Sự Nghiệp Truyền Giáo tại Việt Nam (1533-1960)

 

A. Những Nhà Truyền Giáo Ðến Việt Nam

I. Những Nhà Truyền Giáo Ðầu Tiên Ðến Việt Nam

Căn cứ theo tài liệu Lịch Sử Dân Sự Quốc Gia Khâm Ðịnh Sử đã một lần ghi nhận: “Năm Nguyên Hòa nguyên niên, tức đời vua Lê Trang Tôn, năm 1533 đã có người Tây tên  là Inekhu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Châu (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ huyện Giao Thủy”. Rất tiếc là những chi tiết liên hệ tới Inekhu (có lẽ được phiên âm từ Inigo – tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Inhaxiô) ngày nay không còn được ghi nhớ, và do đó không ai biết rõ về tông tích, cũng như về công cuộc truyền đạo của vị thừa sai thứ nhất này.

Theo Linh Mục Marcos Gispert, O.P., nhà sử học dòng Anh Em Thuyết Giáo đã sống tại Việt Nam 34 năm trời, sau Inekhu còn một số nhà truyền giáo khác như:

– Linh Mục Gaspar de S. Cruz: năm 1550 từ Malacca đổ bộ lên Hà Tiên và sau đó từ cửa biển Bà Rịa đi Quảng Ðông.

– Hai Linh Mục Lopez và Acevedo: năm 1558 đã tới giảng vùng Cao Miên 10 năm.

– Hai Linh Mục Luis de Fonseca, O.P. (Bồ) và Grégoire de la Motte, O.P. (Pháp) cũng từ Malacca tới, suốt 6 năm đi truyền đạo tại Quảng Nam đời Chúa Nguyễn Hoàng vào thời gian 1580-1586. Chính quân đội Nguyễn Hoàng đã giết Linh Mục de Fonseca trong khi ngài hành lễ, còn Linh Mục Grégoire de la Motte về sau cũng chết vì bị trọng thương.

II. Những Nhà Truyền Giáo Dòng Tên Ðến Việt Nam

Rồi đến lượt các Linh Mục Dòng Tên: theo chân thánh Phanxicô Xaviê truyền đạo tại Nhật Bổn (1549), bị Hoàng Ðế Daifusama trục xuất khỏi đất Phù Tang năm 1614, kéo nhau về tập trung tại trụ sở Macao (khác nào như một đầu cầu thành lập từ năm 1564). Làm sao kìm hãm được sự hăng say của những nhà truyền giáo. Ngày 15/1/1615 hai Linh Mục Buzomi và Diego Carvalho cùng ba thày giúp việc tới Ðà Nẵng. Sau đó ngày 15/1/1627 – nhằm ngày lễ kính thánh Giuse – Linh Mục Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) đã cập bến Cửa Bạng (Thanh Hóa) tiếp tay cho các bạn đồng nghiệp. Và từ đó phát triển sự nghiệp truyền đạo không những bằng mục vụ thường xuyên, nhưng nhất là bằng cách hoàn bị việc thành lập chữ Quốc Ngữ –  chúng ta đang có ngày nay – để phổ biến sự truyền bá Ðức Tin, và tổ chức Nhà Ðức Chúa Trời (1629), tức là tập trung khắp nơi từng nhóm thanh thiếu niên (hay cả người đã đứng tuổi) thiện chí, sống đời độc thân và cùng với các Linh Mục – trong giáo xứ hay là trong các nơi xa xôi hẻo lánh – chia sẻ việc truyền đạo, nhất là chuyện dạy giáo lý cho dân chúng.

Các Linh Mục Dòng Tên ở lại Việt Nam cho tới năm 1788. Vắng bóng đi trong một thời gian lâu 169 năm (1788-1957). Nhưng rồi Giáo Hội Việt Nam yêu cầu các ngài trở lại năm 1957, để ngày 13/9/1958 nhận trách nhiệm điều khiển Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X tại Ðà Lạt, đồng thời khuyếch trương nhiều hoạt động khác nhau trong lãnh vực văn hóa xã hội.

III. Hội Thừa Sai Paris (Les Missions Etrangeres de Paris) Ðến Việt Nam

Ngày 3/7/1645 Linh Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) rời Việt Nam về giáo đô Roma báo cáo cho Tòa Thánh về những tiến triển mau chóng trong việc truyền đạo tại Việt Nam, nhất là xin gửi một số Giám Mục đến cánh đồng phì nhiêu này để củng cố nền móng Giáo Hội. Ngài được Roma cho phép rảo khắp đất Pháp đi tìm những ơn kêu gọi, tìm những Linh Mục sẵn sàng xung phong và tiếp tục công việc đã khởi sự với nhiều thành quả may mắn: tại đây mới có Hội Thừa Sai Paris. Hội ra đời năm 1660 và được chấp nhận năm 1664 đời Ðức Giáo Hoàng Alexandrô VII. Cũng vị Giáo Hoàng này đã ký sắc lệnh bổ nhiệm hai Giám Mục đầu tiên cho Viễn Ðông: Ðức Cha Phanxicô Pallu và Ðức Cha Lambert de la Motte.

Hội Thừa Sai Paris có công lớn với Giáo Hội Việt Nam bằng cách:

– Ðã triệu tập Hội Nghị Mục Vụ đầu tiên: ngày 14/2/1670 tại Ðình Hiến tỉnh Nam Ðịnh, Ðức Cha Lambert de la Motte đã qui định thể chế Nhà Ðức Chúa Trời, và thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam: các chị em Nữ Tu là những cộng tác viên rất đắc lực của hàng Giáo Phẩm trong việc truyền đạo bên cạnh giáo dân, nhất là trong các vùng thôn quê.

– Ðã xây dựng Ðại Chủng Viện Penang (1870) để đào tạo các linh Mục bản xứ Á Châu và Việt Nam: các thánh Linh Mục Tử Ðạo miền Nam đều xuất thân từ đây; và suốt ba thế kỷ đã sống chết với Giáo Hội địa phương cho tới sáng 12/8/1975, ngày mà các vị Thừa Sai Ngoại Quốc sau cùng được mời ra khỏi Việt Nam.

IV. Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Dòng Ða Minh) Ðến Việt Nam

Theo lời mời của Ðức Cha Phanxicô Pallu vì những đòi hỏi rất khẩn trương tại Việt Nam: số tín hữu tân tòng tiếp tục gia tăng, Linh Mục Giám Tỉnh Dòng Anh Em Thuyết Giáo Felipe Pardo, O.P., từ Manila đã phái hai Linh Mục Juan de Santa Cruz và Juan Arjona đi lối Trung Linh (Bùi Chu) lên Phố Hiến (Hưng Yên) ngày 7/7/1676. Các ngài vẫn hoạt động chung với Hội Thừa Sai Paris cho tới thập năm 1659 Ðức Alexandro VII ban sắc lệnh thành lập hai Giáo Phận đầu tiên: Ðàng Trong và Ðàng Ngoài (Nam và Bắc: lấy con sông Gianh làm biên giới).

Năm 1679 Ðức Innocenxio XI lại chia Giáo Phận Ðàng Ngoài thành hai: Tây Ðàng Ngoài (từ sông Hồng Hà tới ranh giới Ai Lao) trao cho Hội Thừa Sai Paris dưới quyền quản nhiệm Ðức Cha de Bourges, và Ðông Ðàng Ngoài (từ tả ngạn sông Hồng Hà chạy ra biển): lúc ban đầu cũng do Giám Mục Deydier của Hội Thừa Sai Paris phụ trách. Năm 1693 Giám Mục Deydier qua đời, Ðức Cha De Bourges xin Tòa Thánh trao giáo phận này cho Dòng Thánh Ða Minh, vì từ 20/8/2679 tất cả số nhân sự của Dòng đã tập trung về đây.

Ðồng thời, Cha Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giáo sát nhập các cơ sở truyền giáo của Hội Dòng tại Bắc Việt hồi đó vào Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Mân Côi tại Phi Luật Tân. Từ Nhà Tổng Quyền S. Sabina (tại Roma) cha Raimondo Lezoli, O.P., được Thánh Bộ Truyền Giáo đề cử sang tiếp tay với cha Juan de Santa Cruz hồi đó đang ở Trung Linh, về sau Tòa Thánh yêu cầu ngài chính thức lãnh trách nhiệm tất cả miền Ðông. Ngày 2/2/1702 tại Kẻ Sặt cha Raimondo Lezoli được thụ phong Giám Mục tiên khởi của Dòng Ða Minh tại Bắc Việt. Nền móng vững chắc Ða Minh đã được xây dựng trên mảnh đất Việt Nam, và một trong những hạt giống Dòng Thuyết Giáo đã gieo sâu trong lòng dân tộc bản xứ, tức là sự tôn sùng tràng hạt Ðức Mẹ Mân Côi vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Ngày 18/3/1967, tức 291 năm sau (1676-1967), Cha Bề Trên Tổng Quyền Aniceto Fernandez tuyên bố: đã tới thời gian tách rời Việt Nam ra khỏi Phi Luật Tân, và thành lập Tỉnh Dòng Anh Em Thuyết Giáo riêng biệt với danh hiệu Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

V. Những Hội Dòng Khác

Ngoài mấy Hội Dòng lớn kể trên đây – đã sống chết với Giáo Hội Việt Nam – còn hai Hội Dòng khác cũng đến truyền đạo tại xứ sở chúng ta:

  1. Dòng Anh Em Thánh Augustinô (Augustiniani Scalzi):

Hoạt động tại Bắc Việt, tuy nhiên chỉ trong vòng hơn 60 năm (1701-1765): 15 vị Thừa Sai Ngoại Quốc – trong đó có Giám Mục Ilario Costa di Gesu (1735-1754) – 6 Linh Mục Việt Nam, và 2 Linh Mục khác, người Bồ, thường xuyên ở Cửa Hàn, làm tuyên úy cho cộng đoàn nhỏ bé người Bồ Ðào Nha phần nhiều là những thương gia đi qua đi lại, hay là trú ngụ tại đó từ trước năm 1596.

  1. Dòng Phanxicô khó nghèo (Ordo Fratrum Minorum: OFM):

Từ năm 1583 đã có vết chân hai Giáo Sĩ P. Alfara và B. Ruyz tại miền Nam Việt Nam, nhưng vì gặp rất nhiều khó khăn nguyên do từ cạnh tranh giữa hai khối Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha, việc truyền đạo của Dòng Phanxicô bị gián đoạn và sau cùng bị bỏ dở. Mãi đến năm 1711 Dòng Phanxicô trở lại hoạt động tại giáo phận Ðàng Trong (một nửa tỉnh Ðồng Nai và kiêm luôn Cao Miên). Nhưng thời cuộc lúc đó cũng không may mắn hơn trước:

– Một đàng số giáo sĩ Bồ Ðào Nha – quá nương tựa vào ảnh hưởng Hoàng Gia nước Bồ – không chịu nhận quyền hành của hàng Giáo Sĩ do Tòa Thánh Roma trực tiếp bổ nhiệm;

– Ðàng khác sự bất đồng ý kiến giữa các Hội Thừa Sai về vấn đề “thờ cúng tổ tiên” và một vài phong tục cổ truyền: Dòng Tên và Dòng Phanxicô tán thành, trái lại Hội Thừa Sai người Pháp chống đối. Ðức Clemente XIII năm 1738 đã cử phái đoàn do Giám Mục De La Baume sang tận nơi điều tra và ổn định tình thế.

– Sau cùng, vào năm 1750, Võ Vương (Nguyễn Phước Khoát 1725-1765) đột nhiên ra lệnh đuổi hết Giáo Sĩ ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ. Tất cả 28 Giáo Sĩ bị lùng bắt và hạ ngục, trong số đó Giáo Sĩ Michel de Salamanque (thuộc Dòng Phanxicô Tây Ban Nha) chết rũ tù ngày 14/7/1750.

Trong Việt Nam Công Giáo Niên Giám còn kể thêm: vị Thừa Sai sau cùng Dòng Phanxicô là Thánh Odoric De Collodi – bị giam đồng thời với hai Thánh Gagelin và Jaccard thuộc Hội Thừa Sai Paris – ngày 23/5/1834 đã tắt thở trong ngục Lao Bảo “buồn vô hạn vì không được lấy máu đào làm chứng cho Chúa Giêsu”.

Như thế Dòng Phanxicô đã hoạt động hơn một thế kỷ (1711-1833), có cả một Giám Mục: Ðức Cha Valeriô Rist (1737). Sau đó vắng đi một thời gian (gần một thế kỷ nữa) năm 1929 Ðức Cha A.J. Eloy, Giám Mục giáo phận Vinh, được sự chấp thuận của Bộ Truyền Giáo và Bộ Tu Sĩ, đã đặt giấy mời các Cha Dòng Thánh Phanxicô trở lại Việt Nam. Ngày 21/11/1929 Giáo Sĩ Maurice Bertin và một số Tu Sĩ Dòng Phanxicô đã lên bến Ðà Nẵng, và đặt cơ sở đầu tiên tại thị xã Vinh ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội: 8 tháng 12 năm 1931.

Chúng ta thấy công trình truyền đạo từ lúc khai nguyên với hai giáo phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài (1659) suốt ba thế kỷ đã phát triển không ngừng. Ngày nay đã thành 25 giáo phận (10 ngoài Bắc và 15 trong Nam).

B. Những Giáo Phận của Việt Nam từ thuở ban đầu

– Ngày 9/7/1659: Ðức Thánh Cha Alexandre VII ban sắc bổ nhiệm hai linh mục Francois Pallu và Lambert de la Motte làm Giám Mục Tiên Khởi hai giáo phận đầu tiên tại ViệtNam:

+ Giáo Phận Ðàng Trong: từ sông Gianh trở vào Nam, bao gồm Cao Miên và Chiêm Thành, trao cho Ðức Cha Pallu

+ Giáo Phận Ðàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra Bắc và miền Nam Trung Hoa, trao cho Ðức Cha Lambert de la Motte.

– Ngày 31/1/1668: tại Juthia kinh đô Thái Lan, Ðức Cha Lambert de la Motte tấn phong linh mục cho 4 thày giảng: Cha Giuse Trang và Luca Bền, thuộc giáo phận Ðàng Trong; cha Gioan Huệ và Benedictô Hiền, thuộc giáo phận Ðàng Ngoài. Ðây là 4 vị linh mục tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

– Năm 1669: Ðức Cha lambert de la Motte tấn phong thêm 7 vị linh mục Việt Nam.

– Năm 1670: Ðức Cha lambert de la Motte chuẩn y thành lập Dòng Mến Thánh Giá cho các nữ tu Việt Nam.

– Năm 1678: Ðức Cha Pallu từ Thái Lan về Rome, đề nghị tấn phong giám mục cho 6 linh mục trong số các linh mục tiên khởi. Tiếc rằng đề nghị này đã bị Tòa Thánh bác bỏ.

– Năm1679: Giáo Phận Ðàng Trong tách rời thành hai giáo phận mới, lấy sông Hồng Hà làm ranh giới. Hai giáo phận Ðàng Ngoài gồm 2 giám mục, 7 vị thừa sai Pháp, 11 linh mục Việt Nam và hơn 200,000 tín hữu:

+ Giáo Phận Ðông Ðàng Ngoài (Hải Phòng): từ sông Hồng Hà và các tỉnh ven biển, trao cho Ðức Cha Deydier đảm nhiệm.

+ Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài (Hà Nội): từ sông Hồng đến biên giới Ai Lao, đặt dưới sự cai quản của Ðức tân Giám Mục De Bourges.

-Năm 1693: Ðức Cha Deydier (Giáo Phận Ðông Ðàng Ngoài) mất, Ðức Cha De Bourges phải cai quản hai giáo phận. Vì tình trạng thiếu hụt Thừa Sai, nên Ðức Cha De Bourges đã nhượng địa phận Ðông cho Dòng Ða Minh, trụ sở tại Manila (Phi Luật Tân).

– Năm 1844: Ðức Thánh Cha Grégoire XVI chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận mới:

+ Giáo Phận Bắc Ðàng Trong (Qui Nhơn): do Ðức Cha Cuenot Thể đảm nhiệm;

+ Giáo Phận Nam Ðàng Trong (Sàigòn): trao cho Ðức tân Giám Mục D . Lefebre Ngãi.

– Năm 1846: Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài được cắt để thành lập Giáo Phận Vinh. Tân giáo phận bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình, được ủy thác cho Ðức Cha J. Gauthier Hậu.

– Năm 1848: Tòa Thánh thiết lập thêm địa phận mới gồm hai tỉnh Nam Ðịnh và Hưng Yên, tách rời từ Giáo Phận Ðông để thành lập Giáo Phận Bùi Chu (Trung). Tân Giáo Phận được giao cho Ðức Cha D. Martin Gia cai quản.

– Năm 1850: Tòa Thánh cắt giáo phận Bắc Ðàng Trong gồm các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Trị để thành lập Giáo Phận Huế, và đặt Ðức Cha Pellerin (Phan) cai quản.

– Năm 1850: Giáo Phận Nam Vang tách rời từ giáo phận Sàigòn và trao lại cho Ðức Cha J. Michel Mịch.

– Năm 1883: Giáo Phận Bắc Ninh được thành lập, tách rời từ giáo phận Hải Phòng, và bao gồm các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng. Tân giáo phận trao cho Ðức Cha Colomer Lễ.

– Năm 1895: Giáo Phận Hưng Hóa gồm các tỉnh Sơn Tây, Yên Bái, Hòa Bình và Lai Châu được thành lập. Tân giáo phận trao lại cho Ðức Cha Paul Maris Raymond.

– Năm 1901: Giáo Phận Phát Diệm (Thanh) được thành lập gồm hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Tân giáo phận tách rời từ giáo phận Hà Nội, và đặt dưới sự cai quản của Ðức Cha Alexandre Marcou Thành.

– Năm 1913: Hạt Phủ Doãn Lạng Sơn được thành lập, tách rời từ giáo phận Bắc Ninh và được ủy thác cho các vị thừa sai dòng Ða Minh Lyon đảm trách.

– Năm 1932: Giáo Phận Thanh Hóa gồm các tỉnh Thanh Hóa và Sầm Nứa (Ai Lao) được thiết lập. Tân giáo phận tách rời từ giáo phận Phát Diệm, và đặt dưới sự cai quản của Ðức Cha Louis de Cooman Hành.

– Năm 1932: Giáo Phận Kontum được thành lập, bao gồm 3 tỉnh Kontum, Darlac, Pleiku; tân giáo phận tách rời từ địa phận Qui Nhơn và đặt dưới sự hướng dẫn của Ðức Cha Jannin Phước.

– Ngày 11/6/1933, tại Ðền Thánh Phêrô (Rome), Ðức Thánh Cha Piô XI đã tấn phong vị Giám Mục tiên khởi cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là Ðức Cha Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Ngài là Giám Mục phó với quyền kế vị giáo phận Phát Diệm.

– Năm 1935: Ðức Cha Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn, vị giám mục thứ hai Việt Nam được tấn phong tại nhà thờ Phú Cam (Huế). Ngài là Giám Mục phụ tá với quyền kế vị giáo phận Bùi Chu.

– Năm 1936: Giáo Phận Thái Bình được thiết lập, tách rời từ giáo phận Bùi Chu, bao gồm hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên. Tân giáo phận đặt dưới sự cai quản của Ðức Cha Cassado Thuận.

– Năm 1938: Giáo Phận Vĩnh Long gồm các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre (Kiến Hòa) và Trà Vinh (Vĩnh Bình). Tân giáo phận tách rời từ giáo phận Sàigòn và trao cho Ðức Cha Phêrô Martino Ngô Ðình Thục. Ngài được tân phong vào ngày 4/5/1938 tại Huế, do Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam là Ðức Cha Drapier chủ sự.

– Năm 1939: Giáo Phận Lạng Sơn: Hạt Lạng Sơn được Tòa Thánh nâng lên hàng Giáo Phận, và trao cho Ðức Cha Felix (Minh ) quản nhiệm.

– Năm 1940: Thêm một vị giám mục nữa được tấn phong là Ðức Cha Gioan Maria Phan Ðình Phùng. Ngài là Giám Mục phụ tá với quyền kế vị địa phận Phát Diệm.

Năm 1944: Ðức Cha Gioan Maria Phan Ðình Phùng tạ thế. Cố giám mục sinh tại làng Kiến Thái, Kim Sơn (Phát Diệm). Sau khi hoàn tất học vấn tại chủng viện Phúc Nhạc, Ngài du học tại Giáo Hoàng Học Viện Penang, thụ phong linh mục ngày 5/4/1924 và được đề cử làm giáo sư chủng viện Penang cho đến năm 1940, và được Tòa Thánh tấn phong Giám Mục vào ngày 3/12/1940. Ngài mất đột ngột vào ngày 28/5/1944 tại tu viện Châu Sơn, Nho Quan.

– Năm 1945: Sau đệ nhị thế chiến, Tòa Thánh lưu tâm đến việc tuyển chọn hàng giáo sĩ Việt Nam lên phẩm trật Giám Mục để lèo lái con thuyền giáo hội Việt Nam. Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục mới:Ðức Cha Anselmo Lê Hữu Từ, bấy giờ đang là Bề Trên Ðan Viện Xitô Phước Sơn (Nho Quan). Ngài là vị giám mục thứ năm người Việt Nam.

– Năm 1948: Ðức Cha Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn từ trần. Cố giám mục sinh ngày 3/12/1876 tại Ba Châu (Huế), theo học tiểu chủng viện An Ninh (Quảng Trị), đại chủng viện Phú Xuân (Huế). Ngài thụ phong linh mục ngày 20/12/1902, sau đó lần lượt giữ chức cha phó xứ Kẻ Văn, chánh xứ Kẻ Hạc, giáo sư chủng viện An Ninh (1910). Năm 1935, Ðức Cha Monagorri mất, Ðức Cha Ða Minh chính thức nhận quyền Giám Mục Bùi Chu. Ðức Cha Ða Minh mất ngày 27/11/1948 tại Bùi Chu sau 12 năm cai quản giáo phận.

– Năm 1950: Ðức tân Giám Mục Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn được tấn phong Giám Mục tại Rome ngày 3/9/1950, và nhận quyền Giám Mục giáo phận Bắc Ninh.

– Năm 1950: Ðức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê được tấn phong Giám Mục, và đảm nhận địa phận Hà Nội.

– Năm 1950: Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được tấn phong Giám Mục và đảm nhận giáo phận Bùi Chu.

– Năm 1950: Ðức Cha tiên khởi Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tạ thế. Ngài sinh ngày 7/8/1868 tại Gò Công, theo học các trường các thày dòng tại Ðịnh Tường đến năm 1880. Sau đó Ngài được gửi theo học tại Ðại Chủng Viện Sàigòn. Ngày 19/9/1896, Ðức Cha Depiere tấn phong linh mục cho cha Gioan Baotixita và chọn người làm thư ký Tòa Giám Mục. Trước khi được tấn phong giám mục, ngài lần lượt giữ chức cha sở họ Tân Ðịnh, Bà Rịa. Năm 1935, Ðức Cha Marcou Thành từ chức, trao quyền Giám Mục giáo phận Phát Diệm cho Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng. Ðây là giáo phận thứ nhất được ủy thác cho hàng giáo sĩ Việt Nam.

– Năm 1951: Giáo phận Vinh trao cho đức tân Giám Mục Baotixita Trần Hữu Ðức.

– Năm 1953: Ðức Cha Giuse Trương Cao Ðại nhận quyền Giám Mục giáo phận Hải Phòng. Ðức tân giám mục sinh ngày 4/6/1913 tại làng Tiền Môn, An Lập, Thái Bình. Năm 1927, ngài theo học tại tiểu chủng viện Ninh Cường, sau đó tại Giáo Hoàng Học Viện Nam Ðịnh. Năm 1936, ngài được gửi sang học ở Ða Minh Học Viện tại Hương Cảng, sau đó tại Manila (Phi Luật Tân) và đậu tiến sĩ tại đại học Thánh Thomas. Năm 1953, Tòa Thánh chọn ngài làm giám mục cai quản địa phận hải Phòng, nhưng được hơn một năm thì phải di cư vào Nam. Ngài định cư tại Madrid (Tây Ban Nha) và mất tại đó vào năm 1955.

– Năm 1955: Giáo Phận Cần Thơ được thành lậop và được giao cho đức tân Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Ngài sinh tại Tân Ðịnh ngày 1/9/1910, gia nhập tiểu chủng viện Sàigòn năm 1922. Năm 1932, Ðức Cha Dumortier gửi ngài qua Rome theo học trường Truyền Giáo, và thụ phong linh mục năm 1937. Trước khi Tòa Thánh chọn Ngài làm Giám Mục, cha Bình lần lượt giữ các chức vụ như: giáo sư chủng viện (1943), tuyên úy các sư huynh Sàigòn. Năm 1948, thực hiện tờ báo Tông Ðồ, cha xứ họ Cầu Ðất. Ngày 20/9/1955, Tòa Thánh chọn ngài làm Giám Mục cai quản tân giáo phận Cần Thơ. Năm 1960, Ðức Cha Bình thuyên chuyển về Sàigòn và làm Tổng Giám Mục địa phận Sàigòn cho đến ngày qua đời.

– Năm 1955: Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền được tấn phong Giám Mục, và đảm nhận giáo phận Sàigòn, thay thế Ðức Cha Cassaige Sanh từ chức để đi làm tuyên úy Trại Cùi Di Linh.

– Năm 1957: Tòa Thánh cắt hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận (thuộc địa phận Qui Nhơn) và hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy (thuộc địa phận Sàigòn) để thiết lập Giáo Phận Nha Trang. Tân giáo phận này trao cho Ðức Cha Piquet Lợi.

 

(Các tài liệu được trích dẫn từ:

tập sách Giáo Hội Việt Nam của  Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ,

– bài Tìm Hiểu Giáo Hội Việt Nam của Nguyễn Vũ Tuấn Linh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *