1. Hội Thánh Học là gì?
Hội Thánh Học là môn học thuộc về phần Tín Lý, giúp tìm hiểu về bản tính, về ý nghĩa cơ chế và về tinh thần sứ vụ của Hội Thánh.
Hội Thánh Học khác—nhưng không mâu thuẫn—với Lịch Sử Hội Thánh, Sứ Vụ Học (Truyền Giáo Học).
2. Nội Dung Môn Hội Thánh Học
a. Bản Tính: (xc “Ánh Sáng Muôn Dân”, Chương I, các số 1-8)
Trước hết và trên hết, Hội Thánh là một mầu nhiệm. Hội Thánh hình thành từ Ý Định muôn thủa của Thiên Chúa muốn quy tụ mọi người vào một cộng đoàn những tín hữu trong Chúa Ki-tô, để chung hưởng đời sống trường cửu của Thiên Chúa.
b. Cơ Chế: Hội Thánh là Dân Thiên Chúa (xc “Ánh Sáng Muôn Dân”, Chương II, các số 9-17), và có phẩm trật (xc “Ánh Sáng Muôn Dân”, Chương III, các số 18-29)
Thiên Chúa thực hiện ý định xây dựng Hội Thánh trước hết qua công cuộc sáng tạo con người, kêu gọi và quy tụ họ thành một dân hiến thánh dành riêng cho Thiên Chúa, ban Mười Giới Luật làm chỉ nam cho đời sống luân lý, và dạy họ biết thờ phượng Thiên Chúa chân thật. Tuy Nhiên, bước chuẩn bị trong thời gian Cựu Ước với Dân Ít-ra-en chỉ được phát triển trọn vẹn trong Giao Ước Mới của Chúa Ki-tô, khi cộng đoàn tín hữu trở thành Dân Ưu Tuyển sinh ra trong Thánh Thần Chúa Phục Sinh.
Chúa Ki-tô giảng Tin Mừng Cứu Độ, quy tụ tín hữu, tuyển chọn và huấn luyện Nhóm Mười Hai Sứ Đồ, chỉ định Thánh Phê-rô làm thủ lãnh, thiết lập Luật Yêu Thương như Giới Răn Mới cho Dân Tuyển Chọn Mới.
Khác với quyền bính thống trị của thế gian, quyền bính trong Hội Thánh là nhắm mục đích phục vụ Giới Luật Yêu Thương, như Chúa Ki-tô giảng dạy và nêu gương hết sức xúc động trong Bữa Tiệc Ly.
Phẩm trật quyền bính trong Hội Thánh xuất phát từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Ki-tô, được ủy nhiệm nơi trách nhiệm giảng dạy và lãnh đạo của các vị Tông Đồ, và cuối cùng hướng tất cả về Thiên Chúa Cha.
c. Sứ Vụ
Hội Thánh—tương tự như Chúa Ki-tô—được khai sinh và sai đi công bố và thực hiện Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa trên toàn cõi tạo thành (xc Mt 28:19-20; Mc 16:15.)
Hội Thánh chính là phần nối tiếp và liên tục sứ vụ cứu nhân độ thế của Chúa Ki-tô cho đến Ngày Quang Lâm (xc Mt 28:20b.)
3. Một Số Đặc Trưng
a. Canh Tân và Thích Nghi
Tương tự như Tin Mừng Chúa Ki-tô phải được công bố và giảng dạy cho con người đang sống trong thời đại hôm nay và tại chính vùng đất cụ thể nầy, Hội Thánh được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng ấy cũng phải được không ngừng cập nhựt quan niệm, ngôn từ và phong thái thật phù hợp khi tiếp cận với mọi dân tộc, mọi nền văn hóa.
Công cuộc canh tân và thích nghi bắt đầu từ chính bên trong đời sống và các hoạt động của hội Thánh.
b. Con Đường Đối Thoại
Theo lời Thánh Gio-an Phao-lô II: Hội Thánh dứt khoát chọn con đường đối thoại để thi hành sứ vụ truyền giảng Tin Mừng Chúa Ki-tô (xc “Ut Unum Sint”, số 3.).
Đối thoại đại kết trong nội bộ Hội Thánh, và đối thoại liên tôn/liên tín với thế giới, các tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, chính trị bên ngoài.
c. Hiệp Nhứt Ki-tô Hữu
Hội Thánh hiện tình không còn duy nhứt như thủa đầu thành lập, nhưng chia rẽ sâu xa giữa Công Giáo Rô-ma, Chính Thống (ngót 1,000 năm), Anh Giáo và Tin Lành (ngót 500 năm.)