Ngày 30 Tháng 3
Thánh Benjamin
(c.424)
Thánh Benjamin
(c.424)
Kitô Hữu ở Ba Tư vui hưởng thái bình trong 12 năm dưới sự cai trị của Isdegerd, con vua Sapor III, thì vào năm 420 quốc gia này bị khuấy động bởi sự hăng hái thiếu khôn ngoan của Abdas, vị giám mục Công Giáo đã đốt Ðền Thần Lửa, một đền thờ của người Ba Tư. Vua Isdegerd đe dọa sẽ thiêu hủy tất cả các nhà thờ Công Giáo, nếu đức giám mục không xây lại đền thờ ấy.
Khi Ðức giám mục Abdas từ chối tuân hành, lời đe dọa đã trở thành sự thật; các nhà thờ trên toàn quốc bị thiêu hủy, chính Ðức giám mục Abdas thì bị tử hình, và một cuộc bách hại toàn diện kéo dài đến bốn mươi năm. Vua Isdegerd từ trần năm 421, nhưng thái tử kế vị là Varanes, tiếp tục bách hại Kitô hữu một cách dữ dội hơn. Các Kitô hữu bị tra tấn thật dã man.
Trong những người chịu đau khổ là Benjamin, một phó tế, bị kết án tù một năm trời vì Ðức Tin. Vào cuối thời hạn tù, một đại sứ của Hoàng Ðế Constantinople đã xin cho Benjamin được trả tự do, với điều kiện là ngài không được rao giảng đức tin cho các cận thần trong triều đình.
Tuy nhiên, Benjamin tuyên bố rằng, rao giảng về Ðức Kitô là một nhiệm vụ mà ngài không thể im lặng. Mặc dù ngài đã đồng ý với vị đại sứ và nhà cầm quyền Ba Tư, nhưng ngài không thể tuân lệnh mà bỏ lỡ cơ hội rao giảng Tin Mừng. Một lần nữa ngài lại bị bắt và đưa ra trước nhà vua. Bạo chúa này ra lệnh lấy tre vót nhọn đóng vào các móng tay và thân thể ngài, sau đó lại rút tre ra để máu đổ. Sau khi cực hình này được thi hành vài lần, một cái cọc có nhiều đốt được đóng vào hậu môn để xé nát thân thể ngài. Vị tử đạo đã tắt thở trong sự đau đớn khủng khiếp này vào năm 424.
Ngày 30 Tháng 3
Chân Phước Joan ở Toulouse
Vào năm 1240, một số tu sĩ dòng Carmel từ Palestine đến khởi sự một đan viện ở Toulouse, nước Pháp. Hai mươi lăm năm sau, vị linh mục nổi tiếng của dòng Carmel là Thánh Simon Stock đi ngang qua Toulouse. Một phụ nữ đạo đức đến xin gặp thánh nhân. Bà tự giới thiệu là Joan, và thành khẩn xin thánh nhân, “Có thể nào con trở nên một trợ sĩ của dòng Carmel không?”, Thánh Simon Stock lúc ấy là bề trên dòng. Ngài có quyền cho phép và đã chấp thuận thỉnh cầu của bà Joan. Và bà đã trở thành người nữ trợ sĩ đầu tiên. Bà được mặc áo dòng, và dưới sự chứng kiến của Thánh Simon Stock, bà đã khấn khiết tịnh trọn đời.
Bà Joan tiếp tục một đời sống âm thầm và đơn giản ngay tại nhà của mình. Bà cố gắng trung thành với các quy luật của dòng. Bà tham dự Thánh Lễ hàng ngày và hoạt động tông đồ ở nhà thờ dòng Carmel. Công việc hàng ngày của bà là đi thăm người nghèo, người bệnh và người cô đơn. Bà huấn luyện các chú giúp lễ. Bà giúp đỡ người già yếu qua những công việc vặt hàng ngày. Bà cầu nguyện với họ và an ủi tinh thần họ.
Chân Phước Joan thường mang trong mình một tấm ảnh Chúa Giêsu chịu nạn. Ðó là cuốn “sách” của bà. Thỉnh thoảng, bà hay đem tấm hình ra để chiêm ngắm. Người ta nói rằng, mỗi lần bà nhìn ngắm ảnh Chúa Giêsu, bà đều có những tư tưởng thật hay để chia sẻ.
Khi bà từ trần, bà được chôn trong nhà thờ dòng Carmel ở địa phương. Vì khi còn sống, bà là một phần tử tích cực của giáo xứ.
Trích từ NguoiTinHuu.com