Với hiệp ước này, Vatican cùng tham gia với Liên Hiệp quốc và một danh sách khoảng 130 quốc gia chính thức công nhận Palestine là một nhà nước độc lập. Hiệp ước công nhận quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Nó cũng cho phép các tổ chức Công giáo có thể tự thành lập ở nhà nước này và thực hiện công việc của mình cho phù hợp. Tòa Thánh mô tả thỏa thuận này như một điển hình về đối thoại và hợp tác để có thể phục vụ như một mô hình cho các quốc gia khác đa số dân theo Hồi giáo. Ông Riad Al – Malki, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Palestine: “Chúng tôi rất vui mừng và vinh dự khi chính thức ký kết các Hiệp ước toàn diện giữa Nhà nước Palestine và Tòa Thánh, sau một số năm thương lượng trên tinh thần hợp tác.”
Đức Ông Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các nước: “Trong thực tế phức tạp của Trung Đông, nơi mà trong một số quốc gia Kitô hữu thậm chí còn bị bách hại, Hiệp ước này chứng tỏ một điển hình tốt đẹp về đối thoại và hợp tác.” Thư ký của Vatican về Quan hệ với các quốc gia nói ngài hy vọng thỏa thuận này cũng sẽ giúp giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Palestine, thêm vào đó công nhận sự độc lập của họ có thể giúp tiến trình hòa bình được dễ dàng. Đức Ông Paul Richard Gallagher: “Tôi cũng hy vọng rằng mong muốn giải pháp hai nhà nước tha thiết mong muốn có thể trở thành hiện thực trong thời gian càng sớm càng tốt. Tiến trình hòa bình có thể tiến về phía trước chỉ khi nó được đàm phán trực tiếp giữa hai bên.”
Hiệp ước cũng cho phép Giáo hội Công giáo mở trường học và bệnh viện ở Palestine. Hơn nữa linh mục Công giáo sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra các công chức người Kitô hữu sẽ được phép tham dự Thánh lễ vào các ngày lễ tôn giáo. Nhưng tiến trình này chưa hẳn hoàn thành vào lúc này. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực đầy đủ chỉ khi một số vấn đề “hiến pháp và nội bộ” của Palestine được giải quyết. Jos. Tú Nạc, NMS