kềnh càng đến đi không được! Phức tạp đến lầm đường lạc lối!

Nguồn : trích  Nhật Ký Truyền Giáo, Cha Pio Ngô Phúc Hậu, xuất bản tại San Jose, USA 2009 trang 204-205)

4.  Câu Chuyện Ông Cha Xứ Bỏ Trốn

Câu chuyện có vẻ hoang đường nhưng đây là chuyện có thật.

Có một ông Cha xứ kia, đêm đó định bỏ con chiên và xứ đạo của mình để trốn vào một tu viện. Công việc mục vụ ở giáo xứ qúa nặng nề vả lại ngày đêm cha còn bị ma qủy cám dỗ quấy nhiễu nên Cha đã nản lòng.

Đây là lần thứ ba cha có ý định bỏ trốn. Nửa đêm, một tay cắp dù, tay kia cầm cuốn sách nhật tụng cha mở cổng nhà xứ và lén ra ngoài. Không may cho cha, ông bõ nhà xứ vốn đã biết ý định của cha nên từ mấy ngày nay đã luôn canh thức. Vừa thấy cha mở cổng, ông vội giật chuông báo động. Dân làng ùa tới và ép cha phải trở lại nhà xứ. Sáng hôm sau cha xin lỗi giáo dân về “cái tội trẻ con của mình”!

Chắc bạn đọc cũng đã đoán biết ông cụ xứ đó là ai rồi. Nếu có ai chưa biết thì cứ hỏi Cha Bề Trên Ngọc ở Hòn Tre thì rõ!

Một trong những chiêu mà ma qủy hay dùng để cám dỗ ta, đó là một kỷ xảo mà nhà văn Pháp Bernanos goị là “rượu thần êm ái của ma qủy” . Đó là sự nản lòng : cầu nguyện để làm gì khi chẳng có gì thay đổi cả? Chống trả cơn cám dỗ mà chi khi chứng nào lại hoàn tật nấy?

Để chống lại cái cảm nhận nầy chúng ta cần nhận thức được cái bản tính yếu đuối đã bao phen bị hoen ố của mình. Nếu như “ người công chính còn phạm tội 7 lần trong một ngày “ như sách Cách Ngôn đã có viết thì có gì là lạ khi chúng ta cứ đứng lên ngã xuống! Điều quan trọng trong sự chiến đấu chống lại thói hư tật xấu của mình không hẵn là kết qủa cho bằng những cố gắng kiên trì. Hơn nửa càng yếu đuối ta càng phải tin nhờ ở lòng thương xót của Chúa hơn là chỉ dựa vào sức riêng của ta. Nếu như chúng ta cứ mãi nản lòng, thối chí thì đó là dấu hiệu chúng ta còn thiếu cậy trông ở Chúa và là dấu hiệu của một thái độ kiêu căng!

 

5. Câu Chuyện NHỮNG HẠT GẠO

Tuần rồi, bé Trinh, 6 tuổi vào nhà xứ gặp cha xứ hý hửng khoe :

–          Cha ơi, coi nè, chén gạo con đầy những hạt gạo mùa chay!

–          Nói cha nghe coi thử, hạt gạo mùa chay là cái gì đâu?

–          Uả, mẹ con hông nói cho cha nghe sao? Từ đầu mùa chay, anh chi em con thi đua nhau làm việc thiện, hễ đứa nào làm được một việc tốt thì bỏ một hạt gạo vào trong cái chén của mình. Cứ cuối tuần là tổng kết. Tuần nầy con đoạt giải nhất đó cha vì con có nhiều hạt gạo hơn các anh chị của con.

–          Wau !  Con giỏi qúa. Kể cha nghe coi, những việc tốt con làm là việc gì đâu?

–          Con không nói đâu!

–          Tại sao vậy?

–          Vì mẹ bảo, khi tay phải làm việc thiện thì đừng cho tay trái biết!

–          Wau!   Bé ngoan quá.

(…)

Tò mò, mấy ngày sau cha xứ tìm hiểu thêm về chuyện những hạt gạo mùa chay của bé Trinh thì được biết chuyện các cháu làm chỉ là những chuyện nhỏ nhặt thôi như : bớt 2000 đồng quà sáng để bố thí cho người nghèo, lượm rác trong nhà thờ, giảm thời gian chơi games ngoài phố, nhường cho em miếng thịt mà mình thích nhất, gắng đi học giáo lý đúng giờ, không cãi lộn hay văng tục ngoài đường, gặp người lớn thì cúi đầu chào vv..

Phải đó chỉ là những chuyện nhỏ nhưng nó đã mang lại cho gia đình bé Trinh một bầu khí hết sức lành mạnh và ấm cúng : anh chị em hòa thuận nhau, trên kính, dưới nhường. Đó là chưa nói tới cái giá trị giáo dục để con em ý thức được ngay từ tấm bé và trong đời sống mỗi ngày cái gì nên làm và cái gì không nên làm .

Ma qủi thường cám dỗ ta không phải những chuyện lớn lao như trường hợp thánh Antôn mà là những điều nhỏ nhặt: ngủ nướng thêm năm mưới phút có là bao ! Lấy cắp vài chục ngàn trong hầu bao của mẹ cũng chẳng thấm vào đâu . Nói dối mẹ để đi chơi với bạn trai một đôi lần cũng chẳng sao…Nhưng lần hồi 5 phút sẽ thành một giờ, vài chục ngàn sẽ thành vài trăm ngàn, một đôi lần sẽ thành một thói quen!

Làm sao để chống lại những cám dỗ nầy? Bằng những cố gắng mỗi ngày và trong những hành động cụ thể dù rất nhỏ nhoi và hành động với ý thức và lòng tin yêu. Mùa chay chính là cơ hội tốt!

 

6. Câu Chuyện CỤC THAN HỒNG

Hôm đó là một tối thứ hai trong tuần, công tác mục vụ ở giáo xứ nhỏ nầy tương đối rảnh rỗi. Bên ngoài tiết đông, trời giá lạnh. Cha xứ và cậu thanh niên, con tinh thần của ngài ngồi đàm đạo với nhau bên bếp lửa hồng. Cha xứ đã ngoài 70 tuổi còn cậu thanh niên mới chừng 25 và đang theo học thần học tại một Học Viện Công Giáo.

Đề tài nói chuyện hôm đó của hai bố con là giáo luật và luân lý .

Hai bố con đang có vẻ tâm đầu ý hợp bổng cậu trai nổi nóng lớn tiếng :

Con đã chán ngấy cái thói lên mặt dạy đời của một số ông cha xứ rồi, đặc biệt là ông Cha H. ở giáo xứ của con. Không biết đến lúc nào mấy vị nầy mới nhận thức được cái tội giả hình của mình? Chủ nhật tới con sẽ nằm nhà không đi lễ nữa. Con vẫn có thể sống đạo tại tâm mà !

Trước giọng điệu thất thường nầy của cậu trai, ông Cha già vẫn thản nhiên. Không một lời,ngài lặng lẽ đi tới lò sưởi, cầm đôi đũa sắt gắp một cục than hồng bỏ ra bên ngoài rồi trở về ghế ngồi. Hai bố con lặng lẽ ngồi nhìn cục than hồng. Cục than hồng đang hừng hực đỏ từ từ nguội dần và cuối cùng chỉ còn lại một cục than đen và một mớ tro tàn.

– Thôi, con hiểu rồi. Cậu trai lên tiếng. Con hiểu bố muốn dạy con cái gì rồi. Con sẽ cố gắng thêm một lần nữa !

Phải, có nhiều lúc ta bực bội Giáo Hội, gay gắt phê bình Giáo Hội đến nỗi nghĩ rằng ta có thể sống niềm tin của mình ngoài Giáo Hội, ngoài xứ đạo của mình ! Nhưng nghĩ cho cùng, Giáo Hội là ai, Giáo xứ là ai nếu không phải là anh là tôi, là cộng đoàn những người tin vào Đức Kitô. Nếu như cộng đoàn đó đã đạt tới sự thánh thiện rồi thì những người như tôi như anh sẽ cảm thấy mình rất lạc lỏng chơ vơ và có lẽ chúng ta phải nằm lại bên vệ đường mà thôi !

Bởi vậy cái cơ cấu gọi là Giáo Hội, Giáo Xứ hay Cộng Đoàn mà đôi lúc ta phê bình đó tuy nó chưa hoàn thiện thật nhưng chính là cái môi trường luôn nâng đỡ ta, dìu dắt ta và cho ta nghị lực để luôn bước tới. Thoát ly nó ta cũng sẽ như cục than hồng kia một khi đã ra khỏi bếp lửa thì chỉ còn lại một cục than đen và một mớ tro tàn nguội lạnh mà thôi.

Mùa chay chính là thời điểm giúp ta nhận thức đưọc tầm quan trọng của một cộng đoàn dân Chúa mà ta là một phần tử. Đừng đứng ngoài cuộc. Giáo Hội, Giáo xứ, Cộng Đoàn và chính Thiên Chúa đang cần mỗi người chúng ta.

 

7. Câu Chuyện BÀ MƯỜI

Lm Trần Đình Long (thanhlinh.net)

Trời Sài Gòn trở lạnh, những ngày cuối năm mà lạnh và có cả mưa bay. Với người đủ mặc dư ăn thì điều đó là lãng mạn, nhưng với người mẹ già thấp thểnh đi tìm con thì đó là nỗi nhọc nhằn, vất vả.

Bà vừa đi vừa dòm lom , bước thấp bước cao, gặp ai cũng hỏi: “Có thấy Ba Câm đâu không mấy chú?”

Anh Tám Duẩn đang ngồi ở quán nước ven đường thấy vậy, mời bà cụ vô, rót cho bà ly trà nóng và an ủi : “Xóm trên có đám giỗ, chắc Ba Câm tới đó chứ gì! Bà đừng lo quá bà Mười à! Ổng có chân đi, ổng khắc có chân về. Bà đi tới đi lui, bệnh nữa đó.

Phải nghe anh Duẩn và mấy người hứa chút xíu nữa ghé đám tiệc, sẽ mang Ba Câm về, bà Mười mới tạm an lòng lui về, nhóm cây nến vào căn bếp nhỏ lui cui làm bữa tối.

Chúng tôi tìm tới nhà anh Triệu tổ trưởng dân phố, trình bày về mục đích của cuộc viếng thăm. Anh Triệu và mấy bà con xóm liền cùng nhau ngồi lại kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời bà cụ.

Bà là Nguyễn thị Nữ, bà con quen gọi là bà Mười. Bà sinh được 8 người con, có gái có trai, chết một đứa, và câm khùng một đứa.

Sáu người con đều nghèo, tứ tán mỗi đứa mỗi nơi, cái cảnh nông thôn của một thời sau chiến tranh đói nghèo, khiến chả ai có học. Cụ ông mất từ hồi trẻ sau một cơn cảm hàn bạo bệnh. Bà Mười ở vậy nuôi con. Chúng tự lớn tự khôn, đứa lấy vợ, đứa theo chồng, cũng chỉ là đời loanh quanh làm thuê làm mướn.

Có một đứa nuôi hoài mà không lớn, đã không lớn lại cũng chẳng khôn, đã khùng mát mà lại còn câm. Đứa con ấy bà cứ âu yếm gọi hoài là Ba Câm. Thằng con Ba Câm giờ cũng đã gần… 50 tuổi.

Nuôi Câm lúc bé đã nhọc nhằn, lúc lớn lại càng khổ thêm, vì càng lớn thì Ba Câm càng… dở chứng!

Câm đi suốt, có hôm đi bặt tăm hơi. Sợ lạc con, bà cụ lần tìm cùng khắp. Tìm thấy đã cực, đưa về cực hơn, thí cho Câm ăn, thí Câm tắm giặt.

Mà không đi, ở nhà thì Ba Câm làm khổ xóm, anh ta cứ nói ầm ĩ theo cách của mình: ú ớ hét lên. Người nghe không hiểu là anh ta kéo tay kéo chân, ngồi xuống đất vẽ lung tung. Ngôn ngữ của Câm xóm thôn chịu, may ra có bà Mười còn thông ngôn được vài chi tiết! Dù câm dù điếc nhưng Ba Câm cũng là một đàn ông, cũng có những sự khát thèm của con người, lắm khi dở hơi, Câm xồ ra đường, vỗ mông đàn bà con gái, người lạ thì chạy tán mạng, người quen biết thì tức đứng lại mắng te te. Nhưng dù lạ dù quen, nếu bà Mười ở nhà, thì bà đều đích thân ra xin lỗi người ta. Anh Triệu cười xòa: “Bà con mà không thương bà cụ, thì có mà nhiều phen Ba Câm đã phải ăn đòn bầm con mắt!”

Hỏi anh Triệu bà cụ sống bằng gì. Anh cho hay có mấy người con ở gần thỉnh thoảng chạy qua, thảng hoặc dúi cho năm ba chục. Bà cụ bòn góp, nuôi mình và nuôi con. Mấy năm trước còn khỏe, bà cụ còn chạy chợ sớm hôm, song giờ tuổi ngót 80, sau mấy trận suy tim nhập viện, thì thôi đành loay hoay vậy. Cũng phải đủ 80 tuổi mới được vào diện trợ cấp người già, chứ hiện tại thì chưa được. Nói cho hay, bà con người xóm chợ cũng tốt, người phụ nữ ngồi ở quán nước cho biết thêm, Ba Câm lò dò ra chợ buổi chiều hôm, bà con người ta cũng hay cho chút đồ ăn, câm thì câm, khùng thì khùng nhưng mà cũng có hiếu ra phết!

Câu chuyện bỗng rôm rả khi bà con kể mới gần đây, nhập nhoạng tối, người ta thấy Câm chạy ra đường hoa chân múa tay, hét rầm rầm và đấm ngực bộp bộp đầy đau khổ. Hàng xóm đổ ra, Câm chỉ vô nhà, bật đèn lên thấy bà cụ té sõng soài. Xóm giềng tri hô, gọi tìm một người con bà cụ cách đó một thôi đường, và đưa bà cụ đi cấp cứu.

Bà cụ vừa xin viện về đấy, lo Ba Câm không có ai trông, lại đi lên đám giỗ rồi, thể nào lại chả uống vài ly rượu. Ổng uống rượu, lại khổ bà cụ thôi, nóng bứt dứt, là ổng la hét…

Tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ. Má Mười đang loay hoay nấu cơm chiều, ngó vô thấy má nấu cá lòng tong với mấy cọng thèo lèo. Má bảo: ăn thế nó mát, Câm nó hạ hỏa, bớt hét bớt la. Xin ông trời cho nó ở yên. Ngày tư ngày Tết đến nơi, đừng có phá làng phá xóm!

Hỏi về Ba Câm, má nghẹn ngào: thương lắm con, gần năm mươi năm cứ là con nít thôi, có biết gì đâu. Má nấu sẵn, chờ nó về ăn, không dám để nó nấu bao giờ, nó đốt cháy nhà  mình, cháy cả nhà bà con thì đến khổ!

Năm mươi năm người mẹ ấy chưa từng bỏ một bữa ăn cho đứa con khờ. Ngay cả khi phải nằm viện, bà vẫn nhờ xóm giềng lo cho câm miếng ăn, rồi về bà sẽ gởi lại.
Năm mươi năm bà mẹ ấy vẫn cứ mong con lớn lên, dù biết rằng nó vĩnh viễn câm và mỗi ngày mỗi khùng nặng. Chưa một lần bà suy nghĩ tính toan, rằng gửi câm vào trại tâm thần cho nhẹ tấm thân. Bà bảo, ở với bà nó hiền, nó trẻ con, thỉnh thoảng có làm ỏm tỏi tí thôi mà, chứ đi trại là nó điên luôn cháu ạ !

Tôi xem bệnh án bà cụ, chợt nặng lòng, bệnh suy tim, song bà không thể nằm viện lâu vì không thể bỏ con vất vưởng.

Khi nghe nói có một người linh mục nơi xa xôi muốn giúp bà cụ chút quà. Bà ngồi thẫn thờ, thút thít khóc. Bà bảo:

– Nếu có số tiền người ấy giúp, bà sẽ chia làm hai. Một phần đi mua cái toa thuốc bác sỹ cho, phải uống thuốc để sống với Ba Câm. Còn một nửa thì dành mua cho nó bộ áo quần mà đón Tết. Còn một chút, bà lật bật lôi ra một hộp sắt xỉn màu: tôi sẽ cất đi, bòn góp để tuổi già hữu sự, không phải phiền con cái. Tôi mà chết trước, thì Ba Câm khổ lắm cô ơi !

Trong cái lạnh của buổi chiều cuối năm, má Mười đứng liêu xiêu ngó đợi con, và ánh mắt buồn vời vợi.

Từ xa, có tiếng la ú ớ. Ba Câm được một người xóm đưa về. Anh ta hoa tay chỉ chỏ và cười. Anh ta có ý khoe đòn bánh tét này, anh ta xin, mang về biếu mẹ ăn Tết.

Đỡ con vô nhà, má mười xụt xịt mắng yêu :

– Mồ cha bây, lại uống rượu phải không. Té vô sình rồi này. Lạnh không ? Thôi để má thay cho bây cái áo.

Ngôi nhà tăm tối bỗng ấm lên, khi má lui cui thắp nến và bới đống đồ cũ rích lấy ra cái áo mặc cho đứa con khờ.

Chúng tôi đứng lặng, và chợt cay khóe mắt!

Nhìn sang nhà bên cạnh, một gốc mai già cằn cỗi có một chồi non vừa hé, một bông mai sắp nở báo hiệu xuân sang.

Niềm tin vẫn loé sáng nơi những con người nghèo khổ ốm đau bệnh tật khi vẫn còn những con người quan tâm chăm sóc họ như mẹ Mười với Ba câm, nơi những người hàng xóm tốt bụng trong xóm nghèo ngoại ô.

Trong năm đức tin, những tín hữu phải làm sao để niềm tin của mình được loé sáng bằng hành động bác ái sẻ chia nơi những mảnh đời vỡ nát.

Chính “đức tin có việc làm” ấy như những chồi non chớm nở trong gốc mai khô cằn trong bóng chiều hiu hắt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *